Nguyễn Hoàng Đức
Nếu không có con người chắc hẳn không có xã hội và thế giới. Vậy con người (chí ít về mặt nhân văn) phải được sinh ra từ Đấng sáng tạo! Và theo đó, không có nhân vật thì chắc chắn cũng không thể có tác phẩm văn – thơ! Đấng sáng tạo sinh ra vũ trụ càn khôn cùng con người làm chủ tể muôn loài. Nếu không có các nhân vật như con người, các loài động thực vật, thì chắc hẳn vũ trụ chỉ là một tinh cầu hoang phế không có gì để nói! Và cũng vậy, nhà văn, nhà thơ nếu không có thể trở thành “đấng sáng tạo” cho tác phẩm của mình, nghĩa là tạo ra các nhân vật thì chắc hẳn tác phẩm chỉ còn là thứ thế giới vô nghĩa, ất ơ, hò xướng vớ vẩn.
Ngay từ trong nôi, những đứa trẻ của mọi dân tộc đã được nghe tiếng ru hay lời kể chuyện về một ông tiên hay mụ phù thủy nào đó, ngay cả việc có một đồng xu hay một gói quà nhỏ bỏ vào chiếc giầy bé xíu của bé đêm Nô-en, cũng phải là những nhân vật như ông già tuyết cưỡi xe lộc tuần kéo đến bỏ vào đó. Trẻ con dù trí tuệ yếu ớt, nhưng chúng cũng chỉ có thể tin được vào một sự việc có chủ, tức một nhân vật nào đã làm điều gì đó dù thiện hay ác. Đấy cũng là thứ tư duy căn bản của triết học, khi cho rằng mọi thứ sinh ra không thể từ hư vô. Người Trung Quốc còn nói “oan có đầu, nợ có chủ”. Làm sao có món nợ nào từ trên trời rớt xuống nếu không do người này đã từng mượn của người kia, càng không thể có tội ác tự nhiên mọc mầm, mà là giết vua giết cha không thể xảy ra trong một sớm một chiều, mà chúng phải được tích lũy bằng dồn nén cũng như âm mưu từ lâu.
Cách tự nhiên, một đứa trẻ sinh ra đã muốn nghe chuyện, và không gì khác ngoài chuyện có thể quyến rũ được nó, ngay khi bà và mẹ hát ru cũng phải có chuyện, chứ không thể hát xuông, và chuyện cũng chính là cách tốt nhất để giáo dục nhập tâm cho trẻ. Một lời ru bình thường cũng phải có chuyện như:
Con cò, con vạc, con nông
Sao mày là mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con nhà vạc đổi ngờ đổi ngờ cho tôi
Không tin ông ra mà xem
Lời hát ru trên reo vào lòng đứa trẻ biết bao nhiêu giá trị ngay tức thời không thể lý giải. Trước hết là có mấy nhân vật: cò, vạc, nông. Và chúng đã phạm lỗi khi dẫm lúa nhà ta ( mặc nhiên là nhà của đứa bé ), ở đó khung cảnh cũng được mở ra, với ruộng lúa và trên bờ, và có một tinh thần bên trong rất trí tuệ, đó là “không tin ông ra mà xem”. “Xem” là động từ thực chứng bằng mắt, lời ru đó đã gieo vào đầu đứa trẻ: muốn chứng tỏ mọi sự hàm oan ở đời thì cần phải trực tiếp nhìn. Nhưng lần ngược lời ru, đó là một tình cảm đầy đối thoại và bổn phận. Cái cò, cái vạc, cái nông kia, nó là chim trời, nhún chân một cái bay đi, sợ gì ai, vậy mà vừa bị đổ lỗi, nó đã thanh minh “tôi đứng trên bờ”… Điều này đã truyền dẫn cho trẻ nhỏ một tình cảm và ý thức rằng, trên cánh đồng của chúng ta, mọi việc sẽ bị phơi bày và phải chịu trách nhiệm, từ sự phạm lỗi, đến đổ tội, hay thanh minh, hoặc đòi thực chứng, thì sẽ phải diễn ra như kịch bản của lời hát ru.
Có một phương ngôn vĩ đại rằng: “Con người không có quá khứ chẳng khác nào quốc gia không có lịch sử”. Đúng vậy, quốc gia không có lịch sử sao gọi là quốc gia! Một con người chưa có quà “sú-vơ-nia” (souvenir) theo tiếng Pháp nghĩa là “đã từng đến” thì làm sao gọi là con người. Cái chính yếu của lịch sử là “Biên niên sử”, “niên” tức là Năm, cũng có nghĩa, lịch sử quốc gia chủ yếu được ghi theo Niên đại. Lịch sử theo gốc chữ Latin là “Histoire”, tiếng Anh viết là “history”. Lịch sử dịch nghĩa đen, cũng có nghĩa là “câu chuyện”. Chẳng hạn nhân vật chiếc bàn của văn học có thể kể: xưa kia tôi sinh ra từ một thân cây, rồi người tiều phu đẵn cây, người thợ xẻ cắt gỗ, người thợ mộc đóng bàn… “câu chuyện về chiếc bàn” cũng được coi như “lịch sử về chiếc bàn”. Tiếng Anh (và tiếng Đức) có hai từ riêng biệt là: “story” – tức câu chuyện, và “history” – tức lịch sử. Nhưng trong tiếng Pháp, người ta không biệt giữa lịch sử và câu chuyện, cả hai đều được phản ánh qua từ “histoire”.
Không có ký ức không có con người! Không có lịch sử không thành quốc gia! Không có nhân vật sẽ không có khởi nguồn cho bất kể câu chuyện nào! Mà không có câu chuyện thì không cám dỗ nổi dù chỉ đứa trẻ con! Vậy thì lý giải thế nào về mấy trăm bài thơ không có cốt chuyện và nhân vật của Việt Nam? Chắc chắn đó là những thứ nhạt nhẽo thất bại ngay cái nhìn đầu tiên! Đó cũng là sự bất lực đại trà nhước thiểu của trí tuệ văn thơ Việt.
Không có nhân vật, tức không có những điểm vặn ốc hay giường cột cho tác phẩm. Những thứ nhẹ thõm như chiếc bánh đa chẳng hạn nó không cần xương cốt vì nó quá nhẹ, đến khi nướng lên nó cứng và tự chịu lực chính bản thân mình, nhưng chỉ cần một va chạm nhẹ nó vỡ tan tành! Chùa Một Cột kia chỉ to hơn manh chiếu mà người ta đã cần đến giường cột, và chiếc cột chịu lực cũng như những đòn ngang được thể hiện ngay dưới bệ đỡ của sàn.
Tại sao, hầu hết trường ca của Việt Nam, đặc biệt của mậu dịch không có cốt chuyện và nhân vật, vì thẳng thắn nói, các nhà thơ chẳng có gì để kể cả. Nhân vật thì phải có tư tưởng và hành động, ngay Trường ca chân đất của nhà thơ Thanh Thảo thuộc loại đàn anh đầu bảng của quốc doanh mậu dịch kia, cũng chỉ có lèo tèo bác Năm Trì ngồi gãi háng. Bác là một nhân vật gãi háng và văng tục, bác chẳng hành động gì như bám biển bám trời, hoặc tuyên ngôn một điều gì xứng đáng, bác chỉ có thể văng “đếch” vào những kỳ quan của loài người như Vạn Lý trường thành. Ở đời không khao khát cái vĩ đại làm sao có thể với tới hay làm ra cái vĩ đại? Vì thế bác năm Trì chỉ mãi mãi là chân đất mà thôi. Đã là trường ca thì cái tối thiểu phải có nhân vật (như trên đã bàn không có nhân vật không có thế giới), vậy mà người ta cứ nhồi nhét gán ghép bằng được để trao giải và tung hô nhau thì thật phi lý. Từ giờ, tôi xin mọi người hãy dứt khoát nhìn nhận: không có nhân vật thì không phải là trường ca. Nếu có gọi là trường ca và trao giải cho nhau thì chỉ là cách ăn gian trắng trợn.
Không có nhân vật, tức là cốt tủy yếu, như chiếc bánh đa tự chịu lực, không thể tạo thành tác phẩm lớn, chính thế mà một lãnh đạo văn chương đã thú nhận “trong ao không có cá to, chúng ta đành bắt tép”. Tép, tôm cũng là những thứ không có xương cốt, chúng lấy vỏ cứng để tạo ra độ lớn của mình, nhưng số phận lại bắt chúng phải gánh một định mệnh trớ trêu: đem cứt lên đầu làm cơ quan kiêu hãnh và tư duy.
Sự tiến bộ của loài người không cái nổi là thế này: những loại thân mềm có trước, sau đó mới là loài có xương sống. Chỉ khi có xương sống tức một cột trụ cứng dâng lên thì bộ não mới đích thực xuất hiện. Văn thơ Việt Nam, đặc biệt thơ mậu dịch còn ở trình độ thân mềm, chưa có hình bóng của tư duy, chưa có khung xương của lý trí, mới chỉ có tí nhũn nhẽo của cảm xúc lè tè, thì làm sao có thể vươn lên những đỉnh núi có kỳ hoa dị thảo? Xin trao đổi để mọi người cùng suy ngẫm. Cám ơn nhiều!
NHĐ 14/03/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét