Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Việt Nam: Tưởng niệm các binh sĩ tử trận trong hải chiến Trường Sa 1988


Lễ tưởng niệm tại Hà Nội, 25 năm hải chiến Trường Sa. Ảnh ngày 14/03/2013

Reuters


Sáng hôm nay 14/03/2013, tại Hà Nội, đã diễn ra một lễ tưởng niệm các binh sĩ bỏ mình trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (Johnson Reef) – Trường Sa – trước cuộc tấn công của hải quân Trung Quốc cách đây đúng 25 năm. Kể từ sau trận chiến 14/03/1988, Trung Quốc chiếm bãi đá Gạc Ma. Lễ tưởng niệm các binh sĩ Việt Nam tử trận trong hải chiến Trường Sa 1988, do những người tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ tổ chức, diễn ra trong bối cảnh chính quyền Việt Nam không đưa ra tuyên bố chính thức nào trong dịp kỷ niệm này.

Lễ tưởng niệm diễn ra khoảng 30 phút. Trong vòng vây kiểm soát của hàng chục nhân viên an ninh, những người tham gia cuộc tưởng niệm hô vang các khẩu hiệu : « Hoàng Sa ! Trường Sa ! Việt Nam ! Đả đảo Trung Quốc xâm lược ! Đả đảo bành trướng Bắc Kinh ».

Từ năm 2011, hơn mười cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông đã diễn ra tại Hà Nội và Sài Gòn. Chính quyền khi thì cho phép, khi thì đàn áp.

Năm nay, lễ tưởng niệm 64 thủy quân tử trận tại Gạc Ma đã được một vài cơ quan chính quyền địa phương Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức, với sự góp mặt của một số cựu binh đã từng tham gia trận chiến và nhiều thân nhân các tử sĩ.

Về cuộc tưởng niệm sáng nay tại Hà Nội, ông Lã Việt Dũng cho biết thêm chi tiết :

Đấy là sơ lược diễn biến buổi tưởng niệm do chúng tôi tổ chức tại tượng đài Lý Thái Tổ - Hồ Gươm hôm nay. Ông Lã Việt Dũng : « Chúng tôi có hẹn nhau đến tượng đài Lý Thái Tổ để làm một lễ tưởng niệm vào 8 giờ 30 sáng nay. Chúng tôi chuẩn bị hai lẵng hoa và một số người mang một số bông hoa đến cắm. Chúng tôi có khoảng 30 người. Chúng tôi đọc một bài diễn văn. Chúng tôi cũng thắp hương tưởng niệm và sau đó đi về.

Người tham gia chủ yếu là thành phần những người đã tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ năm 2011, 2012. Những ngày này, có thể chúng tôi là những người nhớ nhất, và khi có những lời rủ nhau trên mạng, thì chúng tôi đi.

Từ trước đến nay, theo chúng tôi được hiểu, với những vấn đề về tranh chấp với Trung Quốc, thì chính quyền Việt Nam thường không muốn nhắc đến và họ thường hạn chế việc tưởng niệm. Gần đây nhất là ngày 17/02/2013, thì một số bác nhân sĩ, với chúng tôi, đặt vòng hoa tưởng niệm ở đài liệt sĩ thì cũng đều bị ngăn cản. Thứ hai là, trước khi đi ngày hôm nay, thì hôm qua, nhiều người trong số anh em chúng tôi, trong đó có cả tôi, thì đều có công an đến nhà, và họ đều khuyên là không nên đi.

Và khi đến tưởng niệm này, thì cũng có một bầu không khí tương đối căng thẳng. Nhưng khi chúng tôi làm, thì nói chung mọi việc diễn ra rất bình thường, mặc dù là các lực lượng công an, an ninh mặc thường phục quay phim chụp ảnh rất đông, nhưng gần như họ hoàn toàn không có chút can thiệp nào cả. Tuy có về sau này, khoảng 12 giờ chúng tôi có việc quay trở lại đó, thì lẵng hoa vẫn còn, nhưng hai cái băng rôn, một là ''Tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma chống Trung Quốc xâm lược'' và cái thứ hai ''14/03/1988 Nhân dân không thể nào quên'', thì đã bị gỡ đi. Dẫu sao thì ngày hôm nay cũng thể hiện thái độ tương đối là mềm dẻo của chính quyền. »

Đêm hôm qua 13/03 tại Hải Phòng, cũng diễn ra một hoạt động tưởng niệm các chiến sĩ Trường Sa. Sau đây là tường thuật của ông Nguyễn Tường Thụy, một thành viên của đoàn tưởng niệm.

Đoàn chúng tôi có 13 người, sau đó chúng tôi mời thân nhân các gia đình liệt sĩ đi, gồm 4 thân nhân.Ông Nguyễn Tường Thụy: « Chúng tôi đi Hải Phòng ra biển thắp hoa đăng gửi cho các chiến sĩ đã hy sinh ở Trường Sa. Chúng tôi thả đêm hôm qua, và sau đấy đi thăm một số gia đình liệt sĩ và hiện nay chúng tôi đang trên đường đi thăm và tặng quà gia đình liệt sĩ (Gạc Ma).

Chúng tôi thả hoa đăng vào khoảng trước 12 giờ đêm hôm qua. Chúng tôi làm một vòng hoa rất là to và 64 ngọn nến, trong mỗi ngọn nến, chúng tôi có ghi tên một liệt sĩ. Chúng tôi thắp hương, đặt hoa, tiền vàng và thuê một chiếc ca nô ra xa bờ để thả xuống biển. Thả ở Bến Nghiêng, thuộc thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Trước khi thả, chúng tôi cũng làm lễ rất là chu đáo và long trọng.

Chúng tôi tin rằng tấm lòng của chúng tôi, để ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong hải chiến Hoàng Sa chống quân Trung Quốc xâm lược, là các anh sẽ biết và hiểu được tấm lòng của chúng tôi. Việc làm này chúng tôi chuẩn bị nhiều ngày, nhưng hết sức thận trọng và bí mật, chỉ khi thả hoa đăng xong, chúng tôi mới công khai lên mạng internet. »

RFI xin cảm ơn ông Lã Việt Dũng và ông Nguyễn Tường Thụy

Các tin bài liên quan






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét