Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

VỀ VIỆC NHÀ THƠ, ĐẠO DIỄN ĐIỆN ẢNH ĐỖ MINH TUẤN “XIN RÚT KHỎI VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP”

Văn Việt

10-08-2014

Khi biết tin về việc thành lập Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập, tôi nghĩ đây là một hoạt động dân sự lành mạnh, có ích cho xã hội và hợp pháp trong bối cảnh nước ta đang ngày càng hội nhập vào thế giới nên đã gửi thư xin tham gia và đã được các anh chị chấp nhận. Tôi hiểu rằng, Văn đoàn độc lập chưa được cấp phép hoạt động nên việc ghi danh vào Ban Vận động chỉ là để xúc tiến việc thành lập với các thủ tục pháp lý do pháp luật quy định, cho nên, việc ghi tên trong danh sách Ban Vận động thành lập Văn đoàn không có nghĩa mình đã nghiễm nhiên trở thành hội viên chính thức của Văn đoàn độc lập.

Tuy nhiên, thật không ngờ, sau khi ghi tên vào danh sách Ban Vận động, tôi đã nhận được rất nhiều phản ứng tiêu cực từ các tổ chức, cơ quan, gia đình và bè bạn như thể tôi đang tham gia vào một tổ chức phản động, đối lập thậm chí còn nguy hiểm hơn cả Nhân Văn Giai Phẩm ngày xưa. Gia đình lo lắng, bạn bè bị tổn thương, các đối tác không tiếp tục hợp đồng… khiến tôi chưa tham gia được việc gì với Văn đoàn mà cuộc sống đã gặp nhiều đe doạ, cuộc sống gia đình đã chịu nhiều ảnh hưởng.


Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ tham gia tổ chức chính trị nào kể cả Đảng CSVN, nay gặp những đe doạ quyết liệt mang tính chất sống còn giành cho những người tham gia tổ chức chính trị đối kháng như vậy, tôi rất bất ngờ, hoang mang và lo lắng, không biết nên xử lý ra sao.

Tôi nghĩ rằng việc ghi tên vào danh sách Ban vận động cũng chỉ là một cách tỏ thái độ ủng hộ việc này, chứ tôi chưa hề có một đóng góp cụ thể nào cho công việc của Ban vận động. Không làm được gì cho Văn đoàn mà lại làm cho những người thân bạn bè và xã hội lo lắng, hồ nghi và xa lánh. Mặt khác, cũng đã có nhiều anh chị em tâm huyết và có vai trò tích cực hơn tôi đã xin rút tên do nhiều lý do khác nhau.

Do vậy, sau một thời gian suy nghĩ, cân nhắc, tôi viết thư này xin được rút tên khỏi danh sách Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập với ý nguyện rằng khi Văn đoàn được chính thức cấp phép thành lập với các tiêu chí rõ ràng và các tiêu chuẩn hội viên cụ thể tôi sẽ nộp đơn xin được tham gia với tư cách là Hội viên của Văn đoàn.

Chúc sức khoẻ các anh chị và chúc cho Văn đoàn độc lập sớm được thành lập chính thức để đi vào hoạt động.

Thân mến,

Đỗ Minh Tuấn

______

BVĐ xin trả lời ông như sau:

1/ BVĐ xin trân trọng cảm ơn nhà thơ, đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn về lá thư thể hiện rõ ý kiến và nguyện vọng của ông, quan điểm và tình cảm của ông với Văn đoàn (sẽ ra đời trong tương lai), với việc thành lập cũng như hoạt động của BVĐ; nói rõ nguyên nhân khách quan buộc ông phải rút tên khỏi BVĐ.

2/ Tuy nhiên, BVĐ cần thưa lại với ông về hai lầm lẫn trong thư của ông:

- Tiêu đề lá thư viết chưa chính xác: ông “xin rút khỏi Văn đoàn Độc lập”, nhưng Văn đoàn chưa ra đời, vậy chúng tôi hiểu là ông “xin rút khỏi BVĐ VĐL”.

- Ngay cả khi hiểu như vậy, cũng vẫn có sự nhầm lẫn đáng tiếc vì ông chưa hề có tên trong danh sách chính thức của BVĐ (danh sách này luôn có mặt ở trang chủ của website: vandoandoclapvietnam.org)

3/ Sự thực là nhà thơ, đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn chỉ có tên trong danh sách những người “hưởng ứng và đăng ký tham gia VĐĐLVN”, nhưng vì thư đăng ký của ông đến sau ngày BVĐ tuyên bố ra mắt và ngưng nhận mọi sự gia nhập (3/3/2014) nên chúng tôi đã xác định rõ: “Ban Vận động VĐ ĐL VN xin trân trọng cảm ơn sự hưởng ứng của quí vị và xin hẹn làm việc chính thức với quí vị khi nào Văn đoàn ra mắt”.

Điều này có nghĩa rất rõ ràng là ông Đỗ Minh Tuấn chưa hề có tên trong bất cứ thiết chế, tổ chức nào liên quan đến mấy tiếng “Văn đoàn Độc lập”.

4/ Tuy nhiên, để tránh cho nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn bị những kẻ xấu gây phiền hà và gia đình ông lo lắng không cần thiết, BVĐ đã bỏ tên ông khỏi danh sách “những người hưởng ứng…” trên Văn Việt: Hưởng ứng Văn đoàn độc lập Việt Nam).

5/ Trong thư của ông Đỗ Minh Tuấn có câu: “Mặt khác, cũng đã có nhiều anh chị em tâm huyết và có vai trò tích cực hơn tôi đã xin rút tên do nhiều lý do khác nhau” là không chính xác. Cho đến nay, trong số 05 (năm) người xin rút tên khỏi BVĐ (trên tổng số 61) chỉ có nhà văn Nguyễn Quang Lập là người đã đóng góp nhiều công sức cho trang mạng Văn Việt đã tuyên bố rút tên ra mọi tổ chức mà anh từng tham gia (Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, BVĐ VĐ ĐLVN), nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (Canada) rút khỏi BVĐ vì lý do công việc nhưng vẫn đóng góp tích cực vào trang Văn Việt, ba người khác chưa đóng góp gì nhưng 1 người xin rút vì lý do sức khoẻ và 2 người nói rõ là vì bị gây phiền hà ở cơ quan.

Lá thư của nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn một lần nữa tố cáo trước công luận Việt Nam và thế giới tình trạng khủng bố hoàn toàn trái pháp luật đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Điều nghiêm trọng là nó đánh vào cả những tên tuổi nổi tiếng với công chúng văn nghệ, chứng tỏ sự bất chấp pháp luật và các quyền con người, quyền công dân của một số cơ quan quyền lực nào đó đã ở mức trắng trợn, ngang nhiên coi thường mọi cam kết của Nhà nước Việt Nam với nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh áp lực về cải thiện nhân quyền và dân chủ hoá như một điều kiện thiết yếu để Việt Nam nhận được sự trợ giúp hữu hiệu của Hoa Kỳ và các nước dân chủ trong việc bảo vệ lãnh thổ trước hoạ xâm lăng China, những hành vi như thế mang tính chất phá hoại công cuộc chống xâm lăng, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam

Nguồn: Văn Việt


———


Đào Tiến Thi: THẤY GÌ QUA BỨC THƯ CỦA BÁC ĐỖ MINH TUẤN

10-08-2014

Tác giả Đào Tiến Thi

Bình luận bằng một comment của độc giả Đào Tiến Thi:

Qua bức thư của bác Đỗ Minh Tuấn tôi thấy như sau:

1. Ở đất nước ta hiện nay, không có một hành động (tự nguyện) nào vì độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, vì nền dân chủ của xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, mà không bị gây sách nhiễu.

Biểu tình phản đối Trung Cộng xâm lược, viết bài, đưa kiến nghị về bảo vệ Tổ quốc, về dân chủ hoá xã hội, các hành động bênh vực dân oan mất đất,… tất cả đều có thể bị quy kết, nhẹ thì bị kiểm điểm là “suy thoái đạo đức, tư tưởng”, nặng thì trở thành “thế lực thù địch”, bị “quần chúng tự phát” bôi xấu, hăm doạ, hành hung; bị cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình phàn nàn, hạn chế một số hoạt động (và tất nhiên đường thăng tiến chấm dứt), thậm chí có thể bị mất việc; nặng hơn nữa thì bị truy tố, bỏ tù.

Bác Đỗ Minh Tuấn bất ngờ về những điều trên còn tôi thì lại bất ngờ vì sự bất ngờ của bác. Nhưng qua đây cũng thông cảm với bác. Chính vì bất ngờ nên bác cảm thấy sức ép nó lớn hơn thực tế. Nhưng qua đây lại có một thú vị khác: Ở chế độ tươi đẹp của chúng ta, sao cứ muốn làm người tốt, làm việc tốt là bị ngăn chặn? Vậy chúng ta đang sống trong xã hội gì đây? Vậy thì những kẻ chuyên đi chống lại người tốt, việc tốt thì tự cái việc đó chống lại họ chứ cần ai chống nữa mà lúc nào họ cũng lu loa về những kẻ “chống đối”?

2. Bác viết “như thể tôi đang tham gia vào một tổ chức phản động, đối lập thậm chí còn nguy hiểm hơn cả Nhân Văn Giai phẩm ngày xưa”. Tôi hiểu “như thể” tức là gia đình, bạn bè, tổ chức hiểu lầm , chứ đâu phải là phản động thật? Vì Nhân văn giai phẩm, đến giờ đã rõ mười mươi không phải là phản động, trái lại, ở đấy toàn là tốt và người tài. Hồi ấy nếu ý kiến của họ được lắng nghe thì đất nước đâu đến đứng trước vực thẳm như bây giờ? Vụ Nhân văn đã chứng tỏ sự nhạy cảm và dũng cảm của một bộ phận văn nghệ sỹ đương thời và sai lầm thuộc về bộ phận bảo thủ, độc tài trong đảng cầm quyền. Vết nhọ ấy của đảng cầm quyền, lẽ ra bây giờ không nên tái diễn.

Tôi cũng đã bị rất nhiều sức ép. Riêng việc đăng ký tham gia Văn đoàn Độc lập (giống như bác, chỉ mới đăng ký) thì bạn bè tôi ở hội văn nghệ cũng đã phản đối quyết liệt, nhưng tôi chỉ hỏi lại họ: 1. Tham gia VĐĐL có phạm pháp không? Có trái điều lệ của hội ta không? 2. Bạn có cảm thấy bạn đã làm tròn trách nhiệm của một văn nghệ sỹ đối với đất nước chưa? Nếu có một tổ chức giúp cho bạn làm tròn trách nhiệm đó thì bạn có tham gia không?

3. Không tham gia VĐĐL không có nghĩa là rút khỏi thiên chức nhà văn, không làm gì cho đất nước nữa. Có muôn nghìn cách để đóng góp cho đất nước.

Chúc bác Đỗ Minh Tuấn mạnh giỏi.

Đào Tiến Thi

—–


NHÂN VIỆC ÔNG ĐỖ MINH TUẤN RÚT KHỎI TỔ CHỨC MÀ ÔNG CHƯA TỪNG VÀO

Phạm Nguyên Trường: Nhân việc ông Đỗ Minh Tuấn xin ra khỏi tổ chức mà ông chưa từng vào, xin Post lại bài viết của mỗ trên Talawas về ông cách đây gần 10 năm.

Phạm Nguyên Trường

Ngàn năm bia miệng


Tác giả Phạm Nguyên Trường

Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi

Câu trả lời thật không dễ dàng chi

(Thơ Nguyễn Trọng Tạo)

Trong bài viết ngày 21 tháng 7 ông Đỗ Minh Tuấn lại nhắc nhiều đến nhóm Nhân văn – Giai phẩm và so sánh hoàn cảnh của mình vào những năm 1976-1977 với cái sự kiện xảy ra cách đó chừng hai chục năm, rồi cho rằng mình cao tay hơn, thông minh hơn, biết lựa thời thế hơn các nhân vật chủ chốt của vụ án ấy. Nhiều người trực tiếp tham gia Nhân văn – Giai phẩm nay đã không còn, số còn thì có lẽ đã già yếu quá chẳng thể lên tiếng trả lời được. Tôi, một kẻ hậu sinh, hiểu biết về vụ án cùng những người Nhân văn – Giai phẩm không nhiều nhưng cũng xin có đôi lời thưa lại như sau: Hoàn cảnh của ông vừa giống lại vừa rất khác hoàn cảnh của họ, nhiều việc họ không thể làm, dù có muốn, chứ không phải những người đã từng vào sinh ra tử như vậy lại sẵn sàng thúc thủ, sẵn sàng chấp nhận những bản án khắc nghiệt dành cho mình một cách dễ dàng đến thế. Nhưng xin được trình bày từng vấn đề cụ thể.

Mọi cuộc cách mạng đều ăn thịt những đứa con của mình. Đấy không chỉ là một câu nói có tính tượng trưng. Tất cả các cuộc cách mạng tư sản đã từng như thế: Các lãnh tụ cách mạng đều bị giết hoặc phải rút khỏi vũ đài chính trị, các đảng phái cách mạng đều bị giải tán hoặc thay đổi đường lối hoạt động, các phương pháp trấn áp trong cách mạng được thay bằng biện pháp ôn hoà, pháp trị vân vân và vân vân. Các cuộc cách mạng ấy phải ăn thịt những đứa con của mình vì phương pháp bạo động trong giai đoạn cách mạng đã không còn phù hợp nữa, công cuộc xây dựng trong thời bình cần những con người khác, những phương pháp khác. Nhưng cách mạng cộng sản thì không thế. Nó cũng ăn thịt những đứa con cưng của mình, nhưng khác với các cuộc cách mạng trong quá khứ: Trên cái bàn tiệc đẫm máu và nước mắt của nó có những món được chừa lại, có những “hạt giống” được để dành cho “mùa sau”. Cách mạng Nga đã ăn thịt Dinoviev, Kamenev, Bukharin, Trotski… và chừa lại Stalin. Cách mạng Trung Quốc đã ăn thịt Lưu Thiếu Kì, Bành Đức Hoài… nhưng chừa lại Mao Trạch Đông. Vì sao lại như thế? Vì rằng cách mạng cộng sản là một cuộc cách mạng trường kì, miên viễn; các biện pháp trấn áp không phải là nhất thời mà phải trở thành thường trực. “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền lại càng khó hơn” đã trở thành câu nói cửa miệng của các lãnh tụ cộng sản. Sau cách mạng những người tin tưởng tuyệt đối vào lời rao giảng về một thiên đường trên cõi thế, về một cuộc sống hạnh phúc và tự do muôn đời của nhân dân lao động đã trở thành những con chiên ghẻ, bị nguyền rủa và phải bị loại bỏ. Chỉ những kẻ có ích cho việc xây dựng một bộ máy với đầy đủ các thang bậc, với tôn ti trật tự và đặc quyền đặc lợi của một giai tầng mới là được sống, được đẩy lên cao mãi, được trở thành “tiếng nói và lương tâm” của giai cấp, của nhân dân và của thời đại. Người cộng sản chân chính lúc này phải là người có hai phẩm chất quan trọng: cuồng tín và hám quyền. Một người tham gia cách mạng mà lại không có hai phẩm chất nổi trội ấy thì chỉ nên tự trách mình mà thôi, lịch sử luôn luôn tiến về phía trước, nó không biết và cũng không quan tâm đến các nạn nhân. Nền chuyên chính đỏ sau cách mạng đã “một phân thành hai”, nó không thể không “phân thành hai” theo đúng lô-gích nội tại của các cuộc cách mạng ấy. Lại nữa, người tham gia cách mạng thì đông quá mà số lượng chức vụ thì ít quá, kẻ còn người mất cũng là cái lẽ đương nhiên vậy. Đấy là lí do phát sinh những bữa dạ tiệc đầy ắp thịt người và nhầy nhụa máu tươi sau các cuộc cách mạng ở Nga và Trung Quốc. So với những bàn tiệc vĩ đại ở hai nước nói trên thì Nhân văn – Giai phẩm chỉ là một bữa điểm tâm nhẹ, không đáng kể.

Vào những năm 1955-1956, Nguyễn Hữu Ðang, Ðặng Ðình Hưng, Lê Ðạt, Trần Dần… đã ngây thơ tin rằng cách mạng đã thắng lợi. Từ nay trở đi phải vui, phải được tự do sáng tác, tự do ca hát. Hà cớ gì: Đem bục công an đặt giữa tim người? Thưa ông Đỗ Minh Tuấn, chỉ cần một câu đó là mọi sự đã chấm hết. Nó chính là cái dấu chìm, không thế nào tẩy xoá được, trên bản án lưu đầy của tất cả những người tham gia Nhân văn – Giai phẩm. Không hồ sơ phản bác nào, cũng như không ai có thể cứu được họ nữa. Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Chí Thanh có thể có cảm tình với nhóm Nhân văn – Giai phẩm như những cá nhân với cá nhân, nhưng đứng trước sự lựa chọn sống còn, đứng trước sự lựa chọn “to be or not to be” nhất họ định sẽ chọn và họ đã chọn Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Phan Cự Đệ… vì đấy chính là những người cần cho bộ máy. Họ có thể yêu thơ Quang Dũng, thơ Hữu Loan nhưng cái ghế của họ lại cần những kẻ coi thơ chỉ là những bậc thang tiến thân, địa vị của họ lại cần những kẻ dùng thơ làm mũi kim để tiêm mãi vào đầu óc dân chúng rằng: “Trời mỗi ngày lại sáng” và Bác chính là: “Trái tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ” như Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên hay Xuân Diệu chẳng hạn. Cán cân nghiêng về phía nào hẳn đã rõ. Không có vụ kiểm điểm ở Thái Hà thì sẽ có những vụ kiểm điểm ở chỗ khác với những cái cớ khác. Vấn đề là bộ máy phải rũ bỏ những người đã trở thành thừa, đã trở thành vật cản trong quá trình quan liêu hoá của chính nó. Đấy là một trong những sự khác biệt giữa ông cùng với Vĩnh Quang Lê và nhóm Nhân văn – Giai phẩm. Một bên là những người ở trong bộ máy, những người nhìn thấy kết quả chỉ là “mưa sa trên màu cờ đỏ” còn bên kia lại thấy “Đảng đang hái hoa cho cả dân tộc”. Một bên cố đặt những con tàu vào đường ray đã có sẵn còn bên kia là những người cho rằng đường ray đã bị đặt chệch hướng ngay từ đầu, tầu càng chạy thì càng thêm xa đích. Một bên là một nhóm người có tổ chức và tuyên bố công khai, đe doạ lật đổ cả một chính quyền; bên kia là một cuộc biểu tình mini, chỉ cố vận động cho những thay đổi vụn vặt (ấy là trong trường hợp những điều ông nói về mình phù hợp với sự thật!). Giả sử như cái tổ chức bảo vệ trí thức gì đó của ông mà được thành lập, có chân rết ở khắp nơi và hoạt động “ì xèo” nữa thì sẽ như thế nào? Tôi đã mường tượng ông trong vai ông Nguyễn Hộ với biết bao hệ luỵ… Ấy chết, cầu cho ông được bằng an! Nhưng ông Phạm Văn Đồng đã không cho cái tổ chức ấy ra đời, lí do vì sao thì chắc ông đã rõ. Về điểm này thì sự khác biệt giữa hai bên chỉ có thể sánh với sự khác biệt giữa đêm và ngày mà thôi.

Còn một sự khác biệt căn bản nữa. Ấy là vào những năm giữa thế kỉ XX “phe ta” đang cực kì hùng mạnh, mọi biểu hiện chống đối đều bị coi là phản bội lại ước mơ ngàn đời của người lao động về một thế giới tự do, bình đẳng và bác ái. Các đồng chí đang vung tay múa chân trên diễn đàn kia vừa mới cùng ta trải qua biết bao gian nguy, vừa mới cùng ta trở về từ chiến khu Việt Bắc. Trong tâm tưởng của rất nhiều người thì chống họ tức là chống lại chính mình, tất nhiên là có những kẻ cơ hội, nhưng nhiều người đã tin tưởng một cách tuyệt đối rằng chống đối bây giờ tức là phá bĩnh, là phản bội. Có thể cái tình cảm đó cũng đã từng len lỏi vào một góc khuất nào đó trong tâm tưởng những người Nhân văn – Giai phẩm, nhất là khi bị đám đông áp đảo. Họ đã chạy trốn tự do, đã đầu hàng vô điều kiện vì cảm giác cô đơn, cảm giác bị đẩy khỏi cộng đồng. Có nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ bị trở thành kẻ lưu đầy ngay giữa đồng loại? Ta chỉ có thể ngậm ngùi, thương cho thân phận những con người phải chịu chung một cộng nghiệp, những con người bị “ma đưa lối quỉ đưa đường”, phải lặn lội mãi trong chốn “lầu xanh” của nhân tình thế thái ngày ấy, chứ bảo rằng mình khôn hơn họ khi hoàn cảnh đã khác thì chẳng phải là thái độ huênh hoang quá “lố” ư? Thời đã thế thế thời phải thế, có phải người xưa đã nói vậy không? Hai mươi năm sau tình hình đã khác rất nhiều. “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”, “Tướng tấn, tá tạ, úy yến, lính chiến hai búp bê” đã là câu nói cửa miệng của rất nhiều người. Bạn bè ông có thể lảng tránh các ông vì họ sợ liên luỵ và cho rằng đấy là việc “châu chấu đá xe” nhưng chắc chắn trong thâm tâm họ nể các ông hay ít nhất họ cũng không khinh các ông, còn chính các ông thì cho rằng mình thuộc về phe chính nghĩa một trăm phần trăm, không một chút dao động nào. Đây có phải là khác biệt căn bản trong tâm lí, trong tình người không? Ông Đỗ Minh Tuấn đã không trở thành biểu tượng, nhưng nói đúng ra thì những người cầm quyền lúc đó cũng đã cố tình không tạo ra biểu tượng nữa vì họ biết rằng biểu tượng là một mối đe doạ, biểu tượng sống đã nguy hiểm mà biểu tượng chết còn nguy hiểm hơn. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên là như thế chăng?

Còn về chuyện: “Cái gì đã khiến họ không gửi đơn đến Hội nhà văn, không đến gặp những người có trách nhiệm để đòi được in sách, in báo và phục hồi như một Hội viên? Không thèm, không tin, hay đòn dư luận quá nặng, quá dã man đã đánh gục ý chí của họ, đào một vực thẳm giữa họ với toàn xã hội?”, thì xin được thưa như sau. Khoảng năm 1992 người viết những dòng này có được nhà thơ Phùng Quán nói cho nghe đại ý: “Có lúc các ông … (để tỏ lòng kính trọng những người đã chết và những người còn sống xin không nêu tên cụ thể) đã bảo: hay là chúng ta đầu hàng đi. Bọn mình cùng viết đơn xin họ. Nhưng tôi nói rằng họ không tha cho chúng ta đâu. Nhất định họ phải giữ một số người như chúng ta để khi cần có thể chỉ vào chúng ta mà doạ: Xem đấy!”. Sự thực đã là như thế, họ hiểu rằng có đòi, có xin cũng không được, xin làm chi cho thêm bẽ bàng. Giữa họ và xã hội đã có một vực thẳm không thể nào vượt qua được. Hẳn rằng đòn dư luận xung quanh ông Đỗ Minh Tuấn không thể dã man đến thế, vực thẳm giữa ông và xã hội không thể sâu đến thế. Nhưng thôi, kẻo bạn đọc lại bảo: “Biết rồi, khổ lắm!”

Thưa ông Đỗ Minh Tuấn, câu chuyện về những người Nhân văn – Giai phẩm mà tôi được nghe là như thế. Họ không phải là những người “điếc không sợ súng” như ông nói đâu, họ là những người lãng mạn, những người tin vào sự trong sáng của cách mạng, tin vào tình đồng chí, tin vào tình người, tin vào công lí, tin vào lòng thành của những người đứng trên ông Tố Hữu và các cộng sự của ông ta. Mà họ không đơn độc, lúc đó rất nhiều người đã tin như thế. Những người ấy đã lầm, nhưng đấy là sự lầm lẫn của cả một thời đại, sự lầm lẫn không của riêng ai. Sao nỡ nhẫn tâm đem ra chế giễu? Có thể nói họ là những Ðông Ki-Sốt trong thời đại của chúng ta. Tôi phục những người làm việc có hiệu quả, nhưng tôi cũng ngưỡng mộ những người lãng mạn, những Ðông Ki-Sốt sống động giữa đời thường, bởi vì thiếu họ thì cuộc đời sẽ chỉ còn là một màu bàng bạc, một màu xám chán ngắt. Và vì thế để kết thúc bài viết ngắn này, tôi xin được chia sẻ ý sau đây của ông Phan Xuân Lâm:“Tôi thấy ông anh hùng, tôi bái phục lắm, nhưng tôi cũng bái phục những anh hùng khác. Liệu có cần luận anh hùng bằng cách chỉ có mình là anh hùng nhất, những người khác anh hùng không thấm vào đâu so với mình, hay không?”. Hữu xạ tự nhiên hương, ông chẳng nói thì rồi xã hội cũng sẽ biết, nhân dân cũng sẽ biết, sẽ nhớ. Nhưng trí nhớ của nhân dân vốn là một tấm bia, bia miệng, như câu ngạn ngữ: “Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Xin hết!

© 2005 talawas




Theo: Ba Sàm

2 nhận xét:

  1. Nặc danh12/8/14 6:21 CH

    Theo tôi nghĩ ông Tuấn Chưa hiểu và đi sâu vào vụ án Nhân Văn giai phẩm ! Nên ông mới đem ra và so sánh với sự đầu hàng của ông !

    Trả lờiXóa
  2. Tôi là người ngoài đạo, nghĩa là ko phải là người viết văn, cũng ko phải là thành viên của nhóm viết văn. Tuy nhiên, chuyện lùm sùm đối với việc xin rút khỏi văn đoàn việt của nhà thơ, đạo diễn nguyễn Minh Tuấn, và cách trả lời của nhà văn Nguyên Ngọc, thay mặt văn đoàn. Tôi xin có mấy ý kiến thế này: 1) văn đoàn Việt là một tổ chức dân sự, hay nói chung nó là một hội. Vì thế chuyện xin vào hay xin ra của bất cứ thành viên nào đều là chuyện bình thường. 2) hội cũng nên chấp nhận tất cả mọi lý do mà thành viên xin rút hay xin vô là chuyện bình thường cho dù nguyên nhân đó có vu khống hội. Có thế hình thức của hội mới là dân chủ và tự nguyện. Nếu ko hội lại đi vào qyuy4 đạo của các hội đc thành lập và hoạt động dưới sự quản lý và định hường của chính quyền cộng sản. 3) Theo tôi cách hội cho công khai đơn xin rút của nhà thơ NMT lên mạng để tố cáo hành vi bẩn thỉu của chính quyền HN, đã dùng bàn thay lông lá can thiệp đến những quyền con người, quyền đc phát triền tài năng và công hiến của nhà thơ NMT. Tuy nhiên, theo tôi, Việc tố cáo này có cũng tốt nhưng trong trường hợp này, là sự thiếu khôn ngoan của Văn đoàn. Bởi ko có việc tố cáo này thì hầu như những người am hiểu đều biết sự bẩn thỉu của chính quyền CS. Trong khi đó làm tổn thương nhà thơ, ĐD NMT, ông ko đáng bị đẩy vào tình trạng thế. 4) Văn đoàn nên cân nhắc được và mất, nếu ko cứ cách hành xử như trường hợp này, sẽ làm cho những thành viên tiềm năng sẽ trở nên đắn đo khi có ý định xin vào, và làm mất những thành viên còn bán tín bán nghi về văn đoàn. Kính.

    Trả lờiXóa