Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

VĂN THƠ VƯƠN ĐẾN VĂN MINH HƠN VĂN HÓA

Nguyễn Hoàng Đức


Sắc tộc nào cũng có văn hóa. Nhưng không thể nói sắc tộc nào cũng có văn minh. Văn hóa chủ yếu là những sinh hoạt hàng ngày diễn ra trong cộng đồng. Nhưng văn minh là sự chói sáng của cả đời sống xã hội. Có thể ví thế này, văn hóa như một cây đèn mang các kiểu dáng khác nhau, sắc tộc nào cũng có. Còn văn minh là độ sáng của cây đèn, bất chấp hình dáng thế nào đẹp hay xấu, nhưng văn minh là cây đèn sáng chói hay tù mù.

Cho đến nay lịch sử bút mực thế giới đã diễn ra khoảng 5000 năm, nhưng có nhiều dân tộc vẫn chưa có chữ viết, dân tộc đó chỉ có thể có văn hóa mà không thể có văn minh. Một tập trường ca, một tiểu thuyết ra đời, chúng không thể chỉ là văn truyền miệng từ sinh hoạt, mà buộc phải là những văn bản viết thành tập từ chữ nghĩa. Chúng là sản phẩm của văn minh. Nhìn một cách toàn thể hơn, nếu không có sự tập trung của dân số về thành phố sẽ không có văn minh cũng như văn học. Triết gia Whitehead được xem như nhà triết học suy tư lớn nhất thế kỷ 20 (He has been called the “greatest speculative mind of this [20th] century.”) cho rằng: không có sự tập trung đông đảo của nô lệ dồn về xây dựng thì không có những nền văn minh như Ai Cập hay Babylon… Văn chương thế giới có thể xem Hy Lạp như một sự nảy mầm kiểu mẫu của hạt giống đầu tiên. Người Hy Lạp rất yêu kịch trường. Trong kịch, người ta tiến hành tổng diện các loại hình nghệ thuật như hội họa để trang trí, thơ để ngâm, hợp xướng và âm nhạc để hát, tất cả là để phục vụ đề tài của tác phẩm văn chương. Và bởi thế, nếu không có thành phố với sự tập trung của đông người, không thể có hoàn cảnh để biểu diễn hay xem các vở kịch. Kịch Hy Lạp hay kịch nói chung đều chứa những kịch tính cao nhất như âm mưu cung đình, quyền lực, tiền tài, sắc đẹp, dục vọng đối chọi với lý tưởng, thế tục đương đầu cùng thánh thần… Theo đó thì Kịch là loại hình cao cấp phổ quát nhất vì nó đòi hỏi có nhân vật, có tình tiết, có hành động, có tư tưởng. Theo sau mới là các loại thơ vụn và thơ lẻ. Lịch sử văn học Hy Lạp dường như không còn dù một cái tên nào làm thơ lẻ mà có danh sót lại. Tại sao? Vì dân chúng đêm tối đi đến kịch trường thưởng thức những vở kịch lớn trọng đại, và những tên tuổi còn lại là những tác giả kịch bản của những trường thiên có cấu trúc, tư tưởng và nhân vật đó. Theo triết gia Aristote thì các nhà thơ đoản ca vụn vặt thường chỉ đứng bên đường vào ban ngày để người ta còn nhìn thấy ngâm nga vài câu như hát xẩm bẻm mép kiếm vài xu sống qua ngày. Chỉ duy nhất còn lại một Homer, không phải người sáng tác mà chỉ là người tập đại thành những vần thơ trong dân gian, chép lại thành hai trường ca Iliad và Odyssey. Hầu hết các sử thi đều được hình thành theo cách đó. Rõ thấy nhất là các Kinh Sách như Kinh Thánh, Kinh Koran, hoặc Kinh Phật cũng được hình thành nhờ các tông đồ ghi chép tập hợp lại. Qua đây chúng ta thấy gì? Cái gọi là sáng tạo mấy vần thơ lẻ dù mới hay lạ cũng chẳng nhằm nhò gì so với tính kiến trúc của những tác phẩm lớn. Trung Quốc có cả vạn nhà thơ, là một quốc gia chói sáng về thơ vụn, nhưng đến khi Hegel cảnh báo “quốc gia không có sử thi chỉ là quốc gia nhỏ bé”, thì họ liền giật mình lục lọi đi tìm mấy chục năm qua mà chưa thấy. Hegel không bao giờ nói bâng quơ, mà ông còn đưa ra tiêu chí mỹ học cho văn chương: Không thể có giá trị mỹ học nơi “những người đàn bà trong những thành phố nhỏ”. Trời ơi thành phố nhỏ với những người đàn bà đan len hay hóng chuyện, chẳng nhẽ ở đó lại nổi lên những xung đột kịch của Vua Lia, Hăm Lét hay Romeo và Julliet ? Xung đột kịch tính không có trong thành phố nhỏ vậy nó có trong vài vần thơ lẻ được làm trong thời gian ngoáy tai ư? Chỉ có bão tố ước mơ xảy ra trong tách trà may ra mới khả thi?

Tại Trung Quốc thơ lẻ đứng ở đâu? Văn học Trung Quốc cũng xuất hiện nơi thị trấn và thành phố, với những người bán thuốc kể chuyện nào Tam anh chiến Lã Bố, Tào tháo, Khổng Minh, Võ Tòng đả hổ… nhưng không có ngâm thơ rong. Thơ chỉ xuất hiện với vài kẻ nho sĩ vén tay áo rộng vẽ vài chữ khoe mình có học, rồi bẻm mép đối hai câu thành câu đối, rồi trải tài hết cỡ ra bốn câu thành tứ tuyệt. Thơ nói chung là gì? Đó là nghệ thuật vui vẻ mua vui diễn ra lúc trà dư tửu hậu như người ta xin “tôi muốn hát một bài”.

Ở Việt Nam cũng có cả vạn nhà thơ vụn nhưng không một ai trong số họ được gọi là “thi hào” cả, chỉ có mỗi một Nguyễn Du được coi là thi hào vì có công sao – chế “Đoạn trường tân thanh” của Thanh Tâm Tài Nhân, truyện hạng hai của Tàu thành Truyện Kiều. Tại sao? Vì dù là tác phẩm sao chế nhưng nó đồ sộ và mang kịch tính của mỹ học, ở đó cuốn theo hành động, tình tiết và tư tưởng. Chớ mấy bài thơ vụn làm bằng cảm xúc thì nhằm nhò gì mà dám vượt qua?!

Thơ vụn xưa nói chung là “tức cảnh sinh tình”, rõ nhất là câu thơ:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương ( Lý Bạch )

Câu thứ nhất là nhìn cảnh thấy trăng. Câu thứ hai nói lên sự nhớ trong tâm hồn người. Hoặc hai câu sau cả cảnh vật lẫn tâm trí đều là sản phẩm của tâm hồn:

Trong tâm trí tôi nước chảy xa xăm

Ngoài nỗi buồn tôi những đỉnh non già vẫn còn xanh ngắt

(Thạch Mạn Khanh, NHĐ dịch từ tiếng Anh)

Thi sĩ Xuân Diệu cũng có hai câu tài tình rất đáng nhớ về tả cảnh tả tình:

Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò

Câu trên là cảnh, câu dưới liền có con người. Xuân Diệu còn có hai câu đáng nhớ khác nói về bút pháp “xếp chữ” và bút pháp tư tưởng:

Nghề xếp chữ ôi nghề con trẻ

Dăm câu vui đắp đổi mấy câu sầu

Nhưng đó vẫn chỉ là thơ tả cảnh tả tình, thử nghe một câu của Whitman chúng ta sẽ thấy tầm vóc khác hẳn:

Tôi và anh không một xu dính túi

Vẫn mua được hương thơm của cả trái đất này

Nghe thật hùng vĩ và lạc quan cho đời sống của tâm hồn dù nó không có nổi một xu dính túi. Hay chúng ta hãy nghe hai câu tình ái của Paul Eluard, xem chúng đi qua thể xác thành nguyên lý đến mức nào:

Người đàn bà đầu tiên xa lạ

Người đàn ông đầu tiên khờ khạo

Khổ đau đầu tiên siêu thoát

Và khoái lạc đầu tiên sợ hãi

( NHĐ dịch nguyên bản Pháp văn “Poesie ininterrompue” ).

Hãy nghe thi sĩ Lamartine vấn hỏi thời gian, một trong vài thành tố khó nhất của nghệ thuật:

Hỡi vĩnh cửu, hỡi hư vô, hỡi quá khứ, những miệng vực đen ngòm

Các ngươi làm gì với những ngày mà các ngươi đã nuốt trôi…

Muốn làm ra những câu thơ có tính phương ngôn thì nhà thơ phải có tư tưởng. Còn dạng nhà thơ chỉ làm bằng cảm xúc thì không cách gì làm ra phương ngôn được, giống như gánh rau làm sao rơi ra một con chíp điện tử?!

Bàn về văn chương, tôi đã từng dẫn lời của triết gia Aristote cho rằng: “Văn chương là nghệ thuật cao nhất vì đạt đến vẻ đẹp đỉnh cao là công bằng trong tâm hồn con người”. Có một nhà thơ chuyên làm thơ vụn nói rằng: công bằng ai chẳng hiểu, đó là điều hiển nhiên.

Trời ơi! Lịch sử của con người là lịch sử của các nhà nước. Nhà nước là cơ quan cao nhất mà con người muốn đặt vào đó vấn nạn giải quyết công bằng. Với sự phát triển của nhà nước Tam quyền phân lập, đó cũng là cách con người mong muốn có được công bằng. Công bằng là cuộc đấu tranh cam go nhất của lịch sử loài người, như giải phóng nô lệ, giải phóng thuộc địa, giải phóng người da đen, giải phóng phụ nữ… Đấy là kiến thức căn bản của lịch sử, vậy mà nhà thơ này nói, công bằng ai cũng hiểu, nó là hiển nhiên… vậy chẳng lẽ anh ta không hiểu việc ra mỗi điều luật, rồi xử án, rồi luật sư tranh tụng phức tạp và khó khăn thế nào sao… Một tư duy như vậy quả là đội sổ về lương tri. Đã đội sổ về lương tri thì thơ chỉ còn là bài ca của dây leo ca tụng cuộc sống ăn bám bên lề.

Tư duy đội sổ về lương tri như vậy mà cũng tự tôn phát ngôn. Lại còn tự tin vào mấy vần thơ vụn của mình. Theo phương ngôn “ thành La Mã không xây trong một ngày” thì một bài thơ ra đời trong một buổi tối chưa đủ thời gian để làm xong cái chuồng gà. Một vạn cái chuồng gà xếp lại có thành lâu đài được không? Vậy vài trăm bài thơ là vài trăm chiếc chuồng gà thì có thành được ngôi nhà cấp bốn? Rồi nhà thơ này còn lớn tiếng tự hào thơ mình có nghệ thuật cao. Hãy thử nhìn Homer đi, ông có nghệ thuật nào ngoài đi sưu tầm đâu, vậy mà là đại thi hào của thế giới đấy. Mặc dù Homer có vĩ đại như vậy, nhưng người đời vẫn gọi ông là thi hào chứ không phải bậc thầy như các triết gia Socrate, Platon hay Aristote. Bởi các triết gia Hy lạp nhất khoát xác định rằng, có ba hạng người:

1- Cao nhất là người sống cho nguyên lý – tức Principe

2- Thứ nhì là nghệ sĩ – biết cách làm – tức Savoir faire

3- Thấp nhất là quan lại cán bộ - thực hành- tức Pratique

Mới làm được ít thơ, mà lại thơ vụn chưa có kịch tính và xung đột mỹ học, lại từ chối giá trị công lý cao nhất của nhân loại, không hiểu đã thành gì mà tung tăng đây? Đã có cả vạn người làm thơ Việt, lúc ra được tập mỏng dính đã tưởng mình là rốn vũ trụ sắp xoay chuyển càn khôn đến nơi, rút cục ít tháng qua đi nước sôi ở đáy chén đâu có biến thành giông tố, và cái rốn vũ trụ kia chẳng có cấu trúc gì khác nào chiếc bánh đa chỉ có thể vang lên vài tiếng giòn tan?!

NHĐ 02/11/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét