Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Phong Trào Nữ Quyền Tại Mỹ & Vận Động Cho Dân Chủ Tự Do Tại Việt Nam.

 Nguyễn Phương Uyên

Xuất phát từ vụ Brown kiện phòng giáo dục năm 1954 về việc phân biệt trẻ em trong các trường công lập vì lý do chủng tộc, và phong trào dân quyền ở Mỹ trong những năm 1950 – 1960 được dẫn dắt bởi Martin Luther King, nhiều nhóm trong xã hội Mỹ đã bắt đầu đứng lên đòi sự bình đẳng, trong đó đông nhất là nữ giới. Mặc dù nữ giới chiếm hơn một nữa số dân Mỹ lúc bấy giờ nhưng trong suốt thời gian đó họ vẫn chỉ là những công dân hạng hai. Theo tập quán với cái nhìn thiên lệch họ bị đẩy ra bên ngoài lề trong nhiều lĩnh vực mà nam giới cho là độc quyền riêng của nam giới, đặc biệt là vấn đề chính trị.

Phong trào đấu tranh cho phụ nữ tại Mỹ, giành thắng lợi đầu tiên đánh dấu bằng sự kiện Đạo luật dân quyền cấm phân biệt đối xử trong công việc vì lý do chủng tộc, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc và giới tính được quốc hội Mỹ phê chuẩn với con số áp đảo Hiến Pháp Sửa Đổi bình quyền. Tiếp theo noi gương phong trào Dân quyền, nữ giới đã chống lại những đạo luật có tính chất phân biệt thông qua tòa án, và gần như đều thắng trong các vụ kiện.

Xét từ góc độ nào đó, chúng ta có thể thấy rằng vị thế những công dân Việt Nam là những người hoạt động, những người bất đồng ý kiến với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, và thậm chí là đa số người dân Việt cũng giống vị thế của người da màu, và phụ nữ Mỹ thời bấy giờ.

Có thể bạn không biết, khi Thomas Jefferson vị tổng thống vĩ đại thứ 3 của Mỹ viết trong Tuyên ngôn Độc lập rằng: “Tất cả mọi người sinh ra điều có quyền bình đẳng”, ông đã tin rằng xã hội về bản chất không có sự bình đẳng, rằng một số người thì thông minh hơn một số người khác, một số người thì có nhiều điều kiện hơn những người khác vì mỗi con người có khả năng và giá trị khác nhau. Ý thức được điều đó ông muốn đem đến một cách thức mà ở đó mọi người sinh ra đều được phát huy tối đa khả năng của mình, và đó là bình đẳng trước pháp luật hay còn gọi là thể chế tòa án.

Theo đó lý giải không thể có một luật cho người giàu và một luật cho người nghèo. Mặc dù khi nói như vậy vẫn tồn tại một luật dành cho người da trắng và một luật dành cho người da màu. Và “Tất cả mọi người” trong ý của ông nghĩa là chỉ có nam giới người da trắng mà thôi. Do vậy mà người da màu và nữ giới đã đứng lên tranh đấu đòi những điều mà họ khát khao.

Tương tự như thế ở Việt Nam, có công bằng hay không khi luật pháp nghiêm khắc đang chỉ được áp dụng cho tất cả người dân trừ ra những người giàu có và những thành phần quan chức cộng sản cùng con cái của họ. Một biện pháp thường được sử dụng thay thế cho sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật đó là “xử lý nội bộ trong đảng cộng sản”. Biện pháp này cố gắng ngụy biện rằng đó là sự công bằng với một bộ luật khác dành riêng cho những người là viên chức cộng sản. Vậy một câu hỏi nữa, liệu có công bằng không khi có một luật dành riêng cho những người dân nghèo khổ và một luật giống như một đặc quyền dành riêng cho các viên chức cộng sản tham lam, luôn tìm cách bòn rút tư lợi cá nhân? Tất nhiên không thể là bình đẳng, điều đó trái với những gì gọi là quyền bình đẳng, thứ mà được hiến pháp thừa nhận và bảo vệ. Nhưng buồn thay Hiến pháp trong lúc này chẳng qua chỉ là một tờ giấy, những rào cản mà nó tạo ra không đủ sức bảo vệ cho bình đẳng, tự do hay những thứ tương tự. Nó có thể bị xé nát, bị viết lại thêm thắt, bớt xén những thứ theo một kiểu nào đó làm nó không còn ý nghĩa nguyên vẹn như đã có.

Dẫn ra đây một ví dụ khác về quyền chính trị. Ai cũng biết, chỉ có ứng viên được đảng cộng sản Việt Nam đồng ý thông qua thì mới được ứng cử. Trong Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội 1997 qui định về Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là có trách nhiệm chọn lọc ứng viên để ứng cử vào Quốc hội, trong khi Mặt trân Tổ Quốc Việt Nam là một ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam thì không lý gì họ sẽ loại những người thân cận với họ. Và một điều chúng ta thấy rõ lấp đầy các ghế trong Quốc hội là đảng viên cộng sản hoặc ít ra cũng là cảm tình viên. Rõ ràng rằng “tự do bầu cử, ứng cử” đã bị bẻ lệch theo kiểu “đảng cử, dân bầu”. Quyền được tự do bầu cử, ứng cứ không ý nghĩa gì không phải chỉ vì Hiến pháp đã thiếu đi những định chế cứng rắn mà còn vì sự lộng hành của một trong số nhiều đạo luật vi hiến.

“Tự do không bao giờ được ban phát bởi những kẻ cai trị, nó phải được đòi hỏi bởi những người bị cai trị.”. Lời của Mục sư Martin Luther King vẫn còn đó như một cảnh báo cho những ai đang trông chờ vào sự thay đổi của những kẻ đã từng và đang trói buộc họ để nắm giữ quyền hành cai trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét