Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Tân quan tân chính sách

Huỳnh Văn Úc

Ngày 15/3/2013 ông Lý Khắc Cường được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc. Ông Lý Khắc Cường (Li Kequiang) sinh năm 1955 ở Định Viễn, tỉnh An Huy, là con của một quan chức cấp huyện. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế ở Học viện Kinh tế Đại học Bắc Kinh và sau thời gian làm nghiên cứu sinh ông có bằng Tiến sĩ kinh tế học.

Ông Lý Khắc Cường lên làm Thủ tướng trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu không mấy sáng sủa. Thời kỳ kinh tế Trung Quốc liên tục phát triển với hai chữ số phần trăm đã qua đi như một giấc mơ không bao giờ trở lại và trong năm 2013 chỉ còn lại con số rất khiêm tốn là 7,5%. Nợ công lên đến 13.000 tỷ nhân dân tệ ( 2.124 tỷ USD) làm hệ thống tài chính có nguy cơ sụp đổ. Các tổ chức tài chính thế giới trong đó có Quỹ tiền tệ thế giới IMF cho rằng nợ công thực sự của Bắc Kinh lớn hơn con số nêu trên nhiều lần và Trung Quốc phải tìm cách giấu đi để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính. Cái đinh của nền kinh tế Trung Quốc là kỹ nghệ thép ngày càng thua lỗ. Trong năm 2012 Trung Quốc sản xuất 710 triệu tấn thép tương đương một nửa lượng thép làm ra trên toàn cầu. Sự xuống dốc thảm hại của thị trường địa ốc kéo theo sự trì trệ của ngành sản xuất thép. Báo cáo tài chính nửa năm 2013 cho thấy 23 công ty thép có mặt trên sàn chứng khoán đang chịu số nợ 377,4 tỷ Euro. Một trong những mặt trái của sự tăng trưởng kinh tế là nhu cầu năng lượng ngày càng khẩn thiết và Trung Quốc dường như sắp rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhu cầu than để cung cấp cho các nhà máy sản xuất năng lượng trong năm 2012 đã vọt lên con số 3,62 tỷ tấn. Ba phần tư năng lượng điện sản xuất tại Trung Quốc đến từ các lò điện chạy bằng than. Than càng ngày càng thiếu khiến giá điện ngày càng tăng. Vì hạn hán nên điện năng do thủy điện cung cấp giảm 20%. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ năng lượng cho một đơn vị GDP (unit of GDP) của Trung Quốc cao gấp 2,5 lần so với mức trung bình trên toàn cầu; 2,9 lần so với Mỹ và 4,5 lần so với Nhật. Sự phát triển của nông nghiệp Trung Quốc kéo theo sự xuống cấp của môi trường sống và mang lại những di hại trầm trọng cho sức khỏe con người. Trung Quốc tiêu thụ 35% phân bón hóa học và 20% thuốc trừ sâu của toàn thế giới. Không những cây củ, hoa quả, lương thực và thực phẩm sản xuất tại Trung Quốc lĩnh đủ hậu quả của lượng phân bón và thuốc trừ sâu khổng lồ này mà 80% lượng nước uống và nước ngầm cũng bị đầu độc.

Tại cuộc họp báo đầu tiên ngay sau khi được bầu làm Thủ tướng ông Lý Khắc Cường đã công bố ba nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ là duy trì tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân và đảm bảo công bằng xã hội. Mức tăng trưởng kinh tế phải được duy trì không thấp hơn 7% hàng năm để đến năm 2020 tăng gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người. Để cải thiện đời sống nhân dân phải tăng thu nhập của cư dân nông thôn và thành thị, mở rộng quy mô tầng lớp trung lưu và gắn liền công nghiệp hóa với sản xuất nông nghiệp. Để có được công bằng xã hội ông Lý nhấn mạnh Trung Quốc phải xây dựng một chính phủ đổi mới, trong sạch và tuân thủ pháp quyền. Chính phủ sẵn sàng chấp nhận sự giám sát của xã hội và các phương tiện truyền thông. Ông cũng nhấn mạnh quyết tâm chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm trong chi tiêu của chính phủ. Để thực hiện được ba nhiệm vụ nói trên ông Lý công bố ba biện pháp. Một là: không dùng tiền tệ và tài khóa để kích thích kinh tế, chính phủ sẽ không tung ra các gói kích cầu. Hai là: giảm bớt nợ vì tín dụng ở Trung Quốc đã tăng nhanh hơn so với GDP. Tổng tài trợ xã hội của các khoản vay bao gồm trái phiếu doanh nghiệp và vốn cổ phần hiện rơi vào khoảng 190% GDP. Ông Lý Khắc Cường cam kết sẽ nhanh chóng giảm tỷ lệ này xuống. Ba là tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết việc làm và ổn định giá cả, trong năm 2013 phải tạo được 9 triệu việc làm và kiềm chế CPI ở mức tăng 3,5%.

Barclays Capital là một Công ty tài chính lớn của nước Anh chuyên điều hành các dịch vụ tài chính lớn trên thế giới, có văn phòng tại 29 quốc gia. Tên ông Lý Khắc Cường phát âm theo kiểu bính âm là Li Kequiang, vì vậy những nhà kinh tế học của công ty này đặt tên cho con đường cải cách kinh tế Trung Quốc mà ông chủ trương là học thuyết kinh tế Likonomics. Để thực hiện được học thuyết này ông Lý phải vượt qua những rào cản về chính trị, đối mặt với những lãnh đạo địa phương đầy tham vọng và những nhóm lợi ích không muốn thay đổi hiện trạng theo chiều hướng bất lợi cho họ. Vì vậy học thuyết của ông Lý sẽ đưa Trung Quốc về đâu, câu trả lời còn phải chờ đợi thực tiễn và thời gian.


Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét