(VNTB) - Vào 9h00 sáng ngày 2/4/2015, tại quán café Danang Souvenirs And Café 34 Bạch Đằng (Đà Nẵng), đã diễn ra cuộc gặp giữa các hội viên Hội nhà báo độc lập khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam.
Cuộc gặp diễn ra cho tới hơn 11h trong không khí trao đổi cởi mở thân tình, với sự chủ trì của nhà báo Bùi Minh Quốc phó chủ tịch Hội.
Cần trưởng thành hơn nữa
Các hội viên tham gia buổi gặp đánh giá cao sự trưởng thành về mặt nội dung và quản lý của Hội đối với trang Việt Nam Thời Báo, từng bước hướng đến tầm chuyên nghiệp về thông tin và phản biện, đúng như tiêu chí của Hội đề ra ban đầu.
Về việc nâng cao chất lượng VNTB, anh Lê Minh Quân (Quảng Nam) cho rằng, cần phải tăng lượng bài phản ánh các sự vụ nóng tại địa phương, vì nó tạo sự gần gũi , sát thực tiễn đối với người đọc.
Đồng tình với ý kiến đó, anh Khúc Thừa Sơn nhấn mạnh: Muốn phản ánh dân chủ, thì cần phải phản ảnh dân sinh. Nhất là dân sinh ở khu vực địa phương.
Với bản lĩnh chiến đấu của người cầm bút trung thực và trách nhiệm, luôn giữ vững nguyên tắc vô tư khách quan chuẩn xác trong thông tin và bình luận, hầu hết hội viên đều đồng thuận về việc cần hết sức tránh các yếu tố cực đoan trong bài viết, từ nội dung đến cách diễn đạt luôn phải hướng đến hiệu quả thuyết phục ngày càng rộng rãi. Trong tình hình chính trị trước mắt và lâu dài, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam phải luôn nỗ lực là một tổ chức có mặt hàng đầu trong đấu tranh để hiện thực hoá quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận đã ghi rõ từ lâu trong Hiến pháp. Phải luôn bám sát thực tế của đất nước và đời sống của nhân dân về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.
Việc Hội nhà báo độc lập ra Tuyên bố số 5, ủng hộ cuộc đình công của 90.000 công nhân tại Sài Gòn được nhiều Hội viên đánh giá là kịp thời và đúng trọng tâm về mặt ngôn luận và thực tiễn xã hội.
Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh chia sẻ quan điểm về việc, cần phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm báo, bằng cách giảm thiểu được nỗi lo về kinh tế, thông qua việc trả lương cho những anh em phụ trách công tác trong Hội.
Dân chủ đang vững bước
Đánh giá về các sự kiện ở hai đầu đất nước, đặc biệt là cuộc diễu hành cứu lấy 6.700 cây xanh tại Hà Nội, đình công của 90.000 công nhân ở Sài Gòn phản đối Điều 60 BHXH 2014, vụ lấp sông Đồng Nai, cũng như việc một số quan chức nhà nước đề cập đến quyền tự do ngôn luận như một điều cần phải được bảo vệ, về thực thi hiệp ước chống tra tấn, nhục hình… các hội viên đều nhận thấy là giới cầm quyền đang buộc phải tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân hơn trước.
Những tín hiệu khởi sắc đó cho thấy tác động của truyền thông dân sự là không thể thiếu, nhất là trong sự nghiệp nâng cao dân trí, trước hết là nâng cao nhận thức của người công dân về các quyền của mình, nâng cao ý chí tự chuyển mình từ phận “thần dân” thành người công dân của một xã hội dân chủ, văn minh (gọi tắt là người công dân đạt chuẩn), cùng nhau hợp sức xây dựng một lực lượng công dân đạt chuẩn ngày càng đông đảo. Những bất công, thiếu minh bạch trong chính sách nhà nước đã được các phương tiện truyền thông dân sự vạch ra, tạo động lực thúc đẩy người dân tự tập hợp thành lực lượng đứng lên bày tỏ thái độ. Ông Bùi Minh Quốc cho rằng Hội nhà báo Độc lập Việt Nam đang cùng các tổ chức XHDS khác tiếp bước trên con đường mà cụ Phan Chu Trinh đã mở ra từ hồi đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam, thực hiện công cuộc DUY TÂN dang dở năm xưa trong hoàn cảnh mới: NÂNG DÂN TRÍ, HƯNG DÂN KHÍ, LẬP DÂN QUYỀN, VƯỢNG DÂN SINH.
Việc Hội thành lập Ban cải cách thể chế, và đề xuất thảo luận dự luật Biểu tình 2015 nhằm tạo không gian bày tỏ quan điểm cho người dân chính là một trong những bước đi như vậy.
Ông nhấn mạnh, Hội đang làm mọi cách để tiếng nói của Hội, trang Việt Nam Thời Báo có chỗ đứng trong luồng thông tin xã hội Việt Nam, trở thành địa chỉ đáng tin cậy trong chuyển tiếp, phản ánh thông tin trong dân.
Hội sẽ tiếp tục làm tốt vai trò phản ánh và phản biện. Ông vui mừng thông báo việc Hội đã thành lập nhóm phóng viên phóng sự và điều tra.
PV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét