Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

THƠ THẢ BONG BÓNG LÀM MỌI NGƯỜI RƠI XUỐNG NHỮNG MẸT HÀN XÉN ĐÁY PHẲNG

Nguyễn Hoàng Đức


Nhà Thơ Trần mạnh Hảo vừa điểm ra một số câu thơ trong 50 câu được thả bong bóng lên trời, chưa nói về quan điểm và trình độ thẩm thơ cỡ chuyên gia của nhà thơ kiêm lý luận gia phê bình đồ sộ này, chúng ta thấy, ít ra, ông đã làm công việc của một người chịu khó sưu tập văn sử cho hậu thế. Một công việc không kém lọ mọ, kỳ công, đòi hỏi một tình yêu nhiệt huyết với thơ mới làm được.

Dựa trên sở liệu của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, tôi thấy mình không nên đứng ngoài “tình hình thời sự” của thơ Việt Nam. Bởi nói thẳng ra, thơ hiện nay không phải thơ mà chỉ là sự kiện về thơ. Thơ nói chung đứng tốp cuối trong sơ đồ tri thức cổ kim, nhưng dẫu vậy vẫn là tinh hoa của nông dân, bởi lẽ đông nhất là nông dân chiếm 90% dân số, sau là con số các nhà thơ, cứ khề khà vài vần, hát xoan, hát xẩm thì đều có thể thành nhà thơ. Thơ ở cuối sơ đồ tri thức vì xưa kia người Trung Hoa đã quan niệm: Nho, y, lý, số, rồi mới đến Cầm, Kỳ, Thi, Họa. Thơ đứng áp chót đội sổ, chỉ trên họa mà thôi. Nhưng nói thì nên nói cho hết: khi Homer kiến trúc thơ thành hai trường ca đồ sộ Iliad và Odyssey thì ông đã trở thành một thi nhân bất hủ. Và ở Việt Nam khi Nguyễn Du đi chép “Đoạn trường tân thanh” của Trung Quốc về, dù sản phẩm của ông chỉ là “Sao Chế” chưa quá 5%, ông vẫn trở thành thi hào nghễu nghện của Việt Nam, mà dường như chưa một thứ thơ lẻ hàng xén nào dám qua mặt. Tại sao? Rõ ràng Nguyễn Du đã nhập cảnh cả công nghệ “lắp ráp xe hơi” về, tại sao lại không hơn rổ rá đan tại quê hương?!

Về 50 câu thơ thả bong bóng lên trời. Ta thử lấy mấy câu (tôi có thể thử với tất cả các câu, nhưng như vậy tốn thời gian của bạn đọc). 

18. Lòng vui ngân lên câu hát
Của chúng ta làm ca ngợi chúng ta

CHÍNH HỮU

Câu thơ này rất kém cỏi ở chỗ “Của chúng ta làm ca ngợi chúng ta”, như vậy có khác gì “thổi kèn khen lấy” và mẹ hát con khen hay. Vả lại chữ “hát” ở câu trên lại được đối với chữ “ngợi” câu dưới là hết sức vớ vẩn trong thể Lục Bát. Câu thơ này tôi có thể có được một mô hình để làm:

Chân vui tấu lên điệu nhảy
Điệu vũ mừng men tuôn chảy hồn ta

Hai câu này chắc không thể thua hai câu trên. Một cách xét nét bằng lý trí chứ không phải lối nói lấy được của thứ thơ phú không chuyên.

Rồi:

Đêm hành quân tôi ngủ dưới ngàn sao
Thấy Đất nước cười lấp lánh giữa chiêm bao

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Hoàn toàn có thể viết:

Những kẻ lang thang ngủ khách sạn ngàn sao
Thấy dạ dầy hát chiêm bao mùa lúa chín

Câu này chắc chắc là hiện thực hơn hai câu trên.

Rồi:

31. Mẹ thương con ngồi cầu Ái Tử
Đất nước hôm nay đã thấm hồn người

TRẦN VÀNG SAO

Đây là một thứ địa phương ca. Tôi hoàn toàn làm theo mô hình:

Bà nhớ cháu ngã đò Thạch Báu
Sông quê ta giờ nhuộm máu bao đời

Rồi:

37. Sông làng, con đò cũ
Buộc chèo dưới bến trăng

NGUYỄN VIỆT CHIẾN

Tôi làm y chang nhưng nâng cao nhiều tầng:

Cảng biển, con tầu vỡ
Buồm chìm mong vớt trăng

Những câu tôi mô hình hóa để nói gì? Đó là thơ hay phải là độc đáo mà không ai có thể mô hình được, nó là độc bản bất sánh, và thách thức người khác làm, hoặc nếu người khác làm lộ ngay hàng nhái. Các họa sĩ vẫn thường nói, tranh đẹp thì không chép được. Chẳng hạn một câu thơ Đường chúng ta vẫn thường nghe:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.

Thứ nhất trong vũ trụ này chỉ có một vệ tinh là “mặt trăng”, người ta khó có thể thay thế độ sáng của nó. Thứ hai “cố hương” mỗi người cũng chỉ có một như có một mẹ, và một quê mẹ mà thôi. Bài thơ này rất đặc trưng tả cảnh, tả tình. “Ngẩng đầu nhìn” tức có ánh mắt, cũng là nhãn quan, cũng là lý trí, và có bóng dáng của tư duy. Còn “cúi đầu nhớ cố hương” là một cái nhìn ngược chiều vào trong nội tâm. Hai câu thơ dù ngắn nhưng rất chỉnh lối “tả cảnh- tả tình”. 

Còn các câu thơ khác không thể thay thế như:

Tôi và anh không một xu dính túi
Vẫn mua được hương thơm của cả trái đất này

Hoặc:

Nếu bạn muốn tìm tôi
Hãy tìm dưới đế giầy của bạn 

Hai khúc thơ trên của Whitman, cái đầu thì hoàng tráng vĩ đại, cái sau thì hạ mình không còn chỗ nào để hạ thêm nữa. Còn đây:

Khổ đau đầu tiên siêu thoát
Và khoái lạc đầu tiên sợ hãi

(Paul Eluard, Nguyễn Hoàng Đức dịch theo bản ‘Poesie ininterrompue’)

Đây là hai câu thơ rất triết lý mà chỉ có tư tưởng mới làm ra được. 

Còn những câu thơ Việt:

Ta nghe 
Gió một phương
Thổi khắp mười phương
Chẳng còn ranh giới
Quê người lẫn quê ta
Chỉ còn nghe văng vẳng bên tai
Tiếng vọng từ vách núi
Từ những triền sông
Đại dương và sa mạc
Ùa về
Dựng lên ranh giới

Một con người NHÂN LOẠI

Chúng ta thử xem có bao nhiêu lần trong thơ Việt dựng lên “con người Nhân Loại”, hay chỉ thấy những con người chòm xóm, địa phương ca?!

Qua vài chục câu thơ xuất sắc thả bong bóng, thứ mà tôi có thể làm trong một ngày được gần hết, tôi thấy thơ Việt quả là quá còi cọc, chẳng khác gì như Nguyễn Hưng Quốc từng ví, đó là “những mẹt hàng xén”. Than ôi, thi hào Goethe có nói: “Vinh quang bao giờ cũng đi kèm với công lao”. Mấy vần thơ lèo tèo ngả ngớn bên chiếu rách nghê nga mua vui như mua một tấm vé số đòi trúng cả cuộc đời vinh quang nghệ thuật thì quả như thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ngủ ngoài trời mà chiêm bao đất nước cười giữa muôn sao. 

Người phương Tây có phương ngôn: “Kẻ nào đám cưới chỉ vì tình một mái lều tranh hai trái tim vàng, thì sẽ hạnh phúc vào ban đêm, đau khổ vào ban ngày”. Tại sao ban đêm họ hạnh phúc? Bởi vì họ có dụng cụ ái tình trao ban lẫn nhau làm khoái lạc. Nhưng sáng ra, sẽ ăn gì đây, thế là họ chí chóe tranh cãi đêm qua đã hút kiệt sức lực của nhau. Mấy ông nghê nga thơ chiếu rách cũng vậy, sau khi tỉ tê ôm nhau đọc thơ ẵm nựng vuốt ve nhau như thể “tôi khen anh, để anh khen tôi”, hết đồ nhắm rồi thì họ quay sang cãi vã nhau. Nhưng không, kìa tem phiếu của nhà nước đang treo lên, chúng ta hãy đếm đầu người, ăn cây nào rào cây ấy, nào hãy rào rậu kỹ vào, các công ty lớn đã phá sản, ta chớ phá sản như họ kẻo mà mất ăn bao cấp… rồi kìa, những giải thưởng và ghế đang lấp lánh biết bao… nào chúng ta cùng hát, một hai ba “tiến lên toàn giải, toàn ghế, và toàn bóng bay thả lên trời ắt về ta”. 

Nào bè hai hát đi, hai ba: “Giải, ghế không về tay ta, thì cũng chẳng đứa nào được bén mảng…” Như vậy rút cục chúng lại về tay ta. 

Thế là đại hợp xướng nghiệp dư cứ hát hết mùa này qua mùa khác. Và cao trào là mấy chục quả bóng bay kèm thơ tưởng chơi trò khính khí cầu tan vỡ nhanh như bong bóng xà phòng. Thật tội tình cho những mái đầu, trái tim bơi trong đĩa cân lạng của tem phiếu. Và cứ hí hửng nghĩ rằng đó là trí khôn và tài năng.


NHĐ 10/02/2014

Gửi cho NTT blog




















Hãy xòe cho rộng, mở cho hết. Trắng bụng, lấm lưng với Tự do



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét