Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Lấy ý kiến “đại diện cử tri”, Phường Dịch Vọng toan tính gì?


NGUYỄN TƯỜNG THỤY


Chiều nay, 6/4/2016, chị Đặng Bích Phượng, ứng cử viên độc khóa 14 nhân được giấy mời của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội “tới dự Hội nghị lấy ý kiến nhận xét của đại diện cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu quốc hội khóa 14, nhiệm kỳ 2016-2021” vào ngày 9/4/2016.
Để ý thì thấy hội nghị cử tri mà chị Phượng được mời, thành phần gồm có “đại diện cử tri”. Vậy việc chỉ mời đại diện cử tri có cơ sở pháp luật không?, ta hãy phân tích:
Thứ nhất, tên gọi của Hội nghị này theo Luật Bầu cử là “Hội nghị cử tri” chứ không phải là “Hội nghị đại biểu cử tri”
Thhai là: Khoản 1, Điều 45 Luật bầu cử qui định: “Hội nghị cử tri ở xã, phường, thị trấn được tổ chức tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử đại biểu Quốc hội cư trú thường xuyên do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì”
Khoản 1, Điều 2. Nghị quyết 1134/2016/UBTVQH13 hướng dẫn tổ chức Hội nghị cử tri:
“Việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử cư trú thường xuyên tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố) không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú dài hạn”.
Những qui định trên cho thấy, trường hợp chị Phượng và những ứng cử viên khác ở Hà Nội thì Hội nghị cử tri được tổ chức ở tổ và lấy ý kiến cử tri ở tổ dân cư (chị Phượng thuộc tổ 13 Phường Dịch Vọng).
Vì vậy, phường Dịch Vọng chỉ mời “đại biểu cử tri” là trái luật.
Thứ ba là, trong hệ thống các văn bản pháp quy không hề có khái niệm “đại diện cử tri”
Giả sử có đi chăng nữa thì đại diện cử tri phải do cử tri bầu, chứ không thể do mặt trận hay ủy ban hoặc tổ trưởng dân phố chỉ định. Việc chỉ định người thay mặt cử tri là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền dân chủ, tự ý tước bỏ quyền cử tri của người dân
Trên thực tế, các tổ chức chính trị, xã hội ở Việt nam như đảng, đoàn và các hội đoàn khác, mỗi lần đại hội thì họ bầu ra đại biểu để đi dự đại hội cấp trên. Khi dự đại hội cấp trên xong thì vai trò đại biểu cho hội viên chi hội mình cũng chấm dứt. Những người được bầu tiếp thì vai trò đại biểu cũng chấm dứt khi kết thúc đại hội ở cấp cao nhất. Nhưng điều này không liên quan tới việc bầu cử, và như đã nói, giả sử có qui định thì cũng phải qua bầu bán chứ không ai được phép chỉ định.
Việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Phường Dịch Vọng mời “đại diện cử tri” đến Hội nghị cử tri lấy ý kiến về ứng cử viên Đại biểu Quốc Hội là hoàn toàn trái luật. Phải chăng, họ chỉ chọn những người có thái độ không ủng hộ chị Phượng hay những người đã được giao nhiệm vụ trước đến hội nghị nhằm thay đổi kết quả của Hội nghị theo hướng bất lợi cho chị Phượng.
Xin nhắc lại, họ không có quyền chỉ định cử tri, không có quyền bỏ sót cử tri nào trong tổ dân phố của chị Phượng, không được đưa cử tri ở tổ khác đến họp. Nếu làm như thế là trái luật. Chị Phượng có quyền phản đối nội dung giấy mời này và nếu họ cố tình làm thì chị có thể tố cáo lên Ủy ban bầu cử quốc gia và các cơ quan có trách nhiệm khác, thậm chí có thể kiện ra tòa.

6/4/2016
NTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét