Chúng tôi về thăm lại đất Xuân Quan kiên cường vào một ngày đầu xuân Quý Tỵ. Mồng Năm, tiết xuân thật đẹp. Trời tạnh ráo không mưa rét và cũng không nóng, đủ để uống chén rượu xuân ngây ngất thi vị và ấp áp tình người.
Ngày xuân, đi thăm thú các nơi không đâu bằng về vùng thôn quê. Dù nông thôn đang trên đà đô thị hóa nhưng vẫn còn lại con đường ngõ xóm quanh co, còn hàng cau, bụi chuối, bờ tre và đặc biệt vẫn còn những con người nhà quê chân chất, sống chết với đồng ruộng chứ không chịu quen với cuộc sống đô thị.
Cảm giác đầu tiên khi về lại Xuân Quan vào những ngày xuân là hoa. Chao ôi là hoa, vườn hoa, sân hoa, lối đi cũng hoa. Thú vị nhất là ngắm hoa vườn. Những cây đào đỏ chẳng cần uốn tỉa, chẳng cần hạn chế chiều cao, chiều ngang, những luống hoa đủ màu sắc làm cho hồn người ngây ngất. Cảm nhận cái đẹp khi ngắm hoa vườn khác hẳn với ngắm hoa trong chậu, trong lục bình, cũng như ngắm cá trong ao, ngắm chim trời khác hẳn với cá trong bể, chim trong lồng.
Người chán thành thị muốn về vùng quê để hít thở không khí nhà quê, cảnh quê. Bây giờ ở làng quê, hiếm còn con đường đất nào. Đường làng đã được bê tông hóa. Có lẽ chẳng ai tiếc con đường đất, nhất là nghĩ đến nó mỗi khi trời mưa nhưng dẫu sao nếu có nó cũng dễ làm cho tâm hồn ta xao động. Nguyễn Bính ca ngợi vẻ đẹp nhà quê cũng bằng câu "Lối đỏ như son tới xóm Dừa", chứ ít ai đưa con đường bê tông vào thơ, mà nếu cố đưa vào, khó làm cho nó hay được.
Nói đến đất Văn Giang, công luận trong và ngoài nước đều biết tới cuộc đấu tranh kiên cường của bà con ba xã: Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao quyết tâm giữ đất. Họ đấu tranh bền bỉ, bằng pháp lý, bằng sự đoàn kết, đối mặt trực diện. Và trong cuộc đấu tranh giữ đất, máu họ đã đổ. Sáu người bị đánh trong buổi chiều ngày 12/7/2012, trong đó có 3 người bị thương rất nặng phải đi bệnh viện cấp cứu. Không thể né tránh, người ta đã phải đưa kẻ đánh người ra tòa, đã tuyên án nhưng người bị hại vẫn còn tiếp tục kháng án, vì kẻ chủ mưu vẫn không được nhắc tới. Không ai có thể tin được lũ côn đồ này chỉ vì bức xúc bột phát mà mang gậy gộc vào đánh những người không quen biết, không có thù oán một cách rất dã man, lại nhằm vào toàn những người tích cực đi khiếu kiện nhất.
Chúng tôi đã gặp những người đầu đơn, đồng thời là những nạn nhân bị đánh và đã đổ máu. Có thể nói họ là linh hồn của cuộc đấu tranh giữ đất của bà con nơi đây. Họ nói chuyện mạch lạc, nắm rất vững pháp luật, từng trải, phong trần nhưng cũng rất chân tình, mến khách.
Chúng tôi đi thăm một số gia đình. Nhà nào cũng chật những hoa và cây cảnh. Bà con cho biết, hoa chen chúc nơi sân ngõ như thế, trong khi hàng trăm héc ta bị cày xới ủi phá rồi bỏ hoang không làm gì được.
Người hướng dẫn chỉ cho chúng tôi xem địa điểm bọn côn đồ xông vào đánh người đầu tiên. Ông tả tỉ mỉ, chúng vào từ hướng nào, đánh tại vị trí nào và đuổi theo tiếp tục tìm đánh người theo hướng nào.
Có một địa điểm mà không thể bỏ qua, đó là khu vực nhà văn hóa - nghĩa trang. Nơi đây là địa điểm công an đánh hai nhà báo của VOV gây thương tích nặng phải nhập viện trong cuộc cưỡng chế khổng lồ ngày 24/4/2012 với hàng ngàn cảnh sát. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến ngôi nhà tầng gần đấy, nơi tác nghiệp của những phóng viên lề dân. Chính từ ngôi nhà này, họ đã quay được những thước phim gây chấn động công luận, và nhờ thế, vụ đánh hai nhà báo bị phanh phui. Chỉ tiếc rằng hôm nay, những phóng viên ảnh thông minh, mưu trí, dũng cảm ấy không có mặt đầy đủ.
Ra cánh đồng, cảnh xưa còn đây. Những ụ đất bị cày xới, mồ mả ngổn ngang. Có khác chăng là thêm cỏ dại mọc lan ra theo thời gian. Có nấm mồ dân chủ động chạy trước nhưng cũng có những nấm mồ bị máy xúc múc bật tung. Bà con chỉ cho chúng tôi con mương, ranh giới vùng đất mà bà con đang giành lại. Bên này hay bên kia con mương đều có đất của những gia đình đã nhận đền bù và đất của những gia đình không chịu nhận tiền đền bù, tức là đang ở thế da báo. Họ cũng cho chúng tôi biết hướng giải quyết tình trạng này, vấn đề là ban quản lý dự án có chịu ngồi lại với bà con nông dân hay không và chính quyền có chấp nhận hay không.
Buổi trưa, bà con tiếp chúng tôi bằng những mâm cỗ ngày Tết. Lúc này, thêm nhiều người kéo đến ngồi chật hai gian nhà. Chúng tôi nâng chén rượu xuân, chúc cho lòng dũng cảm, kiên cường của bà con nông dân, chúc cho tình thân, cho sự đoàn kết, chúc cho thắng lợi của chính nghĩa.
Câu chuyện càng mặn nồng bao nhiêu thì chia tay càng bịn rịn bấy nhiêu. Xuân trên đồng đất làng quê Xuân Quan ngấm vào cảm xúc của chúng tôi. Bao giờ có dịp trở lại Xuân Quan, mảnh đất kiến cường của những con người nhiệt tình, mến khách? Quay hướng xe về Hà Nội, tôi xao xuyến đọc mấy câu thơ của Nguyễn Bính:
Xuân đã sang rồi em có hay
Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy
Kinh kỳ bụi quá, xuân không đến
Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây?
Vừa xuống xe, mọi người tranh thủ chụp ảnh
Hoa đầy sân và lối đi nhưg hàng trăm ngàn héc ta bỏ hoang
Ngã ba này là vị trí con đồ xông vào đánh người đầu tiên
Hai nhà báo VOV bị đánh tại đây
Ra thăm đồng
Phía ấy có một ngôi nhà cần xếp hạng di tích lịch sử
Thắp nén hương thơm mát dạ người
Hoa Ngọc Lan thường nở vào đầu hạ nhưng ngay bên cạnh cánh đồng bị cày ủi, vào đầu xuân, có cây hoa Ngọc lan nở lan tỏa một mùi hương quyến rũ vô cùng
Trước khi tạm biệt Xuân Quan.
Mồng Năm Tết Quý Tỵ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét