Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

Những “kỷ niệm” với ông Đỗ Mười

Lê Phú Khải (VNTB) 


Về cuộc đời và “sự nghiệp” chính trị của Tổng bí thư Đỗ Mười thì ai cũng đã biết, và cũng đã viết về ông, tôi không nhắc lại nữa. Tôi chỉ muốn kể những “kỷ niệm” đầy chất humour về ông mà thôi...

Đó là vào đầu năm 1995, trước Đại hội Đảng lần thứ 8, cũng là dịp kỉ niệm 20 năm ngày đất nước thống nhất, với tư cách là phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam thường trú nhiều năm tại Đồng bằng Sông Cửu Long, tôi có viết một bài nhan đề “Hai mươi năm Đồng bằng Sông Cửu Long”. Bài này sau đó đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng liền hai số báo ra vào các ngày 18-4 và 19-4-1995. Trước khi đăng báo, tôi có gửi bản thảo viết tay ra Hà Nội cho ông Sáu Phan (Nguyễn Hà Phan) đương kim Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương Đảng, vốn là người sinh ra và lớn lên ở Miền Tây Nam Bộ, để ông tham khảo. Sau khi nhận được thư, ông Sáu Phan viết thư tay trả lời tôi. Trong thư có đoạn viết “...tôi xem thấy hay, chụp gửi các anh lãnh đạo và Tiểu ban chuẩn bị văn kiện Đại hội 8.”

Ông Đỗ Mười (trái) với trong tay cuốn “Viết từ Đồng bằng Sông Cửu Long” do tác giả (phải) tặng.

Vì lẽ đó, khi Tổng bí thư Đỗ Mười vô TP.Hồ Chí Minh sau đó, ông Sáu Phan có gọi điện cho tôi bảo …lên T78, tức nhà khách của Trung Ương, để gặp TBT Đỗ Mười báo cáo thêm...Tôi lên T78 và mang theo cuốn sách mới in có tên “Viết từ Đồng bằng Sông Cửu Long” (NXB TP.HCM) để tặng Tổng bí thư. 

Gặp ông Đỗ Mười, tôi chủ yếu nghe ông nói là chính. Trong khi nói, luôn đưa tay “chém gió” và thú thật tôi chẳng hiểu ông nói gì, vì chuyện nọ xọ chuyện kia, không ra đầu ra đuôi gì cả... Lúc tôi xin phép ra về, ông còn tiễn tôi ra cửa. Ông nắm lấy cánh tay trên của tôi, nắm rất mạnh còn lắc lắc...và nói: Sao cậu gầy thế (Miền Nam kêu là... ốm thế!). Tôi trả lời: Có phải đảng viên đâu mà béo được! (Miền Nam kêu là... mập được!) Ông liền bảo tôi: Thế là tốt!!!

Trên đường về, tôi rẽ qua Cơ quan đại diện Báo Quân đội nhân dân ở TP.HCM, kể lại câu chuyện béo, gầy này với đại tá nhà báo kiêm nhà thơ Trần Thế Tuyển...Anh Tuyển “mắng” tôi: Ông ngu bỏ mẹ! Người ta nói “tốt”... là tốt cho Đảng, người như ông mà vào Đảng là chỉ có phá Đảng mà thôi! Người ta làm chính trị nên chỉ nói đến thế ...ông phải tự suy ra mà hiểu, còn đi khoe cái nỗi gì, ông ngu quá!!!

Chúng tôi đã ôm nhau cười...!!!

Người thắt cà-vạt là tiến sỹ Nguyễn Xuân Oánh cùng các trí thức Miền Nam với ông Đỗ Mười, tác giả đứng sau TBT Đỗ Mười với máy ghi âm trong tay

Về cái điệp ngữ “ Thế là tốt!” của ông Đỗ Mười, sau này tôi còn được nghe nhiều giai thoại. Chẳng hạn, có lần ông Đỗ Mười hỏi cậu bảo vệ: Ông già cậu ở quê dạo này thế nào? Cậu bảo vệ thưa: Dạ, bố con mới mất! Ông liền bảo: Thế là tốt!!! Có lần ông hỏi cậu lái xe: Tên cậu là gì? Thưa: -Tên con là Kim. Chiều ông lại hỏi: Tên cậu là gì? Thưa: - Từ sáng đến giờ tên con vẫn là ...Kim! Tôi còn được gặp ông Đỗ Mười nhiều lần trong các cuộc ông đi kinh lý Nam Bộ. Có lần ông nói chuyện với các trí thức TP.HCM ở Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, trong đó có các trí thức tên tuổi như Tiến sỹ Nguyễn Xuân Oánh, từng là Phó thủ tướng chế độ Sài Gòn cũ...Khi giải lao, tiến sỹ Oánh và nhiều người khác đến hỏi tôi về những điều ông Đỗ Mười vừa nói, các vị đó không hiểu ông đã nói gì?! Có lẽ vì ông nói giọng Bắc, dùng nhiều từ bình dân của dân Bắc và lại nói chuyện nọ dọ chuyện kia nên các vị ấy không hiểu ông định nói gì! Tôi đành trả lời các vị trí thức Miền Nam rằng: Qủa thật tôi cũng không biết ông nói gì!!!

Một lần, vào khoảng đầu năm 1997, tôi ra Hà Nội, một vị lãnh đạo ở Bộ Nông Nghiệp bảo tôi: Ông Trần Đức nguyên Phó ban Nông nghiệp Trung ương rất muốn gặp tác giả hay viết về Đồng bằng Sông Cửu Long là tôi. Ông Trần Đức là tác giả cuốn sách rất nổi tiếng mang tên: “Kinh tế trang trại- sức mạnh của nền nông nghiệp Pháp” mà tôi rất muốn có, vì thế, tôi đi liền. Nhà ông Trần Đức ở đầu đường Phạm Đình Hồ, sát vách nhà ông Đỗ Mười. Khi đến, tôi rất bất ngờ về vẻ đẹp của bà Mai, vợ ông Trần Đức. Tuy đã lớn tuổi nhưng bà Mai có một vẻ đẹp vô cùng quý phái và ăn nói rất lịch thiệp. Nghe đâu, sau hòa bình 1954, tỉnh Thanh Hóa “điều” bà tỉnh ủy viên Tây học này ra Hà Nội để làm mai cho Bác Hồ, nhưng việc không thành!!!

Chữ ông Đỗ Mười rất đẹp...trong sổ tang của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện...(1997). Ảnh do tác giả chụp lại từ sổ tang

Trong lúc chờ cơm, ông Đức dẫn tôi lên sân thượng hóng mát. Ông Đức chỉ tay vào cái sân thượng liền kề và bảo tôi: Chúng ta bước qua cái thành lan can này sang sân thượng nhà ông Đỗ Mười rồi đi “từ trên đầu” xuống, thăm ông Mười!!! Tôi nghe theo...Ông Đỗ Mười đã tiếp tôi và ông Đức, và ông vẫn”chém gió” như thường ngày...Sau đó chúng tôi lại đi ngược lên sân thượng nhà ông Mười để về...“nhà mình”...ăn cơm trưa...

Thư của ông Sáu Phan gửi tác giả đề ngày 15.4.1995

Suy nghĩ về TBT Đỗ Mười, tôi có nhận xét riêng của mình, xin cứ mạo muội trình bầy: Ông là tấn bi hài kịch của một người lãnh đạo Đảng cộng sản xuất thân từ tầng lớp bình dân trong xã hội Việt Nam nông nghiệp lạc hậu phong kiến nửa thực dân trước 1945. Vì yêu nước, ông đi làm cách mạng, từng bị thực dân tù đầy, tra tấn. Nhưng vì đi lạc vào quỹ đạo Cộng sản nên bị “ma dẫn lối, quỷ đưa đường...!” Đó là bi kịch (tragédie) cho chính ông và cho cả nhân dân của ông, trong đó có người viết những dòng này!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét