NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Chuyện lạ ở Trại 5: Trại đồng ý nhưng thanh niên địa phương không cho
Hôm 25/6/2015, sau khi bị đánh cướp tơi tả tại Trại 6 và đón được anh Trịnh Bá Khiêm ra tù, đoàn đi đón đến Trại 5. Mục đích đến Trại 5 là để cho anh Khiêm gặp lại vợ là chị Cấn Thị Thêu kể từ khi hai người bị bắt trong cuộc tái cưỡng chế ngày 25/4/2014, với tư cách thân nhân thăm nuôi người nhà.
Trại 5 ở địa bàn huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Trên đường từ Trại 6 về Hà Đông đến giữa chừng thì rẽ khoảng 10 km nữa. Vậy nên cũng tiện đường.
Đến cách cổng Trại 5 độ 300 mét thì xe không đi tiếp được bởi một chiếc ô tô đỗ giữa đường. Trước mũi ô tô là một chiếc xe máy ở tư thế nằm. Giữa ô tô và xe máy là một khoảng đường nhựa nhuốm màu đỏ. Trông qua có vẻ như một vụ tai nạn giao thông. Nhìn kỹ phần mặt đường màu đỏ thì lại trông như thứ máu nào đó được quét lên chứ không giống như là vũng máu chảy. Nhiều người phán luôn “lại bày trò rồi”. Một cậu trong nhóm anh em đi cùng bà con vào quán uống nước lân la chuyện này chuyện khác rồi hỏi thì được trả lời “họ dàn dựng đấy, làm gì có tai nạn nào”.
Đoàn người đành xuống xe đi bộ dưới trời nắng chang chang. Nhiều người lúc này đã khá mệt. Tới cổng trại thì chúng tôi được “đón tiếp” bởi đám vài chục thanh niên tầm trên dưới 20 tuổi, cậu thì tóc đỏ, cậu thì xăm trổ. Chúng tôi nhận ra đây là số đã tập trung trước cổng trại khi chúng tôi vừa xuất hiện khi đi cùng với Tạ Minh Tú, em gái Tạ Phong Tần ngày 14/6/2015. Hôm ấy, các cậu chỉ canh chừng chúng tôi chứ không có hành động gì.
Nhưng hôm nay thì khác hẳn. Việc làm của đám thanh niên này như là việc làm của người có chức năng nhưng hành động lại là vi phạm pháp luật. Chúng ráo riết canh chừng chúng tôi, đặc biệt ngăn cấm chúng tôi chụp ảnh, ghi hình, không những chụp cổng trại mà cấm cả chụp đoạn đường đi ngang cổng trại.
Thấy Trịnh Bá Tư đang cầm điện thoại trong tay, lập tức chúng xô đến đến ngăn cản, đòi kiểm tra máy. Trịnh Bá Tư chuyển nhanh máy cho người khác nên chúng khám không có gì.
Đám thanh niên này kiểm soát đoàn chặt chẽ tới mức, không ai có thể chụp được bất cứ hình ảnh nào ở khu vực trại, kể cả chụp cảnh vu vơ ngoài đường.
Lúc sau, chắc chợt nghĩ ra, có ba đứa đến nơi đỗ xe (cách trại 400 mét) hỏi mọi người cái anh dán băng ở mắt đâu? (Tư vừa bị đánh chảy máu mặt, sưng mắt phải) Khi ấy, Tư đã trở về xe ngồi. Rồi chúng thản nhiên leo lên xe tìm Tư đòi kiểm tra máy. Tuy xung quanh xe có đông người nhưng mọi người hiểu, nếu chống lại lệnh của chúng, chúng sẽ kéo lên đông gấp bội. Tư đưa điện thoại cho chúng muốn làm gì thì làm. Sau khi kiểm tra rất kỹ lưỡng, chúng trả lại.
Trở lại chuyện tại cổng trại. Khi gia đình đến làm thủ tục thăm thân nhân, cán bộ Trại 5 đồng ý cho anh Khiêm và Trịnh Bá Phương vào thăm. Tuy nhiên, chị Trịnh Thị Xuyền, em gái anh Khiêm cho biết, mặc dù trại đã chấp nhận cho hai bố con vào nhưng đám thanh niên này nhất định không đồng ý cho anh Khiêm vào thăm vợ. Cuối cùng, chúng chỉ cho chị Xuyền thay vị trí anh Khiêm và Phương vào thăm chị Thêu.
Nếu ở Trại 6, qua cách tổ chức và cách đánh người, mọi người đều nhận định đó là công an mặc thường phục thì với đám này lại đều chung nhận xét là thanh niên ở địa phương thật. Đám này có mặt để “giải quyết công việc” chứ không có mục đích hành hung chúng tôi như ở trại 6. Nếu bà con chống lại, chắc là sẽ dẫn tới chuyện khác, tức là bạo lực, cưỡng bức. Thật là kỳ lạ. Một đám choai choai, không cần danh nghĩa gì mà lại đứng ra yêu cầu mọi người phải thế này, thế nọ, kiểm tra xét hỏi như là công an thật sự. Kỳ lạ hơn nữa là qua chuyện Trại 5 đồng ý cho anh Khiêm gặp vợ nhưng đám thanh niên nhất định không cho, gia đình cũng phải chịu. Không hiểu uy lực của đám thanh niên này như thế nào. Hay là cán bộ trại nói một đằng nhưng ngầm chỉ thị cho kẻ khác làm một nẻo? Cũng không cần đắn đo nhiều để khẳng định rằng, đám này là do Trại 5 tổ chức ra để thực hiện những hành vi vô luật một cách trắng trợn. Ngành công an không còn đủ phẩm chất và năng lực để thực thi pháp luật đàng hoàng nữa.
Chị Cấn Thị Thêu sắp mãn hạn tù.
Ngày 25/7 tới, Chị Cấn Thị Thêu sẽ mãn án 15 tháng tù. Trước khi chị ra tù, cán bộ trại đưa ra yêu cầu đối với Trịnh Bá Phương. Đó là có thể đi bao nhiêu thì tùy nhưng không được giăng biểu ngữ, ghi hình ở khu vực trại (tất nhiên cả ở một đoạn đường dài). Đoàn phải dừng cách xa cổng vài trăm mét, không được đỗ xe gần cổng. Rõ ràng, đây là một yêu cầu vô lý, không có căn cứ nào mà chỉ là họ muốn như thế. Ngoài ra, họ cũng “cho phép” được 10 người đứng ngoài cổng đón chị Thêu, có thể tặng hoa thoải mái.
Trước cổng Trại 5 có cắm biển cấm quay phim, chụp ảnh. Tuy nhiên, con đường chạy ngang cổng là đường dân sinh, thế nhưng họ lại cắm thêm hai biển cấm nữa ở hai đầu, khống chế cả một đoạn đường mà đương nhiên là không thuộc quyền quản lý của trại. Và việc bắt xe đậu cách cổng trại tới vài trăm mét cũng là một yêu cầu tùy thích.
Được biết số người đăng ký đi đón chị Cấn Thị Thêu đến nay đã gấp 3 lần hôm đi Trại 6. Ngoài ra, một số anh em khác cũng đăng ký cùng đi với bà con, trong đó có những người đã đồng hành với bà con và từng bị đánh tại Trại 6 hôm 25/6/2015. Với số lượng như vậy, bà con đã chuẩn bị 3 xe loại 45 chỗ ngồi. Con số này nói lên hành động khủng bố ở Trại 6 nhằm làm cho bà con sợ hãi đã không đạt được mục đích. Hẳn là hôm đón anh Trịnh Bá Khiêm, nếu không bị khủng bố thì lần này đón chị Thêu, bà con Dương Nội cũng chỉ đi với số người tương tự. Mọi sự đàn áp không những bôi thêm vết nhọ dơ bẩn cho chế độ mà còn làm cho lòng can đảm của những người bị áp bức nhân lên.
Như trên đã nói tới, các yêu cầu của Trại 5 đối với bà con Dương Nội khi đi đón chị Thêu là vô lý. Vậy, nếu bà con Dương Nội không chấp hành được lệnh của Trại 5 thì họ sẽ làm gì? Kịch bản Trại 6 liệu có lặp lại?
Hy vọng rằng, Trại 5 đủ tỉnh táo và rút được kinh nghiệm từ Trại 6 để cuộc đón chị Cấn Thị Thêu tới không để lại thêm tai tiếng cho chế độ nói chung và ngành công an nói riêng.
Đề nghị các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế hãy theo dõi kịp thời những gì diễn ra tại Trại 5 vào sáng ngày 25/7/2015. Những thông tin sớm nhất sẽ được cập nhật trên mạng xã hội facebook.
Đòi trả tự do cho Tạ Phong Tần trước cổng Trại 5 ngày 14/6/2015
20/7/2015
NTT
Thời Cách mạng văn hoá bên Tàu (1966-1976) , Mao lập lực lượng Hồng Vệ binh gồm đa phần là thanh thiếu niên thất học, có xuất xứ là thanhf phần bất haor trong xã hội để thuc hiện cuộc ' Cách mạng' ấy. Các lực lượng chuyên chính của đảng cộng sản TQ như CA, QĐ đều bị khuất phục bỡi Hồng Vệ binh.
Trả lờiXóaXứ Vệ triều nhà sản đang học tập theo cách làm của Mao của gần nửa thế kỷ trước ?