Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

MẦU TỰ DO CỦA ĐẤT HAY TỰ DO QUÊ MỘT CỤC ?

(Bàn về tập thơ của Trần Quang Quí được giải HNV 2012 )

Nguyễn Hoàng Đức


Một tập thơ được giải của Hội Nhà văn, hội trung ương cao cấp nhất của hệ quốc doanh, có dấu ấn chứng chỉ đàng hoàng, phải nói là một vinh dự tem phiếu rất đáng tự hào, và người nào phải rất tốt phước mới có! Sân rồng vua chúa mậu dịch bao cấp đâu có thể là nơi dễ dàng cho ai muốn vào thì vào! Càng không thể cho ai không có đủ khả năng nhân thân hay bè nhóm như một phương ngôn “cả đời phấn đấu không bằng cơ cấu một giờ”, trong tình hình mua quan bán chức leo từ phường xã lên trung ương, không dễ gì cho kẻ nào không mang ba chữ “ệ” – như “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” ( liếc mắt nhìn thấy ngay một Nguyễn Thị kia là hậu duệ giật giải thì hiểu liền) có thể ẵm giải! Vậy thì hân hạnh lắm cho nhà thơ Trần Quang Quí người mới lĩnh giải 2004 của HNV lại lĩnh giải tiếp trong năm 2012 này.

Người Việt nói “buôn có bạn, bán có phường”, thôi thì sẵn người cùng hội cùng thuyền tem phiếu với nhau, ở Việt Nam ta vẫn có lệ “phép vua thua lệ làng”, công lý hay giá trị ở đâu không biết, ở đây cùng hội chúng tôi cứ gắp cho nhau đã, còn thì thế giới tiến bộ hay suy thoái mặc kệ, vì “sau lưng ta là nạn hồng thủy”, dù vật đổi sao dời mặc lòng, chúng tôi đã lãi một vài xuất danh lợi rồi!

Hội Nhà văn với số đông được nhà văn Nguyễn Huy thiệp coi là nhà văn ngu dốt, nhà thơ thì là đám giặc già thơ phú lăng nhăng, hầu hết số đông là trình độ văn nghệ quần chúng với vài vần thơ ngâm nga không hề có trình độ của ngữ pháp hay là biểu tượng. Nhưng sau khi kiếm được tí giải tí ghế, người ta lại chặn cửa soát vé tự coi mình là giá trị của mỹ học, mặc dù đó chỉ là thứ mỹ học vài lạng của tem phiếu. Đó chính là lý do hôm nay tôi dù không muốn cũng phải gắng làm một việc cực chẳng đã phê bình tập thơ “Mầu tự do của đất” của nhà thơ Trần Quang Quí. Tại sao? Bởi vì với nền văn học tép riu quá lâu của Việt Nam, nếu chúng ta không đặt vị đúng chỗ, sẽ làm cho người ta ảo tưởng về tài năng của mình! Rồi tự tâng mình lên! Cho mình cái quyền dẫm đạp lên người khác có thể cao hơn họ gấp cả trăm lần. Để không rơi vào nói xấu cá nhân, hay võ đoán không khách quan, tôi sẽ bàn vào trung tâm cốt lõi của mỹ học, là thứ thước đo nền văn học Việt dường như chưa bao giờ có, mà họ chỉ bàn về văn học theo kiểu “tôi thấy thích, tôi thấy hay, tôi thấy thương thương, tôi thấy êm tai…” nghĩa là toàn những thước đo cảm tính, để rồi ngay cả khi đã được giải người ta vẫn không dám tự tin vào giá trị mình đạt được, mà vẫn tiếp tục mót giải.

Sao là có mầu tự do của đất? Trong các yếu tố sinh thành vũ trụ: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, thì Thổ là vật chất ứ đọng, ù lỳ, bất động nhất. Người Việt còn có câu “quê một cục” – cục ở đây là cục đất. Người Việt còn nói “Hiền như cục đất”, có nghĩa là một người hiền đến mức gần như đần độn. Văn hào Lỗ Tấn đã miêu tả, với người Trung Quốc thì hiền không làm gì chỉ là thứ rẻ rách, vô tích sự! Nhà thơ Việt Phương đã viết một câu thơ:

Tất cả những kẻ yếu mềm chỉ là đồ rẻ rách

Rắn còn nằm cuộn khúc giữa lòng ta

Trong năm vật, thì: Kim là kim loại có sức mạnh tạc đẽo đồ vật, và nền văn minh như đồ đá, đồ đồng, đồ sắt được gọi theo trình độ cứng của vật chất hay cụ thể hơn là kim loại. Mộc là sự sống có thể mọc mầm sinh sôi nảy nở ra hoa kết trái. Thủy là nguồn gốc của sự sống biết luân chuyển từ nguồn leo lên từng búp lá, khi tìm kiếm sự sống trên sao hỏa hay các hành tinh khác, cái đầu tiên người ta muốn thấy là dấu hiệu của nước. Hỏa là sự phá hủy mang tính kiến tạo như chiếc lò rèn chẳng hạn.

Còn Đất là thứ ù lỳ bất động nhất. Nói mầu tự do của đất là chẳng hề có một chút sinh khí nào. Đó cũng là thứ tự do lười biếng, lẩn trốn, vô tích sự. Thứ tự do leo lên giường ngủ như một kẻ biếng nhác đần độn. Bởi lẽ với một người có sinh lực mạnh mẽ, lên giường chính là thời gian phải vật lộn với khao khát, rồi mơ mộng, rồi sám hối lương tâm bằng ác mộng. Chỉ có kẻ mang thần kinh gần bằng số không mới có thể ngủ hiền như đất.

Văn chương nghệ thuật là Biểu tượng! Đó là điều tiên quyết. Vậy Đất chưa bao giờ biểu tượng cho Tự Do cả. Đất biểu tượng cho cái gì? Đất ở thấp nhất, luôn luôn bị người ta dẫm lên, trà đạp lên, cày xới lên, dập vùi lên… nhưng đất vẫn vượt qua và nảy mầm cho sự sống. Vậy Đất là biểu tượng của chịu đựng, của bao dung, của hàn gắn, của tái sinh. Đất không bao giờ biểu tượng cho Tự do!

Có nhà thơ cho rằng: những đứa trẻ vui chơi, thật đẹp, thật tự do! Đó là cách lẩn trốn! Tự do không bao giờ có sẵn! Tự do đòi trả giá! Không được nhầm lẫn giữa Tự nhiên (natural) và Tự do (Liberty). Một đứa trẻ đang chơi giữa nhà bỗng đần mặt ra làm luôn một bãi đại tiện, đó không phải là tự do mà là thiếu ý thức. Tự do bao giờ cũng đòi hỏi có ý thức và hy sinh!

Tự do phải được biểu hiện trong quyền của nó, quyền đầu tiên là được nói, được đưa ra chính kiến của mình, đó cũng là tự do ngôn luận được biểu hiện trên báo chí và sách vở. Vậy tự do như mầu của đất là gì? Là cấm khẩu vô tích sự. Người Việt xưa có câu “Hòn đất mà biết nói năng/ thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”. Đó ngay cả khi dân tộc Việt mù chữ 99%, người ta đã hiểu không thể có thứ hòn đất phát ngôn!

Thôi bàn nhiều quá có thể sinh võ đoán. Cây nào quả nấy, chúng ta thử xem tâm hồn “một cục đất” của Trần Quang Quí ra quả tự do thế nào? Tôi xin trích nguyên si bài:

.

Có những điều giản dị

Tặng G & P

.

Được sống thật không dễ

nói thật dễ gì hơn?

Tôi lột vỏ ngôn ngữ

cùng đồng bào từ vựng của tôi tự do ùa xuống mặt đường

những bước chân ánh sáng

có con đường mở cả chân trời

có con đường chỉ quanh quẩn chân người

Phóng túng gì bằng được giải phóng lời khỏi những mật ngữ

hứng khởi gì bằng bóc vỏ tự do

nghe trái tim cuộn chảy dòng máu nhân sinh

nghe sự thật bong ra khỏi vai diễn

nghe cội rễ tự nhổ khỏi đất cằn những ngày nhạt

Ban mai

ba thằng bạn huyên thuyên cà phê sáng

quên bình minh biển lên cởi ngực Hải Phòng.

Đấy mời mọi người xem, cái hy sinh và trăn trở tự do của TQQ cuối cùng chỉ là “ba thằng bạn huyên thuyên cà phê sáng”, chẳng lẽ trong tự do đó có tinh thần của cách mạng Pháp, cách mạng Nga, cách mạng giải phóng nô lệ, hay cách mạng giải phóng phụ nữ. Chúng ta hãy thử nhớ cái giá phải trả cho tự do: ngay đêm khánh tiết chào mừng cho sự nghiệp giải phóng tự do, tổng thông Lincoln của Mỹ bị bắn ngay nơi diễn đài, để có được tự do bình đẳng với đàn ông, những người phụ nữ đầu tiên của Vương Quốc Anh đã tự cột mình bên hàng rào Nghị viện đòi được lưu tâm đến kiến nghị của mình… Vậy mấy anh nhà thơ mậu dịch ngồi uống cà phê sáng đòi mong ước thứ tự do nào? Đó có phải tự do của đất? Hay tự do nấp vào trong đất? Hay tự do của trái tim bằng đất dù bị người ta dẫm đạp lên vẫn hát bài ca im lặng? Hoặc là thứ tự do của đất đai không bao giờ dám bước qua lửa để trở thành đồ gốm nhưng sẵn sàng bước trên tem phiếu ưu tiên để giật giải vàng?...

Trời ơi cái văn thơ mậu dịch sao mà yếu kém lè tè vậy, hết đại ca làm trường ca chân đất lại đến tiểu đệ làm mầu tự do của đất. Nếu đất biết nói năng đất sẽ nói gì? Có phải đất sẽ nói: mấy ông tiểu nông ơi, chưa tường chữ nghĩa, chưa biết biểu tượng đừng có ti toe làm thơ rồi đòi giật giải cho nó khổ ra. Văn học quần chúng công-nông-binh là để vui vẻ “hát hay không bằng hay hát” chứ làm sao mang nổi giấc mộng văn hào. Có phải chính thế mà thủ lĩnh của chúng ta đành phải thú nhận: chúng ta vẫn chỉ là tép riu?!


NHĐ 26/02/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

1 nhận xét:

  1. thằng điên Đức cống, vô văn hóa, khuyết tật nhân cách!

    Trả lờiXóa