Vũ Quốc Ngữ
Tôi không định viết bài định nghĩa thế nào là phản động, vì về hai khái niệm này, Luật sư Nguyễn Văn Đài có một bài viết theo tôi nghĩ là rất đầy đủ. Ai còn mơ hồ hay chưa rõ về hai khái niệm này, có thể tìm đọc bài viết “Phản động là gì?” của Ls Đài được đăng trên BBC.
Tôi nhắc lại hai khái niệm này bởi vì hôm nay một người quen cũ gọi tôi là phản động. Người này hiện nay là cán bộ kiêm giảng viên trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Giai đoạn 2004-2006 chúng tôi quen nhau vì cùng học ở Đại học Wageningen (Hà Lan), khi ấy tôi học chương trình master, và anh này học tiến sĩ.
Nguyên do hôm nay đọc tin về việc hai tàu cá của Việt Nam bị Hải quân Trung Quốc đuổi khi tìm cách trú ẩn ở quần đảo Hoang Sa vốn là của Việt Nam. Tôi rất bất bình khi thấy bài báo của Bộ Thông tin và Truyền thong lại nói hai tàu của ta đã “xin vào đảo Bom Bay (trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) lánh nạn và sửa chữa hư hỏng”. (link: http://www.baomoi.com/Home/ThoiSu/infonet.vn/Hai-quan-Trung-Quoc-chan-tau-ca-Viet-Nam-bi-nan-vao-Hoang-Sa-tranh-bao/10141718.epi).
Tôi kêu lên rằng với cách viết như thế này thì Bộ TT&TT đã thừa nhận Hoàng Sa là của Trung cộng, vì nếu đúng như nhiều lần Nhà nước Việt Nam khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam thì tại sao phải “Xin” bọn chiếm đóng kia chứ ?!
Tôi post lên fb của mình với lời bình luận “Báo chí Việt Nam đã công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc, vì hai tàu của Việt Nam “xin vào đảo BomBay” tránh bão”.
Cùng một lời ta thán: “Hoàng Sa của Việt Nam, sao phải xin giặc để vào hả Lú, 3D ơi!”
Và anh bạn kia ngay lập tức trả lời, xin chép lại nguyên văn để mọi người tự đánh giá.
“dkm, khéo phải remove bố này ra khỏi friendlist thôi, phản động quá”
Tôi phản hồi, đề nghị anh này định nghĩa rõ thế nào là phản động, và có nói thêm là với học vị là tiến sỹ được đào tạo bài bản ở trời Tây nên có suy nghĩ độc lập, đừng a dua theo mấy giáo sư tiến sỹ giỏm ở Việt Nam.
Thế nhưng anh này từ chối tranh luận.
Có lẽ anh bạn này vừa tham dự bài giảng của Đại tá Trần Đăng Thanh cho hiệu trưởng và cán bộ các trường đại học cuối năm vừa qua.
Xin kể một câu chuyện khác, cũng liên quan đến anh ta.
Số là ở trường WageningenUniversity, hàng năm vào dịp đầu mùa hè, trường có tổ chức một ngày hội văn hóa cho sinh viên các nước. Nhóm sinh viên của mỗi một nước được xây dựng một quầy hàng trưng bày những phẩm vật văn hóa tiêu biểu của dân tộc mình để cho dân Hà lan hay sinh viên các nước khác thăm quan.
Nhóm sinh viên Việt Nam chúng tôi cũng có một gian hàng với nhiều sản phẩm văn hóa của đất nước mà mỗi người mang theo hoặc mượn của mấy gia đình Việt kiều. Chúng tôi có quyên góp tiền để làm bánh đa nem để chiêu đãi miễn phí cho du khách. Món ăn này rất được ưa chuộng ở Hà Lan, được dân bản xứ gọi là lumpia. Vì món ăn này mà quầy Việt Nam có nhiều khách đến thăm, dù nghèo nàn về các phẩm vật khác. Lần đầu tiên tôi được mặc áo dài như mấy liền anh ở xứ Kinh Bắc.
Chuyện liên quan đến anh chàng kia thì không liên quan đến gian hàng, mà lại liên quan đến cuộc tranh đấu giữa sinh viên Trung quốc và sinh viên Đài loan. Chả là sinh viên Đài loan muốn có một gian hàng cho riêng quốc gia mình trong khi sinh viên Trung quốc lại phản đối, vì theo chúng, Đài loan là một phần của Trung cộng. Sinh viên Đài loan yếu thế hơn vì số lượng sinh viên đến từ đại lục lại nhiều gấp bội.
Mấy người sinh viên Đài loan muốn tranh thủ sự ủng hộ của sinh viên quốc tế nên họ xin chữ ký của sinh viên các nước khác. Khi họ có đến tìm sự ủng hộ của chúng tôi, anh bạn kia, tôi cũng chẳng biết Đại Sứ quán Việt Nam ở Halan có giao cho anh ta trọng trách lãnh đạo gì không, trả lời luôn là sinh viên Việt Nam quán triệt chỉ đạo của Nhà nước về “một Trung quốc” và không ủng hộ ý nguyện của sinh viên Đài loan.
Hồi ấy tôi đã nghĩ là Trung quốc luôn là mối đe dọa cho Việt Nam, thì một Trung quốc chia rẽ sẽ an toàn hơn cho Việt Nam. Tuy không nói ra nhưng trong lòng mình, tôi ủng hộ các bạn sinh viên Đài loan (thực ra về vấn đề này không được bàn bạc giữa các sinh viên Việt Nam, và do vậy, tôi cũng không có điều kiện được trình bày suy nghĩ của mình).
Theo tôi, Việt Nam nên ngầm ủng hộ Đài Loan, vừa giúp họ lại có lợi cho mình. Theo suy nghĩ của tôi, việc Việt Nam tuyên bố ủng hộ “một Trung quốc” là một việc ngu dốt của lãnh đạo Việt Nam và ngành ngoại giao. Về việc này, chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể mặc cả với Trung cộng chứ không thể cứ ủng hộ Bắc Kinh một cách hoàn toàn tự nguyện như họ đã làm.
Suy nghĩ của anh cán bộ giảng viên kia chắc không phải là quá cá biệt trong số những người được đào tạo bài bản theo Tây học mà tôi biết. Không ai trong số hơn 30 người cùng học tiếng Bulgaria với tôi ở Trường Đại học Thanh Xuân rồi cùng sang Bulgaria học đại học có vẻ quan tâm đến tình hình đất nước hiện nay. Chỉ một vài người trong số những người cùng học ở TrườngWageningenUniversity ngầm ủng hộ tôi khi tôi tham gia biểu tình chống Trung quốc. Tuyệt nhiên không thấy một ai tham gia xuống đường chống Tàu khựa xâm lược biển đảo của Việt Nam.
Thật buồn cho trí thức Việt Nam, phải không các bạn?!
Hà Nội ngày 08 tháng 01 năm 2013
Tác giả gửi cho NTT blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét