Ông Cuông cho rằng, nếu đã vi phạm pháp luật, bất cứ ai cũng không thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, kể cả Đại biểu Quốc hội.
Tin tức về việc cơ quan tố tụng miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với vị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và lãnh đạo Vinaconex sau hàng chục lần để xảy ra tình trạng vỡ ống nước sông Đà khiến dư luận bức xúc.
Sự cố vỡ ỗng nước sông Đà đã tái diễn nhiều lần khiến dư luận bức xúc khi các lãnh đạo Vinaconex được miễn trách nhiệm hình sự. (Ảnh minh họa)
Theo đó, ngày 15/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex)”, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án tới Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 9 bị can về tội danh này.
Cơ quan quan điều tra cũng xác định, ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinaconex, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Nguyễn Văn Tuân, nguyên Tổng giám đốc Vinaconex cùng 3 thành viên HĐQT có dấu hiệu tội phạm nhưng khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Nguyên đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho rằng: “Luật pháp không có vùng cấm, đứng trước pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng, không loại trừ một ai. Vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó, đúng người đúng tội. Dù người đó ở vị trí nào thì cũng phải chịu đúng tội của mình gây ra”.
Ông Cuông cũng cho rằng: “Nếu như có trường hợp đặc biệt để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét từ các quy định của pháp luật, không thể vượt qua hay đứng trên luật pháp được.
Chiếu vào mỗi trường hợp cụ thể, nếu quá trình điều tra thấy một người vi phạm pháp luật thì cứ theo quy định của pháp luật để xử lý. Không thể có chuyện miễn truy tố trách nhiệm hình sự với những trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng như để xảy ra sự cố vỡ ống nước sông Đà thời gian qua.
Ở Việt Nam, kể cả Đại biểu Quốc hội cũng không được miễn trừ truy tố nếu có vi phạm pháp luật.
Bởi vậy, tôi cho rằng, chúng ta không thể miễn truy tố với một số đối tượng, tạo tiền lệ xấu, không đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật, ảnh hưởng xấu đến uy tín của luật pháp Việt Nam.
Nhất là các cơ quan thực thi pháp luật càng phải nghiêm minh để tạo niềm tin trong nhân dân. Không thể có những việc làm tùy tiện ngay ở chính các cơ quan pháp luật khiến dư luận xã hội bức xúc”.
“Nếu không có tội thì không không có chuyện để nói, còn nếu vi phạm mà lại miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì không thể chấp nhận được.
Còn vấn đề về nhân thân hay khai báo thành khẩn thì tôi thấy rằng, đó chỉ là những tình tiết để giảm nhẹ tội chứ không phải là để miễn tội. Đã vi phạm pháp luật là có tội, phải xử nghiêm. Do vậy, cần căn cứ theo hậu quả và các điều quy định tại Bộ luật Hình sự để xử lý, không có ngoại lệ với bất cứ ai”, ông Cuông nhấn mạnh.
Vị nguyên đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa nói thêm: “Dù cơ quan điều tra có chấp nhận kết quả nhưng còn nhiều cấp phản ứng, ví dụ như Quốc hội. Thêm nữa, trình độ dân trí đang ngày càng được nâng cao, người dân cũng nhận ra những điều trái khoáy và sẵn sàng phản ứng. Chúng ta không thể bẻ cong cán cân công lý như vậy”.
Dương Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét