Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Trùng Dương - Gặp gỡ các bloggers đến từ Việt Nam

Cách đây 1 năm, ngày 24/4/2014, mình đi chuyến bay 20h50 từ sân bay Nội Bài để sang Mỹ.

Bài viết của Trùng Dương dưới đây, gần đây mình mới biết qua facebook Diem Huong Pham

NTT
====================

Thứ Ba, ngày 13 tháng 5 năm 2014

Khách tham dự buổi gặp gỡ với các bloggers đến từ Việt Nam đang nghe anh Nguyễn Tường Thụy, đứng bên phải, nói anh rất thông cảm với nỗi mất mát lớn lao của bên Việt Nam Cộng Hoà, và việc anh không bao giờ dùng chữ “giải phóng” cho cái mà anh vẫn chỉ gọi là biến cố 30 tháng 4, 1975. Anh cũng đồng thời chia sẻ những khó khăn của các nhà tranh đấu trong nước. (Ảnh Trùng Dương)

Tôi nghe biết về chị hồi năm ngoái khi chị công khai từ chối lập hồ sơ cá nhân cho Hội Điện Ảnh nạp để được ông thủ tướng của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa ban khen là nghệ sĩ ưu tú vì ông và chế độ của ông, theo lời chị, “đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm.” Tôi cảm phục sự can cường của chị, đúng là không hổ danh là hậu duệ của các Bà Trưng, Triệu. Tôi không nghĩ là mình sẽ có dịp gặp gỡ chị bằng xương bằng thịt, để sau đó có thêm lòng cảm mến. Không những được gặp chị mà còn gặp cả bốn trong số năm người đồng hành của chị trong một chuyến đi mà Chị gọi là “làm việc thiêng liêng cho đất nước”, đó là trình bầy về tình trạng thiếu tự do báo chí ở Việt Nam, một quyền căn bản mà nếu không có nó là như không có nhiều thứ tự do khác, trước Quốc Hội Hoa Kỳ và nhiều tổ chức, cơ quan truyền thông quốc tế khác.

Cô bạn nghe tôi sẽ kết thúc chuyến du xuân bằng xe hơi ngược bắc rồi xuôi nam dọc theo bờ biển miền tây dài một tháng nhân ngày sinh nhật thứ 70 của tôi ở Quận Cam thì bèn thu xếp để tôi đến tư gia của một thành viên của gia đình Việt Tân ở Anaheim tham dự cuộc tiếp xúc và hàn huyên với phái đòan các bloggers đến từ Việt Nam. Đối với tôi, cuộc gặp gỡ các anh chị em bloggers mà tôi chưa hề quen biết đến từ Việt Nam này đã là một kết thúc đầy ý nghĩa cho chuyến đi mừng cái tuổi “thất thập cổ lai hy” của mình.

Phái đòan gồm sáu người (trong số chín người được mời với ba người nữa bị ngăn không được xuất cảnh) đến Hoa Kỳ từ cuối tháng 4 để trình bầy về tình trạng thiếu tự do báo chí tại Việt Nam và những đàn áp bắt bớ các bloggers độc lập, thể theo lời mời của các dân biểu Hoa Kỳ, trong đó có các bà Loretta Sanchez, đại diện Quận Cam, và Zoe Lofgren, đại diện vùng San Jose. Quận Cam là chặng cuối của phái đoàn sau các cuộc điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 29 tháng 4; cuộc hội thảo về tự do báo chí tại đài Radio Á Châu Tự Do ngày 1 tháng 5 (song song với cuộc hội thảo cùng đề tài tại Dòng Chúa Cứu Thế trong nước qui tụ khoảng 100 người tham dự, được biết khá thành công); thăm viếng Bộ Ngoại Giao; văn phòng Dân biểu Ed Royce, đại diện phía bắc Quận Cam và một phần Los Angeles và là chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện; các công ty Internet và các cơ quan truyền thông quốc tế. Đồng tổ chức cho cuộc viếng thăm này còn có các có các tổ chức Access, Electronic Frontier Foundation, Radio Free Asia, Reporters Without Borders và Việt Tân.

Đứng bên trái, nữ nghệ sĩ Kim Chi, người đã từ chối lập lý lịch thành tích để thủ tướng của chính phủ cộng sản ban khen là nghệ sĩ ưu tú vì chế độ của ông “đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân,” đang chia sẻ với các thân hữu câu chị trả lời cô học trò xin chị ở lại đừng về quê sau chuyến đi trình bầy về hiện tình thiếu tự do và nhân quyền ở Việt Nam, “Em ơi, nhiệm vụ của chị là phải quay về vì chị sang đây làm việc thiêng liêng cho đất nước, không thể ở lại đây được.” (Ảnh Trùng Dương)

Phái đoàn gồm có chị, nữ nghệ sĩ Kim Chi, 72 và là người lớn tuổi nhất trong phái đòan; các anh Tô Oanh, 69, giáo viên trung học đã nghỉ hưu, chuyên viên vi tính, thường xuyên viết bài cho các báo mạng và lập blog cá nhân để phản ảnh những bất công và tiêu cực xã hội; Nguyễn Tường Thụy, 62 tuổi, một cựu chiến binh, nhà thơ và nhà văn, đã dùng ngòi bút để lên án tội ác, sự dối trá, cũng như bênh vực những người dân oan thấp cổ bé miệng; Lê Thanh Tùng, cử nhân kinh tế, đã từng làm việc cho các công ty ngoại quốc lớn nhưng vì quan tâm tới tình cảnh dân oan và việc Trung Cộng lấn lướt VN nên đã dấn thân tham gia vào các công tác truyền thông của Dòng Chúa Cứu Thế, do đấy bị phiền nhiễu và cả bị mất việc (anh Tùng không có mặt trong buổi gặp gỡ ở Anaheim, nên tôi không được gặp); Ngô Nhật Đăng, 56 tuổi, một cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến biên giới Việt Trung, giỏi ngoại ngữ, và là tác giả của nhiều bài báo thẳng thắn, nói lên sự thật trên BBC về các vấn đề hậu trường chính trị tại Việt Nam; và người nhỏ tuổi nhất, Nguyễn Đình Hà, mới 26 tuổi nhưng đã có sáu năm tuổi đấu tranh trên Mạng Lưới Blogger Việt Nam, tốt nghiệp Luật nhưng xoay sang viết báo, tiếng Anh lưu loát, xử dụng Facebook và Wordpress để chuyển đi những tin tức, bình luận về đời sống tại Việt Nam và tình hình thế giới. Hà được chị Kim Chi gọi là “thần hộ mệnh” của chị vì “tôi dốt tiếng Anh nhất hội nên đi đâu cũng phải bám càng theo thằng cháu để nó thông dịch và mang vác hộ,” chị tâm sự trên Facebook.

Chị là một trong đôi ba người tới sớm nhất. Nhờ vậy mà tôi có dịp chuyện trò riêng với chị chút đỉnh trước khi chị bị lôi kéo vào vai trò thay mặt anh em vì chị vốn là diễn viên nên nói năng nhuần nhuyễn nhất, và vì là người lớn tuổi nhất trong đoàn. Câu đầu tiên hỏi chị, cũng là điều mà tôi nghĩ canh cánh bên lòng những ai nghe biết về chuyến đi của họ - sang Mỹ để nói lên thực trạng không thể chấp nhận được tại Việt Nam, về những bắt bớ, đàn áp, tù đầy, cướp đất, cướp của của một chế độ chỉ biết cúi đầu chịu sự lấn lướt đất, rừng, biển của Bắc phương – đó là, “Chị có… sợ không?” Chị cười, cái cười thật tươi với ánh mắt lung linh sau làn kính trắng. “Mình đã lớn tuổi, đã sống đủ, thấy việc bất bình thì đâu thể làm ngơ.”

Sinh ra ở Rạch Giá, năm 10 tuổi chị theo cha ra Bắc tập kết. “Rồi người ta thấy mình mặt mũi sáng sủa nên cho theo học nghề diễn xuất,” chị kể. Năm 1964, chị vượt Trường Sơn vào hoạt động ở Miền Nam tới năm 1974. Khi Miền Nam được “giải phóng,” chị nói thì “mình cũng mừng đấy”, rồi từ từ nhận ra những điều sai trái, không phải, và bắt đầu chống đối từ đó. Dù vậy, chị tin rằng mình đã sống đẹp và theo lý tưởng, vì “tưởng là có lý,” chị cười. Ở chị là cái chân chất mà tôi vẫn yêu của người Miền Nam, mặc dù đã nhiều chục năm sống trong một xã hội đầy dối trá, mánh mung, lừa lọc. Hỏi làm sao tôi không cảm mến chị, như tôi đã cảm mến người Miền Nam nói chung và nhập giòng Miền Nam một cách tận tình từ khi mới 10 tuổi theo gia đình di cư đặt chân lên mảnh đất tự do này vào năm 1954.

Chẳng mấy chốc ngôi nhà nhỏ của cặp chủ nhân hiếu khách đã đầy người, với các anh em bloggers độc lập đã tới đông đủ: anh Tô Oanh tóc bạc, hiền hoà, Nguyễn Tường Thụy từ tốn, Ngô Nhật Đăng có giọng nói rổn rảng, sôi nổi, và cậu em Nguyễn Đình Hà khiêm tốn song đầy nhiệt huyết. Căn cứ vào giọng nói, tất cả xuất thân từ Miền Bắc, nhưng tôi, và có lẽ nhiều khách tham dự buổi gặp gỡ có lẽ cũng cùng cảm giác, không cảm thấy có sự ngượng ngùng, cách biệt. Khác với đôi lần đi phố, ngồi tiệm ăn hay đi chợ tình cờ nghe một giọng “Bắc 75” tự dưng thấy… sao sao đó. Tôi nhớ hoài câu chuyện do ông bạn giáo sư kể lại, là có một em nữ du sinh tới nhờ ông dẫn đi chợ, hỏi tại sao không đi được một mình thì em trả lời là nếu cháu mở miệng ra nói cái giọng “Bắc 75” của cháu thì sẽ bị mấy bà bán hàng mắng. Nhiều người, trong đó có một đôi người trong chính gia đình tôi, đã gom các em du sinh lại một gói, nếu không là “tụi con ông cháu cha” thì cũng là “VC con”, thật tội nghiệp. Tôi nghe nói nhiều em sợ, không dám ra ngoài cộng đồng sinh hoạt, mà cứ líu ríu với nhau. Đã gần 40 năm, hố ngăn cách hình như vẫn còn giữa những người dân thường, và dường như đang được chính các nhà hoạt động yêu nước thu hẹp lại dần.

Phái đòan bloggers đến từ Việt Nam chụp chung với hai bạn trẻ hải ngoại thuộc thế hệ 1.5, từ trái, anh Tô Oanh, Nguyễn Bảo Long (hải ngoại), Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Tường Thụy, Ngô Nhật Đăng, nữ nghệ sĩ Kim Chi, và Kha (hải ngoại). (Ảnh Trùng Dương)


Sau màn mỗi người tự giới thiệu, chủ nhân mời vào phòng ăn lấy đồ ăn theo kiểu buffet. Rồi sau đó chúng tôi kéo ghế ngồi quây vòng bầu dục trong căn phòng khách dài, hàn huyên, “nghe tiếng lòng của nhau,” như chị bác sĩ Đông Xuyến, người điều hợp buổi chuyện trò, nói.

Như thông lệ, chị Kim Chi được cử ra thay mặt mọi người trong đoàn, nói về cảm tưởng của đoàn. Chị phát biểu là “rất xúc động về tình cảm của các anh chị em ở đây, về những cái bắt tay, những cái ôm, những ánh mắt rưng rưng trao nhau” mà phái đoàn đã nhận được qua các cuộc tiếp xúc với cộng đồng người Việt hải ngoại. Và chị cam đoan thay cho các bạn, là “năm người có mặt ở đây sẽ không làm các bạn thất vọng.” Chị kể có cô bé học trò (lớp diễn xuất) của chị đã đề nghị hay chị ở lại đây vì thấy việc chị trở về quê hương có nhiều phần nguy hiểm, nhưng chị nói, “Em ơi, nhiệm vụ của chị là phải quay về vì chị sang đây làm việc thiêng liêng cho đất nước nên không thể ở lại, vì như thế chuyến đi của các anh chị đâu còn ý nghĩa gì nữa.”

Đáp lời chị, một vị khách lên tiếng là mặc dù đời sống của chúng tôi ở đây đã ổn định nhưng nhiều người lòng lúc nào cũng nghĩ về đất nước, rằng “việc làm của các anh chị quá quan trọng, chúng tôi xin tri ân các anh chị đã dám chường mặt ra để làm việc cho một Việt Nam tốt đẹp hơn, làm sao chúng tôi có thể làm ngơ mà không tiếp tay hỗ trợ, cách này hay cách khác?”

Lần lượt mỗi blogger lên tiếng chia sẻ tâm tình. Nhận xét về việc các anh chị đến từ Việt Nam cảm thấy thoải mái, tín cậy khi ngồi lại với người hải ngoại, anh Tô Oanh đùa là may mà hồi xưa anh xin đi học lái máy bay Mig nhưng không được nhận vì lý lịch là con cháu địa chủ nên giờ anh càng không cảm thấy lấn cấn khi ngồi với những người xưa là ở “bên kia”. Theo anh, cộng sản vốn ngoan cố và sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lực và chịu cải tổ thực sự. Tuy nhiên, theo anh, nội tình của họ bây giờ nát bấy, trên bảo dưới hết còn nghe, chỉ lo sao vơ vét cho đầy túi, khiếu kiện tới 80 phần trăm là liên quan tới đất đai nhưng không hề có chuyện giải quyết.

Anh Nguyễn Tường Thụy thì phát biểu, khá cảm động, rằng anh thông cảm với những mất mát lớn lao của các bạn bên Việt Nam Cộng Hoà. “Giữa chúng ta không có vấn đề gì, mặc dù phảng phất đâu đó vẫn còn chút ranh giới là do đâu? Cái chính là ở chế độ Cộng sản VN, chúng sẵn sàng ôm lấy bà con hải ngoại nhưng vẫn giả dối, kiêu ngạo không nhận lỗi của họ.” Anh nói trong các bài viết của anh, anh không bao giờ dùng từ “giải phóng” cho biến cố 30 tháng 4, 1975. Anh Thụy kể về hai chiến thuật cộng sản dùng khi không thể bắt bớ những người không chịu thần phục họ là áp lực gia đình và bao vây kinh tế. Gia đình anh hiện sống bằng tiền hưu trí khiêm tốn của anh và tiền cho thuê một căn nhà, nhưng công an thường xuyên áp lực người thuê nhà khiến họ không chịu nổi phải xin dọn đi nơi khác.

Anh Ngô Nhật Đăng, con trai cả của nhà thơ Xuân Sách (1932-2008) nổi tiếng với cuốn “100 Chân Dung Nhà Văn” bằng thơ, thì nhắc lại lời cha dặn (sau khi nghe Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, người đã tình nguyện tới hai lần về nước để bị bắt vào ngồi tù với các tù nhân khác để có dịp gần gũi, chia sẻ với họ, đọc bài thơ “Lời Mẹ Dặn” của cố thi sĩ Phùng Quán) là “hận thù thì quên, nhưng tội ác thì không.” Anh có giọng nói trầm, lớn, nghe rổn rảng khiến người nghe không thể không lắng nghe. Anh là người đã đưa lên Facebook lá thư của chị Kim Chi gửi cho hội Điện Ảnh từ chối thiết lập hồ sơ thành tích đặng ông thủ tướng ban khen là nghệ sĩ xuất sắc. Cũng từ đấy chị Kim Chi bước hẳn sang phía những nhà đấu tranh cho tự do và dân chủ, với một trang cá nhân trên Facebook. Anh Đăng cho biết rất cảm động trước sự hỗ trợ của bà con hải ngoại, và nói tiếp với sự hỗ trợ đó thì dù thế nào, những người tranh đấu ở nhà sẽ tiếp tục dấn bước tới ngày thành công.

Tới phiên người trẻ tuổi nhất trong phái đoàn, Nguyễn Đình Hà, lên tiếng, thì Hồng Thuận, một đảng viên của Việt Tân và là người phối hợp hướng dẫn và hỗ trợ phái đoàn trong việc di chuyển, ăn ở ở địa phương, xin phép thông báo một tin là trong lúc Hà đang trên đường tới Cali thì nhận được giấy sa thải của cơ quan truyền thông nhà nước mà cậu hợp tác. Hà chỉ cười, coi đó là việc tất yếu phải xẩy ra, và nói việc đó không ảnh hưởng tới việc tranh đấu cho đất nước của cậu. Rằng cậu sẽ về để tiếp tục và để “kết thúc chuyến đi này một cách ý nghĩa.” Viễn tượng Hà hết còn nguồn lợi tức khiến vài vị khách quan ngại, nêu việc nên đóng góp để yểm trợ các nhà tranh đấu. Một người trẻ thuộc thế hệ 1.5, Nguyễn Bảo Long, thì phát biểu đấy phải coi là bổn phận của những người như chúng tôi ở hải ngoại.

Cuộc hàn huyên có xen kẽ bằng những bài hát nói lên những thao thức của người Việt trước hiện tình đất nước, đặc biệt trước tin Trung Cộng vừa đưa giàn khoan khổng lồ HD-981 vào vùng biển Việt Nam chỉ cách Đà Nẵng có trên 100 hải lý, và Sàigòn và Hànội đang sửa soạn, theo lời kêu gọi của 20 hội đoàn dân sự, cho các cuộc xuống đường biểu tình yêu nước chống Trung Quốc xâm lấn ngày 11 tháng 5.

Chẳng mấy chốc mà đã gần nửa khuya. Mọi người bịn rịn chia tay. Bắt tay các anh chị bloggers, mọi người chúc họ lên đường về nước bằng an. Tới trước Hà, tôi nói cho tôi ôm cậu một cái. Tôi cảm thấy cái siết chặt của vòng tay Hà, một cảm giác rưng rưng khi tôi bảo Hà, “Ngày mốt cháu lên đường về bằng an và may mắn nhé. Cô đã có địa chỉ e-mail của cháu, chúng ta ráng giữ liên lạc, nghe.” Hà đáp vâng, và chào, “Hẹn gặp cô ở quê nhà khi tự do.” [TD, 2014/05]

Xem thêm

Điều trần về tự do báo chí ở Việt Nam tại Hạ viện Hoa Kỳ


Blogger Việt Nam hội thảo tại Quốc hội Hoa Kỳ nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giớihttp://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140430-blogger-viet-nam-dieu-tran-truoc-quoc-hoi-hoa-ky-nhan-ngay-tu-do-bao-chi-the-gioi

1 nhận xét:

  1. Nặc danh28/4/15 3:29 CH

    Cảm phục các anh chị và cháu Hà với đất nước! Những câu chuyện và hình ảnh thật sự xúc động và đầy trách nhiệm với đất nước, dân tộc!

    Trả lờiXóa