Bài này đã bị gỡ khỏi Petrotimes
(Biển Đảo) - “Đây là hành động chứng tỏ uy tín của một cường quốc có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải hàng không trên Biển Đông mà Mỹ đã và đang làm”, TS Trần Công Trục nói.
Thông tin từ báo giới cho hay, sáng hôm nay (27/10), Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen tới áp sát khu vực Đá Subi và Đá Vành Khăn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng, cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo.
PV đã có cuộc trao đổi nhanh với TS Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về sự kiện này.
Theo ông Trục, việc làm này của Mỹ đã chứng tỏ một điều rằng Mỹ là một quốc gia “đã nói là làm”.
Tiến sĩ Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
“Đây là điều rất đáng được dư luận khu vực và quốc tế hoan nghênh. Bởi Mỹ cuối cùng cũng đã có hành động cụ thể để bảo vệ các quy định của Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”, TS Trần Công Trục khẳng định.
Vị chuyên gia về Biên giới cũng nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc tự cho mình cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà thực chất là thuộc chủ quyền của Việt Nam từ mấy năm nay đã bị cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối. Bởi họ không đưa ra được bất cứ bằng chứng lịch sử nào cụ thể và chính xác về mặt lịch sử, pháp lý cả.
Hiện tại, Mỹ cũng đã có động thái cứng rắn nhằm bảo vệ quyền tự do và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Việc làm này là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Trước diễn biến vô cùng mới này, TS Trần Công Trục cũng lưu ý Việt Nam cần có những hành động rõ ràng và tỉnh táo.
Bãi Đá Vành Khăn – một trong 7 thực thể ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo (Ảnh: HIS Jane’s Defense Weekly).
“Chúng ta với tư cách là một trong số các bên liên quan trực tiếp tới tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cũng cần nhìn nhận vấn đề này thật khách quan, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Mong rằng, việc tuần tra của Mỹ sẽ ở một tầm mức cần thiết để tránh xung đột lớn và kiểm soát được tình hình”, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ phân tích.
Cũng theo TS Trần Công Trục, về mặt ngoại giao chúng ta cũng nên có những hành động cụ thể, quyết liệt.
“Rõ ràng, hoạt động tự ý bồi lấp, mở rộng 7 bãi đá ngầm thành những hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam tuyệt đối không bao giờ công nhận vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố xung quanh các thực thể nửa chìm nửa nổi đó. Ta kiên quyết lên án và phản đối chuỗi hành động nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý này của phía Trung Quốc”, TS Trục khẳng định.
Tàu khu trục USS Lassen của hải quân Mỹ (Ảnh: Navy Times).
Bên cạnh đó, ông cũng nêu quan điểm cần kêu gọi các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế ủng hộ hành động này của Hải quân Mỹ. Bởi đơn giản, đó không phải là “vùng biển của riêng Trung Quốc” mà họ có quyền cấm tàu bè nước khác đi vào được.
“Hy vọng rằng, những cuộc tuần tra này của Hải quân Mỹ sẽ tạo ra tác dụng tốt nhằm duy trì sự tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 để chống lại âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược này.
Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát tình hình và có quan điểm rõ ràng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình”, TS Trần Công Trục cho biết thêm.
(Theo Petrotimes)
Hoan hô, TS Trần Công Trục đã có nhận xét xác đáng. Nhưng bài đã bị gỡ bỏ, chứng tỏ người ta không thích ý này của ông, người ta chỉ muốn ông lên tiếng lúc cần thôi.
Trả lờiXóaYankee mà. Suông (súng) trong bao không móc thì thôi, móc là phải bắn, bắn là phải trúng.
Trả lờiXóa