Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

KHÔNG LÝ TRÍ DÂN TA LÀM SAO TIẾN BỘ ?

Nguyễn Hoàng Đức


Vừa rồi nhân một xe tải chở bia lon đổ, dân tình Việt ào ào lăn xả vào hôi cướp, giống như một giọt nước tràn phơi ra tính hư nết xấu khó chối cãi của người Việt. Sự việc này đâu chỉ đơn lẻ, mà nó giống như một khúc cao trào của giao hưởng vậy, nó được dâng lên từ những cảnh đi hội chợ hoa thì cướp hoa, đi nhà hàng ăn buffet thì chen lấn tranh giành chọn món, được mời ăn miễn phí thì ào ào xông lên như đi cướp kho thóc thời Nhật chiếm đóng, rồi một nghìn năm Thăng Long cũng xô đẩy, chen lấn, xả rác bừa bãi khắp nơi… Tại sao lại có cảnh này?Rõ ràng bởi nó được nuôi dưỡng âm ỉ trong căn cốt xấu xí của người Việt. Tại sao lại nói “được nuôi dưỡng”? Vì khi cứ có ai nhắc tới tính hư nết xấu của người Việt thì lại có vô số người ào ào phản bác rằng: người Việt ta tốt lắm chứ, đừng nhìn vào mấy con sâu mà đổ rầu nồi canh, người Việt ta cũng siêu việt lắm có kém dân tộc nào trên đời đâu?...

Vậy chúng ta hãy thử xem tầm vóc của người Việt. Trên bảng xếp hạng đủ loại từ giáo dục đến phát minh, đến chỉ số nhân văn… người Việt đứng hàng cuối của thế giới cũng như trong khu vực, thậm chí trong lĩnh vực phát minh thua các nước trong khu vực dăm bảy lần. Theo các thống kê và phóng sự, người Việt là “đệ nhất” làm thuê trong khu vực cũng như ở Âu Mỹ. Người Việt đã từng bị đồng hương nhốt trong hầm như chuột ở Nga để may mặc, ở châu Âu để trồng cần sa bằng đèn điện, rồi nổi tiếng vì nghề làm móng tay móng chân…

Người Việt có câu

Ông cả ngồi trên sập vàng

Cả ăn cả mặc lại càng cả lo

Thằng bếp ngồi dới xó tro

Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm



Câu này rất rõ ràng, ai “lo” nhiều tức tư duy suy nghĩ nhiều sẽ làm ông chủ. Trái lại ai không chịu nghĩ, chỉ làm việc bằng cơ bắp thì phải là thuộc hạ, kẻ dưới chịu sự sai khiến của người khác. Hiện nay, người Việt bổ đi khắp nơi làm thuê cho người khác, rõ ràng anh ít lo, ít nghĩ, ít đầu tư hơn, nên anh phải đi làm thuê tức thì bóc ngắn cắn dài.

Muốn làm ông chủ thì người ta phải biết “Tự chủ” đầu tiên, bởi vì người làm làm chủ được chính mình thì mới có thể làm chủ người khác. Muốn làm chủ chính mình thì phải biết soi mình, như soi gương vậy, sau đó mới hỏi người khác “tôi mặc có đẹp không?” “mặt có nhọ không?” Cái đó người ta gọi là “tiên trách kỷ hậu trách nhân” hay là biết “tri sỉ”. Tức biết tự sỉ nhục mình. Vậy mà tại sao có ai nói về thói hư tật xấu của đồng bào mình lại cứ tự ái nhảy dựng lên? Tự ái bé chính là cách của người tầm vóc bé. Tầm vóc nô tài. Bởi tầm vóc đại chí, đại lượng, người ta biết chấp nhận khen chê dễ dàng.

Lâu nay vừa trải nghiệm vừa nghiên cứu vừa chứng kiến, tôi thấy rõ một điều người Việt nói chung rất yếu về lý trí, tức là yếu việc dùng óc để nghĩ. Thậm chí yếu gần như bằng không, chính thế mà đầu đề của bài viết tôi chọn “không lý trí dân ta làm sao tiến bộ”. Thiếu lý trí đâu có phải chỉ ở dân thường, ngay cái cảnh chen chúc ở đền Trần để mua ấn đòi làm quan to của nhiều quan cán bộ đủ thấy cái trình độ quan trí của ta yếu ớt mê tín dị đoan, tham lam hủ lậu thế nào. Đọc tin còn biết, có cả ông ủy viên cao cấp kia còn cho vợ đi yểm bùa người khác để mình chiếm thế thượng phong… nghe như chuyện tấu hài.

Ở xã hội nào cả giáo sư, tiến sĩ đa số lúc nào cũng nói nước đôi “làm trai cứ nước hai mà nói”, nói thế có khác gì không nói, hoặc nói cũng chẳng có nghĩa gì, không khác gì người ta vừa bò lên miệng hố để xung phong nhưng muốn an toàn lại rúc đầu xuống hào, như vậy bao giờ tiến lên được? Như vậy cũng không tiến bộ được. Điều này không chỉ nói chơi mà còn nằm trong các cơ chế vĩ mô, chẳng hạn trước kia có vụ xe Van chở người, được hải quan và thuế định vị mãi không biết xe tải hay xe khách, thế là ngâm lại hàng nghìn xe cho đến khi chúng cũ và hỏng, không hiểu ai sẽ chịu trách nhiệm? Rồi mới đây là vụ án ụ nổi 83 M của Vinalines, thấy các bên liên quan còn tranh luận chưa ngã ngũ về việc đó là “tầu” hay “ụ nổi”. Hoặc công nghiệp sản xuất ô tô liên quan đến sự thịnh vượng cũng như sinh hoạt cao cấp của quốc gia cũng như toàn dân Việt, vậy mà trong hai mươi năm người ta vẫn không phân biệt được “dòng xe nào chiến lược” – xe tải hay xe con? Sự việc khó thế ư, chỉ cần một ngày mở các cuộc điều tra thăm dò dân chúng thì có ngã ngũ không?!

Đấy mới là vấn đề chính: người Việt không muốn minh bạch “ngô ra ngô, khoai ra khoai”, lúc nào họ cũng sống theo phương châm vừa chạy trốn để an toàn – vừa có mặt để ăn giải, theo kiểu “người khôn ăn nói nửa chừng, làm cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”. Sống dùng dằng mãi vậy, người ta mới không thể trưởng thành hay tự tin vào chính bản thân mình.

Về đời sống cảm xúc hay tình cảm ư? Con Kăng-gu-ru lúc nào cũng ẵm con nhỏ trong cái túi ở trước ngực nó đâu có ít tình cảm mẫu tử hơn con người? Ngay người Việt cũng nói “cá chuối đắm đuối vì con”, để phản ánh con vật chúng cũng biết yêu thương con cái của chúng. Các chuyên gia sinh vật học phát hiện: voi là loài rất tình cảm, thậm chí đời sống tình cảm của chúng rất tinh tế và phức tạp. Xúc cảm, tình cảm là những bản năng ngàn đời, chúng không thay đổi nhiều mà chủ yếu phải gìn giữ, bảo tồn, nâng đỡ. Chỉ có lý trí mới đưa con người đi trên con đường tiến bộ mà thôi.

Cảm xúc của con người thì dựa trên các giác quan. Nhưng các giác quan của con người thường thua loài vật cả nghìn lần, chẳng hạn mắt người không tinh bằng một phần vạn mắt cú, mũi không thính bằng một phần triệu chó, tai không bõ một phần vạn con dơi… nếu con người sáng tạo bằng cảm xúc thì thua hẳn loài vật. Nhưng con người hơn hẳn vì có trí tuệ và lý trí.

Sau cuộc tranh cướp hôi bia, tôi có dự một cuộc tranh luận thật nảy lửa. Một người muốn à uôm bênh vực nói “đó là do dân mình đói khổ lâu ngày quá thôi”. Một người liền đốp lại “cả đàn bà trẻ con lăn xả vào cướp bia, họ đâu có uống được, học chỉ tham thôi, và đấy là vấn đề đạo đức của người Việt.”

Đó đúng là vấn đề đạo đức. Đạo đức là gì? Trước tiên đạo đức phải xuất phát từ lương tâm, khi con người biết vấn hỏi chính bản thân mình. Và từ cổ chí kim, từ đông chí tây, người ta đồng tình với nhau ở điểm: đạo đức trước tiên là Hiểu Biết để phân biệt cái gì tốt làm theo, cái gì xấu để tránh. Người phương Tây có phương ngôn “Mọi phẩm chất của ta cốt ở suy tư”. Còn người Trung Quốc thì nói thẳng tưng “Nhân bất học bất tri lý” – tức, người không học thì không biết cái lý. Rồi họ còn bảo “vô tri vô trách” – tức kẻ không hiểu biết thì không đáng trách. Câu này cũng còn có nghĩa, nói chuyện làm gì với kẻ thất phu vô học. Càng không thể bàn chuyện cao thượng, tốt đẹp với hạng người này.

Nhưng người có học Việt Nam đã “hữu tri” chưa? Tôi đã từng nói chuyện với một tiến sĩ ở Mỹ về, anh ta than “bận lắm”, làm tiến sĩ mà chẳng có thời gian viết được vài tiểu luận, tôi hỏi “vậy thứ bảy, chủ nhật anh làm gì?’ Anh ta trả lời “tôi còn phải đi siêu thị, rồi rửa xe”… Hiện nay cả nước ta chỉ có khoảng chục người có thể viết phê bình văn học, trong khi đó đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, giáo viên có cả vạn người. Tại sao người ta không thể làm phê bình chính công việc của mình, có phải ngại suy nghĩ không? Hay ngại va chạm, ngại va chạm có phải nỗi sợ hãi của nô tài không? Rồi bao ông giáo sư, tiến sĩ lại quay ra làm thơ, sao các ông không làm chuyên môn của mình lại cứ hám lao vào mấy vần thơ cảm xúc? Và một người sáng tạo nếu không có khả năng thẩm định trong chính bản thân mình thì có sáng tạo được không?

Nghèo nàn gần như tuyệt đối lý trí, có thể nói đó là căn tính yếu ớt của người Việt nói chung và các nhà văn nói riêng, đặc biệt là các nhà thơ. Giờ đây tôi muốn đưa ra một thước đo đánh giá rằng: tác phẩm nào không có khả năng kiến trúc thì khó có thể tin đó là một tác phẩm giá trị, lớn hoặc hay?!

Cảm tính cái không phải là lý trí cũng làm cho đạo đức của người ta xuống cấp trầm trọng. Việc hàng ngàn nhà thơ, hoặc người tí toáy thơ nghiệp dư trong một buổi chiều hay một buổi tối chỉ dựa trên cảm xúc mà không có khả năng kết nối siêu việt của tinh thần đã dẫn đến kết quả hàng vạn bài thơ dở, thơ nhạt ra đời, rồi cấu kết cánh hẩu, thập thò cửa ban giám khảo câu giải bằng mọi giá… Việc có người đạo tên cả đầu đề của tiểu thuyết nổi tiếng nước ngoài mà ban giám khảo không ai biết gì, đủ thấy cái trình độ cảm tính của quí vị “mênh mông” ao chuôm thế nào?! Rồi một anh làm trường ca gãi háng nghĩa đen cũng leo lên ngai vàng quán quân cao nhất, thử hỏi cửa hàng mậu dịch thơ ta có tiêu chí nào khác ngoài “cá ươn mắm thối cũng khối đứa phải xếp hàng”?

Lý trí thấp thì tình cảm cũng thấp, người Việt bảo “chí lý – chí tình”. Nếu căn cứ vào nền tảng của lý trí thì người Việt ta đang ở phận con sen thằng ở ngay trong khu vực. Ngay cả với các nhà sáng tác cũng đang là thứ con sen mà thôi. Đặc biệt nhiều nhà thơ vụn là thứ con sen ham vui hơn bao giờ hết. Muốn chối bỏ điều này ư, hãy cố lên chứ đừng tự ái và nóng giận. Hãy thử một lần sống bằng lý trí và rũ bỏ lối sống cảm xúc của kẻ dưới xem?!

NHĐ 02/01/2914

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét