Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Thất bại về ‘Quyền điều tra của công an xã’: Quốc hội cũng cần oxy dân chủ

Gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều, nạn nhân vụ án công an dùng nhục hình đánh chết dân.

Sau hơn một năm căng thẳng tranh cãi về việc có cần thiết hay không khi đưa “quyền điều tra của công an xã” vào dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Bộ Công an - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật này nhưng vẫn thường bị dư luận lên án về thuộc tính “công an trị” - đã hầu như thất bại.

Cũng là một trong những lần thất bại hiếm hoi của những cơ quan độc trị vào thời mà không khí phản biện không còn độc chiều. 

Trong phiên họp ngày 17/8/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã gần như chính thức quay lưng với thứ quyền không biết sẽ để lại hậu quả ghê gớm đến thế nào nếu được luật hóa ấy.

‘Tự chết’ và ‘tự sát chính trị’

Từ năm 2011 khi phong trào phản biện xã hội sôi trào ở VN cho tới nay, không phải ngành công an, tòa án hay viện kiểm sát, mà chính dư luận đã phát giác ra hàng trăm vụ “tự chết”, “tự treo cổ”…trong đồn công an, với tỷ lệ đa số thuộc về phần hành của giới công an xã. Nạn bạo hành, bắt người tùy tiện, tra tấn, ép cung, điều tra trái luật…biến tấu nhan nhản cùng tàn nhẫn ở rất nhiều địa phương.

Còn cao hơn cấp công an xã, vụ 5 điều tra viên thuộc Công an thành phố Tuy Hòa dùng nhục hình gây ra cái chết của ông Ngô Thanh Kiều là một bằng chứng quá bản chất về “biện pháp nghiệp vụ” - thủ pháp vẫn thường trưng ra để bao biện và cả ngụy biện - của ngành công an VN.

Trong bối cảnh quá nhiều cái chết của dân thường còn bị che kín, vào năm 2014 Bộ Công an lại tiến thêm một bước về quyền lực công an trị khi chủ động soạn thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, trong đó cho “công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.

Ngay sau khi dự luật trên được công bố, có vẻ sự bất ngờ đã xảy đến với Bộ Công an: dư luận xã hội, báo chí nhà nước và ngay cả giới luật sư VN đồng loạt lên tiếng phản ứng mạnh mẽ.

Một trong những tiếng nói thuộc giới nghị sĩ VN - Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư VN - bức xúc: Chức năng của công an xã, phường… là bảo vệ trật tự an toàn cho người dân trên địa bàn. Thực tế chức năng này đang bị buông lỏng khi mà an toàn, an ninh của người dân vẫn chưa được đảm bảo… Nhiệm vụ hiện tại họ còn chưa làm tròn trách nhiệm, nay lại giao thêm chức năng mới thì bảo họ làm cho tốt là rất khó. Hiện nay khi nhận tin báo tố giác tội phạm, lẽ ra xã, phường trong thời hạn bao lâu đó phải ra quyết định xử lý hoặc chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách, nhưng có những vụ tôi biết các cơ quan này ngâm vài ba tháng mà không chịu làm gì cả. Nay họ lại được giao thêm việc điều tra, bắt bớ, tạm giữ dưới phường… thì rất phức tạp, không chuyên nghiệp, có khi vướng thêm chuyện thông cung, bức cung”.

Nếu ngay cả công an cấp quận huyện và thành phố loại 2,3 còn không thuần thục về nghiệp vụ điều tra, một số công an phường xã hoàn toàn có triển vọng trở thành lớp kiêu binh “đánh người thiếu chuyên nghiệp” mà sẽ tiếp biến hàng loạt vụ “tự chết” của dân.

Nhân tất có quả. Không chỉ tham nhũng, mà đã từ lâu thói công an trị trở thành mầm mống cùng triệu chứng “tự chết” cho chế độ. Nếu trước đây Chính phủ và giới đảng trị đã thường bịt mắt che tai trước những cỗ quan tài được người dân kéo lê phản đối ở những đường phố như Vĩnh Yên, vài năm gần đây hình như một số quan chức cao cấp đã bắt đầu ý thức rằng nếu không thể làm giảm bớt đôi chút thực tồn quá khốn quẫn ấy, “tự sát chính trị” sẽ là hậu quả tất yếu mà dân chúng dành cho những kẻ cầm quyền.

Ngay Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý - một quan chức có tiếng là bảo thủ và độc đoán - cũng phải “tâm tư” về Điều 43 dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự: “Pháp lệnh Công an xã giao cho công an cấp xã một số thẩm quyền như giữ người, khám xét… đến nay đã không còn phù hợp vì liên quan đến quyền con người theo Hiến pháp 2013… Chứng cứ do lực lượng này thu thập có giá trị pháp lý hay không? Hoạt động điều tra phải do những người có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, kiến thức điều tra tiến hành, trong khi công an xã, phường không có những điều này”.

Quốc hội cũng cần oxy dân chủ

Sau quá nhiều lần gật theo ý chỉ “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” của tổng bí thư, mà dẫn chứng tiêu biểu là bản Hiến pháp một chiều 2013, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã một lần hiếm hoi ghi điểm thuận lòng dân và cũng là cách nhằm cứu vãn một phần nhỏ nhoi cho chế độ.
Kết quả của phiên họp ngày 17/8/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội là “”ác đại biểu đồng tình với ý kiến không quy định trong dự thảo việc công an cấp xã được tiến hành một số hoạt động điều tra”.

Vào năm nay và song song với hàng loạt phản ứng xã hội cùng phong trào phản biện xã hội phát sinh từ đầu năm đến nay như chống thảm sát cây xanh, đình công PouYeun, phản đối lấn sông Đồng Nai, áp lực liên tục từ cộng đồng quốc tế về cơ chế luật pháp ở VN đã bắt đầu có tác dụng: đầu tiên là việc Quốc hội đưa dự thảo Luật trưng cầu dân ý ra bàn, sau đó xuất hiện liên tiếp hai dự thảo luật về tín ngưỡng, tôn giáo và về hội, dù có thể còn khá lâu nữa các dự luật này mới theo đúng ý dân.

Ngay cả Quốc hội cũng cần hít thở chút oxy dân chủ.

Trong buổi thảo luận của Thường vụ Quốc hội VN về dự án “Luật an toàn thông tin mạng” chiều 12/8/2015, lần đầu tiên một quan chức VN tiết lộ chuyện nghe lén của các “cơ quan đặc biệt”: “Ta trước đây chuyện này cũng nhiều, tôi được biết như thế. Nghe không sót ông nào. Cái nghe này rất nguy hiểm, mình nói dài dòng văn tự từ đầu đến cuối, nhưng họ trích cái đoạn nói khác ý của mình là chết, ảnh hưởng tới sinh mạng chính trị. Tôi rất băn khoăn ở chỗ đó, nói thật với các đồng chí như thế” - Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn “tâm tư”.

Nhưng “các đồng chí” không chỉ nghe lén. Bộ Công an suýt chút nữa đã thành công bằng văn bản có tên gọi “Thông tư 28”, ban hành vào tháng 8/2014, cho phép điều tra viên được ghi âm, ghi hình luật sư. Ngay sau khi dự thảo của thông tư này được công bố, Liên đoàn luật sư VN và báo giới đã phản ứng quyết liệt, nêu ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy hành vi ghi âm, ghi hình như thế là một cách đắc dụng nhằm xâm phạm quyền hành nghề của luật sư, mà thực chất là vi phạm nhân quyền. Cuối cùng, Bộ Công an đã phải ban hành quyết định hủy bỏ hành vi dự kiến đầy độc đoán và áp chế này.

Tuy nhiên, điều lạ lùng là Quốc hội VN đã hầu như không lên tiếng để bảo vệ giới luật sư hay báo chí, mà chỉ tỏ ra bức xúc khi lãnh đạo cao nhất của cơ quan dân cử này và nằm trong nhóm “tứ trụ” - ông Nguyễn Sinh Hùng - bị ai đó tung lên mạng băng ghi âm và cho rằng trong băng này là phần đối thoại của ông Hùng với ông Hà Văn Thắm - chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (ông Thắm đã bị công an bắt từ tháng 10/2014). 

Tất nhiên vẫn còn lâu mới có thể thay đổi một Quốc hội chìm trong não trạng trì trệ và quá xa cách dân chúng, cũng còn lâu xã hội VN mới có được những bộ luật tạm gọi là dân chủ về tự do tôn giáo, tự do lập hội, trưng cầu dân ý, tiếp cận thông tin… Nhưng hiện tượng ngày càng nhiều quan chức cấp cao của Quốc hội VN tỏ ra bức bối lẫn phản ứng về chuyện “nội bộ” đã cho thấy, song song với áp lực quốc tế về cải thiện nhân quyền và các phong trào dân ý đang chờ chực bùng phát ở VN, cũng đang manh nha một động lực biến đổi quan điểm và hành vi từ ngay trong lòng đảng, vô hình trung trở thành bước đệm cho những biến động chính trị trong ít năm tới.

* Blog của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét