Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

HƯỚNG ĐẾN GIẢI NOBEL CẦN CÁCH NHÌN XÁC ĐÁNG

(Đối thoại với nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn)
Nguyễn Hoàng Đức


Trên tờ Thể thao Văn hóa, có đăng bài nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về văn học Việt Nam, có đề cập nhiều đến khát vọng Nobel của Việt Nam, bài có tên “Văn học Việt Nam đang phải trả giá”. Lâu nay, tôi vẫn coi NTS là người có kiến thức sâu rộng, nhưng chúng ta cũng cần cảnh tỉnh với nhau: kiến thức sâu rộng đi tới khả năng phán đoán là một việc khác hẳn, đây cũng là điều mà người Việt có căn tính rất thiếu và rất yếu. Chẳng hạn, có vô số người học hành theo cách hủ nho đọc thiên kinh vạn quyển, nhưng rút cục người Tàu và người Việt vẫn không có nổi ngành phê bình nghệ thuật mà chỉ có kiểu “bình” – tán là chính.

Bài trả lời của Nguyễn Thanh Sơn thể hiện tri thức khá rộng và sâu nhưng chỉ có điều đáng tiếc, ở nền móng đặt xương sống cho vấn đề thì nó lại rơi vào ngụy biện. Cụ thể, NTS nói:

“Bây giờ người viết hoàn toàn tự do. Chỉ trong một tích tắc, người viết hoàn toàn có thể xuất bản tác phẩm của mình ở bất cứ một blog nào hoặc gửi cho các trang mạng văn chương khắp nơi. Tại sao tôi nói rằng văn học trong ngăn kéo là không có bởi vì nó không tồn tại. Bây giờ mọi người đổ lỗi cho không có tự do sáng tác, không có tự do nghệ thuật. Điều đó không hẳn. Hãy nhìn thử xem, văn học hải ngoại, sau bao nhiêu năm, được xem là hoàn toàn tự do, tại sao họ không có tác phẩm lớn?”

Nhưng sau đó anh lại bảo:

“Cơ chế tự kiểm duyệt của họ (các nhà văn 8X) quá lớn. Viết lúc nào cũng lo có được in hay không, viết như thế này có độc giả hay không. Nhà văn trước tiên là viết cho mình. Nếu người viết cứ lo lắng như vậy thì đến bao giờ Việt Nam mới có tác phẩm lớn.”

Nói thế này có quanh co biện hộ không nhỉ? Bên trên vừa nói “người viết hoàn toàn tự do”, mới có vài câu lại bảo “viết lúc nào cũng lo có được in hay không?” Trời ạ, nếu được tự do thì người ta cần gì cứ phải ràng buộc vào nỗi lo thâm căn cố đế làm gì?

Rồi Nguyễn thanh Sơn lại rơi vào một chủ nghĩa cục bộ khác “Bây giờ mọi người đổ lỗi cho không có tự do sáng tác, không có tự do nghệ thuật. Điều đó không hẳn. Hãy nhìn thử xem, văn học hải ngoại, sau bao nhiêu năm, được xem là hoàn toàn tự do, tại sao họ không có tác phẩm lớn?” Tại sao lại đem hải ngoại vào đây? Dân vượt biên ra đi cỡ khoảng 1% dân số, giờ thử hình dung nếu Việt Kiều có thể tập hợp thành một đội tuyển bóng đá thì bao giờ có thể thi đấu với đội tuyển quê nhà được? Người Nga có câu “ở đâu đông người thì ở đó có người tài”, tại sao lại lấy cái một phần trăm dân vượt biên để so với toàn thể dân số nước nhà? Khi tiến hành một cuộc so sánh như vậy là đã tìm cách từ thác bổn phận, lẩn trốn và có phần ăn gian.

Nguyên thanh Sơn khẳng định “Cái gọi là văn học trong ngăn kéo ấy là không có. Lấy đâu ra. Nếu có thì bây giờ người ta đã xuất bản rồi. Bây giờ người viết hoàn toàn tự do”. Triết gia Hegel nói “Chỉ có công dân tốt trong một nhà nước lập hiến tốt”. Trình độ lập hiến của Việt Nam hiện nay rõ ràng đang ở mức đội sổ thế giới, vậy thì làm sao có công dân đúng nghĩa tốt, hay chỉ có thứ thảo dân vượt đèn đỏ, rồi lao vào các hội quốc doanh xếp hàng đòi xơi tem phiếu? Công dân tốt biết sống tự giác theo hiến pháp đã khó, nói gì đến nhà văn? Đặc biệt là nhà văn vẫn đang nuối tiếc chầu rìa quanh quầy mậu dịch? Một nền văn chương ở xã hội còn đang loay hoay “sửa rồi sai” như vậy, mà NTS muốn rằng chẳng còn cái gì trong ngăn kéo ư? Nói thế có khác gì bảo rằng: toàn thể người Việt đã nổi lên như cá mè ao thu hết cả rồi, có những con tép thì đã được giải cao nhất, còn lại dưới đáy ao không có cá kình, cá mập đâu. Đúng vậy, nếu văn chương tem phiếu bao cấp chỉ là ao chuôm thì không thể có cá kình đâu, nhưng hãy nhìn vào đại dương của văn chương theo cách văn hóa phi vật thể, thì những con tép kia không thể thay thế sự có mặt của những cá kình.

Cách nói của NTS rất giống luận điệu của vô số cán bộ văn thơ mậu dịch. Vì họ đã ẵm hết giải nọ đến giải kia. Họ trao giải cho nhau từ vòng “gửi xe đạp”, cứ nhìn mặt, đánh trống, ghi tên rồi ẵm giải,

“Bác kia tên gì?” “bác lên đây sao vẫn lo gãi háng?”

“Không tôi không gãi, đó là tư duy đánh cá của quê choa”

“Quê choa à, có phải nơi văng đéo thành đếch không?”

“Đúng mà!”

“Vậy bác còn chờ gì mà không vào lĩnh giải? Giải ấy bác không lĩnh thì ai dám lĩnh? Sao bác còn ngập ngừng vậy?”

“Tôi không đi một mình mà tôi còn đi với một chú em”

“Ối giời, vào cả đi, dấu củ khoai tranh tre nứa lá của nhà làm được, đóng xoẹt thêm một cái mất gì của bọ”

“Thế à, nhanh lên chú mày…”

Đây là một hoạt cảnh tả lại cho nó tươi nền văn học còi cọc dinh dưỡng văn hóa. Quay lại chủ đề chính, muốn làm cái gì đến nơi đến chốn, các triết gia cho rằng phải bước đầu xác định tính xác đáng của nó (appropriate). Đề tài giải Nobel cho người Việt quả là hết sức trọng đại, nó đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc và chính đáng. Viên gạch đầu tiên phải đặt đúng chỗ thì con đường mới nhắm về đích đến. Vậy mà theo tôi NTS mở đầu đã mặc định đặt nền tảng sai cho điều kiện sáng tác đang còn khó khăn ở ta, sau đó lại yên tâm cho rằng tài sản tác phẩm của người Việt chẳng có gì nhiều hơn ngoài những thứ ngoài da đã nổi trôi thành bã trên các tấm phù điêu mậu dịch, như vậy rất dễ rơi vào: đem dạ vô sản đo lòng tỉ phú.

Tôi tạm dừng việc trao đổi với NTS. Giờ tôi xin đưa ra hình ảnh thế này. Tất cả sự xa hoa và giá trị cao trên đời có thể được hiểu như biểu tượng của bữa tiệc. Khi khải hoàn ca, ăn mừng chiến thắng, đám cưới, người ta mới mở tiệc ăn mừng. Bàn tiệc càng lớn càng sang quí. Thử nhìn một hay nhiều bữa tiệc của văn học Việt Nam. Cán bộ lăng xăng chạy xuôi chạy ngược đem lên, lèo tèo vẫn chỉ có vài thứ xếp lên bàn, à quên, lên chiếu. Món gì đây? Nó từ đâu tới? Thưa, tất cả đều từ nhà bếp bao cấp đưa lên. Có đậu phụ, mắm tôm, có mắm tép, có rượu nút lá chuối, có cả rượu đế vương “nhất dạ, lục giao sinh ngũ tử”… Rồi quanh đi quẩn lại chỉ có vài bài thơ vụn, vài truyện ngắn, tiểu thuyết thì không tràn đầy đĩa hở chỗ nọ hở chỗ kia. Hỏi có món tôn giáo? Không! Món triết học? Không! Món mỹ học? Không? Món lý tưởng siêu hình học? Không! Món công bằng? Không! Món tự do? Càng Không! Món nhạc? Vâng có ngay để bọn tôi gấp lá thổi thay kèn… Đấy là mâm tiệc của nhà văn Việt đấy. Cái mâm đó bao giờ mới rước tâm hồn người ta được nhảy múa cất cánh như đại tiệc? Không, cho đến nay văn học Việt chỉ là cách tập trung tem phiếu làm bữa quạt chả xì xụp ăn tươi chén chú chén anh với nhau.

Ăn uống lọ mọ làm sao có được những vũ điệu kiêu hùng? Đèn nến lung linh không có làm sao có cảnh mỹ nhân ăn vận xa hoa nhảy múa cùng anh hùng mã thượng? Vở đại hùng kịch không có, chúng ta chỉ có cách thì thào làm duyên với nhau theo cách ngắm cổ tay nàng cùng mấy hạt ngô rang ngân lên lời “tay ải tay ai” – rồi ngẫm đó là ca kịch.

Xin cám ơn và đợi lời trao đổi của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn.

NHĐ 25/09/2013

Tác giả gửi cho NTT blog





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét