Đọc “Thế kỷ bị mất”, Phạm Ngọc Cảnh Nam, PhươngNamBook&NxbHội Nhà văn 2012.
**
Nguyễn Chí Hoan
Với nhân vật kể chuyện phân thân, vừa hồi tưởng quãng đời của mình trong một “thế kỷ bị mất” bằng ngôi kể thứ ba khuất mặt, vừa xưng “Tôi” trong các trình thuật phục hiện quãng đời ấy , cuốn tiểu thuyết lạ thường này dựng lên trên nền một câu chuyện tình bi thảm, nhưng lại kết cấu và làm nảy sinh nhịp điệu bằng một loạt chân dung những nhà cách mạng của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam hồi đầu thế kỷ XX và tiếng đồng vọng sống động mạnh mẽ của cuộc thức tỉnh tinh thần dân tộc hiện đại qua sự truyền bá tư tưởng dân quyền lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà.
“Tôi vùi đầu vào đọc tân thư, hết cuốn nầy đến cuốn khác. Tôi đi khắp nơi mượn sách về đọc, rồi chuyển cho bạn bè cùng đọc. ... Tôi đọc sách nhiều lúc quên ăn, quên ngủ. Nhiều đêm thức mãi bên cây đèn dầu hỏa, sản phẩm của văn minh Âu Tây vừa mang đến, ... Những câu tân thư, cứ như mưa rào tưới xuống mảnh đất ngàn năm khô hạn. Tôi, và bạn bè tôi – những người đã tiếp thu một nền Hán học giờ đã lỗi thời – bàng hoàng sực tỉnh như vừa tìm lại được những hồn xiêu, phách lạc của mình. ... Chúng tôi khao khát cái mới, khao khát đổi thay. Chưa bao giờ thấy thấm thía thân phận người dân mất nước như lúc này. ... Câu nói (...) của ông Tây Hồ hôm nào ở nhà thầy tôi lại xoáy vào gan ruột: “... đảo lộn ngai vàng, đảo lộn quý tộc, đảo lộn Khổng Mạnh, đẩy vua quan vào hậu trường, đưa Nho giáo vào tàng viện, đặt Dân quyền lên ngai vàng, đảo lộn phong tục tập quán xưa nay ...”” (tr.150-153) Đó là trong lời kể của cái ký ức xưng “Tôi” làm nên câu chuyện và cuốn sách này – một chuyện kể theo phong cách hiện thực, theo bút pháp chương hồi nhưng sử dụng cách trần thuật quen thuộc của tiểu thuyết tâm lý, tuy nhiên lại cùng lúc triển khai hai lời kể, từ bên trong và từ bên ngoài cái ký ức đó – ký ức kể về điều nó thấy như là cuộc nổi dậy đầu tiên của dân nghèo chống chế độ thực dân Pháp trong thời kỳ hiện đại, cuộc nổi dậy đầu tiên không dưới bóng “Cần vương” hay lá cờ nào, mà do sức khai sáng của tư tưởng sơ khai về Dân quyền dân chủ-cộng hòa, do một đội ngũ thân hào nhân sĩ của “Duy Tân hội” Quảng Nam và những nhà Nho đang chuyển qua vai trò người trí thức mới trong xã hội phong kiến-thuộc địa dẫn dắt, cuộc nổi dậy được gọi là “Phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ” hay “Trung Kỳ dân biến năm 1908”.
Hình thức kể bằng hai lời kể của cuốn tiểu thuyết này mở ra ngay ở đoạn đầu chương đầu, qua một tình tiết hết sức khơi gợi, khi nhân vật chính Phạm Hinh nghe tiếng trống làng gọi họp tổ hộ mà lập tức lại nhớ cảnh đoàn người biểu tình đòi giảm sưu giảm thuế thời Nam triều - “Đoàn người xin xâu dài dằng dặc, nón cời áo rách đông nhung nhúc, nối đuôi nhau từng bước tiến lên. Lặng lẽ, buồn phiền, khao khát như bóng tối, lòng dậy lên niềm khoái cảm lịch sử. Cả Hinh đi trong đoàn người đó, đi trong thân phận rách nát, hôi hám, bừng bừng một ý thức quay quắt...”(tr.24) Và những mô tả từ điểm nhìn bên ngoài như thế, như của một giọng kể khuất mặt, đều là giọng kể của nhân vật Phạm Hinh/ Cả Hinh, bởi dòng ký ức đó của ông vừa được khơi dậy thì ông chuyển sang kể bằng ngôi xưng “Tôi”, từ điểm nhìn trong cuộc, với tư cách một học trò ưu tú của cụ nghè Trần Qúy Cáp, do vậy được gần gũi, chứng kiến và nghe người bạn thân của thầy là Phan Châu Trinh thuyết giảng, thức tỉnh dân chúng về dân chủ dân quyền, được cắt đặt vai trò trong chuẩn bị căn cứ và nhân sự, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang của “Duy Tân hội” Quảng Nam , được tham dự vào không khí căng thẳng phân vân cuộc tranh luận hai tư tưởng giành lại đất nước bằng đấu tranh bất bạo động của Phan Châu Trinh hay bằng bạo động và cầu ngoại viện của Phan Bội Châu; và luân phiên hai lời kể như vậy mà tái hiện những chân dung và ký ức sống động về một loạt các nhân vật lịch sử từ Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Phan Châu Trinh, Trần Qúy Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Bá Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Phan Khôi v.v.
Song cốt truyện của tiểu thuyết này lại là một truyện tình yêu rất đặc trưng về phong tục và tính lãng mạn, là chuyện tình giữa “Tôi”/Cả Hinh với thôn nữ tên Lụa đẹp mặn mà quyến rũ, lại duyên phận long đong, mà nhân vật Út Hoa vợ Cả Hinh ví cô “như trái mít chín bỏ ngoài đường” (tr.165). Những năm giao thời thế kỷ XIX-XX ấy tục đa thê vẫn thịnh hành. Cả Hinh là nho sinh có tiếng, lại văn võ song toàn,được giai nhân của làng đem lòng yêu, việc cưới vợ hai như thế được vun vén. Nhân vật Lụa mang tính biểu trưng rõ rệt: vừa xinh đẹp “hồng nhan bạc mệnh” vừa là một trong những nhân tài nổi bật trong nghề truyền thống nổi tiếng của làng Mã Châu bên sông Thu Bồn này, “một ngôi làng cổ có từ thế kỷ XVI”(tr.24), nghề ươm tơ dệt lụa – với thứ lụa Mã Châu nổi tiếng. Nhưng rồi Lụa cứ bị cướp đi ngay trước những cơ hội thành vợ Cả Hinh, thậm chí khi Hinh đã được cha của Lụa cho phép cưới. Lụa bị cướp về làm vợ bé nhà giàu Cửu Nghi, trở thành bà chủ một xưởng tơ lụa, nhưng không nguôi ôm mối tình với Cả Hinh, để rồi khi thời thế tao loạn, cô lặn ngòi ngoi nước đi tìm Hinh trong đám người bị bắt “xâu” làm đường lên mỏ vàng Bồng Miêu; lại tiếp liều mình trong những ngày đoàn biểu tình dân chúng “xin xâu” bị đàn áp , cô Lụa theo sát từng bước chân Cả Hinh. Cái kết thúc bi tráng của cuộc nổi dậy “Trung Kỳ dân biến” trùng hợp cái kết bi thiết của mối tình này: Lụa hiểu nếu Cả Hinh quay về làng sẽ lập tức bị bắt bị chém, nên đã mang sẵn bọc tiền, thuê sẵn ghe nhỏ, giục Hinh trốn vào Nam, “Đừng có bao giờ về nữa...Em coi như anh đã...Suốt đời con Lụa nó nhớ anh! Anh Cả ơi!...”(tr.484)
Câu chuyện tình yêu đó chuyên chở phần lớn những nét phong tục đặc thù của xứ Quảng, nghề ươm tơ, việc buôn bán tơ lụa truyền thống, đan xen dày đặc, sinh động, được xử lý rất cân nhắc và giữ được không khí hồn nhiên ở tiểu thuyết này và bởi thế đã góp phần nền tảng dựng lên được câu chuyện lịch sử về “Duy Tân hội” Quảng Nam với cuộc nổi dậy xuất kỳ bất ý làm nên lịch sử. Ký ức của Cả Hinh thấy rằng: “Qủa thật, trong lúc nước sôi lửa bỏng nầy, đã thấy hiện rõ sự giằng co giữa hai xu thế đánh hay hòa, cụ thể là giữa chủ trương bạo động của cụ Sào Nam và chủ trương dựa vào Pháp để tự cường của cụ Tây Hồ. Tôi chắc cuộc xin xâu đã nổ ra ngoài ý muốn của hai cụ.”(tr.471)
Lời kể từ bên trong ký ức xưng “tôi” này hẳn ít ngờ rằng nó còn cung cấp những lời chứng về các nguyên nhân sâu xa khiến phong trào này sớm tan vỡ, ngoài cái lý do hiển nhiên mà tiểu thuyết đã mô tả - việc hàng loạt người lãnh đạo của cuộc vận động Duy Tân, từ trên xuống dưới, các chí sĩ thân hào, các nhà Nho trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết với tư tưởng mới về cách mạng dân quyền đã bị bắt, bị đày đi Lao Bảo, bị chém ngay giữa chợ... Trong lời kể của ký ức chứa đựng sự hòa trộn một số giọng kể của các chứng nhân khác nữa, khiến nó tái hiện được không gian với những chân dung rất sống động về một chương ngắn ngủi nhưng quan trọng cả về lịch sử tư tưởng và lịch sử cách mạng Việt Nam, khi lần đầu tiên ý thức cách mạng dân chủ-dân quyền được khai mở cho đất nước; trong đó đặc biệt là chân dung nhà cách mạng Phan Châu Trinh với những lời giảng thuyết toát lên thần thái, chí khí, giọng điệu đặc trưng, lòng ưu dân ái quốc, nhiệt tình tư tưởng mới mẻ chân thực, với những chi tiết về thân thế và hành động hết sức ấn tượng và gây niềm tin cậy.
Những hình tượng nổi bật , của nhân vật Lụa, như tượng trưng cho quê hương và thân phận, hình tượng những bậc thầy chí sĩ, đặc biệt là Phan Tây Hồ, hiện thân cho một trải nghiệm lịch sử hiện đại của đất nước, cho hành động và định mệnh của con người trong lịch sử đó – đấy là những đóng góp nổi bật của cuốn sách này, của một ký ức hiếm hoi lên tiếng bên cạnh diễn ngôn lịch sử đã quen thuộc, đem lại một tiếng nói chứng nhân từ một khoảng đất trời bị khuất lấp, bởi chính cách kể của vai chứng nhân đó.
Nhịp điệu biến chuyển phong phú và tự nhiên, chất trải nghiệm dày dặn linh hoạt cùng một nhiệt tình tư tưởng hết sức mạnh mẽ trong những trường đoạn khai sáng tinh thần dân tộc-dân chủ hiện đại khiến câu chuyện của cuốn sách này có thể làm người ta quên đi phương diện hư cấu của nó, cảm nhận nó như một hồi ức lịch sử chân thực. Nhất là, ở những trang sách cuối cùng, mô tả cuộc truy điệu những nạn nhân bị đàn áp, những anh hùng vô danh của phong trào chống sưu thuế làm rung chuyển chế độ thuộc địa lúc bấy giờ, truyện đã tái hiện cho ta một bài văn tế bi tráng không thua gì tác phẩm Văn tế của Nguyễn Đình Chiểu:
…
Dân vô tội muốn trình bày khổ trạng, ngõ hầu đề đạt lên quan
Mong lượng trên soi xét một vài, bởi vậy kéo nhau tới Phố
…
Tinh thần hiệt kiệt, thốt mấy lời đanh thép hiên ngang
Súng nổ đì đùng, xong mấy loạt ra người thiên cổ!
Ôi! Các anh ôi! Xin xâu xin thuế, tội tình chi mà mang nỗi oan gia
Ôi! Các anh ôi! Vì giống vì nòi, thân tuy chết mà thanh danh còn đó
Tình huyết án mở đầu lịch sử, mấy chàng tuổi thanh niên
Nghĩa tâm tang đủ mặt đồng bào, ba tấc khăn bạch bố
…
Ta nghe thấy ở đây một âm hưởng nhân dân sẽ trở nên quen thuộc suốt cả thế kỷ sau đó trong văn chương và sử sách.
Khúc bi tráng của một cuộc đấu tranh đầy hoài bão lớn, kỷ niệm về một tình yêu vừa dung dị âm thầm vừa cao cả bi thiết – với những điều như thế, cái ký ức xưng “Tôi” ở đây quả là rất chính xác khi thốt lên : “Có lúc nửa đêm đang ngủ, giật mình nghe trống đánh dồn dập, ông biết đó là thế kỷ bị mất đang trở lại.”
Phạm Ngọc Cảnh Nam gửi cho NTT blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét