Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Ta đã để lại cho các ngươi đất nước. Bây giờ nó ở đâu?

Huỳnh Văn Úc


Ngày 30/12/2012 tròn 90 năm kể từ ngày thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết-Liên Xô. Vào ngày này năm 1922 Đại hội Xô Viết toàn Liên bang lần thứ nhất đã phê chuẩn Hiệp ước thành lập Liên bang Xô Viết. Tham gia Liên bang Xô Viết vào thời điểm đó có Cộng hòa XHCN Xô Viết Liên bang Nga, Cộng hòa XHCN Xô Viết Ucraina, Cộng hòa XHCN Xô Viết Belarus, Cộng hòa XHCN Liên bang Ngoại Kavkaz (bao gồm Gruzia, Armenia, và Azerbajan). Về sau Liên Xô được bổ sung thêm những nước cộng hòa khác. Vào thập niên cuối cùng khi Liên Xô còn tồn tại, Liên bang Xô Viết có 15 nước cộng hòa. Nhân sự kiện này ngày 29/12/2012 ông Igor Froyanov có viết trên ruskline.ru bài viết “ Liên Xô-một trong những thử nghiệm vĩ đại nhất của lịch sử thế giới” trong đó ông phân tích sự hình thành, tồn tại, phát triển và sụp đổ của Liên Xô. Bài viết có đoạn: “Liên Xô không còn nữa, nó trở thành nạn nhân của sự phản bội nhà nước của giới chóp bu đứng đầu là Mikhail Gorbachev. Còn chúng ta thì luôn luôn quay lại thời kỳ thành lập của nó và cố gắng một lần nữa nhận thức sự kiện này. Sự chú ý như vậy không phải là ngẫu nhiên, nó liên quan đến vấn đề rằng trước mắt chúng ta là một trong những thí nghiệm vĩ đại nhất của lịch sử thế giới. Sự hình thành, phát triển và tồn tại của Liên Xô-đó không phải là sự nghiệp riêng biệt của dân tộc chúng ta. Hiện thực thành lập Liên Xô là hiện tượng có tầm cỡ thế giới”. Còn trên trang Nostalgie.USSR thì đăng bức ảnh có chân dung Stalin với câu hỏi: “Ta đã để lại cho các ngươi đất nước! Bây giờ nó ở đâu?” ( СТАЛИН: Я ВАМ ОСТАВИЛ СТРАНУ ! ГДЕ ОНА?). Dường như để trả lời câu hỏi của Stalin trang mạng rosbalt.ru tường thuật một cuộc điều tra có tựa đề: “Hơn một nửa dân Nga lấy làm tiếc về sự sụp đổ của Liên Xô”. Cuộc điều tra của Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga được tiến hành trong hai ngày 1 và 2/12/2012, phỏng vấn 1600 người từ 138 điểm dân cư tại 46 tỉnh, khu và các nước cộng hòa tự trị. Theo cuộc điều tra thì năm 2012 có 56% số người được phỏng vấn lấy làm tiếc về sự sụp đổ của Liên Xô. Cũng câu hỏi như thế cách đây 10 năm thì cho kết quả có 65% số người được phỏng vấn có câu trả lời tương tự. Những người tiếc nuối Liên Xô ở độ tuổi trên 45 (83%), có trình độ văn hóa thấp (72%), không sử dụng internet (75%).

Thái tử Tất Đạt Đa (Siddharta) sống trong cung điện huy hoàng và sự chiều chuộng của vua cha. Đến năm mười chín tuổi nhân một hôm ra ngoài cung cấm thấy cảnh sinh, lão, bệnh, tử Ngài trăn trở suy nghĩ và quyết chí xuất gia đi tu. Sau nhiều năm gian khổ đi tìm chân lý Ngài đến ngồi dưới cội cây bồ đề bốn mươi chín ngày đêm và ngộ đạo thành Phật. Phép biện chứng phủ định của phủ định của chủ nghĩa Mác thì chủ trương rằng bất cứ sự vật nào đều trải qua quá trình sinh ra, tồn tại phát triển và diệt vong. Sự vật cũ mất đi được thay thế bằng sự vật mới, đó là sự phủ định. Sự thay thế diễn ra liên tục tạo nên sự vận động và phát triển không ngừng. Sự phủ định là tiền đề là điều kiện cho sự phát triển liên tục, đó là phủ định biện chứng. Ông Igor Froyanov trong bài viết của mình đổ lỗi làm sụp đổ Liên bang Xô Viết cho Mikhail Gorbachev. Như vậy là sai. Theo phép biện chứng của chủ nghĩa Mác cũng như đạo Phật không có cái gì là muôn năm cả. Chính những mâu thuẩn phát sinh ngay trong lòng chế độ dẫn tới những căn bệnh trầm kha đã làm sụp đổ Liên bang Xô Viết.

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét