Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Mỹ lên án Việt Nam giam giữ nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng

Luật sư Nguyễn Văn Đài.

Hoa Kỳ hôm thứ Hai bày tỏ lo ngại sâu xa về việc một luât sư bênh vực cho nhân quyền bị nhà cầm quyền giam tù, và kêu gọi Hà Nội trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm.

“Chúng tôi hết sức lo ngại về việc nhà tranh đấu cho nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị chính quyền bắt giữ theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự”, người phát ngôn John Kirby của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên báo chí hôm thứ Hai.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, người truớc đó trong tháng này bị những tên côn đồn không rõ lai lịch đánh đập, đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ hồi tuần trước vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Đây là diễn biến mới nhất mà các nhóm bênh vực cho nhân quyền quốc tế gọi là hành động đàn áp tiếng nói chỉ trích đáng báo động của chính phủ Việt Nam.

“Chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam phải bảo đảm luật lệ và hành động của họ phải phù hợp với nghĩa vụ và cam kết quốc tế của họ, và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do không điều kiện cho tất cả các tù nhân luơng tâm", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Các nhà lập pháp Mỹ hồi tuần trước đã lên tiếng chỉ trích Việt Nam về vụ trấn áp những tiếng nói bất đồng mới nhất này.

Trong thông cáo đề ngày 18 tháng 12, các Dân biểu Chris Smith, Zoe Lofgren và Loretta Sanchez, đồng sáng lập viên Khối Việt Nam tại Hạ viện Mỹ, yêu cầu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho luật sư Nguyễn Văn Đài.

Thông cáo nói “vụ bắt giữ này là vụ việc mới nhất của một loạt những hành động hung bạo do chính quyền bảo trợ nhắm vào luật sư Đài, trong đó có vụ hành hung dữ dội của nhân viên an ninh thường phục trước đây trong tháng này và án tù 4 năm được tuyên không lâu sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với sự ủng hộ của Hoa Kỳ”.

Các tổ chức bênh vực nhân quyền quốc tế, trong đó có Tổ chức Ân xá Quốc tế, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) và Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) cực lực chỉ trích chính phủ Việt Nam về hành động đàn áp này, và kêu gọi trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho Luật sư Đài.

Chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam phải bảo đảm luật lệ và hành động của họ phải phù hợp với nghĩa vụ và cam kết quốc tế của họ, và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do không điều kiện cho tất cả các tù nhân luơng tâm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kerby.

Luật sư Nguyễn Văn Đài là một cựu tù nhân lương tâm được quốc tế biết tiếng, người thành lập Ủy ban Nhân Quyền tại Việt Nam hồi năm 2006.

Từ 2007 đến 2011, ông thọ án tù về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" sau các hoạt động cổ súy dân chủ bao gồm tổ chức các lớp học miễn phí về nhân quyền cho giới trẻ. 

Sau khi ra tù, ông lập Hội Anh em Dân chủ vào tháng 4 năm 2013 và tiếp tục các nỗ lực giáo dục ý thức dân chủ - nhân quyền cho người dân trong nước.

Mặc dù đã có những cải cách sâu rộng về kinh tế và gia tăng nhận thức về các thay đổi xã hội, trong đó có quyền người đồng tính luyến ái, Ðảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam tiếp tục thắt chặt kiểm duyệt truyền thông báo chí và dứt khoát không dung chấp tiếng nói bất đồng.

Quan hệ giữa Việt Nam và nước cựu thù Mỹ trong mấy năm qua đã nồng ấm lên, nhất là kể từ khi hai bên cùng chia sẻ mối quan tâm chung về thái độ gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, và mong muốn của Washington hoàn tất Hiệp uớc Thuơng mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đầy tham vọng.

Washington đã tháo dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí tồn tại từ rất lâu cho Việt Nam, nhưng việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này phụ thuộc một phần vào thành tích cải thiện nhân quyền của chính phủ Việt Nam.

Nhóm tranh đấu cho nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở ở New York nói rằng Việt Nam đang giam cầm ít nhất 130 tù nhân chính trị. Human Rights Watch nói số vụ truy tố và kết tội mang động cơ chính trị có phần giảm xuống trong năm nay, nhưng nhóm này xem đó là một nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm mưu tìm những ưu đãi cho các thỏa thuận thuơng mại, chẳng hạn như hiệp uớc TPP, mà Việt Nam là một đối tác.

Ủy ban Bảo vệ Ký giả nói Hà Nội không thể dùng mãi những chiêu trò đã cũ rằng chỉ nhượng bộ nhân quyền khi cần để đổi lấy các quyền lợi thương mại rồi sau đó lại tiếp tục mọi chuyện vì cộng đồng quốc tế hiểu rất rõ những gì đang diễn ra tại Việt Nam.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét