Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

NHỮNG SUY NIỆM NGẪU HỨNG VỀ NGHỆ THUẬT VÀ CUỘC ĐỜI (II)

VÂN THUYẾT

(Phần tiếp theo)

Tất cả các hình thái nghệ thuật đều bình đẳng trong cảm xúc và trí tuệ con người - với thời gian - nó có thể dịch chuyển nhưng không bao giờ mất đi . Những kẻ bất tài về lĩnh vực nào thường hay gét lĩnh vực đó - kẻ yếu kém về môn toán sẽ luôn sợ và gét toán - kẻ tranh biện kém thường hay bảo thủ - dễ nổi máu điên nói bậy chửi càn - kẻ yếu kém về thơ sẽ thù gét thơ - kẻ bạo chúa độc tài gét công lý tự do dân chủ . ( rất có thể ngài Nobel không giỏi môn toán nên ông ta đã bỏ quên toán học trong di chúc của ngài .)

Thiên tài là người được Thượng Đế ưu ái ban cho những khả năng để thực thi sứ mệnh làm giầu có phong phú thêm cho tri thức - tâm hồn nhân loại - làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn - hấp dẫn và bí ẩn hơn .

Nhà Tiền Lê không bao giờ nghĩ rằng sẽ bị nhà Lý phế truất - nhà Lý không bao giờ nghĩ rằng sẽ phải nhường ngôi cho nhà Trần - nhà Trần không bao giờ nghĩ rằng sẽ bị nhà Hồ cướp ngôi - sau đến nhà hậu Lê - rồi nhà Mạc lại cướp ngôi nhà Hậu Lê - tiếp đến Trịnh Nguyễn phân tranh - sau này là sự ra đời của nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa . Chủ Tịch Hồ Chí Minh - nhà sáng lập nên một Quốc hiệu đẹp nhất mọi thời đại của dân tộc Việt Nam - một thiên tài đã từng đau khổ lớn để có giác ngộ lớn - suốt cả cuộc đời bằng lý trí và con tim - dấn thân truy tìm chân lý - đến cuối đời đã có câu nói bất hủ :“ Không có gì quý hơn độc lập và tự do”. Không hiểu linh hồn Cụ sẽ buồn hay vui khi cái tên thiêng liêng mà Cụ đã ấp ủ nuôi hy vọng đem đến sự bình yên hạnh phúc cho dân tộc - đến nay tên Quốc hiệu đó “ không còn phù hợp “ - đã thay đổi !? Quá khứ - hiện tại - tương lai luôn gắn kết vận hành theo quy luật nhân quả - “ Hạ mãn thu sang - đông tàn xuân đến “ - dù vậy - chúng ta cũng rất khó dự đoán chính xác tương lai 50 - 100 năm sau - nhân loại sẽ ra sao và bức tranh xã hội Việt nam sẽ tiến triển thịnh hay suy - thái bình hay loạn ly chia rẽ !?

Thông suốt Đạo pháp học trần thế - thấu triệt tinh thần tự do - dân chủ - công lý - bình đẳng - bác ái không cố chấp phân biệt - phù hợp với thời đại mới của thế kỷ 21- thế kỷ của chung sống hòa bình ( khởi đầu của thên kỷ thứ III - thiên kỷ của những phát minh Hỷ - Lạc !!!). Suy tư tôi tự hỏi - điều hệ trọng có phải là : “ nhất nguyên - nhị nguyên - đa nguyên “ !? - hay là như lời Kệ của Thiền sư Pháp Thuận trả lời nhà vua Lê Đại Hành hỏi về sự bền vững của quốc gia :

“Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư đạo các

Xứ xứ tức đao binh.”

“Vận nước như dây quấn

Trời Nam ôm thái bình

Vô vi ngự cung điện

Muôn xứ tắt đao binh”.

Có phải - suy tư - tâm trạng của thiền sư như một tuyên ngôn muốn nói đến mục đích và khát vọng thái bình - sự đoàn kết nương tựa lẫn nhau giữa nhà nước với nhân dân và sự thực hành đạo hạnh của cung đình sẽ khiến cho ngôi vua vững bền - quốc gia thoát khỏi rối ren - loạn lạc - máu lửa đao binh - hướng đến thịnh vượng và hòa bình trường cửu ..!?

Là nghệ sĩ - hãy cố gắng tự giải thoát khỏi những định kiến - những ràng buộc của cuộc sống đời thường - để thể hiện được cảm xúc và trí tưởng tượng siêu việt mà thiên chức sáng tạo dành cho hắn ta .

Cuộc đời vốn có nhiều sự phi lý - nghệ thuật cần phải siêu phi lý hơn.

Cuộc đời là một sân khấu kịch bi hài khổng lồ vĩ đại - mỗi con người đều là một diễn viên - đặc biệt hơn là các nhà chính trị độc tài bạo chúa - họ là những diễn viên siêu hạng - trong bộ não - trong đôi mắt của họ chứa đầy những âm mưu thủ đoạn hiểm sâu khôn lường - trong bụng họ có thể chất đầy tham sân si - binh đao máu lửa - nhưng đôi môi họ vẫn có thể nở nụ cười ở mọi nơi mọi chỗ khi giao tiếp .

Thời xưa người đứng đầu một vương quốc được gọi là vua hay hoàng đế - ngày nay người đứng đầu một quốc gia được gọi là tổng thống hay là chủ tịch - về bản chất đều là tập trung quyền lực cao nhất vào tay một người - trên thực tế ngày nay tổng thống hay chủ tịch chỉ là một thành viên nằm trong hệ thống quyền lực của một đảng phái - một phe nhóm hay có thể của một tổ chức siêu Mafia .

Quy luật của tự nhiên : “ Cá lớn nuốt cá bé “ - lời nói của kẻ có quyền lực : “ Chân lý thuộc về kẻ mạnh “ - đó là cách nói của những thời đại còn nhiều tội ác - bất công - mông muội - tăm tối . Chỉ đến khi nào chân lý thuộc về lẽ phải công lý và ngược lại - khi đó sẽ không còn tội ác - bất công - tối tăm - mông muội - nhưng thật buồn chua xót - điều này chỉ là không tưởng - các Quốc gia vẫn sử dụng luật của kẻ mạnh và luật của tự nhiên để ứng sử với nhau và với người dân .

Bậc hiền nhân đại trí nên lùi bước - khi bọn tiểu nhân quá đông .

Khi leo lên đến đỉnh núi cao - không ai đứng mãi ở trên đó .

Dấn thân cả cuộc đời làm nghệ thuật nhưng vẫn có thể không đạt thành tựu là điều tự nhiên bình thường . Bậc đại trí cao siêu thấu hiểu đến đáy của cuộc đời - đến tột cùng của mọi kiếp người - luôn tự biết : “Thế sự thăng trầm - lời nói gió bay “ . Là nhà phê bình - có nên đục xoáy khoét sâu mãi bằng một luận điệu vào sự yếu kém hay lỗi lầm của những kẻ thấp hèn nhân danh ngộ nhận - những kẻ phàm tục dục lạc vô minh - những kẻ tham sân si xa lìa sám hối !? Nhà phê bình có thể sẽ trở thành kẻ giáo lý giáo điều - kẻ nhiều chữ nhưng ít nghĩa - kẻ cưỡng bách chiến bại . Tốt hơn nếu ta thiền định - từ- bi - hỉ - xả - thực hành đạo hạnh trong sạch - tự thanh lọc tâm - không ô nhiễm - tâm định tự do cao thượng - khơi dậy lòng trắc ẩn - truyền bá khai mở rộng thêm nhận thức tâm hồn - trí tuệ - tư tưởng đẹp của nhân loại một cách hồn nhiên vô tư không thiên chấp . Mỗi người là một tấm gương soi cho kẻ khác - không ai tự giác ngộ nếu chính ta chưa tự giác ngộ . Muốn cứu rỗi tâm hồn - muốn trí tuệ thăng hoa - muốn vinh hạnh tỏa sáng - tự mỗi ngưỡi sẽ thức tỉnh cơn mê hào nhoáng tầm thường - vương miện của trí tuệ sẽ đến với kẻ tu hành khổ hạnh trong ánh sáng của chân lý .

Bậc hiền nhân đại trí luôn lắng nghe hùng biện - phản biện . Những kẻ độc tài - tiểu nhân - tiểu trí - thích nghe ngụy biện - nịnh hót .

Cảm xúc và trí tuệ là hai điều cốt tủy trong bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào .Cảm xúc làm dâng trái tim lên cao - trí tuệ sẽ đưa con tim bay đi xa . Dâng lên cao bao nhiêu !? Bay đi xa bao nhiêu !? Tất cả phụ thuộc vào năng lượng tài năng của người nghệ sĩ có được .

Khi lên đến đỉnh cao mù tuyệt của nghệ thuật - cảm xúc và trí tuệ hòa thanh thành một thể diễm ảo thần tiên không còn ranh giới phân ly - như trái đất trong vòng xoay của hệ mặt trời - hệ mặt trời trong vòng xoáy của thiên hà - thiên hà trong vòng xoay của vũ trụ - vũ trụ trong vòng xoay của siêu vũ trụ và cứ thế mãi mãi …Đó là khu vườn thượng uyển - là thiên đường của cái đẹp ..!?

Bất kể là bạn là nhà thơ - nhà văn hay triết gia - điều quan trong là bạn có tác phẩm lớn - có kiệt tác hay không !? Nếu chưa có bạn vẫn chỉ là một người làm nghề bình thường như bao nghề khác . ( chúng ta có thể cảm thông với những nhà thơ - nhà văn - triết gia có tác phẩm lớn nhưng chưa có cơ hội xuất bản do họ đang sinh sống tại một quốc gia suy yếu có chế độ độc tài hay một nhà nước mang nặng tính tôn giáo sắc tộc hà khắc - cố chấp phân biệt …)

Thơ là một hình thái của nghệ thuật - thơ không phải của riêng ai - không một ai - không một thế lực nào - không một quyền lực nào có thể ngăn cấm con người viết thơ - bất kỳ ai từ trẻ thơ đến người già nua trăm tuổi - những người tàn tật câm điếc mù lòa cũng có thể làm thơ - có thể trở nên nhà thơ - nhưng để viết nên những bài thơ hay - những kiệt tác thơ - đó là số phận - là sứ mệnh của những tài năng lớn - những thiên tài .

Yêu thích thơ là biểu hiện đẹp đáng trân trọng - viết thơ là hành động cao quý ẩn chứa niềm vui - nỗi buồn và cả sự sám hối của tâm hồn - thơ luôn đòi hỏi có cuộc đời có số phận - tham vọng của những kẻ bất tài háo danh - nhân danh hội hè - dùng thơ để lừa dối cuộc đời - chia chác bổng lộc lợi nhuận … chỉ là tên nô lệ cho những con chữ - làm vấy bẩn cái đẹp của chữ nghĩa chứ không thể viết nên bài thơ .

Thế đạo suy vi - tà thuyết bạo hành - đó là con đường của những quốc gia có chế độ độc tài toàn trị .

Công lý luôn đòi hỏi sự thật - sự thật là ánh sáng của chân lý - chân lý là sự thật vĩnh hằng không bị thời gian làm cho thay đổi - đi tìm sự thật là phiêu lưu vào con đường nguy hiểm - kẻ dấn thân cho sự thật có thể gọi là người can đảm - thiện tâm - cô đơn - anh hùng .

Cuộc sống của một cá nhân con người là quá ngắn ngủi. Sự hiểu biết của khoa học kỹ thuật là giới hạn - thế giới vũ trụ quá vĩ mô siêu bí ẩn. Mọi giá trị của cuộc sống đều bị đảo lộn - quá phi lý. Các khái niệm nhân - nghĩa - lễ - trí - tín - đạo đức - công lý - chân lý - tự do - dân chủ - công bằng - bác ái - tình yêu - hạnh phúc - lý tưởng …đều được sử dụng một cách giả tạo và bị điều kiện hoá.

Nghệ sĩ là kẻ làm cho cuộc đời thêm đẹp hồn nhiên tươi mát - triết gia là kẻ phản tỉnh xã hội - nhà chính trị là kẻ góp phần vào thịnh vượng của quốc gia - bậc đế vương cần có cả ba .

Trong sâu thẳm tâm trí tôi chỉ muốn là kẻ “ trí giả bất ngôn “ - nhưng vì bản chất luôn bị lực hút siêu nhiên của : “ Chân - Thiện - Mỹ “ quyến rũ thôi thúc nên đã luyến ái vượt ranh giới chế ngự của tinh thần “Vô ngôn thông“ - viết lên những lời ngẫu hứng của Tâm định phát sinh .


HẾT

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét