Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

MỘT CHUYẾN SÀI GÒN.

NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN



“Thủ tục” trước khi lên đường.
.
Biết hễ mỗi lần tôi viết giấy tạm vắng đều trúng dịp cán bộ xã đi họp nên lần này tôi tranh thủ gửi giấy sớm cho họ có thời gian tham mưu với cấp trên, đỡ phải chờ lâu. Ấy vậy mà lần này vẫn bị cập rập, người đi họp nay lại bận đi học…

Tuy vậy, ngày nhận được tờ “Quyết định Giải quyết cho người chấp hành án tạm vắng nơi cư trú” tôi cũng hơi ngỡ ngàng vì so với những lần trước thì lần này nhanh hơn. Chưa kịp thoát cảm giác ấy đã nghe tiếng cô Gái, người trực tiếp phụ trách, lên tiếng: 

- “… Nói chung đây cũng không phải là gây khó khăn gì mà viết đi viết lại chi cho nó mệt, mà ở đây là ghi đi chổ nào đã hướng dẫn nhiều lần là ghi cho rõ ràng thêm một tí ghi địa chỉ ở đâu. Ví dụ xin hồ sơ đi học chổ nào chớ ghi chung chung vầy hong được đâu… Đừng có ghi Sài Gòn nữa, bữa nay Sài Gòn gì nữa, bữa nay là tp.HCM.

Đâu ra vậy ta? Tôi không đồng tình với sự áp đặt của cô Gái, và thiết nghĩ cũng nên phổ biến một ít thông tin kiểu khẩu hiệu “Sống và làm việc theo hiến pháp & pháp luật” treo đầy trong các cơ quan công quyền ở Việt Nam nên tôi muốn giải thích. Nhưng vừa mở miệng cô Gái đã vội chen ngang phán một câu xanh rờn: 

- “Thâu hong có nói nhiều, lần sao là phải ghi cho rõ,… ký cho rầu, cái này là ban lãnh đạo…”. 

Nếu chiếu theo Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam tại Điều 21, khoản 1 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.”. Thì Việc đi lại cụ thể đến nhà ai, trú ở khách sạn nào thuộc bí mật cá nhân, thông tin đời sống riêng tư của tôi, tôi không có nghĩa vụ phải khai báo. Mọi văn bản dưới hiến pháp, hoặc hành vi ép buộc tôi làm điều này đều là vi hiến, không có hiệu lực pháp lý.

Chuyện chưa hết, thế là tôi về nhà chuẩn bị đi dự Đại Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm thì phát hiện một sự hỡi ôi. Trong khi tôi viết giấy sẽ rời khỏi địa phương từ ngày 16/03/2015 đến 13/04/2015 thì cô Gái lại duyệt chuyển thành 27/10/2013 đến 25/11/2013. Tá hỏa, tôi phải đến xã để sửa lại.

Đón Tàu.

Mẹ tôi vốn có tính cẩn thận, vé ghi 1 giờ 30 tàu chạy thì 1 giờ kém 15 chúng tôi đã đứng đón tàu. Tất nhiên, hai Mẹ con tôi đến sớm nhất, sau đó là một vài người nữa cũng quen quen. Chờ dài cổ thì tàu cũng đến vào độ 2 giờ kém 15 nhưng không mở cửa đón khách. Chúng tôi hoảng cả lên vì lo lỡ tàu. Mẹ tôi chạy đến phía đầu tàu gọi trưởng tàu, còn tôi vẫn đứng ở toa quy định và cửa lên tàu vẫn lạnh căm, im lìm.

Một lúc sau, nhân viên tàu đến, mọi người lần lượt lên trên, tôi vội vàng nhìn quanh gọi Mẹ nhưng chẳng ai đáp cũng chẳng thấy ai quanh tôi, cuối cùng tôi nhủ bụng “thôi kệ, đi một mình vậy”.

Tôi lên được phía trên thì đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh, vừa nhìn qua ô cửa kính xem còn ai phía dưới tàu không, tôi vừa gọi điện thoại cho Mẹ thì biết Mẹ tôi đã lên tàu trước đó rồi. Hú hồn!

Kiểu lỡ tàu kỳ cục nhất mà tôi chứng kiến. 

Chúng tôi đi chuyến tàu SE22 để về lại ga Ma Lâm. Cũng có một tí kinh nghiệm nhận diện “người quen” nên tôi đảo mắt một vòng toa tàu rồi yên tâm làm một hành trình đến thiên đường. Trước khi bắt đầu hành trình, tôi nghe phía đằng đối diện:

- “…là báo công an…”

Nhìn trực qua, hóa ra đó là câu cửa miệng của một người đàn bà đứng tuổi, một tay đang trỏ về phía tôi, một tay cầm chiếc điện thoại iphone cũng chỉa về cùng một hướng. Trong suốt chuyến đi, điện thoại bà ấy có lẽ hoạt động liên tục, vì tôi thấy hai mắt bà cứ dí vào đó, cho đến khi tôi chụp một bức ảnh thì mắt bà bỗng tự nhiên đứng tròng?!

Ga Ma Lâm là một ga nhỏ chỉ dừng để tránh tàu hoặc trả khách trong vài phút. Vì vậy Mẹ con tôi nhanh chóng chuẩn bị hành lý trong khi người đàn bà nọ cũng hấp tấp, vội vàng tẩu trước. Lát sau tàu dừng, tôi phát hiện người đàn bà ấy đang đứng tránh vào một buồng đầu toa. Tôi mời bà đi trước nhưng bà nói “không” bằng một cái hất đầu về phía bên trái. 

Tôi rời tàu, ghi lại hình một đoạn của đoàn tàu, lại phát hiện người đàn bà nọ … luống cuống… chào chực… “ở không được, xuống không xong”. Cho đến khi nhân viên khóa cửa tàu… đoàn tàu chuyển bánh rời đi… Chợt ngộ ra, có những kẻ rất sợ camera ghi hình hoặc chụp ảnh.

Được biết, ở ga tiếp theo (ga Long Thạnh) tàu này không trả khách, ga kế nữa tức ga Sông Mao cách ga Ma Lâm khoảng 70 km tàu mới dừng. Vẫy tay, tôi chúc “người đứng ở nơi kia” đi được thượng lộ bình an!

NPU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét