Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Phải truy cứu hình sự cựu Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng

Phạm Chí Dũng


Quan chức Vũ Huy Hoàng


Vào thời điểm kết thúc “chế độ Nguyễn Tấn Dũng” và cũng chấm dứt vai trò bộ trưởng công thương của ông Vũ Huy Hoàng, trên mặt báo chí nhà nước bất chợt rộ lên một chiến dịch lên án “những dự án nghìn tỷ đắp chiếu gây lãng phí, lãi mẹ đẻ lãi con, ngân sách thất thoát... thiệt hại lớn hơn cả tham nhũng.”

Ông Vũ Huy Hoàng là một bộ trưởng đã tồn tại đủ lâu dưới thời một thủ tướng bị quá đủ chỉ trích “phá chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.”

Những dẫn chứng điển hình về nạn lãng phí chỉ có ở Việt Nam là nhà máy xơ sợi 7,000 tỷ đồng ở Hải Phòng “đắp chiếu” và dự án nhà máy lên đến 8,104 tỷ đồng đang phơi mưa nắng của công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Con số 15,000 tỷ đồng bốc hơi lên trời ấy có thể xây được vài chục trường trung học khang trang hoặc hàng trăm trạm xá, cùng vô số nhà tình thương.

Cái gì xéo lắm cũng quằn. Nếu trước đây, báo chí và giới chuyên gia chỉ dè dặt khi nêu về các vụ việc lãng phí, thì nay bắt đầu có nét truy buộc “trách nhiệm các khâu phải rõ và ai vi phạm phải truy cứu, xử nghiêm. Nhà máy 7,000 - 8,000 tỷ đồng bằng tiền thu ngân sách nhiều tỉnh trong nhiều năm.”

Ít nhất đã có vài chuyên gia như ông Trần Ngọc Hùng, chủ tịch Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam, có yêu cầu truy cứu trách nhiệm như trên khi trả lời công khai với báo giới nhà nước.

Ông Hùng tiết lộ: Không chỉ dự án của TISCO mà nhiều dự án “có yếu tố Trung Quốc” đều chậm tiến độ, bị đội vốn và sản phẩm làm ra không đạt thông số ban đầu... Ngay từ khâu làm hồ sơ mời thầu và thương thảo hợp đồng, nhiều chủ đầu tư Việt Nam đã bị “quả đắng,” bị tăng vốn, chậm tiến độ, nhà máy khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi làm dự án, các cán bộ liên quan rất hay đi nước ngoài tìm hiểu... mô hình, thường do chính một nhà thầu nào đó mời. Không những giới thiệu rất hay, các nhà thầu này thường chiêu đãi vô cùng long trọng từ ăn uống, đi lại, tham quan, quà cáp... Do đó trong thương thảo hợp đồng nhiều điều khoản bị hớ, nhất là vấn đề điều chỉnh giá cả, tiến độ thực hiện, các điều khoản về phạm vi hợp đồng.

Trong vực thẳm lãng phí vô cùng tận ở Việt Nam, nguồn vốn ODA “từ trên trời rơi xuống” lại là cái đáy tận cùng của mọi loại đáy. Năm 2015, báo chí phản ánh công trình cầu vượt Giá Rai (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) được xây dựng với tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng rồi... bỏ không khoảng ba năm nay do hết vốn làm đường dẫn, gây lãng phí. Hoặc dự án trích dầu cám ở Bến Tre, dự án dây chuyền dệt bao đay ở Sài Gòn, dự án nhà máy thủy sản đông lạnh Hạ Long, chương trình phát triển dâu tằm tơ ở Lâm Đồng và hàng loạt dự án cơ khí, cấp nước, nông nghiệp vay vốn ODA từ Pháp, Đức không hiệu quả.

Một loạt dự án sử dụng vốn ưu đãi, nhất là lĩnh vực giao thông, chậm tiến độ và đội vốn lớn so với tổng mức dự kiến đầu tư ban đầu như dự án tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội, dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và dự án metro tuyến Bến Thành - Tham Lương ở Sài Gòn.

Nhân nào quả đó. Từ năm 2013, hàng loạt quốc gia viện trợ ODA cho Việt Nam đã quyết định ngừng một phần hoặc toàn phần viện trợ của họ.

Lãng phí và vi phạm đã quá rõ. Nhưng truy cứu và xử lý cán bộ lãnh đạo nào? Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chống được tham nhũng như đã tuyên thệ trước Quốc Hội hay không?

Với tư cách từng là người lãnh đạo cao nhất ngành công thương vào thời tham nhũng và lãng phí “quyết liệt” nhất, cựu Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng là người đầu tiên phải được đưa ra để truy cứu trách nhiệm, đặc biệt về trách nhiệm hình sự. Trong những năm qua, quan chức này đã hoàn toàn phớt lờ phản ứng dữ dội của dư luận về quá nhiều sự việc do hai nhóm lợi ích tung hoành là Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) và Tập Đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) gây ra.


“Tận trung:” Những kẻ nối giáo cho Trung Quốc


EVN, từng được một tờ báo Anh vinh phong là “cậu ấm hư hỏng” do người mẹ đỡ đầu của nó là Bộ Công Thương, là tiếp dẫn ngoan ngoãn vô song cho chiến dịch tiếp tay cho Trung Quốc đến mức phản nghịch tình dân tộc.

Thậm chí, EVN mua điện của Trung Quốc với giá cao cả ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào, vin vào lý do vì hợp đồng mua điện với Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thái độ kinh doanh bất chấp này đã bất chấp một thực tế là trong thời gian gần đây, nguồn điện trong nước được tăng cường nhiều hơn, nhiều nhà máy điện ngoài EVN chưa huy động hết công suất, có thời điểm điện dư thừa, giá lại rẻ hơn nhiều giá điện Trung Quốc bán cho Việt Nam. Nhưng bởi lối hành xử đầy ngờ vực “dưới gầm bàn” về bao thư và cả những ẩn giấu chính trị, EVN đã cố tâm mua điện trong nước với giá chỉ bằng 1/3 giá mua điện của Trung Quốc, kèm theo các điều kiện rất khắt khe.

Ở Việt Nam, EVN là một trong những dẫn chứng sống động và dối trá nhất về việc người ta đã mượn lý thuyết kinh tế chỉ huy thời chiến để trục lợi như thế nào vào thời bình. Trong điều kiện nền chính trị độc đảng, thủ đoạn lợi dụng càng trở nên thâm ý hơn. Độc quyền và đặc lợi cũng vì thế đồng nghĩa với tội đồ, đối với nền kinh tế và đời sống dân sinh.

Đó chính là tội ác.

Năm 2011, vào lúc nền kinh tế Việt Nam dợm chân vào suy thoái, sự đổ bể của hai thị trường chứng khoán và bất động sản đã kéo theo một phát minh không tiền khoáng hậu kể từ thời mở cửa 1990: Những doanh nghiệp nhà nước đặc trưng bởi chủ thuyết “giá chỉ có tăng chứ không giảm” như EVN và Petrolimex đã tạo thành cặp song sinh có chung hậu môn. Hàng loạt chiến dịch đầu tư trái ngành của các tập đoàn này vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm rốt cuộc đã tích đọng gánh nợ đến trên 40,000 tỷ đồng.

Trong suốt năm năm qua, toàn bộ số nợ nần đó đã được EVN và Petrolimex tuồn qua tuyến đại tràng để đổ lên đầu người dân đóng thuế.

Nhưng cũng trong suốt năm năm qua, bất chấp những đợt tăng giá điện vô tội vạ của EVN, đã không có bất cứ cuộc kiểm tra nào được làm tới nơi tới chốn.

Vào năm 2013, một cuộc thanh tra của thanh tra chính phủ đã phát hiện trong bảng giá thành của mình, EVN đã hạch toán cả các công trình xây bể bơi, sân quần vợt và biệt thự vào giá bán điện. Giá bán điện lại được phổ cập cho mặt bằng dân trí thấp kém trong dân chúng. Và thêm một lần nữa, người ta có được bằng chứng về cái được coi là “trận đánh đẹp” của EVN: Cuộc chiến bù lỗ vào dân.

Nhưng sau đó, đã không có bất kỳ “phản tỉnh” nào từ phía cơ quan thanh tra và chính phủ. Mọi thứ đều chìm xuồng.

Tất cả những dấu hiệu khuất lấp về tài chính và số lương “nghèo khổ” ít nhất vài chục triệu đồng theo đầu người ở EVN mà dư luận bức xúc từ năm 2011, đã hầu như không bị cơ quan chủ quản của EVN là Bộ Công Thương có phản ứng gì.

Cùng với EVN, cựu Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng còn phải chịu trách nhiệm về một thực tế quá khốn quẫn: Nền kinh tế và sản xuất của Việt Nam đã phụ thuộc ghê gớm vào Trung Quốc.

Xét về giá trị, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng gần 26 lần sau 13 năm, từ $1.4 tỷ năm 2000 lên $36.9 tỷ. Trong khi đó, giá trị hàng xuất cảng chỉ tăng khoảng chín lần, từ mức $1.5 tỷ năm 2000 lên $13.3 tỷ năm 2013.

Nếu năm 2002, nhập cảng từ Trung Quốc chiếm 8.9% tổng nhập cảng, thì đến năm 2011, tỷ lệ này đã là 23.3% và tăng lên 27% vào năm 2013.

Quá nhiều thứ phải nhập từ Trung Quốc. Chỉ còn thiếu việc nhập cảng người.


Những kẻ “giết sống” dân nghèo


Nhưng một sự việc khủng khiếp mà đã hoàn toàn chìm xuồng là cú xả lũ đồng loạt của 15 nhà máy thủy điện của EVN ở miền Trung vào cuối năm 2013 đã “giết sống” đến năm chục mạng người nghèo nơi rốn lũ.

Tất cả đều biết cấp trên trực tiếp của các nhà máy thủy điện là EVN, còn thủ trưởng trực tiếp của EVN là Bộ Công Thương. Tuy nhiên, sau vụ “giết sống” trên, nhiều phóng viên báo chí quốc doanh đành nuốt nhục vì bị cơ quan tuyên giáo “chặn họng.” Công lý đã trở nên trơ trẽn nhất khi đã không có bất kỳ một quan chức vô cảm và vô trách nhiệm nào phải đối mặt với vành móng ngựa, mặc dù chính vào lúc người dân chết chìm trong nước lũ xả trắng mênh mông, Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng còn bận “công du” ở nước ngoài.

Sau năm năm kể từ lúc các chiến dịch “thủ ác” được kích phát dồn dập và bất chấp oán thán dân tình, kẻ tội đồ EVN đã có đủ thời gian chứng tỏ nó có năng lực gây ra tội ác ghê gớm đến thế nào, kể cả thành tích nối giáo ngoại xâm kinh tế.

Nếu chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không bắt đầu chống tham nhũng từ việc tổ chức điều tra cựu Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng và những thủ hạ liên đới, chính phủ mới này sẽ chẳng mấy chốc đi vào lối mòn tham nhũng và mị dân thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

1 nhận xét:

  1. Hồ Quang Huy26/4/16 6:26 CH

    Hoàn toàn đồng ý với quan điểm của TS Phạm Chí Dũng. Phải truy tố Vũ Huy Hoàng và đồng bọn, họ không chỉ phái hoại kinh tế mà còn nối giáo cho giặc, có thể phạm tội phản quốc.
    Trừ một ý tôi không đồng ý với ông Dũng: đó là họ nhập khẩu mọi thứ từ TQ, kể cả người, trừ văn minh.

    Trả lờiXóa