Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Những "thâm cung bí sử" kỳ bí của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa: Chuyện bây giờ mới kể

Hoàng Anh Sướng 


SKĐS - Nổi tiếng cả nước từ khi mới 7-8 tuổi, được người đời mệnh danh là “thần đồng thơ Việt Nam”, “ngàn năm trước chưa hề có, ngàn năm sau chưa chắc đã gặp” và cho đến tận bây giờ, tên tuổi của anh vẫn rất nóng.

Hàng vạn bài báo đã viết, hàng trăm thước phim truyền hình trong và ngoài nước đã làm về anh. Những tưởng cuộc đời nhà thơ Trần Đăng Khoa chẳng còn gì là bí mật. Vậy mà, khi được nghe những câu chuyện lạ lùng, kỳ bí mà tôi sắp kể ra đây, tôi mới giật mình vỡ lẽ: Hóa ra, những điều trước đây người ta viết về anh, chỉ là phần nổi của hòn “đảo chìm” Trần Đăng Khoa, cái phần chìm sâu dưới đáy đại dương kia mới là cái nền tạo nên cốt cách, tài năng của một thiên tài. Kể lại những câu chuyện kỳ bí, đôi khi mang màu sắc liêu trai này cũng là để gợi mở cho các nhà nghiên cứu một hướng tiếp cận, lý giải về những cơ duyên đặc biệt tạo nên khả năng đặc biệt của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa.

TỪ TIẾN KIẾP, CHÚNG TÔI LÀ MỘT CẶP SONG SINH?

Tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa quen biết nhau dễ đã ngót 20 năm, từ hồi, tôi còn là Trưởng đại diện của Tạp chí Thế giới mới tại Hà Nội và anh là cộng tác viên đặc biệt của báo. Cùng với thời gian, càng chơi, chúng tôi càng hiểu nhau, đến độ nhiều lúc ngồi thưởng trà, không ai nói với ai một lời mà chúng tôi vẫn đọc được, vẫn hiểu được những suy nghĩ của nhau. Cũng bởi càng hiểu nhau nên tình thân càng thêm gắn bó. Tuy sinh ra không cùng dòng máu nhưng tình yêu thương chúng tôi dành cho nhau chẳng khác chi ruột thịt. Mọi buồn vui trong đời, tôi và anh luôn đồng hành, chia sẻ. Hai anh em, hai tính cách, hai số phận nhưng đều có chung một điểm, đó là lòng tốt, là sự tử tế. Cả đời, nhà thơ Trần Đăng Khoa chưa một lần cố ý làm hại ai. Tôi cả đời cũng chưa một lần hữu ý hãm hại ai bao giờ. Mặc cho dòng đời trong đục, hai anh em nương vào nhau, giữ gìn, tưới tẩm tâm tốt cho nhau, những mong mang những điều tốt lành, đẹp đẽ cho người, cho đời. Hai anh em tuy cách nhau nhiều tuổi nhưng khi đã là tri kỷ thì chẳng có khoảng cách nào. Tôi và anh tuy hai mà một. Sự thành công, niềm hạnh phúc của người này cũng chính là niềm hạnh phúc, sự thành công của người kia. Có những người, cả đời khát khao đi tìm tri kỷ mà cuối đời, tri kỷ vẫn vời vợi nơi nao. Tôi và anh, nhờ duyên lành, không hẹn mà gặp, không tìm mà đến. Ngẫm thế, mới thấy hai anh em chúng tôi thật may mắn và hạnh phúc biết bao.

Trần Đăng Khoa hồi bé.


Có một điều vô cùng đặc biệt là tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa sinh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng (5h chiều ngày 26 tháng 4). Không biết có phải vì thế mà số phận của hai anh em có những điều trùng hợp đến kinh ngạc. Nhiều chuyện xảy ra với chúng tôi chỉ cách nhau vài hôm, thậm chí vài giờ. Ví như anh Khoa ốm, tôi cũng ốm. Mẹ tôi cấp cứu vì bệnh tim hôm trước, hôm sau mẹ anh cũng cấp cứu vì bệnh tim. Bố anh mất, bố tôi cũng mất. Ở một mình, có lần tôi để bọc tiền vào túi đựng rác, rồi nhãng ý đổ đi. Một tuần sau, anh cũng lẳng cái túi giấy bóng đựng giấy lộn vào xe chở rác, về nhà mới chợt nhớ trong đó có bọc tiền vừa rút ở ngân hàng. Buổi sáng, phòng anh sặc sụa mùi chuột chết. Buổi tối, phòng tôi cũng nồng nặc mùi chuột chết. Sáng sớm, rắn trắng bò vào nhà anh. Buổi trưa, rắn đỏ chui vào gầm xe ô tô của tôi. Cách đây ít tuần, tôi bị chấn thương cổ tay rồi chuyển sang viêm khớp. Ít hôm sau, anh cũng bị viêm khớp gối và cả hai anh em đều phải tiêm thuốc Voltarel... Nhiều người chứng kiến những sự trùng hợp đến kỳ lạ này giữa tôi và anh, đã lý giải bằng tâm linh: “Có lẽ kiếp trước, chúng tôi là một cặp song sinh. Kiếp này, đủ duyên hội ngộ nên số phận hai anh em mới trùng lặp nhau đến vậy”.

Vì thân nhau như ruột thịt nên những chuyện “thâm cung bí sử” của cuộc đời mỗi người, tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa đều biết. Và thú thực, rất nhiều lần, tôi đã sởn da gà, lạnh sống lưng, há hốc mồm vì kinh hãi khi được nghe những câu chuyện kỳ bí, nhiều khi kinh hoàng, đầy màu sắc liêu trai, không thể lý giải nổi của cuộc đời anh, cuộc đời của một thần đồng thơ nổi danh từ khi lên 8 tuổi.
TỪNG... CHẾT KHI VỪA LÊN 1

Nhà thơ Trần Đăng Khoa sinh ra tại làng Điền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương trong một gia đình thuần nông. Ngay từ đầu năm 1958, bố mẹ anh là một trong những nông dân đầu tiên của làng tham gia Hợp tác xã nông nghiệp. Thời điểm đó, quê anh bắt đầu thực hiện cải tiến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi bằng cách áp dụng phương pháp cấy dày như gieo mạ của Trung Quốc và nuôi lợn bằng… phân trâu. Kết quả của cuộc cải tiến kỹ thuật chết người đó là ruộng lúa biến thành bãi cỏ còn lợn thì gầy giơ xương như chó bị đi kiết. Thậm chí phân của đàn lợn bụng ỏng đít beo ấy dùng để bón cho lúa cũng chẳng có tác dụng gì. Thế mà người nông dân làng Điền Trì vẫn đua nhau cải tiến. Trồng khoai, thay bằng trồng từng luống theo lối truyền thống, người ta chẻ tre đan những cái sọt to như cái bồ. Bao nhiêu phân và đất màu mỡ, họ hót lên, đổ vào trong sọt, làm thành cái ụ cao ngang đầu người rồi cấy dây khoai lang vào. Cuối cùng, khoai chết, ụ đất thành một cái lô cốt rắn đanh như đá, ruộng thì bạc hết màu. Cả làng đói vàng mắt. Đói quá, đói đến run người, không chịu nổi nên vớ cái gì cũng ăn. Lá sắn, lá sung, rau ngổ, rau cúc tần, họ hái cả rổ, cho vào nồi luộc, ăn ngấu ăn nghiến như lợn. Một thời gian sau, những thứ rau vốn dĩ dành cho trâu, bò, gà, lợn ấy cũng cạn kiệt, người ta phải ăn đu đủ. Ăn hết quả rồi thì ăn lá. Lá hết thì ăn thân. Bỏ cái vỏ ngoài, cạo sạch cái lòng trắng bên trong, luộc đổ nước đầu đi, rồi nấu lên ăn. Cuối cùng thân cũng hết, phải đào ăn cả rễ. Nhiều người ăn xong nôn thốc nôn tháo vì say. Nhà cậu bé Khoa có cái ao thả bè muống nên khá hơn. Có điều, rau non hết, phải ăn cả rau già, rồi ăn cả gốc. Gốc muống rửa sạch, thái nhỏ phơi khô, thổi lên như thổi xôi, đổ ra rá, trông đen như phân trâu thế mà mỗi bữa, ăn vã cũng được 4-5 bát. Vì gặp cái gì cũng ăn, rồi nốc nước lã nên cả làng đi tả. Người chết như ngả rạ. Có người chết rồi mà mồm vẫn há ngoác như miệng cá ngão, gia đình vã rượu, bóp thế nào mồm vẫn không khép lại được. Khổ! Họ đói quá mà nên đến khi chết, cái miệng vẫn há ra như đòi ăn. Nhìn cảnh tượng ấy, người ta cứ liên tưởng đến cảnh chết đói năm 1945.

Cậu bé Khoa đang đọc thơ cho mẹ nghe.

Vì chết do tả nên người ta phải chôn vội chôn vàng, sợ bị lây nhiễm. Nhiều khi, người chết vừa trút hơi thở, gia đình đã vội bó chiếu, rắc vôi bột, vừa khiêng vừa chạy huỳnh huỵch ra cánh đồng làng chôn, chẳng còn hơi sức, tâm trí đâu mà kêu khóc. Dường như ngày nào làng cũng có người chết. Cả làng nháo nhác cả lên. Sau này, khi bốc mộ sang cát, có trường hợp vô cùng đặc biệt khiến mọi người giật mình kinh hãi. Đó là bà Nguyễn Thị C., dì họ của cậu bé Khoa. Bà cũng chết vì bệnh tả nhưng may mắn hơn người khác là được chôn bằng quan tài, dẫu là đóng vội bằng gỗ tạp. Hôm bốc mộ, khi bật nắp quan tài, đập vào mắt mọi người là con dao nhỏ, sắc có chuôi nhọn mà khi còn sống, bà C. thường dùng để têm trầu, lúc khâm liệm, gia đình đã để trong quan tài, gần tay trái bà, giờ đây, con dao ấy cắm chặt vào mép tấm ván thiên. Mọi người òa khóc vì nghĩ rằng, sau khi chôn lấp, bà đã sống lại. Và chính tay bà đã đâm phập con dao sắc nhọn ấy vào nắp ván thiên để báo cho con cháu biết sau này. Xót xa vô cùng. Nhiều người thảng thốt tự hỏi: không biết trong số hàng chục người chết bó chiếu chôn vội chôn vàng ấy, có ai sống lại như bà C. không? Nghĩ thế mà thấy rùng mình. Sợ quá, chua xót quá.

Cũng năm ấy, cậu bé Khoa tròn 1 tuổi, cũng bị đi tả. Miệng nôn chôn tháo suốt buổi sáng. Đến trưa cậu lả đi. Anh trai cậu, nhà thơ Trần Nhuận Minh, khi đó 15 tuổi, ở nhà trông em, lay gọi mãi mà cậu vẫn nằm bất động. Anh kêu toáng lên, đúng lúc mẹ anh đi làm đồng về. Bà vứt vội đôi quang gánh ngoài sân, lao vào nhà, bế xốc cậu lên, vỗ lưng, vỗ mông đen đét, gào gọi nhưng Khoa vẫn nằm èo uột như một dải khoai, người lạnh ngắt. Mẹ cậu khóc ầm lên. Anh Luận, nhà kề bên, nghe tiếng gào khóc, vội chạy sang. Anh dứt một sợi tóc, đặt ngang lỗ mũi cậu bé Khoa rồi căng mắt nhìn, nín thở. Một phút. Hai phút. Ba phút. Không thấy sợi tóc lay động. Anh thở dài bảo: “Thằng bé chết rồi”. Anh lấy manh chiếu rách, bó Khoa tròn lại rồi chặt cây tre non, pha ra làm lạt, buộc chặt ba nút. Anh bảo: “Phải đem chôn gấp chị ạ kẻo lây ra cả nhà”. Mẹ Khoa níu tay anh Luận, vừa khóc, vừa nói, giọng như van nài: “Chú để cho cháu nằm thêm ở nhà một lúc. Tội nghiệp nó”.

Anh Trần Nhuận Minh chợt nhớ đến người cậu ruột là ông Trần Quang Tính, một thầy lang nức tiếng. Anh vội hớt hải chạy sang gọi. May sao, ông Tính lại có nhà. Ông nhẹ nhàng cởi nút lạt, mở manh chiếu, phanh hết quần áo của Khoa ra. Người Khoa tái nhợt, da nhăn nhúm. Ông nắm cổ tay Khoa bắt mạch rồi khẽ thở dài. Ông bốc một nắm đất vách, rắc lên bụng Khoa rồi cầm con dao nhỏ, mũi nhọn, sắc mà mẹ Khoa hay bổ cau, khứa nhẹ lên đuôi mày bên mắt phải cậu. Không thấy máu chảy. Theo phong tục địa phương, đó là cách đánh dấu những đứa trẻ bị chết non, chết yểu để sau này dễ nhận biết nếu đứa trẻ lộn lại đầu thai lần nữa trong nhà. Ông Tính vừa khứa vừa nói: “Mong cháu kiếp sau đầu thai vào gia đình khác cho đỡ khổ”. Nói đoạn, ông giơ bàn tay với những ngón thon dài, thanh mảnh lên nhẩm tính rồi bảo: “Chị cứ chờ đến giờ Dậu rồi hãy mang cháu ra đồng”. Nghe vậy, anh Minh òa khóc nức nở. Anh sực nhớ đến ông Nguyễn Văn Thảo, người làng bên, vốn là y tá quân đội vừa về phục viên. Anh ù té chạy đến nhà ông cầu cứu. Ông Thảo bảo: “Thôi thì còn nước còn tát”. Ông tiêm cho Khoa một mũi thuốc cấp cứu rồi rút 5 đồng tiền trong túi, dúi vào tay anh Minh, bảo anh chạy nhanh đi mua thuốc. Ông ghi tên một cửa hàng thuốc ở mãi thị xã Hải Dương, cách làng chừng 10 km. Đường đến thị xã phải qua bến sông Hàn. Đó là một con sông rộng, nước mênh mông. Thuyền qua lại thưa thớt. Anh Minh đội nón, khoác áo tơi, vừa chạy vừa thở dốc. Mệt muốn đứt hơi nhưng vẫn cố chạy sao cho thật nhanh. May sao, cả lúc đi và về, đều có đò đợi sẵn, không phải chờ. Sau này, anh mới biết, thứ thuốc ông Thảo sai mua là sâm. Năm đồng được một mẩu bằng hai đốt ngón tay út. Ông Thảo cắt nhỏ, sắc với nước rồi đổ vào miệng Khoa.

Mái nhà gianh rách nát gắn bó suốt tuổi thơ của bé Khoa.


Cả nhà ngồi chờ. Không khí nặng nề, ảm đạm bao trùm lên căn nhà gianh rách nát. Thỉnh thoảng, mẹ Khoa lại gục mặt vào người cậu, khóc nấc lên, tiếng khóc ai oán, nỉ non. Thế rồi đến đúng cái giờ đem cậu đi chôn thì chợt có tiếng ọ ẹ. Bà mẹ giật mình. Nền đất thằng bé nằm in vệt thâm xỉn. Bà kêu lên: “Cậu Tính ơi! Cậu xem này”. Ông Tính lật đật chạy lại rồi reo lên: “Hình như thằng cu đái này”. Vừa lúc ấy cậu bé khẽ cựa quậy rồi cất tiếng khóc ọ ẹ. Tiếng khóc yếu ớt như tiếng mèo hen. Ông Tính vội vàng chạy ra trước bàn thờ gia tiên, thắp hương, chắp tay lạy như tế sao. Ông cười bảo: “Thằng cu này chết đi sống lại thế này là người nhà giời đấy. Sau này nó ắt hơn người”. Từ bấy, gia đình Khoa coi ông Thảo là vị ân nhân, là người cha thứ hai của Khoa. Tết năm nào, bố mẹ cậu cũng sắm một túi quà nhỏ biếu ông để tạ ơn cho đến tận khi ông qua đời.

Có một vị cao tăng, sau khi nghe vụ chết đi sống lại đầy ly kỳ trên của cậu bé Khoa, đã lý giải: “Cũng giống như các nhà ngoại cảm Việt Nam, có khả năng đặc biệt sau một cơn đột biến, vụ sống lại bất ngờ của Khoa sau khi chết đã kích hoạt những nơ-ron thần kinh đặc biệt nào đó trong não bộ, vì thế, mới 7, 8 tuổi đầu, anh đã viết những bài thơ trác tuyệt. Việc chết đi sống lại cũng có thể là một cơ duyên để anh tiếp nhận những năng lượng đặc biệt từ vũ trụ để tạo nên một thần đồng thơ lừng lẫy sau này”.

VỤ TAI NẠN LẠ LÙNG ĐẦY LIÊU TRAI

Mấy chục năm sau vụ chết đi sống lại kỳ lạ ấy, thần chết lại một lần nữa suýt cướp đoạt tính mạng nhà thơ Trần Đăng Khoa. Một vụ tai nạn lạ lùng đã xảy ra với anh mà cho đến tận bây giờ, chính anh vẫn ngơ ngác không hiểu tại sao mình vẫn còn sống? Tại sao nó lại xảy ra một cách kỳ lạ như trong chuyện “Liêu trai chí dị” vậy?

Chuyện là, năm 1996, sau khi đi du học ở Nga về, nhà thơ Trần Đăng Khoa dành dụm được một khoản tiền, mua chiếc xe cup 82 đời 96. Chiếc xe mới coóng, giá 1.600 USD. Thời điểm đó, chiếc xe là cả một tài sản lớn. Mua xe hôm trước, hôm sau, anh phóng về quê thăm gia đình. Buổi chiều, quay trở lại Hà Nội, đến gần cầu Ghẽ, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, anh dừng lại đi tiểu ở bụi cỏ bên lề đường. Chiều xế, đường vắng. Cánh đồng bên đường vừa gặt còn thơm mùi rạ. Anh chợt rùng mình. Như có một luồng gió lạnh chạy dọc sống lưng. Anh nhìn xuống dưới chân mình. Quái, sao vạt cỏ hoang mình đi tiểu, đứa trẻ nào lại nghịch bậy cắm hương vào thế này? Hương có phải chỗ nào cũng cắm được đâu? Hay là có mộ? Không! Không phải mộ. Chẳng có ai lại chôn người nhà ở lề đường. Vẫn là vạt cỏ úa, chỉ có mấy hòn gạch vỡ xếp lên. Thì cũng như bạt ngàn những vạt đất lề đường. Chỉ khác là có vài chân hương tắt đã lâu. Cái xiêu, cái vẹo. Rồi anh lại nghĩ, chắc có cỗ xe tang nào đó đi qua, người ta vứt những chân hương tắt ra. Rồi gió do các luồng xe chạy cuốn vào lề đường. Anh không biết đấy là ngôi mộ gió. Có thể ai đó bị tai nạn giao thông ở đây, rồi người dân xếp mấy hòn gạch và đất đá, cắm mấy nén hương. Mộ gió đâu có xương cốt, và như thế, đâu phải là mộ. Ấy là sau này anh biện bạch thế, chứ lúc ấy, anh chẳng để ý làm gì. Anh lên xe, tiếp tục phóng đi. Nhưng rồi đi một quãng, anh có cảm giác là lạ. Đầu óc bồng bềnh, váng vất, mơ mơ màng màng, giống như người buồn ngủ. Nhưng không thấy buồn ngủ. Anh vội kéo hất tấm kính che mặt trên mũ bảo hiểm lên, để gió cuối thu se lạnh táp vào mặt lành lạnh nhưng vẫn không xua được cái cảm giác lơ mơ. Đưa mắt nhìn về phía cánh đồng. Sương mù giăng giăng. Những làng xóm quen thuộc xa xa. Anh huýt sáo. Rồi hát. Hát rất to. Đấy là điều chưa bao giờ anh làm ở đời. Rồi anh không biết gì nữa. Người lịm đi. “Ô cái ông này say rượu!”. Có tiếng ai nói. Anh bừng tỉnh. Rồi thấy kinh ngạc khi nhận ra mình nằm sóng soài giữa đường. Chiếc xe đổ đè lên chân anh, máy vẫn đang nổ, tiếng đèn xi nhan kêu “Bíp… Bíp”. Đầu xe lại quay về Hải Dương. “Chú vào đây cháu sửa cho. Xe đổ kinh quá. Tưởng chú chết tươi luôn. Thế mà chú lại không làm sao nhỉ.”. Anh bạn đầu húi cua nâng xe lên, dắt vào vệ đường. Ở đó là cửa hàng chữa xe máy của anh. Anh bạn cũng kinh ngạc khi thấy chiếc xe cũng không làm sao cả, thậm chí không có một vết xước. Duy chỗ để chân bên phải xe bị còng gập. Anh chàng sửa xe phải dùng cả sức mạnh toàn thân, nhảy lên dậm dậm đến cả nửa tiếng mới uốn được cái đặt chân đỡ bị vênh váo. “Phúc nhà chú to như cái đình. Nếu không, hôm nay chú đã bẹp dí như con gián dưới bánh xe ô tô tải rồi. Mà không hiểu sao lúc chú ngã, đường lại vắng quạnh, không có một bóng xe nào. Nhưng cháu phải công nhận là chú lái xe máu thật. Trong môn phái võ Thiếu lâm nổi danh có võ say, còn chú thì gây sốc bằng kiểu lái say. Vừa rồi, cánh đua xe mà nhìn thấy chú thì chúng phải quỳ xuống mà lạy rồi suy tôn chú làm đại sư phụ”. Nhìn bản mặt ngơ ngơ ngác ngác của nhà thơ, nó mỉm cười, nắm tay anh, lôi sang bên kia đường, chỉ tay xuống rồi, bảo: “Sư phụ nhìn thấy những vết bánh xe hằn in trên ruộng kia không? Vết xe của sư phụ đấy. Lúc cháu đang ngồi uống nước trước cửa hàng thì nhìn thấy sư phụ bay vèo xuống ruộng. Tưởng chú bị tai nạn, cháu vội chạy ra. Ai dè, sư phụ lượn ba vòng dưới ruộng rồi thoắt một cái, chú bay thốc từ ruộng lên trên đường. Xe máy đổ đánh rầm. Xe đổ rồi mà vẫn gầm như sư tử. Cháu hét lên chú không nghe thấy à? Mọi người bên đường nháo nhào chạy ra. Chú đúng là thoát chết trong gang tấc. Ông giời hay vị thần linh nào đó cứu chú đấy. Thôi! Chú về mổ lợn ăn mừng đi”.

Thầy lang Trần Quang Tính (bên trái), người đã giữ thi hài bé Khoa đến 5h chiều.


Tai nghe cậu sửa xe trợn trạo nói, mắt nhìn chằm chằm xuống thửa ruộng ven đường, nhà thơ há hốc mồm kinh ngạc. Thửa ruộng nhỏ chừng 5 miếng vừa gặt, gốc rạ còn lổng chổng, rành rành vết bánh xe máy loằng ngoằng trông như những vệt trườn của con trăn. Đếm kỹ vệt bánh xe, lượn vừa đúng 3 vòng ruộng. Càng kinh ngạc hơn khi bờ ruộng gắn với đường quốc lộ 5 cao hơn cả bánh xe. Bờ lại dựng đứng. Vậy làm thế nào mà anh có thể phóng vọt từ dưới ruộng lên trên đường quốc lộ 5 trong tình trạng hoàn toàn mất hết mọi tri giác. Kỳ lạ thật.

Lúc ngồi uống nước trong cửa hàng sửa chữa xe máy, kể lại với mọi người về cái cảm giác ớn lạnh khi phát hiện ra mình đi tiểu đúng đống đá có ai cắm hương nằm bên đường, sau đó là cảm giác váng vất, bồng bềnh, mê mị, mấy người mắt tròn mắt dẹt: “Mộ gió! Mộ gió. Kinh nhỉ. Tưởng là không có xương cốt thì không có gì”. “Chú ạ, cái nấm đất ấy chẳng biết ai đắp từ bao giờ? Thỉnh thoảng vẫn thấy có người hương khói. Có điều, chẳng hiểu sao, nhiều người qua đây cũng gặp họa như chú, nhưng họ cứ lao thẳng vào đầu ô tô, hoặc lao thẳng xuống ruộng. Lôi được lên thì đã chết rồi. Chú thoát chết là nhờ có võ đấy”. “Chú có biết gì đâu mà võ với vẽ”. “Chú lại giấu cháu. Không có võ thì làm sao chú phóng được xe lên đường. Mà ngã như trời giáng lại không làm sao cả. Không có cả một vết xây sát!”.

Ông Thần đồng rùng mình. Bây giờ thì đến lượt anh tự ngạc nhiên và kinh sợ. Anh sợ gì? Sợ cái xe ma. Anh bán gấp cái xe. Bán rất rẻ. Người mua xe bất ngờ vì cái xe quá rẻ mà cực tốt. Gần ba chục năm rồi, ông chủ mới chỉ thay dầu và thay lốp xe mà vẫn chưa phải sửa chữa gì. 5 năm sau, cũng tại chính đoạn đường này, một vụ tai nạn kinh hoàng lại xảy ra với nhà thơ Trần Nhuận Minh, anh trai nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ông chết lâm sàng suốt 4 tiếng đồng hồ, không hay biết gì. Đấy cũng là một chuyện kỳ dị nữa.


(Còn nữa...)

(Trích trong tập phóng sự sắp ra mắt: NHỮNG CÂU CHUYỆN CÓ THẬT VỀ NHÂN QUẢ VÀ PHẬT PHÁP NHIỆM MÀU" - NXB Hội nhà văn 2017).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét