Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Điều 258 của Bộ Luật Hình sự: Điều răn cho những ai dám chê trách Đảng?

Nguyễn Cao
* Tác giả gửi bài cho VNTB




Rất có khả năng blogger Nguyễn Hữu Vinh bị xử mức án tù treo cho hành vi được cáo buộc theo quy định tại Điều 258, Bộ Luật Hình sự.

Thiếu tướng công an Trần Văn Thanh, nguyên chánh thanh tra của Bộ công an, nguyên giám đốc công an thành phố Đà Nẵng và các đồng phạm từng bị Viện kiểm sát qui tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tập thể và cá nhân theo Khoản 1, Điều 258, Bộ Luật hình sự (BLHS).

“Xâm phạm lợi ích” ở đây là theo hồ sơ được Thiếu tướng Trần Văn Thanh – khi ấy là giám đốc Công an Đà Nẵng, có hai công văn liên quan tố tụng mà khi kết thúc một vụ án hình sự, người ta đã “sót người, lọt tội”.

Hai công văn này mang số 73 viết hồi tháng 10 năm 2000 và mang số 77 viết hồi tháng 11 năm 2000, được Viện Kiểm sát Đà Nẵng báo cáo với Viện Kiểm sát Tối cao…

Hai công văn bí ẩn?

Trong nội dung kháng nghị giám đốc thẩm số 29/QĐ-VKSTC-V3 ngày 29-10-2010 (nội dung này không được phổ biến rộng rãi!), cho thấy việc tán phát hai công văn (đã nhắc ở trên) ngay trước ngày bầu cửa Quốc hội khóa XII là nhằm mục đích cá nhân không liên quan đến ông Trần Văn Thanh. Và nội dung ở hai công văn này là có “cơ sở”.

Vụ án đã được khép lại cùng nội dung cáo buộc về hành vi tham nhũng của một quan chức Đà Nẵng ở hai công văn này cũng chìm vào quên lãng. Và đây lại là một án lệ nguy hiểm khi Điều 258 của Bộ Luật Hình sự tiếp tục là “chiếc mũ” đe dọa cho bất kỳ ai muốn nói lên sự thật…

Với “Kết luận điều tra vụ án “Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” xảy ra tại TP. Hà Nội”, do Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an – Đại tá Lý Anh Dũng ký ngày 30-10-2014, cho thấy nếu có diễn ra phiên tòa xét xử, khả năng công dân Nguyễn Hữu Vinh sẽ bị tuyên đúng như cáo buộc, bất chấp có một cơ quan tố tụng thẩm quyền khác có ý kiến “chưa đủ căn cứ”.

Kịch bản “Trần Văn Thanh” sẽ được lặp lại?

Công dân Nguyễn Hữu Vinh là một người được đào tạo bài bản nghiệp vụ an ninh. Trong Kết luận Điều tra số 14/ANĐT, cũng không thấy nêu 24 bài viết đăng trên blog “Dân quyền” và “Chép sử Việt” bị cáo buộc phạm tội, có nội dung đúng sai thế nào, ai là “bị hại” và “thiệt hại” ra sao? 

“Tài liệu phát tán” ở vụ án Tướng Thanh nói trên được rút ra từ hồ sơ vụ án. Các tài liệu này cho đến nay vẫn chưa cơ quan hữu trách nào khẳng định là “không đúng sự thật”.

Với cáo buộc của vụ án “Nguyễn Hữu Vinh” cũng vậy, cần phải làm rõ những bài báo này đã lấy nguồn tin, chứng cứ ở đâu?. Nếu ông Vinh cùng cộng sự lấy từ nguồn nào, độ tin cậy ra sao? Cụ thể những ai đã bị thiệt hại, bị xúc phạm về bài báo ấy?

Còn nếu các bài báo này bịa ra, không đúng sự thật thì tùy vào mức độ, có thể nhiều vấn đề mang tính pháp lý khác nữa cần tiếp tục mổ xẻ, luận bàn. Ví dụ như có thể căn cứ theo Bộ Luật Dân sự để xem xét về quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan đến nội dung bài báo đã bị xâm phạm ra sao?

Blog “Dân quyền” và “Chép sử Việt” nói riêng và các blog cộng đồng khác nói chung có phải chịu sự chế tài của Nghị định 72/2013/NĐ-CP “về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng”, Thông tư 09/2014/TT-BTTTT về quy định chi tiết hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội?

Phải chăng một hành vi dân sự đang bị hình sự hóa qua Điều 258 của Bộ Luật Hình sự để “bịt miệng” người dân?

Việt Nam Thời Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét