Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

NẠN ĐẠO THƠ ĐBS CỬU LONG CÓ SINH CÁCH NGHĨ VỀ THƠ VIỆT TOÀN THỂ?

Nguyễn Hoàng Đức


Vừa qua rộ lên việc thi thơ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nào phạm qui nào đạo thơ ở mức độ ngót 40%. Quả là mức kỷ lục trên thế giới. Có thể nói chỉ cần trích ra thành tích ngược của nó chừng 10% thôi, thì cũng đã dư sức đánh đổ những giải quán quân thế giới về phạm qui và đạo văn.

Một thành tích “Bêu danh” như thế, ở tầm vóc 13 tỉnh phía Nam, liệu có phải là đám cháy để chúng ta nhìn ra cuộc lộ diện của nó? Chắc hẳn rồi, một cuộc thi tầm vóc liên địa phương như vậy, chẳng lẽ lại chẳng thu hái gì từ chính bài học thất bại của nó? Hay là với một tâm cảm vui đùa cợt nhả thi ca nhì nhằng mua vui chúng ta thấy nó chẳng đáng gì để rút ra bài học cả? Một cách nghĩ như vậy sẽ thật là tai họa không chỉ cho thi ca mà cho tư duy nhân bản của con người. Bởi lẽ khi cái xấu được chấp nhận quá hiển nhiên như một sự cợt nhả nó sẽ làm tê liệt khả năng phản tỉnh và nhận biết liêm sỉ của tâm hồn. Thi hào Goethe có nói: “Nghèo không nhục mà xấu hổ vì nghèo mới nhục”. Ở đây một cách tương tự chúng ta có thể suy diễn:

“Dốt nát, đạo văn đã nhục, nhưng thật xấu hổ lại làm quen và vui vẻ với việc dốt nát và đạo văn”.

Các nhà khoa học nói: Những cơn bão thường hình thành từ Tây sang Đông. Những dòng sông thường chảy từ Bắc chí Nam. Và những con kiến thường di cư theo hướng chảy của những dòng sông đi từ Bắc vào Nam.

Thi ca có đi từ Bắc vào Nam không? Có chứ, không chỉ Việt Nam ảnh hưởng văn hóa Tầu cũng như một nghìn năm đô hộ giặc Tầu từ phía Bắc đổ xuống di thực dần vào Nam, mà ở các nước Á – Âu, phía Bắc thường đặc trưng cho những gì nặng ý thức hệ qui lát hơn, còn phía Nam thì cởi mở phóng khoáng hơn.

Khi viết về nạn đạo văn và phạm qui rất nghiêm trọng của cuộc thi thơ ĐBSCL, nghiêm trọng đến mức có thể không tài nào phát giải được, có vài tác giả đã viết nạn đạo văn ở đó đã trở thành thường xuyên. Giờ chúng ta thử xem căn bệnh đó có lây lan từ Bắc vào?

Ngay tại Hà Nội, có cả tác giả viết phê bình, viết sách đạo cả mấy chương chép i xì của sách xuất bản trong Nam trước 30/4/1975. Người ta chỉ ra nói tận tay ray tận trán, nhưng lúc tái bản cuốn sách của mình, tác gỉa đó coi như không biết, vẫn cho in nguyên xi những chương chép của người khác. Nhưng rồi mọi người có vẻ như chấp nhận. Tại sao? Có phải như Hoàng Đế Napoleon nói “Quá khoan dung với tội lỗi là đồng tình với tội lỗi”? Ngay tại cuộc thi các tác phẩm của HNV năm 2013 còn chưa ráo son mới đây, một ủy viên trong ban sơ khảo vẫn ngang nhiên gửi thơ dự giải, mặc dù theo qui định là phạm qui 100%, vậy mà khi có người trong ban giám khảo chỉ ra, ủy viên này cùng các ủy viên khác vẫn ngang nhiên đồng tình chấp thuận và xét được giải. Rồi khi tập thơ “Giờ thứ 25” bị chỉ ra không cãi được về việc đạo cái tên tác phẩm – cũng là tên “chứng minh thư” . Vậy mà người ta cứ trao giải như không cần biết. Thượng bất chính hạ có tắc loạn? Phía Bắc đã thế sao không gây men cho phía Nam?

Giờ bàn vào thơ. Có tác giả viết, tại sao chỉ có hội thơ phường, thơ xóm, mà không có hội văn làng, văn xã? Chắc hẳn, bởi vì, thơ là thứ tức cảnh sinh tình, tùy tiện được chăng hay chớ làm vài câu nhì nhằng thì thành lập hội trong mấy lúc. Chỉ cần một chiếc micro, thì có ngay vài người xin đọc thơ. Chỉ cần mở sổ xin đăng ký xem ai sẽ đọc thơ tiếp liền có ngay cả tá người đăng ký, thế là thành hội thơ ngay. Nhưng văn là lao động miệt mài không dễ như vậy. Trước kia, vài nghìn năm, ở Trung Quốc, khi triều đình cần viết soạn một cuốn sách thì phải thành lập ban bệ, bao gồm những người có học vấn, chuyên môn, và hàng trăm sinh viên sao chép lại.

Có rất nhiều nhà thơ Việt bước vào thơ với mấy khẩu quyết theo kiểu “Vừng ơi mở cửa ra!” như: “Phải có thiên bẩm mới làm được thơ!” “Thơ hay không cần nhiều, quí hồ tinh bất quí hồ đa”, “một tác phẩm hay để đời đã khó và đã đủ rồi”… Kết quả sinh ra rất nhiều nhà thơ một bài.

Triết gia Hegel nhất quyết xác định: Không có con người vĩ đại dựa trên những cảm tác được chăng hay chớ. Con người vĩ đại phải có một ý chí mãnh liệt để hiện thực hóa khao khát lý tưởng mang định hướng xuyên suốt, như thể đi cả đời mới tới đích hành trình. Có vài con người là kiểu mẫu cho sự vĩ đại của Việt Nam và thế giới:

1- Homer: Không giống những nhà thơ cảm tác lang thang vụn vặt, Homer đã ôm đàn lia đi khắp Hy Lạp, gom nhặt, tập đại thành hai tập thơ đã có trong dân gian thành hai tập Iliad và Odyssey. Ông không sáng tác gì cả, nhưng với ý chí đi xuyên thủng đất đai Hy Lạp, xuyên thủng nền văn hóa Hy Lạp, và gom nhặt cả cánh đồng bát ngát thi ca, ông đã trở thành vĩ đại bất tử vượt lên cả vạn nhà thơ xếp vần bẻ chữ.

2- Shakespeare: Theo chương trình truyền hình nhiều kỳ mới nhất trên VTC5, Shakespeare chỉ là người viết lại những tác phẩm của người khác trên tinh thần chỉnh lý, nâng cấp, và hoàn mỹ hóa… Ông vĩ đại vì cũng là một nhà kiến trúc tập đại thành.

3- Nguyễn Du: Ông vĩ đại vì chọn, chép và lục bát hóa cuốn truyện hạng hai của Tầu là “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân ở Tầu, thành cuốn truyện thơ “Truyện Kiều”. Nếu ông có làm việc này cũng chẳng có gì kém cỏi vì cũng giống Homer và Shakespeare khi trở thành kiến trúc sư “tập đại thành”.

Không có công trình vĩ đại nào không to lớn hoành tráng! Một thế giới được khắc trên hạt thóc thì đó chỉ là khéo tay. Còn bức tượng khắc trên vách đá dù có xấu cũng vẫn mang tên vĩ đại!

Thơ đoản ca nhỏ lẻ dù có hay cũng chỉ là sinh hoạt tức cảnh sinh tình vui vẻ tí chút. Và việc quá mải mê với thứ sinh hoạt dễ dãi này đã làm cho rất nhiều, thập chí có đến hơn 90% nhà thơ của Việt Nam trở thành cái gì xó máy, nhũn nhẽo, tư cách nhì nhằng, trí tuệ ẻo lả, ý chí tuột xích ham vui, con người dựa lưng vào thứ tưởng là thiên bẩm trông rất lèo tèo… Và gần 100% họ khó có thể vượt qua con đường thử thách chông gai của “biến khả năng thành hiện thực” để trở nên bóng hình vĩ đại. Chính thế mà họ hay đạo thơ, cắm cổ vào phạm qui, ưu tiên nhau phạm qui để kiếm một chút vinh quang “phở mậu dịch, kịch ti vi”.

Thơ mới đầu chỉ là: sự truyền khẩu giành cho người mù chữ. Trong thơ làm gì có tri thức lớn và lương tâm lớn. Chỉ khi thơ mang kịch tính để được gọi là thi ca khi đó nó mới mang bóng dáng của sự vĩ đại (thi ca bao gồm thơ, kịch, tiểu thuyết). Nếu mới làm được mấy bài thơ lẻ, ở Việt Nam bạn có mong vượt Nguyễn Du không? Bạn chớ nên tự hào kiêu hãnh cũng như quan trọng hóa nó lắm làm gì. Thử dùng ý chí để trở nên cái gì đó to lớn hơn, ta sẽ thấy mình có một tầm vóc khác. Còn nếu bạn mãi mãi à uôm với mấy câu thơ lèo tèo, thì đó chỉ là sinh hoạt vui vầy bằng vần vèo. Chớ có quan trọng hóa và ảo tưởng về nó để rồi nghĩ mình là cái gì xuất sắc, đặc biệt hay vĩ đại. Nói chung hãy nhìn Trung quốc kia, gần một thế kỷ rồi, họ vứt thơ đi, thì nền văn học của họ với hai giải Nobel Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn càng lớn hơn chứ không bé đi.

Còn Việt Nam có phải cứ chúi mũi vào hà hít mấy câu thơ sinh hoạt lèo tèo, còn bày trò đạo văn, phạm qui và trao giải thì chúng ta bao giờ mới lớn???


NHĐ 09/07/2013
Tác giả gửi cho NTT blog

2 nhận xét:

  1. Nặc danh10/7/13 1:02 SA

    Thưa ông Đức.
    Thảo nào bà Đầm Xòe gọi ông là triết gia , nên tôi biết ông không có thể làm thơ,ông có thể là nhà phê bình văn học. Tuy nhiên có nhiều thi sĩ "tự phát" giống như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ,Tố Hữu chẵng hạng ,cũng nhờ người ta phổ nhạc từ thơ,hay giới phê bình văn học nâng lên mà thi sĩ đó nổi tiếng,nhưng sự nổi tiếng nầy chĩ tạm bợ không tồn tại được lâu dài.
    Hãy tập nghe thơ dễ dãi,trong cái đồng điệu giữa thơ và giới thưởng ngoạn không còn biên giới, ví dụ như khi đọc Kiều thì ta phải là chính Nguyễn Du,không cần kính cẫn tới mức độ thấy Nguyễn Du là cha già tóc trắng của dân tộc ngồi chểm chệ trên ngọn núi Hồng Lĩnh làm chi ! Nếu nhập được với chị em Thúy Kiều thì ta đã vượt qua " Nhị nguyên đối đãi",và ta trườn bàn chân qua và gát lên hai chân của cụ Nguyễn Du giống như hai người bạn thân !
    Nồi phở thì bắt buộc phải có nầy có kia,cõi thơ hoàn toàn không có nên cái nầy cái nọ gì hết.Nhân loại chưa có trường dạy làm thơ ,khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc cụ Nguyễn Du phải chạy về Tiên Điền,chính nơi nầy cụ gặp được những trai gái nơi ruộng lúa nầy nói ra thơ mà cụ phải ngưỡng mộ,so với Thăng Long nơi cụ lớn lên,dinh Nguyễn Khản cha của cụ hay dinh chúa Trịnh ,nơi " ban ngày thắp nến hai hàng",thiếu gì ngâm thơ,họa thơ,vịnh thơ,thơ chén tạc chén thù...nhưng giai đoạn nầy cụ chưa có gặp nhà thơ nào mà cụ ngưỡng mộ cã.
    Thơ là gì? Không biết ! Thơ đến từ "tức cảnh sinh tình" ? không biết ! Chỉ biết sinh tình thơ thoáng qua như sự rung động ,tạm giải thích như vậy.
    Nhìn lên chênh chếch sao mai
    Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ.
    Đọc..yên lặng...cảm nhận ,đừng đòi hỏi thi sĩ ruộng nầy nói gì thêm ,vì thoáng tối hôm qua đã qua rồi,nếu muốn tìm lại thì hãy chờ đêm đó năm sau cùng giờ nầy thì có thể thi sĩ ruộng nầy may lắm thì bắt gặp lại cái duyên chênh chếch nhớ ai ấy !
    Thơ là thơ,thơ không có chỉ đạo,không có yêu cầu,không có kế hoạch .Không có thơ phải có thép,thơ mà vận động bộ não như Trần Đăng Khoa làm thơ như làm toán ..ngoài thềm có chiếc lá rơi...sao biết có một chiếc mà không có nhiều chiếc !...nghe như rất mỏng như là rơi nghiêng...rơi nghiêng là rơi sao ! cuốn lá ! phiến lá !....vận dụng đầu óc như vậy thì chĩ mệt mõi giới thưởng ngoạn thơ mà thôi, Khoa nên học ngành vật lý thì tốt hơn.
    Ông Đức nói về đạo thơ ở VN, tôi không có comment,vì từ VNDCCH tới CHXHCNVN chưa có nền văn học nào hết,làm sao có trộm hay không trộm !Ông nhớ nhà nước bắt cả nước học thơ HCT ,Tố Hữu...thì làm sao có văn học hay không văn học,không có văn học thì trộm văn học để làm gì !Không có nhà ở, không có chuồng trâu thì trộm trâu để làm gì !

    Trả lờiXóa
  2. bó tay đạo thơ, đạo nhạc còn đạo gì không ta ah có đạo tặc

    Trả lờiXóa