Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

BÀI LẢNG



Tấm ảnh do ông Bạch Hồng Quyền cung cấp cho VOA để chứng minh rằng ông Trương Duy Nhất đã có mặt tại Thái Lan và đang viết đơn xin quy chế tị nạn với Cao ủy Tị nạn LHQ vào ngày 25/1/2019.

Cho đến bây giờ thì ai cũng tin rằng nhà báo Trương Duy Nhất bị bắt ở Thái Lan, hiện đang bị giam ở trại T16 và gia đình đã đến thăm. Thế nhưng mọi thông tin về phía nhà cầm quyền Việt Nam thì không có gì để khẳng định ông đã bị bắt.

Thật vậy, trong cuộc họp báo ngày 25/3, báo chí đặt ra câu hỏi về thông tin trên mạng xã hội nói Trương Duy Nhất bị bắt, thực hư thế nào.

Tuy nhiên phần trả lời của trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chỉ nói Trương Duy Nhất đã có vi phạm này nọ trong vụ án Vũ Nhôm, chứ không xác định ông đã bị bắt hay chưa. Tức là hỏi một đằng, trả lời một nẻo.

Có lẽ cái khó của câu hỏi này không phải là việc Trương Duy Nhất bị bắt hay chưa mà ở chỗ, khi đã xác nhận bắt Trương Duy Nhất thì họ sẽ phải trả lời những câu hỏi tiếp theo như về quyết định bắt, quyết định khởi tố bị can và đặc biệt là bắt ở đâu, bắt như thế nào? Tại sao Trương Duy Nhất đang ở Thái Lan mà tự nhiên lại có mặt ở VN?

Không thể nói bắt ở Đà Nẵng vì ai cũng biết Trương Duy Nhất đã sang Thái Lan, đã có hình ảnh khi ông đến Văn phòng Cao ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Bangkok. Nhưng nói bắt ở Thái Lan thì ai bắt? Còn nói ông về VN nước đầu thú thì kịch bản Trịnh Xuân Thanh về đầu thú đã quá ê chề.

Vì vậy, tốt nhất là lờ đi chuyện bắt Trương Duy Nhất mà xoay sang kể tội ông trong vụ án Vũ Nhôm.

Tóm lại, cho đến nay, Bộ CA không có lời nào xác nhận đã bắt Trương Duy Nhất hay xác nhận ông đang bị giam ở T16 như nhiều trang báo đã đăng.

Việc hỏi một đằng, trả lời một nẻo thường được các lãnh đạo, quan chức Việt nam sử dụng trong các trường hợp "nhạy cảm". Nhạy cảm ở đây có thể hiểu là những việc có thật, nhưng nói ra thì lại là những việc không đúng, không phải, không hay. Tóm lại, nói "nhạy cảm" là cách nói khác nếu không muốn nói là "bí".

Tức là trả lời mà như không trả lời vậy.

Ví dụ, mỗi khi Trung Quốc có hành động xâm phạm chủ quyền của VN, phóng viên đặt ra câu hỏi về phản ứng của VN. Thay vì phản đối, Người phát ngôn Bộ ngoại giao thường nói "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa". Đó là lối nói chẳng chết ai, chẳng làm mếch lòng ai, còn công luận chẳng biết VN phản đối hay đồng tình.

Hoặc khi báo chí nước ngoài hỏi ông Nông Đức Mạnh về tin đồn ông là con ông Hồ Chí Minh, ông Mạnh trả lời: "Ở Việt Nam ai cũng là con cháu Bác Hồ", một lối trả lời chẳng liên quan gì đến câu hỏi.

Bản thân tôi đã nhiều lần bị bắt vào đồn công an. Khi tôi hỏi điều tra viên về lý do bắt tôi - đó là câu hỏi khó thì thường nhận được câu trả lời: "Tại sao chúng cháu 'mời' chú vào đây còn những người khác thì không. Nó phải có lý do gì chứ". Nếu bị vặn hỏi thì họ nhanh chóng chuyển sang nội dung khác.

Bài lảng cũng được cán bộ tiếp dân thường xuyên áp dụng.

Tiếc rằng việc lảng tránh, hỏi một đằng, trả lời một nẻo lại được cho là sự khôn khéo trong ngoại giao, còn phóng viên thì "tế nhị", không nỡ căn vặn đến cùng. Nó thể hiện lối làm việc không đàng hoàng, minh bạch. Nó không làm cho người quan tâm thỏa mãn thông tin mà bị ức chế, hoài nghi. Điều này thường xảy ra ở đất nước có quá nhiều bí mật. Dĩ nhiên, bí mật ấy là của nhà cầm quyền chứ nó chẳng phải nằm trong danh mục bí mật quốc gia được ghi trong luật pháp.


29/3/2019

Nguyễn Tường Thụy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét