Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

CHỈ CÓ THỂ CHẾ DÂN CHỦ, MỚI BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN ĐƯỢC CÁC GIÁ TRỊ DÂN TỘC

Ls HÀ HUY SƠN


Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:

“Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thông qua một hệ thống bầu cử tự do.”

Các giá trị dân tộc được đề cập đến ở đây là: Quyền chung sống bình đẳng của các dân tộc được lịch sử hình thành trong một không gian quốc gia; văn hóa của dân tộc; quyền con người; lãnh thổ, chủ quyền Quốc gia được hình thành trong lịch sử phù hợp với luật pháp quốc tế.

1- Hiến pháp năm 1992 và “Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992” của Quốc hội không bảo tồn và phát triển được các giá trị dân tộc

Cốt lõi của văn hóa là tư tưởng, mỗi một sắc thái văn hóa đều được hình thành trên cơ sở của một tư tưởng độc lập. Hiến pháp năm 1992 và “Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992” của Quốc hội lại khẳng định “Đảng cộng sản Việt Nam theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Bản chất của chủ nghĩa Mác – Lê Nin là đấu tranh giai cấp, tức là triệt tiêu hoặc đồng hóa giai cấp, nhằm đạt mục tiêu xóa bỏ xã hội giai cấp. Như vậy, việc độc tôn hệ tư tưởng sẽ không cho phép tồn tại đa sắc thái văn hóa, bất luận có bao nhiêu tuyên ngôn, tuyên bố sẽ bảo tồn, duy trì mọi bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Tư tưởng của cá nhân được hình thành trên cơ sở tiếp thu, phản ánh nhận thức xã hội của nhân loại. Tư tưởng của cá nhân - dù là vĩ nhân, cũng mang tính lịch sử, tư tưởng của nhân loại luôn phát triển, nên muốn xây dựng một quốc gia hiện đại thì phải chủ động tiếp nhận tư tưởng tiên tiến của nhân loại chứ không thể trói buộc bởi tư tưởng của một vài cá nhân.

Việc ghi vào hiến pháp Nhà nước chỉ theo một hệ tư tưởng, khác biệt tư tưởng, được coi là ngoài “vòng pháp luật”. Điều này đã phủ nhận quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử của công dân đối với cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp.

Không có tư tưởng độc lập, không giữ được bản sắc văn hóa thì không có “quyền chung sống bình đẳng”.

Lý tưởng của chủ nghĩa Cộng sản là xây dựng một “Nhà nước đại đồng”, không còn biên giới quốc gia, đặt lợi ích giai cấp trên tất cả. Hiến pháp năm 1992 và “Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992” của Quốc hội được thiết kế Đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức có quyền lực cao nhất, trên cả Nhà nước và xã hội. Thiết chế quyền lực không đặt “Pháp luật là thượng tôn”, “Lợi ích Quốc gia” không phải là cao nhất, do vậy không lấy gì bảo đảm “lãnh thổ, chủ quyền Quốc gia” được bảo vệ như thực tế lịch sử đã chứng minh.

Một nguyên lý là, chủ thể nào nắm quyền lực thì lợi ích thuộc về chủ thể đó; không ai dùng quyền lực của mình để bảo vệ lợi ích cho người khác. Nhân dân không làm chủ Nhà nước, thì “nhân quyền” không thể có.

Như vậy, chỉ có thể chế dân chủ - khi mà quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, là chủ nhân của đất nước, “Pháp luật được thượng tôn” - thì các giá trị của dân tộc mới được bảo tồn và phát triển.

2- “Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992” của Quốc hội, không làm thay đổi vị thế của công dân so với hiến pháp năm 1992

Nếu sửa đổi hiến pháp mà không công nhận quyền tư hữu đất đai, không thừa nhận tự do về tư tưởng, tức là vẫn áp đặt độc tôn tư tưởng lãnh đạo Nhà nước và xã hội… và không trả lại quyền lực Nhà nước cho nhân dân mà chỉ nhằm sắp xếp lại cơ cấu quyền lực của các bộ phận trong bộ máy Nhà nước thì nhân dân không thể có lý gì mà tham gia góp ý sửa đổi hiến pháp. Hay nói cách khác, sửa đổi hiến pháp không làm thay đổi địa vị chính trị của nhân dân trong xã hội, việc tham gia của nhân dân chỉ là người “ngoài cuộc”.

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng hiến pháp năm 1992 có lợi cho tiến bộ dân chủ hơn là “Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992” của Quốc hội. Tuy hiến pháp năm 1992 và “Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992” của Quốc hội không thay đổi địa vị chính trị của nhân dân, nhưng hiến pháp năm 1992 tập trung quyền lực Nhà nước vào một cơ quan hơn. Vì quy luật khi tập trung, độc đoán đạt đến đỉnh điểm thì bước đi tới sẽ là dân chủ vì khi đó mọi mẫu thuẫn của xã hội không thể giải quyết được nữa. Thời gian vừa qua đã chứng minh sự tập trung của Nhà nước càng cao càng thì càng dẫn đến mẫu thuẫn xã hội và phong trào dân chủ càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Hà Nội, ngày 18/03/2013

HHS

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét