Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

HỆ THỐNG TÒA ÁN Ở CZECH

Về lý thuyết thì hệ thống tòa án ở các nước trên thế giới gần giống nhau và gồm có Tòa án sơ thẩm, Tòa án phúc thẩm, Tòa án thượng thẩm và Tòa án tối cao. Tuy vậy giữa các nước dân chủ và các nước độc tài thì bản chất của hệ thống tòa án này hoàn toàn khác biệt. Ở các nước dân chủ, mặc dù tòa án chịu sự quản lý của Bộ Tư Pháp về mặt hành chính nhưng chánh án là do Tổng Thống bổ nhiệm và Tòa án là một cơ quan độc lập, làm việc theo pháp luật. Giống như quân đội, cảnh sát thì tòa án hoàn toàn không phải là công cụ sở hữu của Nhà Nước.

Sau khi được Tổng thống bổ nhiệm thì tất cả các chánh án phải đọc lời tuyên thệ “ Bằng danh dự và lương tâm của mình, tôi xin hứa sẽ tuân thủ luật pháp của nước Cộng Hòa Czech. Tôi sẽ đảm bảo làm việc tốt nhất theo đúng tri thức và lương tâm của mình. Trong công việc tôi sẽ quyết định một cách độc lập, khách quan và công bằng.” Việc phân bổ vị trí làm việc do Bộ trưởng Bộ Tư Pháp chịu trách nhiệm.

Đại đa số các phiên xử án ở Czech (hơn 90%) là công khai và tại các phiên xử đó, bất kỳ ai, cho dù không có liên quan đến vụ án cũng có thể đến dự nếu không gian của phòng xử án cho phép. Ngoài các đương sự và nhân chứng là những người bắt buộc phải có mặt còn những người khác, như tôi đã viết ở phần trên, đến dự hay không là quyền của họ mà không hề gặp bất kỳ ngăn cản nào. Đồng thời họ có thể ghi âm, chụp ảnh phiên xử án sau khi được sự đồng ý của chánh án. Khác với ở Việt Nam thì Bộ Tư Pháp có lực lượng cảnh vệ riêng. Lực lượng này thực hiện chức năng của mình tại các trại giam, Tòa án hoặc Viện công tố. Trong phiên xử không có cảnh phạm nhân bị cùm tay, chân và bao giờ ngồi kèm phạm nhân chỉ có một cảnh vệ chứ không có cảnh cả một đống công an ngồi xanh rợp phiên tòa như các vụ xử án ở Việt Nam mà cụ thể là ở vụ xử án Anh Điếu Cày, Anh Ba Sài Gòn, Tạ Thị Phong Tần vừa rồi.

Cảnh sát điều tra, ủy viên công tố và chánh làm việc hoàn toàn độc lập với nhau. Cảnh sát có trách nhiệm điều tra, thu thập chứng cớ. Viện Công Tố lo khoản luận tội còn Tòa án xác minh tội trạng và ra bản tuyên án. Chính vì độc lập với nhau nên không ít trường hợp chánh án tuyên bố trắng án với lý do không đủ tang chứng mặc dù bên cảnh sát điều tra và ủy viên công tố đã cố gắng đưa ra những bằng chứng về hành vi tội phạm của phạm nhân.

Trong phiên xử thì phạm nhân có quyền có luật sư bào chữa cho mình, trừ trường hợp phạm nhân (hoặc nghi phạm) muốn tự bào chữa lấy. Quyền lợi và trách nhiệm của chánh án và các đượng sự hoàn toàn như nhau. Chánh án có trách nhiệm xét xử nghiêm minh, công bằng và các đương sự có quyền sử dụng mọi khả năng mà luật pháp cho phép để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu cần thiết thì chánh án hay các đương sự có quyền đề nghị hoãn phiên xử án để cung cấp thêm bằng chứng mới hoặc nhân chứng mới.

Chánh án không có quyền cấm phạm nhân bảo vệ quyền lợi của mình trừ khi họ có những lời nói xúc phạm đến người khác hoặc trình bầy những vấn đề không có liên quan đến vụ án. Việc dùng vũ lực bịt miệng phạm nhân (hoặc nghi phạm) trong phiên xử như vụ án với linh mục Nguyễn Văn Lý, tạo sự cố cho micro, không cho phép luật sư bào chữa được phát biểu, ngăn cản người nhà phạm nhân dự phiên xử án, ... là những điều hoàn toàn không thể có trong bất kỳ phiên xử nào của một nhà nước dân chủ thật sự.

Với tòa án sơ thẩm thì hội đồng xét xử thường có 3 người gồm chánh án và hai ủy viên không phải là người của tòa án. Với tòa án phúc thẩm, thượng thẩm thì hội đồng xét xử cũng gồm 3 người nhưng tất cả đều là là các chánh án. Nếu không đồng ý với quyết định của tòa án thì ủy viên công tố và các đương sự có quyền kháng án lên tòa án cấp cao hơn, hoặc tòa án phúc thẩm, hoặc tòa án thượng thẩm. Hãn hữu lắm mới có trường hợp đưa ra tòa án tối cao hoặc tòa án quốc tế.

Các phiên xử kín chỉ được thực hiện trong trường hợp nếu vụ án có liên quan đến bí mật quốc gia hoặc cần đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân chứng hay những vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên.

Tòa án ở các nước dân chủ có bản chất hoàn toàn khác với bản chất của tòa án các nước độc tài ở chỗ tòa án không phải là công cụ sở hữu của nhà nước, bảo vệ nhà nước mà chúng chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ công lý. Vì sự khác nhau cơ bản như vậy nên ở các nước dân chủ đã có không ít trường hợp các lãnh đạo nhà nước, chính quyền địa phương , ... phải đứng trước tòa như bị cáo chỉ vì đơn kiện của công dân do có lời nói xúc phạm đến danh dự hay gây ra thiệt hại cho họ. Tất nhiên, không phải cứ là nước dân chủ thì tất cả mọi phiên xử án đều công bằng. Đã có những quyết định của chánh án bị dư luận phản đối kịch liệt. Cái khác cơ bản ở chỗ là tại các nước dân chủ thì những sai phạm đó chỉ là sai phạm cá nhân trong khi ở các nước độc tài thì đó là sai phạm của cả hệ thống, có chỉ đạo nhằm bảo vệ cho những ai có chức, quyền hoặc cao hơn nữa là phải bất chấp pháp luật và bằng mọi giá nhằm bảo vệ, bao che cho cái thể chế đang cầm quyền mặc dù lẽ phải không thuộc về họ.

Czech, 17.3.2013

Phú Hòa

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét