Vân Thuyết
Tít bài viết thì như thế, tuy nhiên đọc hết mới hiểu, nhân nhận xét về một bài thơ, Họa sĩ Vân Thuyết đã đưa ra một số quan niệm về thơ cũng như kỹ năng làm thơ. Vì vậy tôi không phải băn khoăn nhiều khi đăng bài này mặc dù tác giả khen thơ tôi lại còn nâng tôi lên thành "nhà" nữa cơ chứ :) Thích mấy câu chê của anh.
(Nguyễn Tường Thụy)
Thi hào - triết gia người Ý - Giacomo Leopardi - cùng với Dante ông được coi là một trong những nhà thơ - nhà tư tưởng vĩ đại bậc nhất của Ytalia - đã viết : “ Thơ trữ tình có thể coi như tổng hợp hết cả thơ - là tuyệt đỉnh của thơ - cũng như thơ là tuyệt dỉnh của tiếng nói con người “
Thi sĩ Comte Lautreamont - một nhân vật kỳ lạ và bí ẩn trong văn học Pháp - người có ảnh hưởng lớn đến chủ nghĩa siêu thực trong văn học nghệ thuật - ông đã viết : “ Thơ không phải là bão táp - cũng chẳng phải là cuồng phong nhiệt đời - ấy là một con sông rộng lớn và yên lặng “ .
Thi hào - triết gia Goethe đã viết : “ Những quy luật ở thơ và hội họa có thể truyền thụ tới một mức nào đó - nhưng muốn thành một nhà thơ hay - một họa sĩ giỏi - phải có thiên tài - một thứ không thể truyền được “.
Tôi cho rằng : - một bài thơ được ra đời - nó là thành quả của của việc lao tâm khổ tứ - có thể có cả sự bí ẩn linh thiêng nào đó dẫn dắt ta - là số phận hay là sứ mệnh !? - chỉ biết rằng tâm trí ta luôn bị ám ảnh về thơ - tứ thơ - nhịp điệu vần thơ - hồn thơ - tính nhạc họa của thơ…vì cả những con chữ tính khí bất thường bất trị …ta luôn suy tưởng đau đáu lấy cái đẹp của chữ nghĩa ngôn từ - lấy sự chiêm nghiệm của cuộc đời đơn lẻ nhìn thấy nỗi thống khổ của thân phận kiếp người làm cứu cánh tối thượng và cao quý nhất cho tư tưởng thơ - nó thôi thúc ta chinh phục luyến ái như hơi thở tự nhiên với những vần thơ ...
Tôi cho rằng : Bản chất của hoạt động phê bình nghệ thuật là thẩm mỹ - là đối thoại giữa nhà phê bình với tác phẩm nghệ thuật - cả hai phải biết chấp nhận một cách bình đẳng - có thể tác phẩm vượt tầm trí tuệ - nhận thức - cảm xúc của nhà phê bình và ngược lại - lúc đó sự xung đột là tất yếu …
Đọc bài thơ : “ CHÉN LY BIỆT “ của nhà thơ Nguyễn tường Thụy - cái tên gây cho tôi ấn tượng khá mạnh - như khoan sâu vào những kỷ niệm một thời sinh viên yêu thầm nhớ trộm - mộng mơ thất tình lang thang trên hè phố mông lung vào những tối khuya thứ bảy nghe tiết mục “Tiếng thơ”của Đài tiếng nói Việt Nam - chắc hẳn những ai yêu thơ đều không thể quên những đêm se lạnh - gió đông hun hút - giọng ngâm thơ cứ văng vẳng sâu lắng khoan sâu vào lòng ta - nỗi cô đơn - những cảm xúc ngây ngất vô hình vượt lên làm hồn ta nâng nâng bao kỷ niệm vui buồn - và có lẽ kỷ niệm về tình yêu không trọn vẹn và những khát vọng về tương lai mơ hồ luôn ám ảnh ta nhiều nhất .
Sáu câu thơ :
“ Vườn xưa cỏ dại kín rồi
Còn trong ký ức một thời xuân xanh
Trăng mơ soi sáng bến tình
Thấy thuyền lữ khách - thuyền mình nơi đâu
Em về vui với nương dâu
Đường anh đi lắm dãi dầu gió sương “
Những câu thơ trữ tình - duyên dáng rất đẹp - biểu hiện đặc sắc ở hai câu “ Trăng mơ soi sáng bến tình / Thấy thuyền lữ khách - thuyền mình nơi đâu “. ( được thể hiện theo đúng luật của thơ lục bát - ở câu 1 : 2 - 4 - 6 ( B - T - B ) - ở câu 2 : 2 - 4 – 6 - 8 : ( B - T- B - B ). Hình ảnh miền thôn quê Việt Nam đẹp thanh bình êm dịu phảng phất hoài niệm chuyên tình thời “Liễu trai chí dị “ mà chúng ta chỉ còn thấy trong ký ức xa xăm hay trong hội họa - trong thơ - trong tiểu thuyết …một bức tranh phong cảnh có màu sắc thẩm đượm huyền tình - gợi kỷ niệm - gợi cảnh sắc mơ hồ hư thực thiên bồng - nhà thơ đã đồng hóa được tâm hồn vào với cảnh vật thiên nhiên một cách hữu tình say đắm lãng mạn - bộc lộ tâm tình riêng tư - có một chút mãnh liệt ngầm được tạo nên bởi nội cảm - bởi những âm hưởng thuần khiết của cảm xúc thật trào dâng lặng lẽ - lịch lãm - tao nhã không khoe trương ồn ào - nó giải phóng tâm hồn kẻ thất tình không rơi vào u mê tăm tối .
Những câu thơ ở phần kết :
“ Nay chung lại chén rượu hồng
Bên con sông bạc mà lòng quặn đau
Biết mình chẳng phải duyên nhau
Đành đi xin hẹn kiếp sau tìm về “
Ở đây tác giả bài thơ dùng “ly rượu” và “hẹn kiếp sau” để xoa dịu bớt số phận nghiệt ngã của kiếp nhân duyên không thành - mắc dù không có những tính từ như nỗi buồn - đau khổ - bất hạnh - nghiệt ngã – nhưng hồn thơ vẫn cho ta cảm xúc của nỗi buồn thầm lặng rót vào bài thơ tình lặng lẽ - êm du - có thể đó là bản thân tâm tính của tác giả - một tâm trạng hay một tâm tư vị tha để biến nó thành bài thơ cho ta thưởng ngoạn - chứ không phải kể sâu chuyện thất tình đau khổ hận thù .
Ở ngay hai câu thơ đầu :
“Ngồi cùng em hết đem nay
Ta chung nhau một ly này nữa thôi “
Và hai câu ở gần kết :
“Nay chung lại chén rượu hồng
Bên con sông bạc mà lòng quặn đau “
Do viết theo phong cách của thể thơ lục bát nên còn có chút sự khiên cưỡng của nhịp thơ và cảm xúc vần thơ - nó cũng mang tính mô tả kể chuyện hơi thô mộc đơn giản một chút không được tinh tế sinh động như những câu ở giữa bài thơ.Có một chút nghịch lý của câu “chén rượu hồng“với hình ảnh “con sông bạc…lòng quặn đau “- có sự xen lẫn giữa lạc quan và bi quan - không hiểu đó là ý đồ của tác giả hay cảm xúc hồn nhiên của nghệ thuât tu từ - nhưng vô tình nó là giảm đi trạng thái thuần khiết trữ tình - một tâm trạng có chất biểu hiện của cảm xúc thơ .
Thơ lục bát là thể phổ biến có từ lâu đời của việt Nam - có thể rất dễ làm nhưng cũng thật vô cùng khó cho một bài thơ hay - nó phụ thuộc vào năng lượng tài năng biến hóa luật thơ - nội dung chủ đề tư tưởng - nhưng không mất đi nhịp điệu vần thơ lục bát - nó phụ thuộc vào những trải nghiệm dài lâu của cuộc sống để có những triết lý sâu xa về cuộc đời hay vẻ đẹp thuần khiết của nhịp điệu - vần thơ - chất nhạc họa là linh hồn của chữ nghĩa ngôn từ thơ - để có được sắc thái riêng giọng điệu riêng của nhà thơ - như Nguyễn Du và Nguyễn Bính là hai thi nhân có phẩm chất thiên tài của thể thơ lục bát .
Về tên bài thơ “CHÉN BIỆT LY“ - như một đại “Thán từ !!!” cho ta cảm tưởng đến một cuộc chia tay của những người lính anh hùng xông pha trận mạc - của những chí sĩ yêu nước trước giờ lâm chung tử nạn - cái tên quá lớn so với nội dung - chủ đề tư tưởng - tinh thần và cảm xúc của bài thơ …
Dù vậy bài thơ vẫn cho ta những hình ảnh giầu cảm xúc nhiệt thành - - có hồn thơ nhẹ nhàng - có kỹ năng biểu đạt - có tình cảm luyến ái yêu thương của người giầu tình cảm - sở đắc tâm thiện …nếu bàn sâu hơn về tư tưởng thơ - thi pháp thơ sẽ có rất nhiều điều chưa thể bàn tới …
Tôi cho rằng:Thơ là cứu cánh tạo nên sự ám ảnh day dứt sám hối của tâm hồn - tạo nên sự cảm thông sâu sắc với cuộc đời - với mọi kiếp người. Những dò la bí ẩn của nội tâm -những ám ảnh - lo âu - hoang mang - hồi hộp -cô đơn - hoài nghi - tâm trạng bi đát - đói khát tự do - đói khát tư tưởng - đói khát tình yêu - đói khát tình dục - sự bất an bất toàn của thân phận kiếp người - là những “kẻ” hay đến thăm nhà thơ - nhà văn - nghệ sĩ thường xuyên suốt cả cuộc đời .
Thơ luôn chiến bại nhiều hơn là chiến thắng .
Nhân đây tôi gửi hai bài thơ viết từ thời “sinh viên nghèo” yêu thơ cùng được hân hạnh hòa nhịp theo giai điệu thơ trữ tình của nhà thơ Nguyễn Tường Thụy. Rất mong nhà thơ NTT cảm thông lượng thứ nếu có điều gì chưa phải với ngài! Hy vọng có thêm những bài viết của nhiều tác giả khác có năng lượng cảm nhận thơ sâu sắc hơn - có thể phát hiện thêm cái hay cái đẹp của bài thơ mà tôi chưa nhìn tới …!?. Tôi chân thành cảm ơn đến bạn đọc có lời bình tâm giao với bài viết và thơ của tôi ! Chào Thân ái !
DONG DUỔI
Cuộc đời ta dong duổi
Trên con đường không lối
Con tim ta suy tưởng
Phía chân trời gọi ta
Nơi tương lai chờ đợi
Thiên lý ngàn trùng xa
Ta hành khất đi tìm
Tình ta mơ trong mộng
Sương đêm rơi tím biếc
Vó ngựa vang đâu đây
Vò rượu ngon thức tỉnh
Rót men say ru tình
Ánh trăng khua khẽ hát
Lời Thánh ca tinh tuyền
Cùng gió mưa tri kỷ
Dụ lòng ta quên sầu
Màn đêm trôi qua mau
Người đẹp xưa đi rồi
Phất phơ mình một bóng
Ta uống rượu cho say
Con đường ta dong duổi
Biết dừng chân nơi đâu
Thiên lý ngàn trùng xa
Con thuyền ta phát vãng
Cuộc đời trăm năm ảo
Ta mặc lòng cho tình ta sa ngã buồn xưa .
Hà nội 1977
CÂY CẦU VÀ DÒNG SÔNG
Dòng sông êm đềm lặng lẽ trôi nhanh - gió thì thầm ca hát
Bài ca của tình yêu của số phận không thành đôi lứa trăm năm
Em đâu có nhớ đến những ngày bên nhau - ta đếm những vì sao
Những ngày hai đứa có chung nửa niềm vui - chung nửa nỗi buồn
Thời gian trôi mau - ngày đêm qua mau
Ánh mắt em vẫn ám ảnh hồn tôi - thao thức nỗi nhớ về em
Trong ký ức xa xăm tôi nhớ những phút giây bên nụ hôn cháy bỏng
Của bờ môi em va chạm - thổn thức trái tim tôi
Dòng sông uốn khúc chảy qua chiếc cầu xiêu xiêu vẹo
Những con sóng nhỏ nhấp nhô như không muốn rời xa
Cây cấu liêu xiêu vang bóng một thời hồn nhiên trai trẻ
Đôi mắt dòng sông lấp lánh - rơi lệ sầu không muốn dài lâu ly biệt
Thời gian trôi mau - ngày tháng qua mau - không gian đổi sắc màu
Hình bóng em vẫn ám ảnh hồn tôi - nhưng đôi mắt em không còn lấp lánh
Em rời xa tôi như dòng nước lũ trôi nhanh đi tìm biển lớn
Chỉ còn lại những giọt sương đọng trên bờ vai sóng vỗ rì rào
Cuộc đời tôi xa cách em như màn đêm không có ánh sao
Chẳng còn hy vọng - chẳng còn niềm tin - cuộc đời ru màu sương gió
Những dữ dội cuồng điên của tình yêu tan theo dòng lũ chảy
Cây cầu liêu xiêu - phất phơ một mình một bóng nghiêng nghiêng .
VT
Hà nội 1974
.
Tác giả gửi cho NTT blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét