Hữu Lý phỏng vấn Nguyễn Hoàng Đức
PV: Hôm nay xin được hỏi anh về chủ đề khá thời sự, đó là ý nghĩa của hai từ “mậu dịch”. Gần đây, tôi thấy khá nhiều người khi nói chuyện thường nhả rơi hai từ này như một thán từ, như một giải pháp, hoặc như một chế giễu, hoặc là tất cả. Thậm chí thấy một đôi tình nhân tuổi hơi chín còn nói với nhau “em yêu kiểu đó là mậu dịch”, cô gái đã cười rất sung sướng. Vậy theo anh hai từ mậu dịch là thế nào?
NHĐ: Từ mậu dịch, nếu nhìn đơn giản, đó chỉ là cửa hàng hay chế độ mua bán bao cấp của nhà nước trước kia. Nhưng xét sâu xa, nếu bình chọn, nó sẽ là một khẩu quyết thuộc dạng tiền phong hay nhất để nhắm về chế độ dân sự - là giấc mơ được sống phong phú “trăm hoa đua nở” của con người. Đặc biệt với xã hội còn mang nặng dấu ấn phong kiến ở Việt Nam, làm gì cũng đòi vào biên chế để ăn cơm chúa múa tối ngày, muốn sống kiểu quan lại ăn trên ngồi chốc “một người làm quan cả họ được nhờ”, một mớ rau con cá cũng muốn lách vào chế độ tem phiếu để bày tỏ quyền hành. Đóng dấu công chứng cũng xếp hàng rồng rắn để biểu tỏ quyền lực con dấu của công quyền.
PV: Chữ mậu dịch có từ đâu thưa anh, đó có phải là sự dè bỉu những giá trị công nhân viên chức hay nhà văn cán bộ?
NHĐ: Hồi những năm tám mươi thế kỷ trước, xuất hiện câu nói “phở mậu dịch, kịch ti vi”. Câu này muốn thể hiện: kịch ti vi – cũng có nghĩa là kịch mậu dịch, nó dở như phở mậu dịch vậy. Muốn ăn một bát phở mậu dịch đã rất khó khăn, vì thường thì mậu dịch bán mỳ nhiều hơn là phở, có nghĩa là anh phải ở đẳng cấp một khu phố nào đó anh mới tới được hàng phở. Chẳng hạn, Hà Nội nhưng cũng có mấy loại: Hà Nội đun rơm là thứ dân nửa quê nửa tỉnh nhom nhem ngoại thành, ở đó có mỳ là may rồi, còn Hà Nội sâu hơn được gọi là “cột điện máy nước”, bên dưới cột đèn đi vào ngõ xóm có một máy nước công xuất lớn, người dân trông như nhà quê vẫn mang thùng ra gánh nước, ở đó cũng chỉ là quán mỳ. Phở ư? Dường như nó là một bài ca cao cấp được nhà văn Nguyễn Tuân phối bè ngôn ngữ trong những áng văn ly kỳ chỉ được bán ở những phố mà máy nước có thể gọi là máy nước khôn khi chúng biết đường bò vào tận nhà về sinh. Muốn ăn một bát phở ở cửa hàng mậu dịch, đầu tiên người ta phải xếp hàng mua vé hay tích kê bằng sắt, sau đó vòng sang xếp hàng lấy phở, thùng nước phở có thể gọi là “vô sản” hay niêu Thạch Sanh vì nó chẳng có gì trong đó, có mấy mẩu xương, thì khi nồi nước cạn lại được một hai xô nước máy đổ thẳng vào, cho thêm tí mắm, tí mỳ chính vào là đã có hai giấc mơ của trạn nhà mình. Một bát phở chẳng có tiêu chuẩn gì ngoài tiêu chuẩn tùy tiện phi tiêu chuẩn của mậu dịch. Nhưng với người Việt, thì được ăn đã là quí rồi, được ăn phở thì còn quí hơn, ngày trước người ta vẫn thường nói với nhau “đôi khi mong ốm để được ăn bát phở”. Vậy mà kịch ti vi dở đến mức người ta chẳng còn cách so sánh nào khác đồng đẳng hơn là ví nó với phở mậu dịch.
Ngành điện ảnh phim truyền hình và phim nhựa Việt Nam đã có nhiều cuộc hội thảo tìm ra nguyên nhân, và cuối cùng họ dứt khoát kết luận: phim yếu và dở bởi vì kịch bản văn học dở. Mà kịch bản thuộc về ai? Thuộc về các nhà văn thuộc hệ mậu dịch, vì ở Việt Nam chỉ là nhà văn chính thức khi đứng trong đội ngũ mậu dịch, và chỉ có nhà văn mậu dịch mới được viết kịch bản phim. Thế là người ta thấy sự liên thông của mấy thứ: phở mậu dịch, kịch mậu dịch, ti vi mậu dịch, điện ảnh mậu dịch, và nhà văn mậu dịch. Nói chung là tạo ra thứ nước phở mậu dịch chỉ là nước lã rót vào xương bò cũ, nhạt vô tận!
PV: Tại sao lại coi chữ “mậu dịch” là khẩu quyết đi tới nền dân sự?
NHĐ: Chúng ta phải đặt nền móng cho vài vấn đề cơ bản:
1- Có một quan điểm rất xác đáng gần đây rằng: người ta có thể chung tay làm việc gì thuộc chân tay như ba người khênh được hòn đá nặng, nhưng sản phẩm của trí óc như phát minh, sáng chế hay sáng tác một bài ca, nó không thể là sản phẩm cộng tác của hai bộ óc cùng một lúc. Một nụ hôn không thể của tập thể mà là của cá nhân.
2- Nhà nước là cơ quan quyền lực không thể làm kinh tế, vì vậy, người ta cần phải cổ phần hóa nền mới có thể phát triển kinh tế toàn diện được.
3- Một cửa hàng mậu dịch không thể nấu phở ngon, vì nó không có cơ chế để nấu bát phở.
4- Nhà văn là cây bút cá tính độc lập, người sáng tạo riêng rẽ, dù nhà văn có vào cơ quan nhà nước cho oai, thì cái quyền lực đó không thể biến thành tài năng của nhà văn được. Ngược lại trong đời sống kẻ phải quần tụ đi qua sa mạc hay bóng đêm thường là người yếu bóng vía.
5- Nhà nước sinh ra để quản lý, ngoài chức năng này ra, nhà nước làm gì cũng thất bại đơn giản vì anh đã làm sai chức năng chính của mình. Nhà nước dù muốn cũng không thể bán ra một bát phở ngon, bởi chức năng chính của nó là phô quyền lực, một bát phở ngon không cần quyền lực ở trong đó. Một bát phở đã vậy, thì một ca khúc, một bức tranh, một truyện ngắn hay một tiểu thuyết dù nhà nước có đồ sộ bao nhiêu cũng không thể thành công trong việc sáng tác cái không thể của mình.
Một xã hội muốn phát triển thịnh vượng theo các triết gia, dặc biệt là Aristote, là mọi người phải được phát huy hết mọi khả năng của tư duy cũng như sở trường của mình, muốn thế người ta phải xây dựng xã hội dân sự để trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Một xã hội chỉ yêu quyền lực, tức là chỉ yêu trò xếp ghế, ghế này chồng lên ghế kia, xã hội sẽ nghèo nàn, sơ cứng, và lạc hậu, vì chân móng của nơi xếp ghế quá hẹp không thể xếp lên cao. Thêm nữa xã hội đó sẽ gặp phải cạnh tranh sinh tồn gay gắt bởi vì, trong thiên nhiên khi cá ăn ở nhiều tầng thì mới đủ thức ăn, trái lại cá chỉ đòi ăn ở tầng “có ghế” sẽ tạo ra sự ăn thua chí tử.
Chỉ khi xã hội có khả năng trưởng thành, người công dân có pháp quyền bảo đảm, người ta không phải chen chân vào biên chế của hệ thống công quyền nữa, khi đó mới có được nền tảng dân sự cho mọi người, được tự do phát huy sở trường , tư duy và chính kiến của mình. Lúc đó xã hội có rất nhiều cạnh tranh, nhưng cạnh tranh để phát triển và tiến bộ chứ không phải cạnh tranh gay gắt một mất một còn để sống còn.
Khi người ta được phát triển hết cỡ, sẽ giầu có, sẽ vinh quang, và người ta không phải bấu víu vào sân rồng của nhà nước để vòi vĩnh nữa. Chính thế mà từ “mậu dịch” khi được nhắc đến như một khẩu quyết sẽ giúp người ta khao khát xây dựng xã hội dân sự, lúc dó dường như người ta được nói thẳng với các cán bọ viết văn làm thơ rằng: anh sáng tác ư? Thơ văn của anh hay hoặc là do được nhà nước cấp thẻ ưu tiên, như thể bán nước lã đun sôi được bao cấp điện và than vô tận, rồi thu tiền thật? Hoặc là tài năng của anh cũng chỉ là “phở mậu dịch” mà thôi. Cái này không phải tôi nói xấu anh đâu nhé, mà do nhiều hội nghị người ta đã tìm ra và chính thức tuyên bố “điện ảnh yếu là vì chỉ có mậu dịch được làm điện ảnh, và nó yếu là bởi kịch bản do các nhà văn mậu dịch viết như phở bán qua đường tem phiếu phát tích kê”.
PV: Không ngờ chữ mậu dịch lại có ý nghĩa sâu xa đến thế, nó mang cả ý nghĩa tiền phong của thời đại?
NHĐ: Thực ra nói chính xác, chữ mậu dịch đó phải bao hàm “giải thể mậu dịch”.
PV: Đúng thế! Khi nó được nhắc đến tức là nó được chú mục. Và chỉ khi chú mục, người ta mới có thể giải quyết vấn nạn về nó. Có đúng không anh?
NHĐ: Anh đã trả lời rồi còn hỏi tôi làm gì?
PV: Không! Đó là câu tôi bật ra từ những phân tích rất kỹ lưỡng của anh. Xin cám ơn anh!
NHĐ: Xin chào!
Hữu Lý thực hiện 14/12/2012
Hữu Lý gửi cho NTTblog
Tôi không phải nhà văn, nhà báo, nhà làm chính trị, nên có thể tôi hiểu sai lời bàn luận của các anh nhưng tôi nghỉ các anh nên thận trọng trong việc dùng từ Mậu Dịch(MD) để làm tiêu đề hay tên hiệu cho những phong trào đấu tranh chính đáng. Từ MD đả để lại trong lòng dân Việt những ấn tượng xấu, việc làm xấu. Hầu hết người Việt Nam, dỉ nhiên kể cả tôi, đều hiểu từ MD là hàm chứa nghĩa dã dối, thấp-kém, lưa-bịp, thiếu chất lượng, dổm...Có một thời, từ MD đã được dùng để mỉa mai những hành vi hàm chứa những hành vi xấu trên. Đây là một vài điển hình về Mậu Dịch(theo tôi hiểu):
Trả lờiXóaHàng Mậu Dịch là hàng Mần Dổm,
Nhà nước Mậu Dịch là nhà nước Mị Dân
Chính sách Mậu Dịch là chính sách Mất Dạy
Báo chí Mậu Dịch là báo chí Mù Dốt
Kinh tế Mậu Dịch là kinh tế Mải Dân
Công an Mậu Dịch là công an Mánh Dối
Xã hội Mậu Dịch là xã hội chủ nghĩa
Đảng Mậu Dịch là đảng cọng sản - nó đẻ ra và quản lý hết các thứ Mậu Dịch trên!