Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

KỂ CHUYỆN TẠI SAO TÔI ĐỌ THƠ?

Nguyễn Hoàng Đức

Triết gia Socrate có nói “Trong vạn vật cái gì khó nhất? Tự biết mình!” Tự biết mình là gì mà khó thế? Hãy nhìn vũ trụ bao la với những thiên hà xa vời vợi được đo bằng tỉ năm ánh sáng, con người không bao giờ với tới chẳng lẽ lại không khó hơn cái thân xác và tâm hồn ta lúc nào cũng sát cánh bên mình?

Thân xác của mình gần nhất mà mình không đánh giá được mình, nói giản dị, một cọng rơm trong tầm tay mà mình còn không nắm nổi nói gì đến chinh phục thế giới và vũ trụ? Điều này là hết sức hệ trọng, như các nhà thông thái Hy Lạp nói “Kẻ nào nhận biết sự công chính mới là thước đo vạn vật”. Nhận biết lẽ công chính là gì? Đơn giản như tay anh cầm thước đo, anh đo bất kể chỗ nào, dù thân hay lạ, anh hãy công bố chiều dài của nó, như người Việt bảo “có sao nói vậy”. Nhưng tay anh lại không cầm thước, anh đo mấy vần thơ vụn của mình tầm cao của đỉnh núi, rồi đo cho họ hàng, đồng hương đồng khói cũng ngang ngửa như vậy, còn một Lưu Quang Vũ kia dù có vài chục vở kịch đồ sộ mang dấu ấn của kịch tính mỹ học, của cái cục bộ và cái phổ quát, của cá nhân và xã hội, của vị kỷ và cái chung như vở “Tôi và chúng ta” đã vạch cứu cánh ngay từ đầu, nhưng nhiều người vẫn cứ đo bằng thước mi li hạt sạn, như thể vài vần thơ lèo tèo của họ còn đáng ngưỡng vọng hơn.

Hiểu mình rất khó, vì đó là cách vượt qua mình. Vượt qua mình ư? Ai chẳng yêu mình nhất, người đời gọi là “ái ngã”chẳng lẽ lại bỏ rơi mình để yêu người khác hơn? Nhưng nếu chỉ yêu mình “của mình thì giữ bo bo/ của người thì thả cho bò nó xơi” thì nói ai nghe? Nói chung người ta đã từng chơi cờ một mình, phần thắng luôn đứng về phía chủ nhân đại diện đấu với đối phương tưởng tượng. Yêu mình tất bỏ rơi người khác, người Tàu gọi là “ích kỷ hại tha”, khi đó đo người khác làm sao khi lúc nào mình cũng hơn?! Còn biết nhìn nhận mình trong tương quan vì người khác người ta gọi là “Vong kỷ hiến tha”, tức hy sinh bản thân để dâng hiến cho người khác. Kinh Thánh có câu “Hãy yêu người khác như chính mình ngươi”.

Nền văn chương Việt Nam nảy mầm trên văn hóa cục bộ tiểu nông của người Việt thâm căn cố đế từ ngàn đời “phép vua thua lệ làng”. Nghĩa là chúng ta chỉ có trình độ lập hiến ngang lệ làng. Đã lệ làng thì ích kỷ, cục bộ theo kiểu “chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Khi tôi mới bước vào văn chương, một anh bạn nói “Văn chương chúng ta như chia thóc ở sân kho hợp tác, làm sao trong khi chia vơ thật nhiều thóc về phía mình”. Tất nhiên mở rộng ra là vơ thêm về phía họ hàng, đồng hương đồng khói, đồng đội của mình. Văn chương ăn chia lâu năm như vậy nên mới hình thành một nền văn chương như anh Tiến Đặng mới bình luận “Đó là nền văn chương manh chiếu hóa, như tấm chiếu rách rưới, nhếch nhác, già nua, lẩm cẩm”.

Một lần tôi đọc, gặp được nhà thơ Xuân Diệu nói đại ý: Việt Nam chỉ có thơ về mùa xuân và mùa thu, ít có thơ về mùa hạ, càng không có thơ về mùa đông. Thơ hay về mùa đông lại càng không có. Xuân Diệu đọc kim cổ đông tây khá nhiều và tôi tin vào điều này. Tôi có bài “Mùa Đông vọng cánh én về”. Tôi liền tự tin thách đọ với các nhà thơ, xem có ai có bài thơ mùa đông hay không? Một nhà thơ nổi tiếng lắm trố mắt ra vẻ ngạc nhiên như thể “tôi mà dám mời anh ta đấu à?” Cách mấy ngày sau tôi lại nhắc lại một cách chính thức. Nhà thơ này đành trả lời: tôi không có bài thơ nào về mùa đông cả. Tôi chịu thua thôi. Ông thắng đi!

Mọi việc làm đều có nguyên do của nó. Tôi sống khá nhiều bên các nhà thơ không bao giờ dùng bất cứ tiêu chuẩn nào để đo thơ người khác. Nhưng dẫu vậy, họ luôn luôn cho rằng thơ mình hay hơn thơ người, “văn mình vợ người” mà, họ chỉ lùi bước trong trường hợp gặp người chức to hơn mình. Cụ thể hơn, tôi gặp một anh cán bộ biên tập thơ của một báo lớn. Khi nói chuyện về thơ, toàn bộ trình độ của anh ta chỉ có một khẩu quyết lấy của Xuân Diệu, coi như khuôn vàng thước ngọc để trẹt người khác là “ca ca cứt cứt”, ngoài ra không có gì hơn. Vậy mà anh ta lớn tiếng phán về thơ tôi “ông đừng hy vọng cái của ông còn lâu mới là thơ”.

Tôi liền hỏi: “Vậy trước đó mấy hôm có mặt nhiều người ông nói ‘thơ tôi quá hay nên không được giải là sao?’”

Anh ta chối phăng: “Tôi có nói thế đâu!”

Tôi liền bảo: ông có dám đọ thơ với tôi không? Một đời ông làm thơ không bằng tôi làm trong một đêm. Ông có thích đem từng câu ra đọ không?

Tại sao tôi dám chắc về điều này? Tôi đã liếc nhìn thơ của anh ta, còn in thành hai thứ tiếng, toàn mấy câu thơ vụn cho một bài. Số thơ anh ta chắp lại tất nhiên sẽ dài hơn một đêm làm thơ của tôi. Nhưng chắc chắn với tư duy khẩu quyết “ca ca cứt cứt” thì tinh hoa cũng như tư tưởng của nó không thể bằng bài thơ xuất sắc tôi làm trong một đêm.

Một chuyện khác. Anh nhà giáo dạy trường Nguyễn Du kia, khi nghe ông lãnh đạo đọc thơ xong liền lên nói như MC “Thơ anh chinh phục chúng tôi tuyệt đối”. Tôi liền nghĩ, cách nói đó đúng là nô tài tuyệt đối, bởi vì, nếu anh ta nghe Nguyễn Du đọc thơ, rồi Puskin đọc thơ, anh ta sẽ dùng từ gì ngang từ tuyệt đối. Vẫn anh này, khi chúng tôi gặp nhau trong một bữa tiệc tại nhà hàng. Nhà văn Tạ Duy Anh, là người theo tôi có bản lĩnh văn hóa và sự công bằng khá cao, nói với mọi người và tôi vài lần “Tôi đã đọc bản thảo cuốn trường ca thần học ‘Ngước lên cao’ của ông, nó hay như Sáng Thế Ký”. Rồi còn những người khác khen tôi. Anh nhà giáo này chỉ luôn miệng nói “Đừng có tin!”

Tôi rất ngạc nhiên về trình độ bất công của anh ta. Tất cả những ai khen tôi thì anh ta bảo “Đừng có tin!” vậy thì có phải anh ta chỉ muốn mặc định rằng “tất cả mọi thứ của tôi đều xấu?” Trong khi đó anh ta sẵn sàng qui phục những vần thơ trên bình thường là “chinh phục tuyệt đối!”

Cuộc đấu tranh cam go nhất của lịch sử là giành Công Bằng. Việc giải phóng nô lệ, rồi giải phóng phụ nữ chính là bằng chứng của những cuộc đấu tranh đó. Thơ tôi cho đến giờ còn chưa một lần được in trên báo Văn Nghệ cho dù người ta đùn nhau hứa xuôi hứa ngược. Và việc nhà văn Tạ Duy Anh đã đọc và duyệt, tôi hỏi, nhưng vẫn chính thức không thể được biết ở khâu nào tôi có được cấp giấy phép hay không? Người khác thì bị đánh chặn ngay vòng cấp giấy phép, còn ông lãnh đạo nhà xuất bản thì thập thò phòng ban chung khảo để xem ca phạm qui của mình có được nuốt trôi không? Và ông ta chẳng cần phải lo, đồng chí đã gắp cho ông ta một miếng giải bôi mỡ (mà người ta còn gọi là cứu bàn thua trông thấy) khiến nó được nuốt trôi ngoạn mục nhẹ nhàng như nốc một cốc bia.

Tôi nghĩ, nếu vậy tại sao ta không đòi đọ thơ để đòi lại công bằng cho mình? Mình bị cho là kiêu căng ư? Một nhà hát lộng lẫy lúc nào cũng sẵn sàng đại hòa tấu cùng dàn nhạc giao hưởng chẳng lẽ lại không dám hơn mấy chiếc chiếu rách nhếch nhác chỉ biết đến loại nhạc gấp lá thành kèn? Nhưng lời này của tôi là đại ngôn ư? Tại sao lại không được dùng ngôn ngữ để tuyên chiến với sự bất công ích kỷ cục bộ bè nhóm vẫn quen thói ưu tiên tem phiếu?! Và những lời này có chứa sự thật không, mời những vần thơ vụn hoặc trường ca không cốt truyện đấu với tôi, xem có khác gì bánh quế đòi đọ với xe công thức một?

Giờ tôi xin mời bạn đọc thưởng thức bài thơ mùa đông của tôi, kèm theo lời thách đấu tôi đã viết sẵn từ lần thách đấu trước (có đôi chỗ về nhà thơ Xuân diệu lặp lại, mong các bạn thông cảm). Xin cám ơn!

Thơ

Thân ái chào các tác giả và bạn yêu thơ

Xin có mấy lời “gửi găng” tự đề cử tri âm với mọi người 



Thời hiện đại hiển nhiên là thời dân chủ. Nếu có ai muốn đăng ký bước vào kỷ lục Guinnesse, chẳng hạn một anh lang thang đầu phố muốn tâng cầu lâu nhất, một cô thôn nữ muốn ăn nhiều ớt nhất, hoặc một ông già muốn đạt kỷ lục về ngâm mình trong đá... Chúng ta không thể phê phán họ là tự kiêu được! Họ có quyền được thử sức ở vị trí cao nhất bằng cách tự đề cử mình.

Nền thơ của chúng ta lâu nay luôn luôn đeo dính hai mặc cảm thường trực: một, lúc nào cũng tự tôn vỗ ngực không ai bằng mình, anh hùng nhất khoảnh thơ, tung hô trong cánh hẩu và địa phương của nhau; hai, tự ti đến mức mời giới thiệu thành tựu của thơ mình, cái hay, cái kiệt xuất, thì rụt đầu rụt cổ, không dám ho he lên tiếng.

Cố thi sĩ nổi tiếng Xuân Diệu, tác giả cuốn sách phê bình thơ “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam”, người rất am tường thơ Việt, thơ Tầu, thơ Tây đã từng nhận xét (đại khái) rằng: Các tác giả Việt mới chỉ chú trọng làm thơ về mùa xuân, mùa thu, mà chưa ai viết được một bài thơ hay về mùa đông.

Vì lý do muốn thay đổi nhịp điệu sống nhàn nhạt “hoà cả làng” buồn tẻ và bất tài của thơ Việt lâu nay, đặc biệt là thơ mậu dịch, sống cửa quyền quá dài ôm rịt các cửa báo, nên tôi mạnh dạn đề cử bài thơ “Mùa đông vọng cánh én về”, là bài thơ về mùa đông hay nhất Việt Nam.

Hiển nhiên tôi chỉ có thể đề cử. Việc này không chỉ mang mục đích đòi tự tôn mà tự thân nó cũng là một tấm “giấy quì” để thử và tìm ra các tác giả “ngọc còn ẩn trong đá”, nếu không làm vậy, chẳng lẽ tôi cứ phải đợi mấy ông giữ gôn mậu dịch đọc và cho giải, nhưng than ôi, được báo của các ông chìa sân rồng tem phiếu cho thì đến bao giờ ? (có khi xếp hàng đến kiếp sau, các ông vẫn bảo người ta chưa đủ tiêu chuẩn để xếp hàng, một là vốn tự có ta không có, vốn quan hệ báo nọ gắp giải thưởng cho báo kia ta cũng không có, tiền tài trợ sàng xê từ quĩ cơ quan, ta cũng không, như vậy đến đời nào đến lượt?)

Mong được bạn đọc chia xẻ chí ít rằng dù sao tôi cũng nên và có quyền tự đề cử, như thế chẳng hơn tẩm ngẩm bịt cửa báo, vỗ ngực trong xó nhà vừa được tiếng khiêm tốn lại vừa trở thành anh hùng xó bếp sao? Nếu bạn muốn cho sự phách lối của tôi một bài học, thì đơn giản bạn chỉ cần nêu lên một cái tên, hay một bài thơ để so sánh “án tại hồ sơ” mà, hay như người ta vẫn nói “tỉ số nói lên tất cả”, chẳng lẽ tác phẩm “bút sa gà chết” lại không nói với chúng ta điều gì sao?

Mời bạn đọc ngắm thử

MÙA ĐÔNG VỌNG CÁNH ÉN VỀ

Nguyễn Hoàng Đức


Lại thêm gió bấc

Ùn ùn thổi thốc về

Những đường tên vun vút bắn từ vòm cung núi

Những xoáy lốc cuốn tít mù từ muôn vực thẳm



Bầu trời nặng nhọc chuyển mình

Giữa tầng tầng áo mây mờ mịt

Dãy non xa lớp lớp nặng sương mờ

Lắng những nốt trầm buông

Kéo bản nhạc thời gian

Chìm sâu khúc chiều u ám



Vai ta so ro

Co mình giữa những lớp áo dầy

Muốn chen sát làn da đòi hơi ấm

Ôi những cành cây

Xác xơ tấm áo choàng lá phủ

Phơi mình trơ xương

Giữa gió lạnh cắt trời



Ý tưởng ngoi ra thân xác

Nặng nề

Như vầng dương đang cố lách lưỡi cưa tròn

Xẻ một đường khe

Giữa các tầng mây o bế bịt bùng



Ký ức bỗng hiện về

Bắc Cực

Quê hương của miền lạnh lẽo

Dâng tràn tuyết giá

Khiến cả cánh loài chim cũng rụng



Rồi một đống lửa được đốt lên

Từ tay đoàn thám hiểm

Cả miền băng tuyết cựa làn da lạnh

Sà vào lòng ngọn lửa

Ấm mầu hồng!

Ấm hơi người!

Rồi đến lượt mùa Đông

Muốn ấp cơn run rẩy vò võ của mình

Trong cánh én phương Nam

Nhẹ lướt về

Mong giải thoát lốt nặng nề u uẩn

Vén nhẹ không gian

Cho mầm sống trồi lên

Từ muôn vàn cây cỏ



Cả miền Bắc Cực muốn sưởi ấm trong vòng tay ngọn lửa



Cả khung trời mùa Đông muốn ấp mình trong vài cánh én



Điều kỳ diệu đó phải chăng là không tin nổi?



Bỗng ký ức nối đuôi từng chuỗi

Như những toa tầu bất tận

Chở quá khứ về trên đường ray lịch sử

Tất cả

Đòi hiện thân!

Đòi quyền sống!

Đòi giá trị!

Ngay ngưỡng cửa khắc giờ hiện tại

Đúng lúc này đây

Nơi ta đang đứng



Và kia, cả chuỗi tương lai

Rợp trời vỗ cánh ùa về

Cố lách mình qua khe cửa

Phút giờ hiện tại

Đòi xem những bản hợp đồng

Cho dự án của ngày mai

Ôi thật diệu kỳ

Chuỗi chuỗi hoàng hôn quá khứ

Và lớp lớp bình minh thuộc về vĩnh cửu

Đều hiện mình lên

Trên bản lề hiện tại



Ôi diệu kỳ

Diệu kỳ hiện tại!

Diệu kỳ ngọn lửa của con người!

Và diệu kỳ cánh én!



Một tầng mây nứt ra theo lưỡi cưa của vầng dương

Một ngọn gió xuân ngược sớm về

Một lớp sương mờ rướn lên mây

Một vũ trụ nâng mình dậy

Những thân cây dứt bỏ những chiếc lá còn sót lại

Trong cuộc thay áo mùa thu

Tạc dáng hiên ngang trong gió lạnh

Đòi diễn nốt vở bi kịch lột xác của mình

Mong cải lão hoàn đồng

Trong tấm áo mùa Xuân

Bản nhạc dâng lên

Những con đường nâng mình chạy

Ùa về dãy núi đang vươn cổ

Ngóng phương Nam

Đợi một cánh én về



Và ta đi

Ngập trong bóng hoàng hôn

Lội trong những vần thơ còn chưa kịp thành hình

Kéo lê những nốt trầm

Gieo âm trĩu buồn hồn núi lạ

Rung phím gió phương Nam

Gọi cánh én mùa Xuân

Hãy về

Trên cung đàn hy vọng.

.

Hà Nội

Đêm 10/1/1997

Tác giả gửi cho NTT blog

1 nhận xét:

  1. Một bài viết không biết nó là như thế nào, nhưng vừa mới bước vào ngay câu đầu tiên tôi đã bị bật ngửa, cảm giác giống như là vừa chớm bước vào một nhà nào đó thì bị vướng phải một sợi dây giăng ngang tầm cổ bật ngược mình lại.
    Để mở đầu cho một bài viết tác giả đã mượn câu nói của một triết gia không phải là người Việt - có nghĩa rằng tôi không hiểu người dịch câu nói đó từ ngôn ngữ của triết gia đó sang tiếng Việt có chuẩn không, có đúng như ý của triết gia đó muốn nói hay không. Nếu dịch không đúng, hoặc hiểu không đúng thì tác giả bài viết đã lấy cái sai làm cái đúng và khai triển và tô họa thêm. Còn nếu chính triết gia đó nói đúng như người ta đã diễn dịch và hiểu như vậy thì tác giả bài viết cũng đã rất là … (tôi chẳng biết phải so sánh như thế nào), nhắm mắt nhắm mũi viết mà chẳng biết mình đang viết cái gì.

    “Triết gia Socrate có nói “Trong vạn vật cái gì khó nhất? Tự biết mình!”

    Trong vạn vật không thể có cái “ tự biết “!
    Cái “ tự biết “ không thể là vật thì làm sao nó có thể nằm “trong vạn vật“ được mà lại đem ra làm cái kim chỉ nam cho tư tưởng của mình hoặc để nói về một vấn đề gì đó được?
    Tôi có thể sai hoàn toàn nhưng tôi mong tác giả hãy giải thích cho tôi biết tại sao cái “tự biết” lại là một vật?

    Rất cám ơn
    Có Là Không



    Trả lờiXóa