Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

25 NĂM, HÀNH TRÌNH GIẤC MƠ VIỆT


BÙI MINH QUỐC

Món quà xuân 2014 dành tặng:

Vợ Hiền Thục và con trai Minh Quân

Hai bạn Bảo Cự - Bạch Yến

Các bạn trong Hội Văn Nghệ Lâm Đồng, tạp chí Lang Bian thời khởi dựng

Cùng toàn thể bạn đọc gần xa của tôi



“Đoàn văn nghệ Langbian xuất phát xuống núi lúc 8 giờ sáng ngày 4.11.1988 : Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hoàng Như Thủy An, Lưu Hữu Nhi Dũ, chiến sĩ lái xe Bùi Thanh Thảo và con chiến mã Lada 49A-3842.Phải nhắc ngay đến Bùi Thanh Thảo và con chiến mã Lada, vì nếu không có những người bạn đường trung thành và tận tuỵ này thì chúng tôi không thể nào làm được cuộc hành trình gần 6.000 cây số từ Nam ra Bắc (và trở về) với thời gian đúng một tháng mười bốn ngày, không phải chỉ đi ban ngày mà cả ban đêm, không chỉ giờ hành chính mà cả đến 11, 12 giờ khuya, không chỉ trên đường lớn mà cả trong những ngõ nhỏ đến với bạn bè văn nghệ khắp dọc đường đất nước”

Đấy là đoạn mở đầu cuốn HÀNH TRÌNH CUỐI ĐÔNG* của bạn tôi Tiêu Dao Bảo Cự, ở phần 1, có dòng ghi chú đặt trong ngoặc đơn bên dưới tên sách : Bút ký về một chuyến đi có thật.Giờ đây, trong đêm đông Đà Lạt sau 25 năm, tôi ngồi đọc lại, không thể không tủm tỉm cười một mình.Bút ký thì đương nhiên phải ghi thật rồi, những việc thật, những người thật, những thời gian và địa điểm thật.Ấy thế mà ông bạn tôi, với quá nửa đời cầm bút, vẫn phải thêm hai chữ “có thật”.Phải chăng Bảo Cự e ngại bạn đọc sẽ khó mà tin nổi có một việc như vậy đã xảy ra, dù ngay giữa hành trình, chúng tôi đã nghe bậc trưởng thượng yêu kính của mình, lão thi sĩ Hữu loan, mấy lần thích thú nhắc đi nhắc lại : “Này, các cậu nghĩ mà xem, văn nghệ sĩ trong phe xã hội chủ nghĩa, một cuộc như thế này của chúng mình là chưa hề có đấy !”.

Là dân làm thơ rất lười ghi chép, giờ đây một lần nữa tôi phải cám ơn Bảo Cự.HÀNH TRÌNH CUỐI ĐÔNG -Bút ký về một chuyến đi có thật giúp tôi nhớ lại nhiều chi tiết mà tôi đã quên.Chẳng hạn giờ đây tôi thấy hiện ra cái buổi sáng 4.11.1988 của 25 năm trước ấy, Hiền Thục vợ tôi bồng thằng cu Boong (Minh Quân) mới gần 5 tháng tuổi đứng giữa sân cơ quan nhìn theo chúng tôi bước lên xe bắt đầu chuyến đi mà sau này nhiều đồng nghiệp gọi là “chuyến đi xuyên Việt”.Trong chuyến đi ấy, chúng tôi đã thực hiện 15 buổi gặp gỡ của Đoàn Văn Nghệ Lâm Đồng với văn nghệ sĩ và công chúng ở bảy tỉnh, chủ động thảo ra và bàn bạc rồi ký chung với lãnh đạo văn nghệ của ba tỉnh Phú Khánh, Quảng Nam – Đà Nẵng, Bình Trị Thiên các kiến nghị gửi Trung ương yêu cầu sớm thể chế hoá nghị quyết 05 của Bộ chính trị - một nghị quyết làm nức lòng văn nghệ sĩ cả nước bởi tinh thần giải phóng sức sản xuất xã hội trên lãnh vực văn hoá văn nghệ.Đặc biệt, tại Nha Trang, chúng tôi đã chủ động đề xuất, viết dự thảo, bàn bạc thống nhất thông qua nội dung với các anh Đào Xuân Quý, Cao Duy Thảo cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Hội văn nghệ Phú Khánh ra một bản TUYÊN BỐ và tổ chức lấy chữ ký tập thể.Đó là bản “Tuyên bố của những người hoạt động, yêu thích văn nghệ và hưởng ứng đổi mới về một số vấn đề thời sự văn nghệ và chính trị hiện nay” (mấy chữ “hưởng ứng đổi mới” là gợi ý trước đó của anh Hồ Nghinh – nguyên bí thư đặc khu ủy Quảng Đà thời chiến tranh (đã qua đời năm 2007), trong một cuộc trò chuyện riêng giữa tôi với anh; xin nêu rõ chi tiết này để tưởng nhớ và ghi ơn anh, một bậc thầy về chỉ đạo đấu tranh chính trị.“Kiến nghị” và “Tuyên bố” có những điểm vẫn luôn là thời sự ngày càng gay gắt trong suốt 25 năm qua cho đến tận giờ :

-… “Cách chức những người có trách nhiệm trực tiếp ở các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương, đặc biệt là ở Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Thông tin, Ban tổ chức chính phủ đã làm trái với nghị quyết của Đảng, thay thế những người không tích cực trong việc thể chế hoá nghị quyết của Đảng…”

- “Vụ tuần báo Văn Nghệ là một điểm nóng trong cuộc xung đột giữa xu thế đổi mới với bảo thủ trên lãnh vực văn nghệ nói riêng và trên toàn xã hội nói chung.Chúng tôi ủng hộ sự đổi mới trên tuần báo Văn Nghệ thời gian vừa qua và phản đối nghị quyết của Ban chấp hành Hội nhà văn cho rằng tuần báo Văn Nghệ có những lệch lạc nghiêm trọng”

- “…một tình trạng nguy hiểm cho đất nước, cản trở sự phát triển, tạo ra một sự đổi mới nửa vời, lời nói không đi đôi với việc làm, làm cho người ta nghĩ rằng Trung ương không quyết tâm đổi mới”. “Nguyên nhân của tình hình này là vấn đề tổ chức cán bộ.Những kẻ bảo thủ không thể thực hiện được đổi mới dù ngoài miệng nói đổi mới.Chỉ có thực sự đổi mới về tổ chức mới thực sự củng cố khối đoàn kết để thực hiện đổi mới.Đề nghị các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thực sự thay đổi về tổ chức, cách chức hoặc thay thế ngay những người phụ trách các cơ quan của Trung ương trong ngành văn hoá văn nghệ cũng như các ngành khác đã tỏ ra chống đổi mới, thiếu tích cực hoặc thiếu năng lực để thực hiện đổi mới”

Từ Nha Trang ra đến Hà Nội, chúng tôi lấy được 128 chữ ký vào “Tuyên bố”(lúc đầu chỉ công bố 118 do chưa kịp tổng hợp đầy đủ).Ngay khi sắp rời gót khỏi Huế thì nhận được điện của tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu quay về, nhưng chúng tôi vẫn quyết định đi tiếp.Tới Hà Nội, việc đầu tiên của tôi là đến bưu điện thủ đô bên Hồ Gươm gửi điện khẩn về cho phó bí thư thường trực tỉnh ủy Nguyễn Duy Anh báo cáo vắn tắt và khẳng định : “…chúng tôi đang chờ gặp Ban bí thư, xong việc sẽ về ngay, các anh yên tâm, mọi việc chúng tôi làm đều đúng điều lệ Đảng, đúng Hiến pháp”.Những ngày ở Hà Nội đầy sôi nổi, hào hứng xen lẫn lo lắng qua các cuộc tiếp xúc với các cán bộ lãnh đạo cao cấp Đào Duy Tùng (ủy viên Bộ chính trị phụ trách văn hoá tư tưởng), Trần Độ, Nguyễn Văn Hạnh (trưởng, phó ban Văn hoá văn nghệ trung ương), Nguyễn Hữu Thọ (chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Phan Hiền (thứ trưởng bộ thông tin).Đúng vào buổi sáng rời Hà Nội ảm đạm và rét căm căm thì báo Nhân dân có bài của trưởng Ban tuyên huấn trung ương Trần Trọng Tân kết “tội” chúng tôi với mấy chữ : “…hoạt động bè phái của một số người trong Hội Văn Nghệ Lâm Đồng”.Ngồi trên xe, mở báo đọc xong, tôi và Bảo Cự cùng bàn việc ứng phó với cơn giông bão sắp kéo tới.Sau này, Nguyễn Trung Thu bạn tôi (tác giả bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” nổi tiếng qua giai điệu của nhạc sĩ Trần Chung) chuyên viên cao cấp ở Ban tuyên huấn trung ương kể với tôi : bộ trưởng bộ công an Mai Chí Thọ định cho bắt chúng tôi ở Thanh Hoá, nhưng sau lại đổi ý.Thông tin này khớp với điều mà Hiền Thục thốt lên ngay khi tôi về đến nhà : ôi trời, thế mà người ta nói anh và anh Cự bị bắt rồi, làm em lo thắt cả ruột !

Thường vụ tỉnh ủy ra chỉ thị (theo lệnh của Ban bí thư) yêu cầu tôi và Bảo Cự viết kiểm điểm.Như đã bàn trước từ hôm rời Hà Nội, chúng tôi “kiểm điểm” bằng một bản báo cáo cả hai cùng ký chung ngày 24 tháng 12.1988 về chuyến công tác.Xin dẫn trích đoạn kết của báo cáo:

“Chúng tôi yêu cầu được công bố toàn bộ văn bản này trên báo Đảng và các báo khác để đồng chí Trần Trọng Tân chính thức viết bài nhận xét và chúng tôi sẽ cùng đồng chí đối thoại trên báo”

“Chúng tôi đòi được đặt toàn bộ việc làm trong chuyến đi vừa qua của mình trước sự xem xét của công luận, với niềm tin sâu sắc rằng mình đã hành động đúng tinh thần nghị quyết Đại Hội Đảng lần thứ VI, đúng Hiến Pháp nước CHXHXN Việt Nam, với tấm lòng và lương tri của một người Cộng sản, một công dân lương thiện bình thường, và sẽ được ghi nhận như một dấu hiệu tích cực góp vào quá trình dân chủ hoá xã hội đang diễn ra không đơn giản”.

Chúng tôi họp hội nghị Ban chấp hành Hội Văn Nghệ Lâm Đồng. Nghe kỹ và thảo luận kỹ báo cáo, hội nghị biểu quyết 100% nhất trí đánh giá những việc làm trong chuyến công tác của chúng tôi là“bình thường, bổ ích, phù hợp với quá trình dân chủ hoá”.Chúng tôi gửi báo cáo lên tỉnh ủy kèm biên bản nghị quyết hội nghị Ban chấp hành Hội. Trong khi lãnh đạo tỉnh nghiên cứu báo cáo, chúng tôi tổ chức họp mặt hội viên, cộng tác viên tạp chí Lang Bian trình bầy báo cáo và nghị quyết của Ban chấp hành Hội về chuyến đi đã gửi tỉnh ủy.Tuyệt đại đa số anh chị em đều nhất trí với đánh giá của Ban chấp hành Hội.

Nghe tin tỉnh ủy dự tính sẽ khai trừ cách chức tôi và Bảo Cự, trí thức văn nghệ sĩ trong và ngoài Đảng ở Đà Lạt và các nơi đều gửi thư, kiến nghị bày tỏ ý kiến can ngăn đến lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Trung ương.Các anh chị Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh, Đặng Việt Nga cùng 12 anh chị cán bộ đảng viên khác đã ký kiến nghị và cử đại diện đem trao trực tiếp cho phó bí thư thường trực tỉnh ủy.

Mọi người đều thấy : rõ ràng lẽ phải thuộc về chúng tôi - Bùi Minh Quốc, Bảo Cự.

Nhưng bí thư tỉnh ủy Nguyễn Xuân Du (Tám Cảnh) vẫn ký quyết định khai trừ, cách chức tôi và Bảo Cự.Nội dung cốt lõi để kết “tội” ghi trong quyết định kỷ luật là “hoạt động bè phái” .Tôi và Cự bảo nhau : án kỷ luật đã được định trước từ bài báo của Trần Trọng Tân, mà gốc là từ Ban bí thư.

Ở Hội nhà văn Việt Nam, liên tục tại Đại hội lần thứ 4 họp tháng 10.1989 và Đại hội lần thứ 5 họp tháng 3.1995, vấn đề Bùi Minh Quốc, Bảo Cự và Hội Văn Nghệ Lâm Đồng luôn làm nóng diễn đàn với hàng loạt phát biểu của các văn nghệ sĩ tiêu biểu ủng hộ bênh vực bảo vệ chúng tôi, bảo vệ lẽ phải.Hai tràng vỗ tay vang dội nhất, dài nhất của đại hội là dành cho phát biểu của trưởng Ban văn hoá văn nghệ trung ương Trần Độ (do phó ban Nguyễn Văn Hạnh đọc thay) và nhà văn Trần Thùy Mai. Trong bài diễn ca tường thuật Đại hội 4, nhà thơ Nguyễn Duy có câu “Thùy Mai nước mắt lưng tròng/Cõng Bùi Minh Quốc thoát vòng hiểm nguy”.Quả thật, giọng chị Mại có lúc nghẹn lại như muốn khóc.Cái hình ảnh nhỏ nhắn mảnh mai với giọng Huế ngọt ngào của Trần Thùy Mai trên diễn đàn giữa hội trường Ba Đình đã hiện thành một biểu tượng sáng đẹp mãi mãi của tình đồng nghiệp cầm bút chiến đấu cho lẽ phải.Tại Đại hội lần thứ 5, nhà văn Xuân Cang trưởng Ban kiểm tra Hội nhà văn Việt Nam công bố bản báo cáo của Ban khẳng định“những hoạt động của hai nhà văn Bùi Minh Quốc, Bảo Cự trong chuyến đi tháng 11 – 12/1988 là bình thường, bổ ích, phù hợp với quá trình dân chủ hoá, không có biểu hiện bè phái”.Đây là điều đặc biệt tôi chưa thấy có tiền lệ : tiếng nói bênh vực chúng tôi được cất lên không phải chỉ từ những cá nhân mà từ một tổ chức - Ban kiểm tra Hội nhà văn Việt Nam Có lẽ vì vậy mà cũng trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 5 Hội nhà văn Việt Nam, Tổng bí thư Đỗ Mười mời gặp tôi.Cuộc gặp diễn ra gần 2 tiếng đồng hồ vào buổi tối ngày 17.03.1995 tại trụ sở Ban bí thư số 4 Nguyễn Cảnh Chân.Tổng bí thư và hai ủy viên Bộ chính trị Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình cùng dự đã nghe tôi trình bày toàn bộ sự thật về chuyến đi như đã báo cáo với tỉnh uỷ và Ban chấp hành cùng đông đảo hội viên Hội Văn Nghệ Lâm Đồng.Kết thúc buổi gặp, Tổng bí thư Đỗ Mười hứa với tôi : “Tôi sẽ cho Ban tổ chức trung ương và Ủy ban kiểm tra trung ương tìm hiểu nắm rõ lại vụ việc và có văn bản kết luận gửi đến anh”.

Nhưng Tổng bí thư Đỗ Mười đã không thực hiện lời hứa, không phải vì quên mà là cố ý, bởi trong vòng 2 tháng sau cuộc gặp ấy, tôi đã 2 lần gửi fax nhắc Tổng bí thư món nợ văn bản kết luận như đã hứa.

Một món nợ chính trị và văn hoá.

Món nợ Quyền Dân

Trong một số bài viết, tôi đã hơn một lần nhắc Tổng bí thư Đỗ Mười cùng các vị kế nhiệm Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, và hôm nay qua bài viết này nhắc vị đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng, về món nợ chính trị và văn hoá ấy.Và không chỉ với riêng chúng tôi - Bùi Minh Quốc, Bảo Cự.Mà với tất cả các đảng viên và công dân thuộc tất cả các gia đình Việt Nam đã theo Đảng lên đường chiến đấu cho Tổ Quốc và Quyền Dân từ Cách mạng Tháng Tám 1945.

Khi bị khai trừ, tôi và Bảo Cự cùng xác quyết với nhau : Họ khai trừ chúng ta ra khỏi Đảng nhưng dứt khoát không bao giờ có thể khai trừ nổi phẩm chất, bản lĩnh, khí phách người chiến sĩ cách mạng tiền phong gương mẫu gắn bó máu thịt với Nhân Dân (đã được ghi trong điều lệ Đảng) ra khỏi con người chúng ta.Một thực tế không thể chối cãi 25 năm qua cho thấy, cùng với việc khai trừ Bùi Minh Quốc, Bảo Cự thì hầu hết những người trong cơ quan lãnh đạo tối cao đã “tự diễn biến” theo chiều hướng xa rời đi đến phản bội lập trường Tổ Quốc trên hết, Quyền Dân trên hết; phản bội điều lệ Đảng, phản bội một thời hăng say trong sáng của chính bản thân, họ không ngừng tự khai trừ mình ra khỏi phẩm chất người chiến sĩ cách mạng tiền phong gương mẫu gắn bó máu thịt với Nhân Dân, và cuối cùng tự bộc lộ một cách ngang nhiên là những phần tử lấy xương máu đồng chí đông bào dựng thành ngai ghế vua quan cách mạng, kết thành một thế lực bám ghế đè dân mà cựu chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An gọi bằng cái tên rất xác đáng : “Vua tập thể”.

Tôi vừa đọc thông điệp đầu năm 2014 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – một trong 5 thành viên chủ chốt của “Vua tập thể” - khẳng định hùng hồn“phải đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”, “Đảng phải nắm ngọn cờ dân chủ”.Mấy lời này không có gì mới, nhưng hơi hướng thì mới và tạo được dấu ấn cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tiếp có những phát biểu với nội dung rất đỗi bảo thủ, cũ kỹ và thái độ thì phải nói thẳng là hư hỏng.(xin mở ngoặc nói cho rõ : “cũ kỹ” và “hư hỏng” là hai cặp từ trong di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi thấy rất khớp với trường hợp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà biểu hiện điển hình là phát biểu tại Vĩnh Phúc và hành động chỉ đạo Quốc Hội biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi 2013).

Thông điệp đầu năm 2014 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được công luận quan tâm đặc biệt.Phần lớn ý kiến của giới quan sát đều hoan nghênh nhưng đầy hoài nghi và lo lắng : nói rất hay nhưng có làm không ?

Có làm không ?

Xin phép nhắc lại lời cảnh báo rất quan trọng 25 năm trước trong TUYÊN BỐ với chữ ký của 128 công dân đã nêu trên về tình trạng “đổi mới nửa vời, lời nói không đi đôi với việc làm” .Tôi hy vọng sức ép của một “thực tiễn tự tìm đường” (cụm từ của cố thượng tướng Nguyễn Nam Khánh) đã đủ chín muồi để giúp thủ tướng, dù thâm tâm mưu tính vị kỷ thế nào, có đủ thức thời để xác quyết rằng nếu không bắt tay ngay vào một kế hoach chu đáo có tính khả thi tính hiệu quả đáng tin cậy để làm cho bằng được những điều mình nói thì chỉ càng đẩy nhanh tốc độ tự sát về chính trị và văn hoá. Trong danh sách ký tên “KIẾN NGHỊ 72” góp ý sửa đổi dự thảo Hiến pháp 1992 gồm những người khởi xướng và hưởng ứng lên đến 15 ngàn chữ ký, tôi vui mừng gặp lại những tên tuổi tiêu biểu đã xuất hiện trong “Kiến nghị” và “Tuyên bố” 25 năm trước : Cao Duy Thảo, Nguyễn Trung Dân, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh, Trần Thùy Mai, Trần Kỳ Trung...Mỗi tác giả ấy đều có hàng ngàn, hàng chục ngàn người đọc ngưỡng mộ và tin tưởng.Và mỗi người đọc lại có hàng chục người thân và bạn hữu cùng chia sẻ niềm tin. 15 ngàn chữ ký khởi xướng và hưởng ứng “KIẾN NGHỊ 72” góp ý sửa đổi dự thảo Hiến pháp 1992 cùng sự ra đời gần đây của các hội đoàn do công dân tự hình thành và phát triển“làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm”chỉ là phân nổi của một khối ngày càng lớn những công dân - cử tri đang đẩy nhanh tốc độ tự xây dựng mình thành những công dân – cử tri – chiến sĩ, chủ thể chủ lực của tiến trình dân chủ hoá.

Đà Lạt đêm 31/12/2013, sáng 02/01/2014

BMQ

_____

* Xin mời vào Google gõ “Tiêu Dao Bảo Cự/Hành trình cuối đông” để đọc toàn bộ

Nhà thơ Bùi Minh Quốc gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét