Ở đời cứ có hai người trở nên mà không có Công Lý thì sự việc không bao giờ vận động trôi chảy. Có một câu chuyện dân gian mà trẻ con nào cũng hiểu, đó là: hai con dê đi đối diện nhau qua một chiếc cầu hẹp, nếu cả hai con không nhường nhau, húc nhau đòi đi, thì cả hai đều rơi xuống nước. Câu chuyện trên chưa chứa đựng nhiều chất công lý, vì nó còn bàn đến sự bao dung nhường nhịn. Nhưng trên một con đường, hai chiếc xe chạy đối diện, nếu không chạy phân thành hai luồng, hoặc bên phải, hoặc bên trái, thì sẽ đâm nhau. Chính người Trung Quốc có câu “Có lý đi khắp thiên hạ, không có lý không đi qua một bước chân”. Bọn trộm cắp tụ tập thành nhóm rất hùng hậu, nhưng tại sao chúng phải ăn cướp ở một chỗ, rồi đem tiền đến tiêu chỗ khác mà không dám xộc thẳng vào quán ăn đập phá? Bởi lẽ chính chúng cũng hiểu: chúng phải nấp vào lý thì mới tồn tại lâu. Một đôi giầy dẫm lên cát sỏi mà đi, đó là hợp lý! Nhưng chỉ cần một viên sỏi nhỏ nằm trong giầy, người ta sẽ chẳng thể nào đi nổi. Đó là bất hợp lý.
“Công lý là người thứ ba!” Một phiên tòa không thể xử nếu không tìm được người thứ ba làm chứng. Hai vợ chồng cãi nhau, dù đúng sờ sờ hay sai lè lè, cũng chẳng thể nào phân định, nếu người ta định cãi chày cối. Nhưng khi có người thứ ba làm chứng sự thể sẽ rõ ràng ngay.
Việc Biển Đông là của nhiều quốc gia trong khu vực, tự thân nó là vấn đề quốc tế. Quốc tế là gì? Theo gốc Latin là Inter-national. Từ này bao gồm hai phần:
1- Inter : tức sự tương tác có tính chất bên trong
2- Nation: tức quốc gia.
Gộp hai phần lại, có nghĩa: Quốc tế là sự tương tác giữa hai quốc gia trở lên. “Quốc tế” theo Hán tự cũng có nghĩa: “Quốc” là quốc gia. “Tế” là giao tế. Hai huyện hay hai tỉnh giao lưu với nhau, người ta không bao giờ gọi là “Giao lưu quốc tế”. Nhưng hai nước giao lưu với nhau cho dù hát hò, bóng bàn hay điền kinh, thì đều được gọi là giao lưu quốc tế.
Nước lớn như Trung Quốc là quốc gia chiếm ¼ loài người, lẽ ra phải có tầm nhìn lớn. Nhưng theo lãnh tụ Tôn Trung Sơn thì tầm nhìn của Trung Quốc luôn luôn chỉ là những gia tộc như bãi cát rời rạc, chưa từng có khái niệm về cá nhân, dân chủ, tự do, hay cộng hòa, nên vẫn chỉ là liên dòng họ, mà chưa bao giờ đạt đến tầm quốc gia cả. Nhà văn Nguyễn Bá Dương trong cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” có nói: “Một con lừa cũng làm được vua Trung Quốc”. Giờ cụ thể chúng ta hãy bàn thẳng vào vấn đề Biển Đông.
Khi các nước ASEAN họp mặt, lẽ tất yếu phải đưa ra vấn đề khúc mắc nhất và phổ quát nhất, như cơ thể có bệnh tật chẳng hạn, người ta phải tập trung chữa bệnh nào nguy nan nhất. Nhưng mỗi lần như vậy, lãnh dạo Trung Quốc lại tìm cách dụ dỗ, mua chuộc, đe dọa “vấn đề Biển Đông chỉ là song phương. Không được quốc tế hóa Biển Đông”. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói với các nước Đông Nam Á hôm 19/11 rằng thương lượng về tranh chấp Biển Đông không nên được “quốc tế hóa”.
Tại sao Trung Quốc lại sợ quốc tế hóa, tức là vấn đề “người thứ ba” đến vậy? Bởi Trung Quốc rất sợ công lý! Một khi không có công lý, thì cách tự nhiên nó duy trì lề luật của kẻ mạnh, đó cũng là lề luật của cơ bắp! Bất cứ nước nào muốn làm việc với Trung Quốc thì cũng đều bị Trung Quốc biến thành “người thứ hai”. Biển Đông không thể thuộc hai nước, một là Trung Quốc, hai là nước khác. Vì vậy Trung Quốc đều muốn biến các nước thành “nước thứ hai thứ nhất”, “nước thứ hai thứ hai” hoặc nước thứ hai thứ ba… Hãy hình dung khi Trung Quốc điểm danh hàng lính 10 người: người đầu tiên – là người thứ nhất, người kế tiếp là người thứ hai, kế tiếp không được gọi người thứ ba, mà phải gọi người thứ hai thứ hai…
Khi hai người cãi nhau, thì chẳng thể nào ngã ngũ. Trung Quốc rất sợ công lý hay ngã ngũ, bởi vì họ muốn càng đục nước lâu thì càng béo cò. Than ôi thời buổi thế kỷ 21 rồi mà vẫn có quốc gia ở trình độ muốn dùng cơ bắp đe dọa hơn là sống công lý!
Không yêu công lý thì không bao giờ có thể yêu Lập Hiến. Đó là lý do lý giải tại sao đến tận bây giờ Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn thiếu vắng tuyệt đối một nhà nước pháp quyền. Cái gọi là nhà nước mà các chuyên gia phương Tây thường gọi “nhà nước quân chủ phong kiến biến tướng từ độc tài cá nhân thành độc tài tập đoàn”. Quốc hội là cơ quan lập hiến cao nhất của một quốc gia cũng chỉ trở thành trò chơi giả vờ, đánh trận giả, một thứ màn hình biểu diễn phô trương ra ngoài cho các hoạt động kín như bưng của Đảng cộng sản. Hiến pháp là cái cao trọng nhất cho một quốc gia và con người lại có thể giả vờ được, thử hỏi lạc hậu và coi thường quốc gia, nhân dân đến mức nào? Trời ơi, bao giờ thì cái khát vọng hiển nhiên của nhân dân là được sống trong nhà nước pháp quyền mới trở thành hiện thực?!
N H Đ 20/11/2012
Tác giả gửi qua email
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét