Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

CƠ CHẾ ĐÔNG TÀN LÀM SAO THẤY GIẢI MÙA XUÂN ?

Nguyễn Hoàng Đức

Mùa xuân đang đến qua từng lọn gió nam tinh khôi trở về cùng những cánh chim én tung tăng bay lượn trong bầu trời đã buông rơi giá lạnh. Mùa xuân làm cho sự sống hồi sinh, và tất cả chúng ta như được phục sinh cùng muôn vàn cây cỏ đang bung mầm muôn hoa ngàn tía. Mùa xuân dạy con người điều gì nhiều nhất? Có lẽ đó là vũ trụ đã cải lão hoàn đồng – vạn vật luân hồi trong một chu kỳ khai sinh mới. Nếu không như vậy thì sự sống trên hành tinh là ù lỳ bất động, vạn vật khô cứng héo úa tàn phai xơ xác.Một dòng sông không chảy nước sẽ tù đọng và thối. Triết gia Nietzsche nói “con rắn không lột da sẽ chết”. Như vậy con rắn muốn lớn mà không lột da, tức là cởi tấm áo chật chội của mình thì sẽ không thể nào lớn được, lớp da đó sẽ chính là nhà tù ứ đọng cho thân xác của rắn. Và kỳ diệu thay, thiên nhiên chính là bài học của ông thầy tự nhiên, năm rắn đang lột da để biến thành năm ngựa.

Vậy mà hãy nhìn xem giải thưởng văn học năm 2013 vẫn rủ nhau lục tục chui vào da của một con rắn già nua. Con rắn có lẽ là con bị nguyền rủa nhiều nhất thế giới. Ngay trong Kinh Thánh, mở màn thời Sáng thế, vì con rắn xui Eva ăn trái cấm mà Chúa Trời nguyền rủa: ngươi phải bò bằng bụng, bị chân của đàn bà dẫm đạp lên, cả đời rúc ráy chui lủi trong xó tối và bụi rậm. Và ác quỉ cũng như thuốc độc được biểu hiện chỉ cần hình con rắn.

Dẫu vậy lợi ích của con rắn rất lớn, vì hình thù nhỏ bé, lại trườn bằng bụng, nên nó dễ dàng trườn vào bóng râm, gầm ghế quyền lực và các giải thưởng. Ở đâu nó cũng bò vào được, ngay cả cung vua, phủ chúa, ngai vàng bò vào ngon ơ?! Ngược lại con ngựa thì hí những tiếng kiêu hùng, xông pha trận mạc trường chinh khói lửa, sẵn sàng mang vinh quang “da ngựa bọc thây”. Nhưng mà ngang trái thay bi kịch của thiên nhiên. Một con lợn đần độn có thể nhai cả trăm con rắn bắt chấp các loại nọc độc. Tại sao? Vì con lợn căn cứ vào tính mục đích của mình, nó thường xuyên hiến thịt và tiết canh cho nhân loại, nên nó không coi cái loại rúc ráy xó xỉnh chỉ được vài lạng ngâm rượu là gì! Nhưng một con ngựa kiêu hùng chẳng hề sợ đại bác, khói lửa lại rùng mình trước con rắn bé hơn mình cả ngàn lần. Tại sao? Ở đời quân tử vẫn ngán tiểu nhân là bình thường, như người Việt nói “không rây với hủi”. Nhà bác học vĩ đại Einstein nói: Không thể chiến thắng bọn ngu vì thế lực của chúng rất đông. Con ngựa kiêu hùng minh bạch là vậy, nó không thể làm sao hiểu được có thứ rúc ráy không cất được tiếng kia, nhỏ xíu mà làm bộ khôn ranh nguy hiểm… và nó ngán như bậc quân tử không dám rây với tiểu nhân?!

Đây là những lời bàn muốn làm quà tặng cho mùa xuân. Giờ đi thẳng vào vấn đề, chúng ta thử xem giải thưởng văn học 2013 có lột được qui mô của “xác rắn” nặng trong tầm một kilo? Trong bài “Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2013. Tự làm khó mình? Tác giả Hà Ngân có viết:

Giải thưởng thường niên năm nay người ta thấy phần lớn là những gương mặt hoặc đã quá “nhàu” hoặc lạ hoắc như thể không còn gì để xếp đầy “mâm cỗ tất niên”, nên đành vậy. Bởi lẽ, như luật bất thành văn, cứ đến mùa thứ 5, mùa của giới văn nhân, bao giờ mà chẳng có giải, giống như các cụ nhà ta thường bảo “cỗ nào chẳng có thịt gà”, năm hết Tết đến, không có giải, mất vui. Vì thế, không ít người cho rằng Hội Nhà văn đang tự làm khó mình xem ra cũng có lý.

“Méo mó, có hơn không?”

Giải thưởng năm nay được trao cho các tác phẩm: tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí; tập tiểu luận và bút ký về nghề văn Phút giây huyền diệu của Ma Văn Kháng; tập thơ Những lớp sóng ngôn từ của Mã Giang Lân; …” Và:

“Tất cả những người được giải năm nay đều thuộc lớp tuổi U 60, trẻ nhất là Nguyễn Trí (sinh năm 1958), tiếp đến là Nguyễn Văn Thái (sinh năm 1945), rồi đến Mã Giang Lân (sinh năm 1941) và cuối cùng là Ma Văn Kháng (sinh năm 1936). Như vậy, có thể nói, không có gương mặt nào trẻ về tuổi đời được giải năm nay.”

Như vậy có chứng tỏ, giải thưởng chỉ quanh quẩn chui vào lớp da già không chịu lớn của con rắn bé tẹo?

Thời dân chủ khác thời vua chúa là gì? Vua chúa thì cứ cha truyền con nối. Trái lại dân chủ là do dân bầu lên lãnh đạo bằng lá phiếu. Vì thế trong thời dân chủ, tổng thống, thủ tướng mất chức như bỡn chỉ sau vài tuần mất phiếu tín nhiệm của các cử tri. Giải thưởng Hội Nhà văn lâu nay lẹt đẹt quá, đã đến lúc chúng ta được quyền xác định: tài năng của các vị còn thấp kém và thiếu minh bạch lắm, cây xấu làm sao ra quả tốt, các vị chỉ phát hiện ra thơ phân tươi, nhân vật Năm Trì gãi háng, văng đếch vào thơ, hay mấy thành viên hội đồng chịu khó thập thò, đạo văn ngay đầu đề như “Giờ thứ 25” … Đã đến lúc quí vị nên tự hỏi tài năng, nhân cách của mình có tương ứng với giải thưởng? Hay quí vị là “cha truyền con nối” thấy mình được ngồi vào ghế là cứ thế phán truyền?

Để hiểu rõ điều này, chúng ta nên tìm hiểu qua một cây bút “nằm trong chăn lâu ngày” thấy rất rõ các loại rận to bé. Trong bài “Giải thưởng văn chương và những sự bất thường”, tác giả Hoài Nam viết:

“Hãy nói về quy trình xét giải. Chẳng cần mất công nhiều lắm, người nào chịu để ý cũng sẽ thấy rằng quy trình xét giải trong các giải thưởng văn chương ở ta khá là nhiêu khê. Các ban bệ và hội đồng thường xuyên chồng chéo. Có hội đồng thơ, hội đồng văn xuôi, hội đồng văn học dịch, rồi lại thêm cả ban văn học an ninh quốc phòng, ban văn học dân tộc và miền núi, ban văn học thiếu nhi. Tác phẩm dự giải không lọt qua hội đồng thể loại này thì có thể chui vào ban văn học đề tài kia, cứ thế nháo nhào. Sự nháo nhào vẫn tiếp tục: sau xét giải ở cấp sơ khảo, là đến cấp chung khảo. Sẽ không có vấn đề gì hết nếu sau cấp sơ khảo, thành phần chấm giải cấp chung khảo là những người khác, những cây bút có thẩm quyền chuyên môn cao hơn, những uy vọng lớn của văn giới. Nhưng trớ trêu, cấp chung khảo thường chỉ là phép cộng giữa một phần vốn có của cấp sơ khảo với một phần là những người không mấy liên quan, nếu không muốn nói là hết sức “á ớ u ơ ngọn bút chì”, trước chính cái tác phẩm mà họ được trao cho quyền đầu phiếu. Với một quy trình xét giải như vậy, cộng với một tiêu chí xét giải như đã nói ở trên, việc tìm ra cho được những tác giả, tác phẩm xứng đáng nhất hầu như bao giờ cũng là mục tiêu khó đạt. Hay nói cách khác, chỉ có thể tìm ra những tác giả, tác phẩm xứng đáng nhất theo sự tùy hứng, theo ý chí chủ quan đồng bóng, thậm chí theo lợi ích của những người tổ chức giải thưởng mà thôi. Còn đối với đời sống văn chương và đối với độc giả, giải thưởng ấy mang rất ít ý nghĩa tích cực.

Nhưng đó vẫn chưa phải hậu quả xấu nhất. Điều đáng nói, và đây chính là dấu hiệu bất thường thứ hai: cung cách chấm giải, xét giải như vậy đã tạo tiền đề để khiến không ít nhà văn – nếu còn có thể gọi họ là nhà văn – đánh mất tư thế đàng hoàng của người cầm bút. Chẳng là vậy sao, khi một tác giả nào đó phải “vận động ngầm”, phải “đi cửa sau”, phải “ngỏ lời nhắc khéo” để xin từng lá phiếu của các thành viên ban giám khảo? Những nhà văn có thực tài và có tư cách không bao giờ “làm ăn” theo kiểu… bầy hầy như thế.”

Có phương ngôn “Không có tiêu chí thì không tìm ra người thắng cuộc”. Nếu không có tiêu chí thì anh chọn người được giải gì? Giả sử như thi người đẹp, người ta qui định trước hết là đàn bà (đàn ông không thể thi), chiều cao, ba vòng đo, rồi thi ứng xử. Thi hát là giọng hay vẫn có người xấu nhất đoạt giải cao nhất. Thi múa thì không cần hát. Nếu hội kia muốn cho giải mấy ông già liền rỉ tai nhau thi râu thì ông già sẽ thắng, thi ngực phồng thì gái trẻ sẽ thắng. Nếu lấy mức phân tươi hay văng tục làm nồng độ mỹ học thì ai đó văng được nhiều phân và tục nhất phải được giải nhất. Và cũng có phương ngôn “không có anh hùng trong mắt kẻ hầu phòng”, nếu chỉ là tư duy à ơi mua vui tiểu nông hát xướng mấy câu thơ cảm xúc lèo tèo lại mang sẵn lòng đố kỵ thì mấy chiếc kèn lá u ơ có đủ tầm phát hiện ra một đại phong cầm không?

Đã đến lúc chính những người chấm giải phải bị chấm lại. Và không thể có ban giám khảo được chăng hay chớ văn học bụng muốn chấm thế nào thì nên thế đó. Chúng ta hãy nghe tác giả Hà Ngân viết (bài nt):

“Thiết nghĩ, một hội nghề nghiệp có uy tín và đã ra đời cách đây gần 60 năm (1957) như Hội NVVN cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một bộ tiêu chí nào làm cơ sở khoa học cho sự định giá tác phẩm văn chương. Nếu có bộ tiêu chí thực sự khoa học để đánh giá tác phẩm cũng như công khai quá trình xét chọn tác phẩm, thì chắc chắn sẽ giảm thiểu đến mức tối đa sự ỉ eo, đàm tiếu của dư luận về những áp lực từ lợi ích nhóm, từ những việc tiêu cực (nếu có), từ quan hệ thân sơ, những lá phiếu cảm tính và nhất là sự tắc trách trong khâu đọc và thẩm định tác phẩm.”

Anh sáng tạo, anh đề cao cảm xúc thế nào đó là việc của anh, nhưng khi muốn thẩm định người khác, anh không thể dùng văn học bụng tùy tiện cảm tính mà đánh giá. Không có tiêu chí của lý trí thì chỉ là cách quần sắn móng lợn à uôm ao chuôm nhảy đại vào văn học, rồi leo lên bục lĩnh giải cả người xét giải lẫn người nhận giải vẫn chỉ là chân dính bùn đội vương miện cỏ tươi mà thôi. Vương miện này không bao giờ bằng vàng mà nó sẽ héo trong một vài tháng. Và việc các cây bút trong biên chế cán bộ viết văn, xã viên làm thơ được giải vẫn đói giải. Tại sao? Vì giải trên đầu đã héo nên muốn đội vào cái khác. Giải thưởng như vậy có khác gì đồ chơi tập trận của đám trẻ trâu?!

NHĐ 25/01/2014

Tác giả gửi cho NTT blog



1 nhận xét: