Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Thái độ công dân khi đối diện quái vật

Thái độ công dân đối với quốc gia mình, phản ánh rất nhiều điều để nghĩ. Nó có thể làm có người hân hoan vỗ tay cười, và có thể khiến từng cá nhân gục mặt khóc âm thầm.

Tháng 11.2015, sau khi nước Pháp bị tấn công bởi quân IS, số lượng thanh niên xin tòng quân để bảo vệ tổ quốc và đáp trả lại những kẻ đã giết hại đồng bào mình tăng gấp bốn lần. Các cơ sở tuyển quân của Pháp cho biết họ bất ngờ trước các lời xin nhập ngũ và các thư thắc mắc về tiêu chuẩn nhập ngũ lên đến 1.500 hồ sơ, mỗi tuần. Theo ước tính, từ đây đến năm sau, Pháp sẽ nhận thêm 25.000 tân binh nữa. Hầu hết các lý do trong đơn xin nhập ngũ, được ghi rõ rằng họ muốn bảo vệ tổ quốc mình.

Tổ quốc là cái gì đó rất mơ hồ, không cụ thể. Nhưng đứng trước những hình ảnh nơi sinh sống của mình đang lâm nguy, những người chung tiếng nói, quốc tịch của mình bị giết, bị đe doạ, ý thức về tổ quốc bừng dậy như một bản năng cao quý.

Nước Pháp không phải là ngoại lệ. Vụ khủng bố ngày 11.9.2001 ở Mỹ cũng đã khiến tinh thần ái quốc của người Mỹ đa chủng tộc lên cao bất ngờ. Các thống kê cho thấy chỉ một tháng sau vụ đánh vào toà tháp đôi, trang mlive.com cho biết hàng chục ngàn thanh niên đã xin đăng lính vào nhiều binh chủng, đặc biệt ghi rõ là họ sẵn lòng đi đến bất cứ nơi đâu để tiêu diệt kẻ tấn công vào đất nước mình, người dân của mình. Năm 2002, nước Mỹ đón nhận thêm 80.000 tân binh. Tình trạng bùng nổ bất ngờ này làm gợi nhớ số lượt đăng lính tăng vọt sau vụ người Nhật tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) vào năm 1941.

Dâng hiến cuộc sống cho tổ quốc mình vào giờ phút nguy nan, là niềm hãnh diện và cao quý mà không phải nền giáo dục nào, văn hoá nào cũng có thể may mắn có được.

Đã từ nhiều năm nay, các bản tin về tàu Trung Quốc tấn công ngư dân Việt mỗi lúc càng nhiều, càng hung hãn. Tàu lạ, hay tàu “bạn hữu nghị” từ phương Bắc tràn xuống, cướp, giết, bắt cóc… kể cả bao vây đường biển của Việt Nam – nói chính xác là một cuộc xâm lăng trong thời đại mới. Thanh niên Việt trong đời sống xã hội chủ nghĩa đã làm gì?

Thật kinh ngạc, tăng dần theo thời gian là số lượng cha mẹ đưa con cái đi du học, đi xa đất nước như một cuộc đào thoát lớn lao và kiên nhẫn, bao gồm trong đó là các bậc phụ huynh có chức vụ, miệng luôn hô hào xây dựng đất nước và tồn tại hoà bình, 16 chữ vàng với Bắc Kinh.

Bối cảnh Việt Nam luôn thấp thỏm trước các lời đe doạ sẽ bị tiến và chiếm trong 24 giờ của báo chí chính thống Trung Quốc, thì thống kê cho thấy nạn trốn nghĩa vụ quân sự cũng tăng cao bất ngờ. Thậm chí, trên các trang mạng xã hội, giới thanh niên nồng nhiệt bàn với nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự. Có cả cẩm nang 17 cách thoát chuyện đi lính được chia sẻ khắp nơi. Mệt mỏi đối phó với tình trạng này, năm 2013, trung tướng Trần Đình Nhã, phó chủ nhiệm uỷ ban Quốc phòng – an ninh của Quốc hội cũng đã từng đề nghị cho phép hợp pháp việc không phải đi lính, bằng việc đóng tiền thế thân.

Quả là một nghịch cảnh. Một dân tộc từng đánh bại mọi quân đội ngoại bang, ngay cả lúc túng cùng nhất, lại rơi vào thảm cảnh như vậy. Lẽ nào dân tộc Việt Nam hôm nay không còn yêu nước, hay không còn tin vào những món hàng vũ trang quân sự “khủng” hàng đầu thế giới vẫn được thông tin là đã về đến, đã trang bị cho quân đội nước mình?

Đây là một vấn đề thật đáng suy nghiệm lâu dài, nhưng để trả lời nhanh, rõ ràng con người đang mất niềm tin. Trong mọi sự hy sinh cho tổ quốc mình, chắc chắn nhân dân không ngại, nhưng họ muốn sự dâng hiến của mình phải có ý nghĩa. Và thật là ngu ngốc, nếu chết không cho ai, để làm gì.

Ngày 29.11.2015, thêm một ngư dân Việt bị bắn chết thảm thương trên biển ở Trường Sa, Quảng Ngãi. Anh bị bắn không có thông báo, không có cảnh cáo, bị bắn đến năm phát đạn vào một con người chỉ biết quăng lưới và thả câu.

Người ngư dân này bị bắn chết như một chọn lựa đầy suy tính của kẻ thù, để tuyên bố về quyền kiểm soát biển, sau khi giở bạt che súng 30mm nhắm vào tàu kiểm ngư, tàu tiếp tế của Việt Nam. Người ngư dân này đã chết thay cho bất kỳ một sinh mạng của người lính hải quân Việt Nam nào đó, bởi đòn trấn áp của Bắc Kinh nhằm chứng minh giá trị của đường chín đoạn trên Biển Đông, đối với quốc gia “núi liền núi, sông liền sông” với mình.

Người ngư dân này bị bắn chết trên biển, bởi niềm tin từ các nhà lãnh đạo trên bờ vẫn thúc giục rằng hãy cứ ra khơi và cứ đánh bắt như một cách “thực thi chủ quyền của tổ quốc”. Những người còn sống hãi hùng đã đưa thi thể của người ngư dân này về đất mẹ, thật cô đơn, vì bởi hàng trăm hải lý đầy kẻ thù đó, cũng có những tàu cảnh sát biển đi tuần tra “khống”, báo cáo láo để ăn tiền dầu, tiền hoạt động, để vui vẻ an sinh trên bờ.

Ai đã ngại ngùng khi đưa Bắc Kinh ra toà án quốc tế về tội xâm lấn đường bộ, đường biển, và ai sẽ im lặng không đưa Bắc Kinh ra toà diệt chủng về tội giết hại ngư dân Việt khi đang sinh sống trên vùng biển của chính mình?

Thật kinh hãi, khi những ngày này, lại còn xuất hiện những loại người luôn rêu rao sự dạy dỗ rằng “Gây hấn với Trung Quốc thì không có lợi” hay “Nhân nhượng là khôn ngoan”… Những suy nghĩ như vậy đang tập dần cho thói quen sợ hãi mất mát cho mình, nhưng lại im lặng và chọn lựa thay thế bằng máu của những ngư dân. Nó giống như những câu chuyện cổ tích về các ngôi làng xưa phải hiến tế ai đó cho quái vật để được yên. Vẫn có những người tin rằng việc hiến tế không bao giờ đến lượt mình, và mỗi ngày vẫn ăn ngon ngủ yên với những con cá đẫm máu của đồng loại mình. Họ không muốn một cuộc chiến đối diện thẳng với con quái vật vì sợ mất mát.

Tuấn Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét