Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

9/12/2012 – Ngày oanh liệt của người yêu nước Thủ đô (kỳ 1)

Ngày 9/12/2012 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử như một sự kiện oanh liệt của những người yêu nước Sài Gòn - Hà Nội. Cuôc biểu tình tuy bị dập tắt nhanh chóng nhưng đã nổ ra, đầy mưu trí, dũng cảm. Họ bị bắt, bị đánh, bị giam giữ khi cất lên những tiếng hô phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng gây hấn ở Biển Đông, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trong sự kiện này, nhà cầm quyền đã đi thêm một bước vô cùng nguy hiểm trong việc chà đạp lên luật pháp: đàn áp, bắt bớ, đánh đập, khám xét người bị bắt một cách hết sức trắng trợn, thô bạo và hung dữ, không có một cơ sở pháp luật nào.

Ở Việt Nam, cũng giống như các nước khác là có hiến pháp, có pháp luật, tuy còn nhiều điều bất cập. Thế nhưng, ngành công an, đươc coi là bảo vệ pháp luật lại chà đạp lên pháp luật một cách ngang nhiên nhất. Điều đó có nghĩa là, có những lực lượng đứng trên luật pháp. Khác với luật pháp được thể hiện bằng lời văn, chúng hành xử theo ý muốn cá nhân hoặc nhóm lợi ích, bằng chỉ thị miệng chứ không bao giờ bằng văn bản.

Có một điều chắc chắn là họ đã nhầm lẫn. Nhiều khi cuống lên, cách xử lý vốn đã ngu dốt, lại càng ngu dốt hơn. Những thập niên cuối của thế kỷ 19 và sang đầu thế kỷ 21 đã khác rất nhiều so với trước đó. Dù còn đau khắp mình, tôi cố gắng gượng dậy để ghi lại những gì còn nhớ được trong cái ngày gọi là oanh liệt, căm phẫn, hèn hạ, nhục nhã ... tùy theo từng đối tượng, tùy theo họ sắp xếp mình vào loại nào.

1. Cuộc biểu tình bị dập tắt nhanh chóng

Chuyện canh nhà và chuyện "mặt trận" đến vận động là những việc đã trở thành bình thường mỗi khi có lời kêu gọi biểu tình. Chỉ khác là lần này đoàn đến vận động tôi chỉ có mỗi một ông phó xóm và một ông phó cựu chiến binh xã chứ không đông đảo như những lần trước. Có lẽ họ đã chán. Tôi chỉ nói: Tôi biết các anh đến nhà tôi cho xong việc trên giao chứ các anh chẳng hy vọng vận động được tôi.

Xuống xe bus mới hơn 8 giờ, tôi lang thang đến Vườn hoa Lý Thái Tổ khá sớm. Nhìn quanh chỉ thấy bác Lê Hùng. Bác nói vừa ở Nhà hát lớn đến, ở đấy không thấy ai. Bác Lê Hùng đang có một cậu bám sát, bác giới thiệu với tôi đây là anh công an khu vực.

Vườn hoa Lý Thái Tổ đang có màn thể dục thể thao nào đó, thấy đám thanh niên đang nhảy nhót theo lời hô, âm thanh được phóng hết công suất nhức óc.

Tôi bảo bác Hùng quay lại Nhà Hát lớn. Chúng tôi đứng ở vỉa hè góc ngã tư Ngô Quyền - Tràng Tiền phía Bờ Hồ. Trước thềm Nhà Hát Lớn lại thêm cảnh ca nhạc ầm ỹ. Lướt qua, thấy một vài tốp biểu tình lẻ tẻ. Tôi đã gặp được những người quen biết hoặc quen mặt. Công an chìm nổi rất nhiều. Một chiếc xe cảnh sát bắc loa yêu cầu chúng tôi giải tán. Một tay công an vác loa chĩa vào mặt mấy người bắt đi chỗ khác. Chúng tôi, người đi đi lại lại, người đứng yên, người cãi cự lại công an và an ninh.

Tình hình căng thẳng ngay từ khi chưa nổ ra biểu tinh. Linh cảm cho thấy cuộc biểu tình sẽ bị dập tắt.

Đám biểu tình đông dần. Đúng 9 giờ, đoàn người đột ngột đông hẳn lên, các băng rôn, biểu ngữ đồng loạt tung ra. Đoàn người lập tức di chuyển về phía Hàng Khay, những tiếng hô "Đả đảo Trung Quốc", "Trường Sa - Hoàng Sa - Việt Nam" vang dậy. Tới ngã tư Hàng Khay - Hàng Bài một đoàn dân oan ém sẵn ào ra nhập đoàn. Mọi người đang hô chuyển sang vỗ tay vang dội. Trong đoàn dân oan, đáng chú ý có một chị chống nạng, đi tập tễnh cầm một băng rôn nhỏ bằng vải. Chị liên tục co vào giang ra, mỗi lần như thế, là một lần hô. Có lúc, chị ngã xuống đường, lập tức mọi người xúm lại đỡ chị dậy. Từ đó có một thanh niên luôn đi bên cạnh dìu chị.

Chúng tôi đi được hết Hàng Khay, vào Tràng Thi. Chúng tôi đi được chừng gần nửa giờ, đến siêu thị Nguyễn Kim thì rất đông quân sắc phục công an có, thường phục có ập vào bắt. Hẳn đây là vị trí chúng chọn sẵn Khi ấy, tôi đang đi trên vỉa hè bên phải bỗng giật mình nghe tiếng: "Bắt người, bắt người". Nhìn sang trái thấy một chiếc xe bus trờ đến từ lúc nào, quang cảnh vô cùng hỗn độn. Tiếng la hét, tiếng chửi, tiếng đe dọa ầm ỹ. Tôi băng sang hô: "Phản đối bắt người". Chợt nhớ ra chiếc máy điện thoại của tôi đang để ở túi quần, liền quay lại cất vào chiếc cặp đeo trân người, kéo khóa lại. Xong, lại xông vào giành người của mình ra tiếp tục la phản đối. Một tên nói: "Phản đối thì cũng bắt luôn". Tôi bảo: "Bắt thì không phải cưỡng bước, để tao tự lên xe (sự "tự giác" này khác hẳn khi bi chúng khiêng đi thẩm vấn ở trại Lộc Hà mà tôi sẽ kể sau). Tôi đến cửa xe thấy chật cứng. Loay hoay mãi không lên được vì chúng đang mải giằng co với người chống lại. Một cháu gái (sau tôi mới biết cháu là sinh viên năm thứ 3) đang bị đẩy lên xe. Cháu nói: "Cháu có làm gì đâu mà các chú bắt". Tôi bảo cháu: "Đừng sợ chúng nó, cứ lên xe đi cháu ạ". Đợi chúng đẩy cháu lên rồi, tôi lên theo cháu trông chừng. Gói thuốc vừa bóc, bỏ vào túi áo ngực văng ra. Tôi quay lại định nhặt lên thì nó đã biến mất. Kịch bản lặp lại đúng như hôm 17/7 năm ngoái.

Quang cảnh trên xe vẫn tiếp tục hỗn độn bởi giằng co, xô xát, tiếng chửi bới giữa người bị bắt và cảnh sát, an ninh. Một giọng nói phẫn nộ: "Chúng mày làm tay sai cho Trung Quốc. Sau này nó chiếm được Việt Nam chúng mày đừng hy vọng được nó sử dụng. Không bao giờ Tàu Cộng nó lại sử dụng kẻ phản bội nhân dân, phản bội đất nước mình đâu".

Chúng tôi kéo cửa kính vẫy chào đồng đội còn lại. Tôi hét to kêu tên nhà văn Thùy Linh: "Hãy thông tin ngay cho toàn thế giới biết nhé". Thùy Linh mỉm cười, vẫy tay chào.

Lúc ấy là 9 giờ 30 phút. Chúng tôi kiểm quân, đếm được 24 người tất cả.

2. Trại Lộc Hà: 

Trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà là địa chỉ quen thuộc của những người biểu tình. Xuống xe, chúng tôi đứng xếp hàng chụp ảnh lưu niệm. Xong chúng lùa chúng tôi vào phòng mà những lần trước chúng tôi đã từng vào. Phòng rộng mênh mông, ước chiều dài tên 20 m, chiều rộng trên 10 mét, treo biển là "Phòng chờ xử lý vi phạm".

Chúng để chúng tôi nghỉ ngơi uống nước chừng 30 phút rồi kéo đến yêu cầu chúng tôi đi làm việc. Chúng tôi kiên quyết không đi, đấu lý rất căng. Một tay cầm giấy bút gặp từng người hỏi tên. Không ai trả lời.

Chúng quay ra, chắc là bàn bạc. Lúc sau lại kéo đến. Lần này chúng đổi chiến thuật. Khi nãy chỉ người hỏi tên, giờ thì gọi tên tìm người:

-    Ai là Nguyễn Văn Phương nhỉ?

Im lặng

-    Ai là Hà Huy Sơn nhỉ?

Làm gì có luật sư Hà Huy Sơn ở đây. Từ sáng, tôi cũng chẳng nhìn thấy anh đâu. Chắc là cái tên Hà Huy Sơn đã ám ảnh chúng.

Mọi người cười ồ:

-    Về phát lệnh truy nã mà tìm.

Chiến thuật này thất bại. Chúng lại quay ra.

Chúng lại gọi cơm hộp như những lần trước. Thúy Hạnh động viên mọi người ăn để lấy sức chiến đấu. Người thì ăn, người thì không. Xong nghỉ ngơi, nói chuyện, động viên nhau. Tôi dành nhiều thời gian hơn nói chuyện với cháu sinh viên cho cháu an lòng.

1 giờ, đám công an lại kéo đến. Hẳn là chúng xin được chỉ thị của thượng cấp nên lần này cưỡng bức thẳng tay. Mỗi lần cưỡng bức một người, chúng tôi lại xúm lại giằng co. Tiếng la hét, tiếng chửi náo loạn cả phòng.

Nhưng chúng tôi làm sao chống lại được chúng nó khi quân chúng đông hơn chúng tôi, và tất nhiên là cơ bắp có thừa, chỉ thiếu nhân tâm và trí não.

Thế là chúng tôi bị bắt đi từng tốp, từng tốp một.

Nhóm bị bắt có 4 nữ. Sau Đoan Trang, Dương Thị Xuân và cháu sinh viên đi rồi còn lại mình Hạnh. Thấy có hai đứa nữ công an và thêm mấy đứa nam đi theo để giúp sức. Hạnh đang nói chuyện với tôi và Ngô Nhật Đăng, biết đến lượt mình, thanh thản đứng dậy:

- Thôi em đi đây.

Tôi thấy trong lời chào của Hạnh có cái gì đó vừa lạ lại vừa quen, chợt liên hệ đến đoạn hồi ký "Anh Hoàng Văn Thụ ra pháp trường". Sự so sánh này tuy khác về mức độ nhưng có một cái gì đó rất giống nhau: thanh thản và tự tin, không chút ân hận về việc mình đã làm.

Sau đó, Hạnh có tâm sự: "Lúc chào các anh em nghĩ đến câu thơ trong bài Sóng Côn Đảo của Anh Ngọc "Các đồng chí ở lại, tôi đi Hàng Dương". Đấy là câu chào của người tù mỗi khi bị đem đi xử bắn.

Em hay khóc, nhưng không hiểu sao những lúc tranh đấu em thấy mình thật mạnh mẽ, chẳng chút yếu đuối. Trước Đức Phật em không dám nói dối, nếu lúc ấy chúng lôi em đi bắn em cũng không mảy may sợ hãi. Đời người ai cũng chết một lần, được sống bằng ấy năm trên đời là một ân huệ rồi".

Lần này có hai điều khác so với lần trước. Một là chúng cho xe phá sóng áp sát phòng nhốt chúng tôi nên suốt thời gian trong trại, chúng tôi không liên lạc được với ai. Thông tin trong ra và ngoài vào bị bưng kín. Trong trại, tôi không làm sao biết được sau khi chúng tôi bị bắt thì cuộc biểu tình có tiếp tục được không. Cuộc biểu tình của đồng bào Sài Gòn như thế nào, có nổ ra được không.

Hai là chúng thẩm vấn xong ai thì không cho quay lại phòng chờ mà đuổi thẳng ra ngoài cổng, muốn đi đâu thì đi nên chúng tôi không biết được chúng đã làm gì, với những ai.

Sau khi ra hết, chúng tôi mới biết được là với tất cả, chúng khám xét rất kỹ, bắt lăn tay. Ai chịu lăn tay? Ai ký vào biên bản lấy lời khai? ai ký vào biên bản xử phạt hành chính? Những điều này chưa hỏi từng người được.

Được biết, khi bắt ở Tràng Thi, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Phương bị đánh. Trương Văn Dũng sau khi làm việc xong, chúng đã thả ra nhưng rồi bắt lại. Hai lần, lần nào anh cũng bị đánh. Trường hợp bị đánh tôi chưa nắm được hết.

Phản biểu tình ở Nhà Hát lớn

 Xe phá sóng áp sát phòng chờ xử lý "vi phạm"

 Tư thế của những người bị bắt vào trại phục hồi nhân phẩm

 Công an áp đảo những người bị bắt

Tác giả tại phòng chờ xử lý "vi phạm"


Chị dân oan tập tễnh đi biểu tình

11/12/2012

Nguyễn Tường Thụy.

(Còn tiếp)

3 nhận xét:

  1. chu thuy oi que huong moi nguoi co mot ma cuoc doi khong the co hai chuc chu luon manh khoe du khong co dieu kien de tham gia cung chu va moi nguoi nhung chau luon unh ho chu va nhung nguoi con yeu nuoc cua dat viet.cam on chu ve nhung bai viet

    Trả lờiXóa
  2. Đau xót

    Nước non này rồi sẽ ra sao
    Gấm vóc non sông đâu còn nữa
    Mảnh cơ đồ rách nát tả tơi
    Đau xót tiền nhân công dựng nước ...

    Phi Vũ
    12/11/12

    Trả lờiXóa
  3. TRỜI ĐẤT! ANH THỤY VÀ MỌI NGƯỜI XEM NÈ. CHỊU NỔI KHÔNG!!!

    Đảng nặng lời với báo vụ 'TQ cắt cáp'

    Cơ quan phụ trách báo chí hàng đầu của Đảng đã nặng lời chỉ trích các báo khi đưa tin Trung Quốc cắt cáp và dọa sẽ có hình thức 'kỷ luật'.

    "...Bản chất của vấn đề được hiểu là hai tàu dã cào của Trung Quốc đã vô tình chạy qua đuôi của tàu Bình Minh gây đứt cáp chứ không phải là chủ trương cắt cáp của Trung Quốc."

    Xem chi tiết bản tin của BBC:

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/12/121212_ban_tu_tuong_khien_trach_bao_chi.shtml

    Trả lờiXóa