Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

PHẢI CÓ THIỆN CHÍ KHI NÓI ĐẾN HÒA GIẢI HÒA HỢP DÂN TỘC



NGUYỄN THỊ NHUNG

40 năm qua, với tôi chưa bao giờ 30/4 là ngày đáng để vui mừng. Hai mươi năm chiến tranh Nam - Bắc, có biết bao gia đình phải chịu cảnh sinh ly tử biệt. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ.

Đáng ra ngày này phải là ngày để tưởng niệm, cầu siêu cho tất cả những người đã thiệt mạng trên mảnh đất đau thương này. Hai mươi năm, suốt chiều dài đất nước hình chữ S này tràn đầy máu và nước mắt. 

Với cảnh khói lửa mịt mù, bơm rơi đạn nổ khắp nơi, hỏi có còn nơi nào là không có mất mát, đau thương, gia đình nào không có chia lìa, tang tóc. Ngày của những thân hình không còn nguyên viện lăn lóc trên khắp hai miền. Ngày cả nước có biết bao gia đình làm cơm thắp hương người thân - những người Việt đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ bởi chính nòng súng của người Việt.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn nhai đi nhai lại điệp khúc gọi là “ Hòa giải, hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù”. Liệu có hòa hợp được không khi mà họ luôn xem lá cờ vàng ba sọc đỏ thuộc về lịch sử Việt Nam như kẻ thù không đội trời chung và còn hơn cả kẻ thù truyền kiếp phương bắc. Hàng ngàn tỉ đồng từ tiền thuế của dân được chi để tổ chức lễ duyệt binh ăn mừng chiến thắng vào dịp 30/4/2015 này. Báo đài thì ra rả tuyên truyền về chiến thắng, viết bài phỉ báng chế độ Việt Nam Cộng Hòa và các tướng lĩnh, quan chức của chế độ ấy. Những sĩ quan, binh sĩ và công chức của chế độ VNCH vẫn bị gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Phải chăng đó là những việc làm nhằm mục đích hòa hợp hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù của nhà cầm quyền Hà Nội?

Những việc làm này chẳng những không thể nói lên thiện tâm muốn xóa bỏ hận thù. Ngược lại, họ đã khơi dậy nỗi đau, khoét sâu vào vết thương thù hận. Liệu có thể hòa hợp hòa giải dân tộc trong tình trạng vẫn cứ tiếp diễn như hiện nay? Vết thương kia chẳng những khó lành mà còn bị khơi dậy và khoét sâu hơn vào dịp này hàng năm. Nhà cầm quyền Hà Nội có thực tâm hòa giải, hòa hợp dân tộc hay chỉ là bịp bợm? Bởi nếu muốn hòa giải thì không nhất thiết phải tồn tại cái vui mừng không đáng có. Nếu ngày 30/4 có ý nghĩa nào đó thì đó là một ngày quốc tang.

Đến bao giờ ngày này được xem là ngày quốc tang của dân tộc, đến bao giờ cộng sản Việt Nam chính thức thừa nhận cuộc chiến tranh 1955 – 1975 là cuộc chiến tranh cưỡng chiếm miền Nam thì ngày ấy mới có thể nói đến hòa hợp hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù.

Bình Thuận 28/4/2015

NTN

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét