Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Tôi muốn hỏi Hoàng Quang Thuận

Huỳnh Văn Úc


Vào những phút đầu tiên trong chương trình truyền hình trực tiếp Lễ An táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa-Quảng Bình ông Hoàng Quang Thuận đã đọc bài thơ của mình viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước ống kính của VTV1. Bài thơ có tên là Nhớ mãi chiều xuân, bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy trên trang mạng của các vị lãnh đạo Nhà nước như nguyenthiennhan.net, nguyentandung.org, truongtansang.net.Về nội dung và ý tứ của bài thơ đã có sự đánh giá của các nhà văn và nhà thơ có tên tuổi, tôi không dám lạm bàn. Điều làm tôi khó hiểu và bật lên những câu hỏi muốn được ông Hoàng Quang Thuận đích thân trả lời là những dòng chú thích ghi phía dưới bài thơ: 30 Hoàng Diệu, Chiều xuân 1984, ký tắt H.Q.T.
Ông Hoàng Quang Thuận sinh năm 1953, vào năm 1984 ông 31 tuổi. Năm 1976 ông Thuận tốt nghiệp Khoa Lý Trường Đại học Sư phạm Vinh và được phân công công tác về Quảng Nam-Đà Nẵng. Ông không chấp hành quyết định lên Huyện Giằng ở miền tây Quảng Nam mà ở lại Đà Nẵng dạy bổ túc văn hóa trong 7 năm. Như vậy là cho đến năm 1983 ông Thuận vẫn là một giáo viên dạy bổ túc văn hóa vô danh ở Đà Nẵng, vậy cơ may nào đã đưa ông Hoàng Quang Thuận vào một buổi chiều mùa xuân năm 1984 đến 30 Hoàng Diệu nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để gặp Người và viết tặng Người bài thơ Nhớ mãi chiều xuân? Dịp may duy nhất mà ông Hoàng Quang Thuận được trông thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vào năm 1985 lúc Người vào thành phố Đà Nẵng, đến thăm Công ty Liên hiệp xuất khẩu tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (COTIMEX) và dự Lễ khánh thành Nhà hát Trưng Vương. Nhiếp ảnh gia Công Điền (TTXVN) đã chụp một số bức ảnh Đại tướng đứng với cán bộ và nhân dân. Hoàng Quang Thuận đã nhờ Công Điền chụp bức ảnh ông ta đứng cạnh Người và sau đó đem treo bức ảnh chính giữa ngôi nhà và sử dụng nó như một bảo bối trong con đường tiến thân. Trên trang nguyentandung.org có đăng bức ảnh Hoàng Quang Thuận chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi có thể khẳng định ngay rằng bức ảnh này không được chụp vào một buổi chiều mùa xuân năm 1984 ở 30 Hoàng Diệu mà là ảnh ghép. Năm 1984 Đại tướng mới 73 tuổi chưa thể nào có những nét đặc trưng của lứa tuổi ngoài 90 như trong bức ảnh.

Những câu hỏi tôi nêu ở trên không phải là khó trả lời đối với một con người trung thực. Nếu ông Hoàng Quang Thuận là một con người trung thực, mong ông sớm trả lời những câu hỏi của tôi để tôi và các công dân mạng khác được biết sự thật.




Tác giả gửi cho NTT blog




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét