Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa được Hội Nhà văn Na Uy trao giải thưởng Tự do Ngôn luận

NTT: Chúc mừng Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Anh rất xứng đáng nhận Giải Tự Do Ngôn Luận 2014 của Hội Nhà Văn Na Uy.
==============



Dân Làm Báo - Hội Nhà văn Na Uy vừa ra thông cáo báo báo chí: “Giải Tự Do Ngôn Luận 2014 của Hội Nhà Văn Na Uy được trao cho nhà văn, phóng viên và blogger Việt Nam Nguyễn Xuân Nghĩa”

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, năm nay 64 tuổi, là một trong những nhà văn đối kháng nổi tiếng về những đóng góp của ông cho Tự do ngôn luận và bảo vệ Nhân quyền tại Việt Nam. Ông bị kết án 6 năm tù giam trong một phiên tòa kín tại Hải Phòng. Ông ra tù tháng 9 năm 2014 với tình trạng sức khỏe sa sút. Ông là thành viên ban điều hành Khối 8406, là một trong những người trong thành phần khởi xướng Chiến dịch Vận Động Tự do - Dân chủ - Nhân Quyền 2015. Vì vẫn đang bị quản chế nên ông không thể sang Na Uy nhận giải. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Nga đã thay mặt ông đến Oslo, Na Uy để nhận giải thưởng cao quý này.


Buổi lễ trao giải thưởng được diễn ra nhân hội nghị thường niên của Hội Nhà Văn Na Uy vào ngày 21 và 22 tháng 3 năm 2015 tại Bristol Hotel ở Oslo. 

Hội Nhà văn Na Uy được thành lập năm 1893 và trao giải cho các nhà văn có những tác phẩm văn học xuất sắc hàng năm. Từ năm 1942, Hội nhà văn Na Uy bắt đầu quan tâm đến Tự do ngôn luận của các nhà văn trên toàn thế giới, chủ yếu là những nhà văn sống trong chế độ độc tài, cộng sản như tại Đức, Liên Xô, Đông Âu...

Sau khi khối cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Hội nhà văn Na Uy dành sự chú ý đến các nhà văn ở những nước độc tài còn lại như Cu Ba, Trung Quốc, Miến Điện, Ai Cập…

Năm 2013, giải Tự do ngôn luận được trao cho ông Muharrem Erbey, một nhà văn kiêm luật sư người Thổ Nhĩ Kỳ vì những nỗ lực tranh đấu cho "Hòa bình tại Kurdistan".

Nhân sự kiện này, vị khôi nguyên của giải Tự do ngôn luận, Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã dành cho Dân Làm Báo cuộc trả lời phỏng vấn. 

DLB: Chào nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Dân Làm Báo xin được gửi tới ông lời chúc mừng. Xin kính chúc nhà văn luôn dồi dào sức khỏe và không ngừng đóng góp cho quyền Tự do ngôn luận. Câu hỏi đầu tiên, xin nhà văn cho biết cảm xúc khi được thông báo mình được trao giải thưởng "Tự do ngôn luận" của Hội Nhà văn Na Uy năm 2014?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Thật tuyệt vời, tôi không biết nói sao nữa. Tôi nghĩ đây là một giải thưởng mà giá trị có ý nghĩa nhất là những đóng góp bằng trang viết của một nhà văn Việt Nam cho tự do, dân chủ của nhân dân nước mình được ghi nhận từ một Hội nhà văn và người dân của một dân tộc tận gần Bắc bán cầu. và Giải thưởng “Tự do ngôn luận” của Hội nhà văn Na Uy trao tặng lần này và “Nhà Văn dũng cảm” mang tên Lý Hiểu Ba đã trao tặng cho tôi năm 2013 đã khẳng định giá trị của văn chương tự do hướng đến Chân Thiện Mỹ đích thực và giá trị DÂN CHỦ & NHÂN QUYỀN là một giá trị chung của toàn nhân loại. Chính vì vậy mới có công ước Nhân Quyền của LHQ. Đáng tiếc rằng giới cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục bịt mắt, bịt tai, cố tình không biết rằng hầu hết thế giới ủng hộ, tôn vinh một nhà văn tự do cũng có nghĩa là phản đối chế độ độc tài.

DLB: Qua tìm hiểu thì DLB được biết là những giải thưởng của hầu hết Hội Nhà văn các nước đều trao cho các nhà văn có tác phẩm nổi bật về Văn học. Nhưng tại sao Hội NV Na Uy lại trao giải thưởng cho một nhà văn viết những tác phẩm văn học như bình luận, bút ký, ký sự... mang tính chính trị như ông từng viết?

Nv NXN: Điều này tôi nghĩ không khó để trả lời. Nhà văn có nghĩa vụ phản ánh hiện thực cuộc sống và môi trường sống của dân tộc mình, cảnh báo được sớm những bất cập mà dân tộc phải vượt qua để hướng tới tương lai. Nói hoa mỹ một chút những trang viết của nhà văn là tấm gương trong đó tích lại hình ảnh về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ và nhiều cái khác nữa của dân tộc họ đang sống, dù các trang viết đó được sử dụng phương pháp hiện thực cổ điển, hậu hiện đại, tân hiện đại và các bút pháp khác nhau. Cái nhìn này dẫn chúng ta đi đến một nhận thức chung là từ văn hóa, văn học, môi trường sống của bất kỳ dân tộc nào cũng bị tác động bởi hệ thống quản trị. Hệ thống quản trị trong sạch, cởi mở, dân chủ và cập nhật thì đất nước đó phát triển tất cả các mặt trong đó có văn hóa, văn học và môi trường sống nói chung. Hệ thống quản trị nào yếu kém, lạc hậu sẽ có hậu quả ngược lại. Chính trị tức là nền cai trị của hệ thống quản trị đất nước và nó luôn luôn là đối tượng miêu tả của văn học, tức các nhà văn. Tại sao ta thấy phần lớn các giải Nobel văn học đều được trao cho các nhà văn phản ảnh cuộc sống bất cập của các dân tộc đang nằm dưới sự quản trị lạc hậu. Đó là hệ thống quản trị của chủ nghĩa cộng sản và độc tài. Càng ngày mối quan tâm của thế giới là mối quan tâm về dân chủ, nhân quyền và tự do cá nhân. Văn học không nằm ngoài mối quan tâm chung này. Đó là lý do mà ta thấy các nhà văn sống trong hệ thống quản trị lạc hậu, có tinh thần phản kháng và nghệ thuật phản ảnh hiệu quả được trao giải Nobel văn học. Với giải thưởng của Hội nhà văn NaUy mà tôi được nhận lần này, khi mang tên “Tự do ngôn luận” thì thấy tiêu chí trao giải cụ thể hơn hết.

DLB: Nhà văn có nghĩ rằng, việc ông nhận được giải thưởng cao quý này sẽ có tác động tích cực lên những người cầm bút, đặc biệt là những nhà văn đang phải viết theo sự chỉ đạo và định hướng của chế độ?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là có tác dụng tích cực. Nhà văn đúng nghĩa là những người có tâm hồn nhạy cảm, biết quan tâm đến đồng loại, tổ quốc và là giới có lương tri, nhân cách. Vấn đề của họ là sự dũng cảm, tức là dám nói và dám viết. Giải thưởng này không chỉ tôn vinh cá nhân tôi mà còn tôn vinh những nhà văn dũng cảm khác. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà văn Nguyễn Tường Thụy và những nhà văn đang dấn thân khác nữa. Tôi được giải không phải tôi viết hay, tức nghệ thuật ngôn ngữ và tư tưởng của tôi hơn họ mà chỉ bởi vì tôi dám viết ra những điều mình nghĩ sớm hơn họ mà thôi. Trong chiến dịch vận động dân chủ hóa đất nước mang tên “Chiến dịch Tranh đấu cho dân chủ nhân quyền 2015” đang diễn ra, tôi đọc nhiều bài viết trên các blog, trên DLB và cả trên FB rất hay, rất đúng và nhiệt huyết và thuyết phục.

DLB: Nhà văn vừa nhắc đến “Chiến dịch tranh đấu cho tự do - nhân quyền - dân chủ 2015” và được biết ông là một trong những cá nhân chủ xướng cho chiến dịch này. Xin nhà văn chia sẻ đôi điều và ông kỳ vọng điều gì ở chiến dịch này?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Tuần trước tôi có post lên FB của tôi vài suy nghĩ chân tình. Tôi cũng mượn lại để trả lời câu hỏi của quý báo. Đây là một chiến dịch có quy mô về thời gian và không gian nhất từ trước đến nay cho dân chủ, nhân quyền. Các bước đi vừa có đủ thời gian vừa có đủ sự đột phá, mà đột phá đỉnh cao là mặc áo trắng xuống đường tuần hành. Thể chế độc tài giống như một khối đá lớn đang nằm cản con đường đi đến dân chủ, nhân quyền, phồn vinh và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của nhân dân ta. Chúng ta không được phép dùng mìn phá nó mà đang đấu tranh với nó bằng biện pháp ôn hòa. Vậy đây là biện pháp ôn hòa nhất và hiệu quả nhất. Có sự liên thông giữa Quốc nội và Hải ngoại, có vận động quốc tế, đỉnh điểm của nó phù hợp với thời điểm nhạy cảm trên phương diện thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên có tác dụng mạnh. Rất nhiều anh chị em kêu gọi rời bàn phím, xuống đường, thì đỉnh điểm của chiến dịch là cơ hội chúng ta rời bàn phím. Tôi tin khi chúng ta có đủ chữ ký, có đủ người xuống đường thì cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước của nhân dân ta sẽ tiến thêm được một bước dài và con đường sẽ ngắn lại đáng kể, nếu không dám dùng từ “ĐỘT PHÁ”. Mong lắm thay. Tự do thuộc về nhân dân, Đất nước được bảo vệ vẹn toàn và phồn vinh. Ai không mong muốn???

DLB: Trở lại Giải thưởng của nhà văn. Câu hỏi chúng tôi có tính thực dụng. Nhà văn có thể không trả lời. Chúng tôi được biết giải thưởng mà nhà văn được nhận giá trị tương đương 25.000 Mỹ kim. Nhà văn sẽ làm gì với nó?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu trả lời của tôi cũng thực dụng như câu hỏi. Tôi sẽ sửa lại căn nhà của mình và cà phê với những nhà văn ủng hộ các bài viết của tôi.

Cảm ơn nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã dành cho Dân Làm Báo cuộc trả lời phỏng vấn rất ý nghĩa ngày hôm nay, nhất là trong khoảnh khắc mà Hội nghị thường niên của Hội Nhà văn Na Uy vẫn đang diễn ra khi lẽ ra ông phải có mặt để nhận giải nếu không bị cầm tù tại nhà. Xin kính chúc ông sức khỏe và bình an.





____________________________________


Ytringsfrihetsprisen 2014 til Nguyen Xuan Nghia




Nguyen Xuan Nghia (foto: engelsk Pen) 

Den norske Forfatterforeningens ytringsfrihetspris 2014 går til den vietnamesiske forfatteren, journalisten og bloggeren Nguyen Xuan Nghia.

Nguyen Xuan Nghia ble arrestert i september 2008 – for å ha ”fornærmet det vietnamesiske kommunistpartiet og dermed det vietnamesiske folk” – og fikk en dom på seks år, som også inneholdt to tremåneders perioder i fullstendig isolasjon. Han ble satt fri fra fengselet i september 2014, men ble samtidig idømt tre års husarrest, som han nå soner i sitt hjem.

Nghia er en 64 år gammel poet, prosaist, journalist og essayist. Han er medlem av Hai Phong Association of Writers og en av grunnleggerne av den forbudte demokratibevegelsen kjent som Bloc 8406. Han fikk i 2003 publiseringsforbud på grunn av sine prodemokratiske aktiviteter. Han ble arrestert under en politiaksjon der dusinvis av aktivister ble arrestert, inkludert mange forfattere, avisjournalister og bloggere, og dette signaliserte starten på en fornyet bølge av omfattende aksjoner mot dissidenter i Vietnam.

Den 9. oktober 2009, etter en summarisk rettssak som varte i et par timer, ble han dømt for å drive propaganda mot regjeringen, etter en paragraf som forbyr "all propaganda mot det kommunistiske styresettet" samt "ærekrenkende påstander som undergraver nasjonal sikkerhet, offentlig orden og folkets tillit til partiet." I sin poesi, prosa og artikler ble han anklaget for å "fornærme kommunistpartiet i Vietnam, forvrenge situasjonen i landet, spotte og vanære landets ledere, kreve et pluralistisk flerpartisystem, og forsøk på å verve folk til opposisjonsbevegelsen." Nghia har i fengselet pådratt seg alvorlig sykdom, grunnet mangelfull tilgang på legebehandling gjennom seks års fangenskap.

Den norske Forfatterforenings ytringsfrihetspris ble gitt som gave fra Kulturdepartementet til Forfatterforeningens 100-årsjubileum i 1993. Prisen er i dag på 200 000 kroner og skal gå til en norsk eller utenlandsk forfatter som har utmerket seg i arbeidet for ytringsfrihet og toleranse i videste forstand.

Prisen blir delt ut på Forfatterforeningens årsmøte søndag 22. mars klokka 13.30 på Hotel Bristol i Oslo. Prisvinneren har ikke anledning til å dra ut av hjemlandet, men hans kone vil være til stede for å motta prisen.


*

Bản tiếng Việt:

Giải "Tự Do Ngôn Luận của Hội Nhà Văn Nauy 2014 được trao tặng cho Nhà văn, Phóng viên, và nhà viết blog Việt Nam - Nguyễn Xuân Nghĩa

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa bị bắt vào tháng 9 năm 2008 – vì đã " xúc phạm đến đảng cộng sản Việt Nam cũng như nhân dân Việt Nam ” - đã nhận bản án 6 năm tù, trong đó có thời gian 6 tháng bị biệt giam, cô lập hoàn toàn. Ông được trả tự do năm 2014, nhưng đồng thời bị 3 năm quản chế mà ông hiện nay đang thi hành tại nhà.

Ông Nghĩa năm nay 64 tuổi, là nhà thơ, nhà văn, ký giả và nhà bình luận. Ông từng là hội viên Hội Nhà Văn Hải Phòng và là một trong những sáng lập viên của phong trào dân chủ bị cấm được biết đến là Khối 8406. Năm 2003 ông bị cấm đăng và xuất bản những bài viết của mình vì đã có những hoạt động ủng hộ Dân Chủ. Ông đã bị bắt cùng với nhiều nhà hoạt động khác, trong đó bao gồm nhiều nhà văn, ký giả báo chí và nhà viết blog trong một chiến dịch bắt bớ của công an, và đó cũng là tín hiệu khởi đầu của một chiến dịch đàn áp quy mô mới chống lại các nhà đối lập tại Việt Nam.

Ngày 9 tháng 10 năm 2009, trong một phiên tòa lấy lệ chỉ kéo dài một vài giờ, ông đã bị kết án với tội danh tuyên truyền chống phá chế độ, theo điều luật cấm ‘’mọi tuyên truyền chống chế độ cộng sản ‘’ và ‘’ tuyên truyền xuyên tạc gây nguy hại đến an ninh quốc gia, phá rối trật tự công cộng và gây mất niềm tin của nhân dân vào đảng’’. Qua những tác phẩm thơ, văn và những bài bình luận, ông bị cáo buộc là đã ‘’ xúc phạm đến đảng cộng sản Việt Nam, xuyên tạc tình trạng đất nước, làm xúc phạm và ô nhục lãnh đạo đất nước, đòi hỏi đa nguyên đa đảng và tìm cách vận động người dân tham gia phong trào đối lập’’. Trong thời gian bị tù, ông Nghĩa đã bị bệnh nặng vì thiếu sự chửa trị trong suốt sáu năm bị giam cầm.

Buổi lễ trao giải thưởng sẽ được diễn ra nhân hội nghị thường niên của Hội Nhà Văn Na Uy ngày 21 và 22 tháng 3 năm 2015 tại Bristol Hotel ở Oslo. Vì khôi nguyên của giải Tự Do Ngôn Luận không thể ra khỏi Việt Nam, nên vợ ông sẽ là người thay thế để nhận giải.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét