Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân

Bài đăng ở Vietnamnet đã bị gỡ  ngay sau đó.
===========
Vũ Ngọc Hoàng
           

Nhân dịp các cơ quan ở trung ương đang thảo luận về kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân, với mong muốn góp một tiếng nói, tôi xin được trao đổi một số ý kiến để bạn đọc tham khảo. Từ sau đại hội XII đến nay, các cơ quan trung ương và các đồng chí lãnh đạo đã quan tâm đáng kể đối với vấn đề doanh nghiệp, khởi nghiệp, kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân. Tôi nghĩ thế là rất đúng. Nếu như trước đây, trong thời chiến tranh giữ nước, việc xây dựng các đơn vị bộ đội “cụ Hồ” để làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân đã có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi, thì ngày nay, trong hòa bình phát triển kinh tế, việc xây dựng các doanh nghiệp VN để làm nòng cốt trong kinh tế thị trường cũng có ý nghĩa quan trọng tương tự.

Trong lịch sử nhân loại, thuở ban đầu, khi con người bắt đầu xuất hiện, do yêu cầu sinh tồn, hoạt động kinh tế lúc bấy giờ là hái lượm. Nói cách khác, là kinh tế hái lượm. Sau đó, do tác động của thực tiễn, nhận thức của con người tiến bộ dần, công cụ lao động được cải tiến, sản xuất (kinh tế) tự cấp tự túc bắt đầu. Khi sản xuất có dư thừa và nhu cầu của cuộc sống đa dạng hơn, con người đã thực hiện trao đổi các sản phẩm làm ra, thì kinh tế hàng hóa xuất hiện. Khi kinh tế hàng hóa phát triển đến một mức độ nhất định, trong xã hội hình thành các phạm trù giá trị và giá cả, quan hệ cung cầu và cạnh tranh, không phải cá biệt, đơn lẻ mà thành các xu hướng, thì đó là lúc kinh tế thị trường bắt đầu, cùng với các quy luật khách quan, vô hình, nhưng mạnh mẽ, tác động chi phối nền kinh tế, thay thế cho nhũng ý muốn chủ quan của các chủ thể có quyền lực trước đó.

Trong quá trình phát triển của kinh tế thế giới, các nhà nghiên cứu, với các cách tiếp cận khác nhau, đã phân chia thành nhiều loại kinh tế thị trường. Như kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng XHCN…và các tên gọi kiểu khác nữa (kinh tế thị trường hiện đại, kinh tế thị trường hội nhập…). Việc thảo luận, tranh luận về các tên gọi khác nhau này dài dòng và phức tạp, kể cả về học thuật và chính trị, với những nhận thức đúng và chưa đúng, với những ý kiến khoa học và sự dung hòa thỏa hiệp.

Ở Mỹ, suốt một thời kỳ dài, người ta luôn nhấn mạnh kinh tế thị trường tự do, mọi việc của nền kinh tế do thị trường quyết định, nhà nước không can thiệp. Cho đến một lần, khi nước Mỹ bị khủng hoảng tài chính, chính phủ Mỹ bị buộc phải chi ra nhiều ngàn tỷ USA để can thiệp vào thị trường. Từ đó, người ta không nhấn mạnh kinh tế thị trường tự do như trước nữa. Tại một số nước Châu Âu, nhất là nước Đức, vào những năm năm mươi của thế kỷ trước, đã có những cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học về kinh tế thị trường tự do và kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, và cuối cùng vẫn không có thắng thua. Nhưng từ những cuộc tranh luận ấy đã làm nảy sinh và xuất hiện một cụm từ-khái niệm mới về “kinh tế thị trường xã hội” mà trong đó, nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước vì các mục tiêu xã hội. Tôi nghĩ đây là một khái niệm, một loại hình đang và sẽ thịnh hành nhất trong tương lai. Tại Trung Quốc, với tư tưởng xây dựng một xã hội XHCN đặc sắc Trung Quốc, người ta đã nghĩ ra kinh tế thị trường XHCN, trong khi họ chưa có CNXH. Việt Nam thì mềm hơn, phù hợp hơn so với Trung Quốc, đã chọn cụm từ “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Vậy là thế giới đã có nhiều tên gọi khác nhau về các loại kinh tế thị trường. Tuy nhiên, rộng rãi nhất, đã được quốc tế hóa, sử dụng phổ biến ở các văn bản quốc tế, đó là cụm từ-tên gọi “kinh tế thị trường”. Chỉ gọn vậy thôi. Không thêm từ gì nữa. Thế giới đã thống nhất cao đối với cụm từ đó. Việt Nam ta, mặc dù viết trong các nghị quyết và văn bản là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, nhưng cũng vẫn phải kêu gọi thế giới công nhận ta là nước có nền “kinh tế thị trường”. Ta không thể yêu cầu họ công nhận ta là “kinh tế thị trường định hướng XHCN” vì thực ra thì thế giới chưa hiểu về khái niệm này, mà có công nhận cũng chẳng để giải quyết vấn đề gì giữa ta với họ. Đó là một thực tế.

Từ ngữ cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là nội hàm của khái niệm. Cần hiểu đúng để không làm sai. Suốt một thời gian dài, trên thế giới, không ít người, nhất là ở các nước theo định hướng XHCN, cho rằng kinh tế thị trường là đặc điểm của CNTB, còn CNXH thì phải là kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Ngày ấy, ai nói khác, ai chủ trương phải chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường thì bị Liên-Xô và phe XHCN phê phán và quy chụp là xét lại. Thậm chí còn nâng lên là chủ nghĩa xét lại. Năm 1968, khi ban lãnh đạo Tiệp-Khắc chủ trương cải tổ bằng cách chuyển qua kinh tế thị trường và thực hiện dân chủ hóa thì Liên-Xô lập tức đổ quân vào Tiệp-Khắc và tuyên bố ban lãnh đạo ấy là xét lại, phế truất họ và lập ban lãnh đạo mới để kiên định cách làm như cũ. Những năm sau đó, nhất là sau khi Liên-Xô bị đổ, mọi người đã nhận thức lại, với tư duy thoáng mở và đúng đắn hơn, cho rằng kinh tế thị trường không phải riêng của CNTB, mà các nước XHCN cũng cần phải thực hiện kinh tế thị trường thay cho kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Đó là giai đoạn cải cách, đổi mới ở các nước theo định hướng XHCN. Tư duy đó là đúng, nhưng lại chưa đi đến cùng, vẫn còn cho rằng kinh tế thị trường ở các nước XHCN phải khác về chất so với kinh tế thị trường ở các nước TBCN. Với tư duy chưa đúng này đã dẫn đến những lúng túng trong xử lý công việc cụ thể, kể cả cách gọi tên. Tất nhiên việc lúng túng trong cách gọi tên cũng có thể một phần do sự dung hòa, thỏa hiệp khi có ý kiến khác nhau trong nội bộ. Đã mất một thời gian khá dài để tìm kiếm các điểm khác nhau đó.

Tư duy chưa đúng về kinh tế thị trường đã chịu ảnh hưởng của tư duy không đúng về vấn đề CNTB và CNXH. Lúc đầu là tư duy của một bộ phận quan trọng trong giới chính trị, kể cả bên phe này và bên phe kia, từ đó lan rộng ra trong hai hệ thống chính trị của thế giới và tác động sang lĩnh vực khoa học xã hội và truyền thông. Với tư duy sai lầm đó, người ta đã chia thế giới ra thành hai phần chủ yếu, hai phe, TBCN và XHCN, đi về hai hướng khác nhau, với tư tưởng và ý thức hệ riêng của mỗi bên, đối địch với nhau, chạy đua vũ trang đến mức chưa từng có, tạo ra kể cả các loại vũ khí giết người hàng loạt, đủ để có thể tiêu diệt nhiều lần trái đất, có lúc đã đối đầu xe tăng, đại bác và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào nhau, đã gây nên một số cuộc chiến tranh làm chết nhiều chục triệu người. Để rồi bây giờ, sau gần một thế kỷ đối đầu như vậy, đã phải bắt tay nhau để cùng giải quyết nhiều việc của song phương, của khu vực và của toàn cầu, kể cả coi nhau là đối tác chiến lược, toàn diện. Từ cựu thù thành bạn giữa con người với con người là việc đáng mừng, đáng ủng hộ. Nhưng bản thân sự ấy cũng đã chứng minh sai lầm trước đó, chứng minh sự “lẩm cẩm” từng có ở tầm nhân loại. Xét riêng ở một bên (một phe), thì có thể biện minh cho họ là không sai, vì chính bên kia đã đẩy họ đến đó. Nhưng xét cả hai bên cùng lúc, thì sẽ thấy sai lầm của họ-của cả hai bên. Sai lầm này, xét đến cùng, là do cả hai bên đều không chấp nhận sự đa dạng của tư tưởng, văn hóa và mô hình phát triển, trong khi họ đang và phải sống trong một thế giới ngày càng đa dạng và hội nhập. Sai lầm ấy là do tư duy không khoa học và thiếu biện chứng.

Cũng với tư duy sai lầm nói trên, người ta cho rằng nhân loại có hai con đường riêng. Một con đường của chủ nghĩa tư bản lâu dài. Và một con đường khác, gần như khác hẳn, dẫn đến CNXH. Hai con đường này đi về hai hướng khác nhau, mãi mãi, không dung hòa, không chấp nhận, không gặp lại nhau. Đó là cách tư duy siêu hình, không phải biện chứng, khác với tư duy của K. Marx. K. Marx không tư duy như vậy. Theo K. Marx, CNTB sẽ phát triển lên, phát triển tiếp, và dần dần hình thành trong lòng nó, trong chính nó, những nhân tố mới, khác nó, không phải là nó, như một quy luật tất yếu. Đến khi nhiều nhân tố mới hợp lại, tích tụ lại, đến mức đủ nhiều, dẫn đến sự thay đổi về chất, khi ấy, CNTB không còn là nó như trước nữa, mà trở thành một xã hội khác nó, tiến bộ hơn nó. Đó là CNXH. Tư duy đó của K. Marx là biện chứng, có cơ sở khoa học. Mặc dù không phải cái gì ông nghĩ ra cũng đều đúng, và điều đó cũng là dễ hiểu. Mọi người, kể cả các nhà khoa học lớn, kể cả các vĩ nhân cũng vậy, vẫn có nhiều điều, ngay từ đầu hoặc khi thời gian đi qua, không đúng hoặc không còn phù hợp nữa. Trong tư duy của K. Marx, một phần đáng kể thuộc về khoa học, một phần khác thuộc về tư biện, và trong đó, có những hạn chế của yếu tố lịch sử. Nghiên cứu thực tiễn của thế giới cho thấy, CNTB hiện đại ngày nay đã khác rất xa so với CNTB thời K. Marx sống và viết tư bản luận. Nó đã không còn như trước nữa, đã có một bước tiến rất dài về mục tiêu xã hội và phương thức xã hội hóa. Tức là đã gần hơn một cách đáng kể với CNXH. Họ đã tiến gần hơn đến CNXH không chỉ so với chính họ trước đây, mà kể cả so với các nước đã từng hoặc đang định hướng XHCN trên thế giới. Cũng tức là thực tiễn lịch sử đã và đang chứng minh tư duy của K. Marx về CNTB và CNXH là có cơ sở. Đó là ta nói về CNXH chân chính, lành mạnh, hợp quy luật, chứ không phải cái CNXH hình thức, nhân danh, giả mạo hoặc do tư duy và cách hiểu sai lầm, duy ý chí khá phổ biến lâu nay trong thực tế. Những tư duy sai lầm đó mãi đến nay, dù đã có những đổi mới nhất định, nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi tư duy cũ. Việc này xin sẽ tiếp tục bàn sâu hơn trong một chuyên đề khác.

Trở lại vấn đề kinh tế thị trường. Trong CNXH, kinh tế thị trường sẽ có gì giống hoặc khác so với kinh tế thị trường trong CNTB ? Nói trong CNTB là nói cái thực tế đã có. Nói trong CNXH là nói về cái dự báo, chứ chưa có. Dự báo thì dù có cơ sở khách quan vẫn thường chứa đựng cùng lúc cả khoa học và tư biện, chưa được kiểm nghiệm trong thực tế. Kinh tế thị trường thì dù trong CNTB hay trong CNXH vẫn phải là kinh tế thị trường, chứ không thể là cái khác, không để biến tướng thành dị dạng tật nguyền. Bản chất là giống nhau. Cơ bản không khác nhau. Điểm khác nhau chủ yếu là ở trình độ phát triển. Trong đó, năng suất lao động, hiệu quả kinh tế-xã hội, phạm vi của thị trường và tính chất xã hội hóa là những nội dung hàng đầu. Cũng xin nói thêm rằng, các mặt ấy, tức là về trình độ phát triển, thì hiện nay kinh tế thị trường ở nước ta và Trung Quốc còn thua xa nhiều nước mà ta gọi họ là TBCN. Đáng lưu ý hơn nữa là trong vòng 40 năm qua, nước ta dù có phát triển khá nhiều so với chính mình, nhưng lại vẫn bị tụt hậu xa hơn so với họ. Xét theo nghĩa đó, họ đang XHCN hơn ta, hơn Trung Quốc, dù họ không tuyên bố theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ta muốn thành CNXH thì phải hơn họ. Mà muốn hơn họ thì trước tiên là phải phấn đấu cho bằng họ. Và muốn bằng họ, trong khi ta đang ở phía sau, thì chỉ có một con đường là phải phát triển với tốc độ, nhịp độ và hiệu quả cao hơn họ. Việc đó không hề đơn giản, có người còn cho là ảo tưởng. Tôi nghĩ vẫn có cách nếu đủ thông minh. Phải có cán bộ giỏi, thật sự có năng lực, hết lòng tâm huyết với việc chung, không tham nhũng và “lợi ích nhóm”, cộng với việc biết tập họp, phát huy trí thức và sử dụng tối đa kinh nghiệm và chất xám của nhân loại. XHCN trước nhất phải là kết quả của hoạt động trí tuệ sáng tạo, chứ nhất định không thể là bảo thủ giáo điều. Đương thời khi còn sống, K. Marx đã từng không phải một lần có nói rằng, ông làm khoa học, muốn dự báo khoa học, chứ ông không định làm “chủ nghĩa”. Ông nói ông không phải là người Mác-xít. Sau này, khi K. Marx đã qua đời, một số đồng chí của ông cho rằng, để chiếu cố phong trào công nhân, cần có một ngọn cờ lý luận, thì không ai xứng đáng bằng K. Marx, vậy là từ đó, người ta gọi các quan điểm của ông là “Chủ nghĩa Mác”.

Theo tôi, nền kinh tế thị trường trong CNXH trước tiên phải là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa của nó, như nó vẫn có phổ biến lâu nay trong thế giới các nước phát triển, đồng thời phải ở trình độ cao hơn. Đại hội XII của Đảng CSVN đã khẳng định sự cần thiết của một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Đó là quan điểm đúng đắn nhằm bảo đảm cho kinh tế thị trường không bị biến dạng bởi sự chủ quan duy ý chí. Tiếp đến, nếu phân loại sâu hơn thì, kinh tế thị trường trong CNXH sẽ là một nền kinh tế thị trường xã hội. Trong đó, có vai trò đáng kể của nhà nước đối với việc điều tiết nền kinh tế vì mục tiêu xã hội. Nhà nước điều tiết một cách khoa học chứ không phải can thiệp thô bạo vào thị trường, càng không làm thay hoặc chống lại thị trường. Chính sách của nhà nước phải phù hợp với kinh tế thị trường, dựa vào các quy luật của thị trường để điều tiết chính nó. Nhà nước không kinh doanh, không để các cơ quan hành chính đi kinh doanh, các cơ quan chuyên chính càng phải thế. Việc chính của nhà nước là tạo điều kiện cho mọi chủ thể trong xã hội được kinh doanh thuận lợi, bình đẳng thật sư, không bị thị trường ngầm, không có buôn gian bán lậu, càng không để cho cán bộ của nhà nước tham gia hoạt động trong và cho các “nhóm lợi ích”. Trong nền kinh tế thị trường đó, năng suất lao động, trình độ ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiệu quả kinh tế-xã hội, phạm vi của thị trường và tính chất xã hội hóa phải cao hơn các nước phát triển hiện nay.

Sự lãnh đạo và quản lý (ngày nay người ta còn gọi quản trị quốc gia) là cần thiết. Nước nào cũng vậy. Nhưng không thể tư duy rằng, có sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước là đương nhiên thành một đặc trưng của kinh tế thị trường trong CNXH. Cách suy nghĩ này có phần chủ quan, không biện chứng. Giống như cách lý luận rằng, cái do ta làm ra là cái tốt nhất. Chắc gì! Nếu lãnh đạo và quản lý đúng, phù hợp quy luật khách quan, thì mới có nền kinh tế thị trường trong CNXH. Còn nếu lãnh đạo và quản lý không đúng, bị sai lầm, thì sẽ không có nền kinh tế như ta mong muốn. Sự lãnh đạo và quản lý chưa thể là một đặc điểm của nền kinh tế. Đặc điểm của nền kinh tế sẽ hình thành trong thực tế một cách khách quan, nó không phải là sự lãnh đạo và quản lý của ai, mà là kết quả của sự lãnh đạo và quản lý ấy thế nào.

Cần phân biệt giữa kinh tế nhà nước và kinh tế doanh nghiệp (nhà nước). Kinh tế doanh nghiệp và kinh tế nhà nước là hai phạm trù khác nhau, nằm ngoài nhau. Kinh tế doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp nhà nước) nằm ngoài phạm trù kinh tế nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước nên tiếp tục cổ phần hóa, chỉ còn lại rất ít, không đáng kể, hạn chế tối đa, càng ít càng tốt, có tính cá biệt chứ không phải là phổ biến, chỉ còn để phục vụ trực tiếp cho mục đích quốc phòng mà doanh nghiệp các thành phần khác không làm được. Doanh nghiệp nhà nước vẫn thuộc phạm trù kinh tế doanh nghiệp, như mọi doanh nghiệp khác, không phải phạm trù kinh tế nhà nước, không nên đưa vào trong bộ phận hợp thành kinh tế nhà nước, càng không phải là bộ phận then chốt của kinh tế nhà nước như trước đây ta vẫn nói. Còn kinh tế nhà nước là một phạm trù khác, không phải là một thành phần kinh tế như lâu nay vẫn thường quan niệm. Đó là ngân sách nhà nước và các quỹ dự trữ tài chính của quốc gia. Tài nguyên quốc gia do nhà nước quản lý cũng chưa tính vào kinh tế nhà nước vì tự nó chưa phải là một loại hoạt động kinh tế nào. Khi nhà nước bán các tài nguyên ấy, nhập vào ngân sách chung hoặc các quỹ dự trữ tài chính của quốc gia thì lúc ấy mới tính vào kinh tế nhà nước. Vậy, vai trò của kinh tế nhà nước sẽ là gì trong nền kinh tế ? Là trung tâm và công cụ điều tiết nền kinh tế thị trường xã hội. Nói gọn lại là vai trò “điều tiết”. Điều tiết chứ không phải lãnh đạo. Không nhầm lẫn vai trò của kinh tế nhà nước với vai trò của nhà nước. Vậy thì thành phần kinh tế nào là chủ đạo? Trước tiên cần thống nhất với nhau thế nào là chủ đạo. Đạo là đường, là con đường; chủ đạo là con đường chủ yếu, là hướng chủ yếu. Không thể cái nào cũng có thể trở thành chủ đạo. Một hướng đi mà sẽ tắt đường, không đến đích được thì không thể là chủ đạo. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng. Nghị quyết của Đảng đã khẳng định điều này. Đó là quan điểm đúng. Để có bình đẳng thật sự thì không nên quy định thành phần kinh tế nào là chủ đạo. Trong thực tế, một thành phần kinh tế nào đó sẽ trở thành chủ đạo khi nó đóng được vai trò quan trọng nhất, chi phối nhiều nhất đối với nền kinh tế. Muốn vậy, nó nhất định phải hiệu quả nhất. Do có hiệu quả nhất nên nó sẽ lớn mạnh nhất. Như vậy, sự chủ đạo là một kết quả khách quan, do hiệu quả kinh tế-xã hội quy định. Theo tôi, có cơ sở để dự báo rằng, trong chủ nghĩa xã hội kinh tế cổ phần sẽ đóng vai trò chủ đạo. Kinh tế cổ phần là sự phát triển lên từ kinh tế tư nhân. Nó không phủ định kinh tế tư nhân, mà trên cơ sở kinh tế tư nhân, do kinh tế tư nhân phát triển đến lúc vượt qua phạm vi của chính mình thì tự nó trở thành kinh tế cổ phần. Tất nhiên trong thực tế kinh tế cổ phần cũng còn cách khác để hình thành. Nhưng không phải là cơ bản, không phải là hướng chính. Hiệu quả nhất, bền vững và hợp quy luật nhất, là kinh tế cổ phần ra đời trên nền tảng của kinh tế tư nhân. Như vậy, có thể đi đến một ý kiến nữa, trong thời kỳ quá độ, kinh tế tư nhân là con đường chính. Và cũng không phải hết thời kỳ quá độ thì kinh tế tư nhân không còn vai trò nữa. Không phải thế! Hết thời kỳ quá độ kinh tế tư nhân vẫn giữ vai trò quan trọng, là nền tảng, là bộ phận chính để hợp thành và là nơi xuất phát để tự nó trở thành kinh tế cổ phần, đồng thời là hậu cứ khi cần tạm lui của kinh tế cổ phần.

Kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân có mối quan hệ biện chứng và mật thiết với nhau. Sự phát tiển của chúng sẽ là tiền đề, điều kiện, là nhân tố thúc đẩy hoặc kìm hảm lẫn nhau. Kinh tế tư nhân khó mà phát triển mạnh khi kinh tế thị trường không phát triển, và ngược lại. Không thể muốn kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ mà không muốn kinh tế tư nhân. Nói thế không có nghĩa là các thành phần kinh tế khác (ngoài kinh tế tư nhân) không có quan hệ với kinh tế thị trường. Điểm muốn nói ở đây là giữa kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân có quan hệ nhiều nhất, hơn các thành phần kinh tế khác. Điều đó là do, kinh tế thị trường yêu cầu sự năng động nhất và kinh tế tư nhân thì đáp ứng tốt nhất yêu cầu năng động đó.

Ở nước ta, kinh tế tư nhân có từ thời Pháp thuộc, mặc dù lúc ấy mới sơ khai, ban đầu, còn rất ít, và chủ yếu là tư bản nước ngoài-tư bản Pháp. Kinh tế cá thể thì có trước đó, trước xa, từ thời phong kiến trước Pháp thuộc. Trên thế giới cũng vậy, kinh tế tư nhân xuất hiện sau (so với kinh tế cá thể) và lớn mạnh nhanh chóng gắn liền với thời kỳ phát triển mạnh của kinh tế thị trường và sự ra đời của chủ nghĩa tư bản. Chỉ sau một thời gian không dài, khoảng vài thế kỷ, nhưng CNTB với vai trò hàng đầu của kinh tế tư nhân, đã tạo ra một lượng của cải vật chất “khổng lồ”, bằng tổng số của cải mà loài người đã tạo ra suốt mấy ngàn năm trước đó.

Ở nước ta, kinh tế thị trường mặc dù đã manh nha từ trước, nhưng thực chất cũng mới phát triển nhiều trong mấy chục năm gần đây, sau khi tiến hành đổi mới. Trước đây, kể cả ở Miền Bắc trước 1975 và cả nước sau 1975, trong một thời gian khá dài, kinh tế tư nhân chưa được thừa nhận. Lúc đó, nhiều người đã coi kinh tế tư nhân là đặc điểm riêng có của CNTB, nó còn lại như là một “tàn dư” của chế độ cũ. Ý kiến khác thì cho rằng kinh tế tư nhân là tạm thời, là quá độ, là “sách lược”, không lâu dài, không đại diện cho một tương lai. Ngày đó chúng ta đã thực hiện cải tạo công-thương nghiệp, làm cho một xu hướng phát triển cần thiết mới bắt đầu đã phải dừng lại, thậm chí tan tát, mất hết sức lực, lại bị mất tinh thần, sau này cứ ám ảnh, không dám phát triển, sợ bị “vỗ béo để thịt” như nhiều người đã nói. Nhận thức và chính sách ấy là rất sai lầm. Tất nhiên sau đó đã thấy sai và đã sửa. Không riêng ở nước ta. Liên-xô, Trung quốc và các nước XHCN trước đây ở Đông Âu cũng vậy. Ta học và làm theo họ. Nhận thức sai lầm này có nguồn gốc và nguyên nhân của nó. 

Trước đây người ta đã nghĩ rằng, sở hữu tư nhân là nguồn gốc sản sinh ra CNTB. Kinh tế tư nhân gắn liền với CNTB, thuộc về chủ nghĩa tư bản. Còn chủ nghĩa xã hội thì phải khác, phải ngược lại. Sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân không có vai trò trong CNXH. Công hữu mới là con đường đi đến và là đặc trưng cốt lõi của CNXH. Đúng là K. Marx đã có lúc nhấn mạnh “công hữu” trong xã hội tương lai (XHCN). Ông và Ăng-ghen nói điều ấy vào thời kỳ viết Tuyên ngôn cộng sản. Nhưng đó là lúc K. Marx và Ăng-ghen còn rất trẻ, 29 và 27 tuổi, hăng hái và đầy nhiệt huyết. Sau này, tiếp tục nghiên cứu quá trình phát triển trên thực tế của các nước tư bản, khi đã chín muồi về tư duy, thì K. Marx đã có những ý kiến mới, ý kiến khác. Khi thấy kinh tế cổ phần xuất hiện, ông đã cho rằng đó là con đường để đến xã hội tương lai. Theo tôi hiểu, K. Marx đã nhận định kinh tế cổ phần mới là con đường đi đến CNXH. Đó là sự điều chỉnh đúng và rất quan trọng trong tư duy của ông. Rất tiếc là các tài liệu nghiên cứu sau đó không nói rõ vấn đề này mà luôn nhấn mạnh “công hữu”- cái mà K. Marx đã muốn điều chỉnh, từ đó, nhấn mạnh đến kinh tế nhà nước. Như đoạn trên đã trình bày, kinh tế tư nhân phát triển dần lên, đến khi “vượt qua” chính mình thì xuất hiện kinh tế cổ phần, và đồng thời với nó là sở hữu xã hội ra đời. Kinh tế cổ phần và sở hữu xã hội chẳng những không đối lập, không loại bỏ kinh tế tư nhân và sở hữu tư nhân, mà ngược lại còn xuất hiện trên cơ sở của sự phát triển ở trình độ cao của kinh tế tư nhân và sở hữu tư nhân. Nói cách khác, kinh tế tư nhân và sở hữu tư nhân, do quy luật phát triển “tự nhiên” của chính nó, K. Marx gọi là quá trình lịch sử-tự nhiên của nó, đã tự biến đổi dần, hiện đại lên, thành kinh tế cổ phần và sở hữu xã hội. Sự ra đời của kinh tế cổ phần hoàn toàn không phải là sự kết thúc của kinh tế tư nhân, mà là một sự tiếp tục, sự phát triển “nhảy vọt”, về chất. Trong kinh tế cổ phần, vai trò của các tư nhân không bị đánh mất, sở hữu tư nhân đối với phần vốn của họ không bị tướt đoạt, nó tồn tại lâu dài mãi, và có thể ngày càng tăng thêm lên nếu như hoạt động kinh tế có hiệu quả tốt, nó chỉ khác ở chỗ là quá trình quản trị , tổ chức kinh doanh và thực hiện phân phối đã được xã hội hóa. Ăng-ghen có lần đã nói Marx và ông muốn viết lại, muốn sửa đổi một số vấn đề trong Tuyên ngôn cộng sản đã viết, nhưng không làm được vì tài liệu ấy mang tính chất lịch sử, chỉ còn cách là phải có bổ sung và điều chỉnh trong các tài liệu khác.

Hiện nay, tại nhiều nước phát triển, phần vốn cổ phần huy động từ xã hội đã chiếm đại bộ phận so với tổng số vốn đầu tư phát triển. Còn phần vốn tư bản tư nhân chỉ còn lại số ít. Với tỷ lệ ấy, sở hữu xã hội đã trở thành phổ biến. Khi sở hữu xã hội sẽ ngày càng phổ biến trong nền kinh tế thì tính chất chính trị của xã hội cũng thay đổi theo, dân chủ hóa phát triển, quyền lực từ chỗ bị giới tài phiệt nắm giữ và chi phối (thời kỳ đầu của CNTB) sẽ chuyển sang thuộc về nhân dân. CNTB hiện đại đã xuất hiện theo con đường như vậy. Chính điều này đã góp phần quan trọng nhất để CNTB không còn là nó như vốn có trước kia, mà trở thành CNTB hiện đại ngày nay – đã khác rất nhiều, đã khác căn bản về chất so với CNTB thời K. Marx sống và viết Tư bản luận. Nói cách khác, CNTB dần dần không còn là CNTB nữa, mà chính nó đã tiến gần đến CNXH. Trong khi đó, tại các nước định hướng XHCN, trong đó có VN, kinh tế (doanh nghiệp) nhà nước rất kém hiệu quả, phần lớn đã thua lỗ kéo dài, lãi thì bị đem phân chia, nhưng lỗ thì nhà nước gánh chịu, nợ nần chồng chất, tham nhũng nhiều, mất tiền, mất cán bộ và mất lòng tin. Khác hẳn kinh tế nhà nước, trong nội bộ kinh tế tư nhân, vấn đề tham nhũng của doanh nghiệp sẽ bị triệt tiêu, tiết kiệm và chống lãng phí cũng sẽ tốt hơn nhiều. Việc thất thoát của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua cũng đã lên tới nhiều trăm ngàn tỷ đồng. Riêng điều đó cũng đã chứng tỏ kinh tế nhà nước nhìn chung kém xa so với kinh tế tư nhân về mặt hiệu quả kinh tế. Tôi cũng không rõ tại sao lại có tài liệu đánh giá là kinh tế nhà nước có hiệu quả tốt? Theo chỗ tôi biết thì mấy năm trước đã có ý kiến phân tích rằng, doanh nghiệp nhà nước có lúc đã chiếm giữ phần lớn nguồn lực chủ yếu của quốc gia nhưng mới tạo ra phần ít GDP, còn kinh tế ngoài quốc doanh chỉ chiếm phần ít nguồn lực nhưng lại tạo ra phần lớn GDP ? Nếu tư liệu đó là đúng thì hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước là rất thấp so với ngoài quốc doanh. Thực tế về tình hình và kết quả hoạt động kinh tế những năm qua cho thấy, không thể tiến lên CNXH bằng việc tạo ra chế độ công hữu về tư liệu sản xuất theo ý muốn chủ quan, cùng với việc lập ra nhiều doanh nghiệp nhà nước cácác loại để trực tiếp quản lý các nguồn tài nguyên và hoạt động với cơ chế ưu tiên hơn các thành phần kinh tế khác. Mà CNXH chỉ có thể là kết quả tất yếu của một nền kinh tế thị trường, mà trong đó kinh tế tư nhân phát triển rất cao, đến mức vượt qua giới hạn của chính mình để trở thành kinh tế cổ phần và sở hữu xã hội, cộng với một nền văn hóa giàu tính nhân văn và một nền chính trị thật sự dân chủ.

Đại hội XI của Đảng CSVN khi nói về đặc trưng của CNXH, đã điều chỉnh từ chỗ nhấn mạnh vai trò của “công hữu” về tư liệu sản xuất (trước đó) sang quan hệ sản xuất “tiến bộ phù hợp”. Nói quan hệ sản xuất “tiến bộ phù hợp” thì không sai, nhưng vẫn còn rất trừu tượng, chưa đủ rõ và không ít khó khăn trong chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, việc không nói đến “công hữu” trong đặc trưng của CNXH là một bước tiến đáng kể trong đổi mới tư duy. Đại hội XII tiếp tục phát triển tư duy theo hướng tiến bộ, khẳng định kinh tế tư nhân có vai trò “quan trọng” trong xây dựng và phát triển đất nước. Nói kinh tế tư nhân có vai trò “quan trọng” là vừa phải, xét theo tư duy chính trị trong hoàn cảnh cụ thể của nhận thức chung, nhưng cũng là chưa đủ, xét theo tư duy kinh tế. Tôi nghĩ, kinh tế tư nhân ở VN rất cần và tất yếu sẽ phát triển lâu dài, mãi mãi, không giới hạn về thời gian và quy mô. Hoàn toàn có thể khẳng định rằng, kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và lành mạnh sẽ là động lực quan trọng hàng đầu để cho đất nước phát triển, chẳng những không sợ chệch hướng mà ngược lại sẽ là con đường chính, con đường chủ yếu để đi đến CNXH. Chắc mới nghe qua nhiều người sẽ cảm thấy như “ngược đời” hoặc cho là có sự “nhầm lẫn” hay “chệch hướng” nào đó. Nhưng không! Đó là ý kiến nghiêm túc và có trách nhiệm, chứ không nhầm lẫn gì đâu. Vì rằng, kinh tế tư nhân sẽ đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội-chính trị lớn hơn nhiều, so với doanh nghiệp nhà nước, xét trên nhiều phương diện. Như phần trên đã nói, doanh nghiệp nhà nước đã làm mất lòng tin quá nhiều, mất gần như đa phần rồi, mặc dù vẫn còn một số ít doanh nghiệp có hiệu quả, nhưng không thể bù lại được sự mất mát quá lớn đã xảy ra. Các năm gần đây nhiều dự án làm mất đi nhiều ngàn tỷ đồng đã hủy hoại lòng tin của dân chúng đối với các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước. Gần đây, với sự kiên quyết hơn trong chống tham nhũng của Bộ Chính trị và Chính phủ được nhiều cán bộ đảng viên và nhân dân hoan nghênh đã bắt đầu khôi phục một phần lòng tin, dù chưa nhiều nhưng quan trọng. Tuy nhiên, đó mới là lòng tin về chính trị, còn lòng tin đối với doanh nghiệp nhà nước thì vẫn không trở lại. Từ lòng tin đối với doanh nghiệp nhà nước sẽ dẫn đến lòng tin đối với nhà nước. Để mất lòng tin thì sẽ làm hỏng và sụp đổ nền tảng chính trị. Mất lòng tin là mất tất cả. Trong kinh tế có quy luật rằng: Khi đạt hiệu quả cao mới có thể tái sản xuất mở rộng nhiều, tức là mới có thể phát triển mạnh. Mặt khác, kinh tế thị trường sẽ phát triển mạnh mẽ nhất khi nó gắn với kinh tế tư nhân. Mà kinh tế thị trường trong CNXH chỉ có thể là sự tiếp nối kinh tế thị trường trong CNTB, chứ không thể nảy sinh từ “ý chí chủ quan”. CNXH nhất thiết phải là kết quả của một sự phát triển cao và bền vững về kinh tế, và từ đó, tạo điều kiện tác động tới (và tác động trở lại) để có một nền văn hóa giàu tính nhân văn. Phát triển mới là con đường đúng nhất đi đến CNXH. Giáo điều và duy ý chí không thể đến được CNXH thực chất, thậm chí sẽ ngày càng chệch hướng xa hơn và khủng hoảng. Các nước Bắc Âu đã tiến đến gần với CNXH, họ đã chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi tác động tư tưởng của quốc tế XHCN mà trước đây Liên-xô và phe XHCN đã từng nhiều lần lên án và ghép vào “chủ nghĩa xét lại”, trong khi đó, mô hình mà Liên-xô và các nước Đông Âu lựa chọn thì đã thất bại và sụp đổ trên thực tế. VN, TQ và Cu-ba thì còn quá xa để có thể tới được CNXH, thậm chí nếu không đổi mới một cách căn bản thì khó mà đến được CNXH.

Để kinh tế tư nhân ở nước ta có điều kiện phát triển mạnh mẽ, cần tập trung giải quyết vấn đề bình đẳng thật sự giữa kinh tế tư nhân với kinh tế và doanh nghiệp nhà nước, giữa doanh nghiệp vốn trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn, đồng thời có chính sách trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh và khởi nghiệp, không tham nhũng, tiêu cực và “lợi ích nhóm”; bảo vệ lâu dài quyền sở hữu tài sản cá nhân và sở hữu trí tuệ.

Chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng đắn, thuộc về tư duy đổi mới. Trong cổ phần hóa có hai yêu cầu chính yếu: Thứ 1, phải hướng đến một năng suất và hiệu quả cao hơn. Thứ 2, tạo ra sở hữu xã hội. Chính yêu cầu thứ hai là sự phân biệt giữa cổ phần hóa và tư nhân hóa. Nếu nhân danh “cổ phần hóa” để rồi thực hiện tư nhân hóa mà gây thiệt hại cho nhà nước và làm lợi cho một số cá nhân trong “nhóm lợi ích” thì quả là sai lầm lớn. Nói vậy không phải xuất phát từ định kiến với tư nhân hóa. Nhưng cái gì nó phải ra cái đấy, cần minh bạch rõ ràng. Nhà nước có thể bán doanh nghiệp nhà nước cho tư nhân, vẫn tốt, không sao cả. Đó là tư nhân hóa. Còn cổ phần hóa thì phải đúng là cổ phần hóa, để góp phần hình thành kinh tế cổ phần và sở hữu xã hội. Doanh nghiệp nhà nước nào nên cổ phần hóa và doanh nghiệp nhà nước nào nên tư nhân hóa là một bài toán mà lời giải của nó phải xuất phát từ cơ sở khách quan, khoa học, gắn với tư duy đúng về quản trị doanh nghiệp và nhất là mục tiêu phát triển hiệu quả, chứ không phải là suy nghĩ chủ quan, càng không phải “lợi ích nhóm”. Để có thể phân loại và có hướng xử lý đúng, cần có một số tọa đàm khoa học để thảo luận.

Hà Nội đầu tháng 5.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét