Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Thêm một bằng chứng “vì ngư dân” của chính quyền 4 tỉnh miền Trung

Ảnh bacaytruc.com
Sau hơn hai tháng từ ngày “công bố nguyên nhân cá chết”, mãi đến cuối tháng 8/2016, Chính phủ mới bắt đầu “triển khai công tác xác định, bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển do Formosa gây ra”. Tuy nhiên, hành động này chỉ mới thể hiện trên… giấy, qua một thông báo của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. 
Nhiều nội dung trong thông báo trên là không có gì mới so với các chỉ đạo miệng trước đây. Nhưng một chi tiết đáng chú ý là “Phó Thủ tướng cũng đồng ý cho UBND 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lùi thời hạn gửi các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính kết quả tổng hợp, xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ trên địa bàn đến trước ngày 15/9/2016”.
Thêm một bằng chứng “vì ngư dân” của chính quyền 4 tỉnh miền Trung!
Cũng thêm một bằng chứng về thái độ giả dối của giới quan chức từ trung ương đến địa phương về “sẽ làm sạch biển và ổn định đời sống cho ngư dân”.
Trong thực tế, đã chưa có bất kỳ động tác nào có ý nghĩa, tính từ tháng 4/2016 là lúc cá chết trắng biển đến nay.
Sau gần 5 tháng từ lúc cá chết, chính quyền 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn chưa làm được một việc tối thiểu là thống kê thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ trên địa bàn từng tỉnh, trong khi quá tập trung vào việc huy động các lực ượng từ cảnh sát cơ động, quân đội, kể cả mặt trận đoàn thể để khống chế và đàn áp các cuộc biểu tình chính đánh về bảo vệ môi trường của giáo dân, ngư dân.
Sau gần 5 tháng kể từ ngày cá chết hàng loạt, nhiều bằng chứng phũ phàng liên tiếp hiện hình. Thậm chí gạo hỗ trợ cho ngư dân, chỉ có 15 kg/người/tháng, còn bị mốc xanh. Sau vài cuộc tắm biển và ăn hải sản như một cách PR chính trị của giới quan chức, vài người dân địa phương nhẹ dạ ăn theo và đã… lăn ra chết.
Thảm cảnh miền Trung giờ đây là quá rõ. Quá nhiều ngư dân không thể ra biển, có đánh bắt cá thì cũng chẳng ai mua, quá nhiều người phải tính đến chuyện di cư vào Nam hoặc ra Bắc để tìm đường sinh nhai… Trong khi đó, thậm chí chính quyền Hà Tĩnh lại mau mắn công bố số tiền đã hoàn thuế cho Formosa – tác nhân gây hoại tử biển miền Trung – lên đến hơn 16,000 tỷ đồng. Nhưng nhiều người nghi ngờ rằng sau động tác hoàn thuế này là một cuộc đi đêm bẩn thỉu.
Việc Chính phủ “đồng ý cho UBND 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lùi thời hạn gửi các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính kết quả tổng hợp, xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ trên địa bàn đến trước ngày 15/9/2016” cũng là một bằng chứng không thể chối cãi về nạn hỗn quân hỗn quan trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện thời. Sau một thời gian đủ dài và không một quan chức nào – từ Võ Kim Cự xứ Hà Tĩnh đến Trần Hồng Hà xứ Tài nguyên môi trường… - “lũ chuột” đã bớt sợ sệt và lại quay về thói ăn bẩn cũ.
Những chỉ đạo của Nguyễn Xuân Phúc cũng bởi thế chỉ có ý nghĩa như “làm sao để cá có thể bơi trong nước thải”. Hiển nhiên, nếu ông Phúc còn dung dưỡng cho giới quan chức chính quyền địa phương 4 tỉnh miền Trung và dàn tham mưu bộ ngành liên quan, vụ Formosa sẽ quá đủ để nuốt sống điều được coi là “uy tín chính trị” của ông ta.
Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét