Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Đối thoại Shangri-La: Thủ tướng Úc cảnh báo Trung Quốc bắt nạt láng giềng

TP - Là diễn giả chính trong phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La 2017, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tối qua kêu gọi các quốc gia châu Á hỗ trợ vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực; cảnh báo hậu quả của việc Trung Quốc bắt nạt các nước nhỏ.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull là diễn giả chính trong phiên khai mạc Đối thoại Shangri-la 2017 tại Singapore. Ảnh: SMH.

Các bộ trưởng quốc phòng, tư lệnh các lực lượng quốc phòng, quan chức cấp cao và học giả từ 40 quốc gia đang có mặt tại Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 16, nhằm thảo luận hàng loạt vấn đề như khủng bố ở khu vực, chương trình hạt nhân của Triều Tiên, căng thẳng trên biển Đông…

Trong bài phát biểu chủ đạo rất được chờ đợi tại diễn đàn an ninh khu vực, ông Turnbull bày tỏ tin tưởng rằng, Mỹ sẽ vẫn duy trì vai trò ở châu Á, bất chấp sự chán nản ở nhiều nước sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Ngụ ý việc Tổng thống Trump từng kêu gọi các đối tác và đồng minh cần đóng góp nhiều hơn, Thủ tướng Turnbull nói rằng, khu vực này “cần tìm ra những nguồn lãnh đạo để giúp Mỹ định hình giá trị chung”.

Thủ tướng Úc nói việc Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn ở khu vực là điều có thể hiểu được, nhưng cảnh báo rằng nếu sự thể hiện quyền lực mới của họ làm suy yếu các nguyên tắc và luật lệ vốn giúp duy trì ổn định ở khu vực nhiều thập kỷ qua thì bản thân Trung Quốc sẽ thua cuộc. “Trung Quốc đã hưởng lợi từ nền hòa bình và hòa hợp ở khu vực của chúng ta và họ sẽ mất nhiều nhất nếu nó (hòa bình, hòa hợp) bị đe dọa”, ông Turnbull nói. “Một Trung Quốc tìm cách cưỡng ép sẽ khiến các nước láng giềng phản đối những đòi hỏi khiến họ phải từ bỏ quyền tự chủ và không gian chiến lược bằng cách thúc đẩy các quan hệ với đồng minh và đối tác với nhau và với Mỹ để đối phó Bắc Kinh”, Thủ tướng Úc nói.

Ông Turnbull cho rằng, Trung Quốc có thể xây dựng lòng tin bằng cách sử dụng ảnh hưởng của họ lên Triều Tiên. Thủ tướng Úc đưa ra cảnh báo rõ ràng về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên biển Đông rằng, khu vực này cần “hợp tác chứ không phải những hành động đơn phương nhằm chiếm đoạt hay tạo ra lãnh thổ hay quân sự hóa các khu vực tranh chấp”.

Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở biển Đông dù bị cộng đồng quốc tế chỉ trích Ảnh: CSIS.

Đối thoại Shangri-La 2017 diễn ra sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; trước đó Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều đó được coi như chiến thắng lớn đối với những tư tưởng hướng nội trong giới lãnh đạo Mỹ, càng làm gia tăng lo ngại Mỹ sẽ quay lưng với vai trò lãnh đạo truyền thống nhằm thực hiện triết lý “Mỹ là trên hết” của ông Trump.

Nhưng bài phát biểu của Thủ tướng Úc dường như đi ngược lại với những tiếng nói bi quan, và gửi tín hiệu đến Washington rằng, không chỉ riêng Mỹ phải chịu gánh nặng bảo đảm ổn định ở khu vực. Đây được coi là thông điệp chìa khóa nhằm trấn an những tiếng nói biệt lập ở Washington.

Thủ tướng Turnbull nói rằng, Úc sẽ không dùng quan hệ đồng minh Mỹ để “trốn trách nhiệm vì vận mệnh của chính chúng tôi”. Ông cũng nói ông tự tin chính quyền của Tổng thống Trump sẽ “nhận ra rằng, những lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cần Mỹ tham gia nhiều hơn chứ không phải bớt đi”. Thủ tướng Úc còn thúc giục khu vực “gạt bỏ chủ nghĩa phi toàn cầu hóa” (ngụ ý nói đến chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang diễn ra ở Mỹ) và tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế.

Chờ tiếng nói của Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis dự kiến có bài phát biểu chính tại phiên họp đầu tiên về vai trò của Mỹ trong vấn đề an ninh của châu Á - Thái Bình Dương diễn ra vào sáng nay. Ông Mattis sẽ có cơ hội đưa ra tuyên bố đầu tiên và hy vọng là toàn diện nhất về chính sách an ninh - quốc phòng Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Trung Quốc năm nay cử đại diện cấp thấp hơn tham gia. Phái đoàn Trung Quốc sẽ do Trung tướng Hà Lôi, Viện phó Viện Khoa học quân sự, dẫn đầu. Lần cuối cùng Trung Quốc cử quan chức cấp này tham dự là năm 2012. Đây là lựa chọn của Trung Quốc chứ không phải đơn vị tổ chức. Quân đội Trung Quốc cho biết, họ phải tập trung triển khai các biện pháp cải cách toàn diện mà Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu. Năm nay là năm quan trọng với Trung Quốc khi nước này sẽ tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 vào tháng 8. Trung Quốc sẽ cử một quan chức quân đội phát biểu tại tất cả 4 phiên họp về những chủ đề như mối nguy hiểm hạt nhân, biện pháp tránh xung đột trên biển…

Được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra từ ngày 2 tới 4/6. Bộ trưởng quốc phòng Nhật, Úc và Pháp sẽ dẫn dắt phiên thảo luận về một trật tự khu vực dựa trên nguyên tắc.

Ông Deon Terblanche, giám đốc cơ quan nghiên cứu khí quyển và môi trường thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới, nhận định, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu có thể khiến nhiệt độ Trái đất tăng thêm 0,3 độ C vào cuối thế kỷ này. Trước đó, theo Hiệp định Paris, Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 26-28% lượng khí thải gây ô nhiễm so với năm 2005. 

Đoàn đại biểu quốc phòng Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La 2017 do Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, dẫn đầu. Chiều 3/6, Thứ trưởng Công an Bùi Văn Nam có bài phát biểu tại phiên thảo luận về các biện pháp thực tế nhằm tránh xung đột trên biển. Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh dự kiến có bài phát biểu trong phiên toàn thể ngày 4/6 về chủ đề tìm kiếm tiếng nói chung trong vấn đề an ninh khu vực.

​Theo CNA, SMH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét