Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Từ Mùa xuân Praha 1968 đến Cách mạng Nhung năm 1989

Huỳnh Văn Úc

Mùa xuân Praha 1968

Mùa xuân Praha 1968 bắt đầu cách nay đã 45 năm khi nhà cải cách người Slovak của Tiệp Khắc-ông Dubcek lên nắm quyền lực trong Đảng Cộng sản Tiệp Khắc ngày 5/1/1968 và kéo dài đến ngày 21/8/1968 khi quân đội Liên Xô và các nước thành viên Hiệp ước Warsawa tấn công Tiệp Khắc để ngăn cản cuộc cải cách. Những nỗ lực của ông Dubcek nhằm trao thêm quyền cho công dân, dân chủ hóa đất nước, nới lỏng các hạn chế với giới truyền thông, bãi bỏ các hạn chế tự do ngôn luận. Ông Dubcek cũng ủng hộ việc chia Tiệp Khắc thành hai nhà nước độc lập là Séc và Slovakia cùng tồn tại trong một liên bang.

Đêm 20 rạng ngày 21/8/1968 hai mươi vạn quân và hai nghìn xe tăng của quân đội các nước thuộc Hiệp ước Warsawa gồm Liên Xô, Bulgari, Ba Lan và Hungary vượt biên giới tiến vào Tiệp Khắc. Cuộc hành quân nhanh chóng kết thúc và tới sáng ngày 21/8/1968 Tiệp Khắc đã bị chiếm đóng hoàn toàn. Cuộc xâm lược đã gây ra một làn sóng di cư của dân chúng với con số ước tính lên đến ba chục vạn người. Dubcek mất quyền lực. Người thay thế ông là Gustav Husak đã xóa bỏ hầu hết các biện pháp cải cách. Mùa xuân Praha 1968 tuy thất bại nhưng đã trở thành bất tử trong âm nhạc và văn học với những tác phẩm để đời của Karel Kryl và Milan Kundera.

Cách mạng Nhung năm 1989

Cách mạng Nhung năm 1989 là cuộc cách mạng bất bạo động diễn ra ở Tiệp Khắc từ ngày 16/11/1989 đến ngày 29/12/1989 dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội tại nước này. Sự kiện này đã châm ngòi cho một chuỗi sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở một loạt nước Đông Âu trong năm 1989. Opletal là một thanh niên anh hùng của Tiệp Khắc. Anh bị phát xít Đức bắn chết năm 1939. Đoàn Thanh niên Cộng sản Tiệp Khắc được phép tổ chức một cuộc biểu tình và diễu hành để kỷ niệm 50 năm ngày mất của người anh hùng. Hơn năm mươi nghìn người đã tham gia biểu tình. Đoàn diễu hành tiến về Nghĩa trang Quốc gia Vysehrad. Những khẩu hiệu được hô to nhiều lần trong cuộc biểu tình là “Hãy nhớ Mùa xuân 1968”; “Perestroika (cải tổ) ngay lập tức!”. Công an án binh bất động. Khi đến Nghĩa trang có ba nghìn người ở lại. Sáu giờ rưỡi chiều một người trong số họ hô to: “Tiến về Quảng trường Wenceslas!”. Đoàn người hưởng ứng và quay lại trung tâm thủ đô Praha, ở đó họ đối đầu với cảnh sát vũ trang chống bạo động đầu đội mũ sắt tay mang khiên bằng nhựa cứng. Sinh viên đồng loạt ngồi xuống. Họ hát quốc ca và những bài hát cổ vũ lòng yêu nước. Một đơn vị chống bạo động khác được điều đến di chuyển ra phía sau đoàn biểu tình. Đoàn biểu tình bị kẹt ở giữa hai đơn vị cảnh sát. Đến 9 giờ tối một chiếc xe thùng của cảnh sát cố tình húc vào đám đông. Cảnh sát dùng gậy đánh tới tấp vào đoàn người hoảng loạn. Máu chảy, xương gẫy. 561 người bị thương. 120 người bị hốt lên các xe thùng. Dư luận giận dữ nổ ra trên toàn Tiệp Khắc phản đối cuộc đàn áp. Hai ngày sau, ngày 19/11/1989 nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình trên khắp đất nước. Những cuộc biểu tình nối tiếp nhau cho đến tận tháng 12/1989. Đặc biệt vào ngày 20/11/1989 cuộc biểu tình ở thủ đô Praha từ con số hai chục vạn người tham gia ban đầu đã nhanh chóng tăng lên đến nửa triệu người. Ngày 27/11/1989 nổ ra cuộc đình công đồng loạt trên toàn quốc. Ngày 28/11/1989 Đảng Cộng sản Tiệp Khắc tuyên bố từ bỏ quyền lực và giải thể chế độ một đảng duy nhất nắm quyền. Ngày 10/12/1989 Tổng thống Gustav Husak đã chỉ định một chính phủ không cộng sản và tuyên bố từ chức. Ông Dubcek-người từng lãnh dạo Mùa xuân Praha 1968 được cử làm phát ngôn viên của Chính phủ Liên bang. Ngày 28/12/1989 ông Vaclav Havel được bầu làm Tổng thống mới trong một cuộc bầu cử dân chủ.

Từ Mùa xuân Praha 1968 đến Cách mạng Nhung năm 1989-một khoảng thời gian 21 năm. Hai mươi mốt năm, những sinh viên sinh năm 1968 đã xuống đường châm ngòi cho sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Tiệp Khắc và sau đó là sự sụp đổ của Đông Âu.


Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét