Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Một mặt khác của chương trình Tri Ân Anh – TPB VNCH

GNsP (05.01.2016) – Chúng tôi tạm dùng bài tường thuật này để kết thúc giai đoạn 1 của cuộc hội ngộ quý TPB VNCH trong dịp năm mới 2016, phần 2 sẽ được tiếp tục nhưng mang một sắc thái khác hơn, đó là việc tiếp đón các quý TPB VNCH vì nhiều lý do khác nhau đã không thể tham dự trong phần 1. Phòng Công lý và Hòa bình sẽ liên tục mở cửa để tiếp nhận quý ông đã ‘trễ tàu’ trong phần 1 và sẽ thực hiện việc gửi quà đến những vị trong tình trạng không thể đến được.

Các bài tường thuật của phần 1, chúng tôi lấy một tên chung và ‘vườn tao ngộ’. ‘Vườn tao ngộ’ nhắc chúng ta nhớ đến một khoảng sân rộng lớn của Trung tâm Huấn luyện Quang Trung –nơi mà hàng tuần vào ngày Chúa nhật các tân binh trong thời gian huấn luyện được gặp gỡ thân nhân và nhận quà tiếp tế. ‘Vườn tao ngộ’ một địa danh đầy cảm xúc với những ai đã từng đi qua Trung tâm Huấn luyện Quang Trung không chỉ là cho lính, mà cho cả thân nhân của lính, đặc biệt là những người yêu của lính. ‘Vườn tao ngộ’ địa danh của nỗi mong chờ, nơi dạt dào những cảm xúc, yêu thương, hạnh phúc, đau khổ, chia ly. Những nỗi mong chờ ấy, những dạt dào cảm xúc ấy, những yêu thương, hạnh phúc và cả những khổ đau 40 năm rồi, hôm nay, những người chịu trách nhiệm chương trình muốn làm sống lại nơi sân phía sau nhà thờ, sân hiệp nhất DCCT 38 Kỳ Đồng, phường 9, Quận 3, Sài Gòn.

Có một điều khác ấy là những người lính trẻ năm xưa nay đã ngoài lục tuần, những thanh niên cường tráng năm nào nay đã là những TPB tàn tạ thân xác. Thân nhân được thay bằng những Tình nguyện viên (TNV) đầy nhiệt huyết và yêu thương. Bộ chỉ huy quân trường được thay bằng những người linh mục giàu nhân hậu.

Một ông TPB sống tại Đắk Lắc xúc động chia sẻ và gửi lời cám ơn đến quý cha DCCT thuộc Văn phòng Công lý và Hòa bình DCCT Sài Gòn, quý ân nhân trong và ngoài nước và các TNV, vào ngày 02.01.2016

Bài phóng sự hôm nay xin được thôi nói về những người TPB VNCH để dừng ống kính soi rọi vào một số khuôn mặt TNV. Họ là những người đến từ mọi miền đất nước, nhiều thành phần khác nhau, nhiều tuổi tác khác nhau, nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung một tấm lòng là yêu thương những người TPB VNCH.

Chúng tôi gặp được họ là những người tri thức, những nhà giáo, kể cả họ là những giảng viên đại học, những kỹ sư của những ngành nghề kỹ thuật. Họ đứng trên bục giảng là những kỹ sư tâm hồn, là những thầy dạy về kỹ thuật truyền đạt kiến thức cho thế hệ kế tiếp. Họ là những kỹ sư ngang dọc ngoài công trường, uy nghiêm trong nhà máy. Nhưng hôm nay, họ là những TNV khoác lên người trên áo tình nguyện, họ cúi xuống trên những người què cụt, những người ăn mày, ăn xin, những người bán dạo vé số. Không quan ngại mùi vị, không quan ngại sạch dơ, không quan ngại nặng nhẹ vì họ yêu mến quý ông.

Họ là những nghệ sĩ đã từng làm mưa làm gió trên sân khấu, đã từng hút hồn người nghe người xem, đã từng lôi cuốn khán giả đi vào những vùng trời xa xăm của mộng mơ, của hy vọng và của nghệ thuật. Hôm nay, họ dắt, họ dìu, họ bế, họ ân cần thăm hỏi, họ nâng niu quý ông như nâng niu món quà nghệ thuật mà họ cống hiến cả đời.

Họ là những người đến từ ‘bên thắng cuộc’. Có một thời họ đã kiêu hãnh về cuộc chiến thắng thần thánh, có một thời họ đã kiêu hãnh về sự nghiệp giải phóng hão huyền của họ, hôm nay, họ nhận ra sự thật, họ nhận ra chân lý và nhất là họ nhận ra sự công bằng. Họ đến đây ân cần với quý ông, mời từng ly cà phê, từng ly trà đá, nhẹ nhàng thăm hỏi và luôn nở những nụ cười với những người đã có một thời gian quá dài trong khốn khó.

Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, một người Cựu Chiến Binh của Quân đội Nhân dân (Miền Bắc), một nhà lên tiếng về nhân quyền và dân chủ. Ông bày tỏ cảm tưởng của ông đứng trước những người TPB VNCH, vào ngày 28.01.2015

Họ là những người trẻ sinh ra sau chiến tranh, họ không có một tí kỷ niệm nào về chiến tranh, về hận thù, về ý thức hệ. Họ lớn lên trong một nền giáo dục định hướng nhưng đến một ngày tầm mắt của họ vươn xa, tâm hồn của họ mở rộng, họ thấy được sự thật, họ thấy được điều họ cần phải làm. Họ đến ‘vườn tao ngộ’ để làm điều phải làm, nếu còn muốn làm người.

Họ là những bác sĩ, những điều dưỡng, những y tá. Họ đã quen rồi việc chạm đến những con người bệnh tật ốm đau, họ quen rồi khi chạm đến những con người khốn khổ, nhưng hôm nay, họ đến đây vì họ xúc động thực sự, vì họ được chạm đến những con người không chỉ khốn khó nhưng còn là những nạn nhân của bất công, một sự kỳ thị và của sự oan nghiệt.

Xin bác sĩ một toa thuốc


Em gái hậu phương thăm hỏi các anh chiến binh

Bác sĩ can thiệp ngay khi có ‘biến’

Họ là những con người đã được chọn lựa tận hiến cuộc đời cho việc Loan báo Tin mừng. Họ đã đi qua những môi trường của phục vụ, họ đã đi qua những hoàn cảnh nghèo đói, hôm nay, họ đến đây để chạm được vào người không chỉ nghèo đói mà còn là thành phần ‘bị bỏ rơi hơn cả’, một vị nữ tu đã chia sẻ với chúng tôi rằng: “Tôi tìm được niềm vui và thêm hăng say trong công cuộc loan báo Tin mừng’. Và, họ là những người một thời đã theo chân những người lính trẻ ở những mặt trận ở mọi nẻo đường đất nước. Ngày ấy, họ còn trẻ, họ đã cất tiếng hát bên giường của những thương bệnh binh, trong hầm của bộ chỉ huy tiền phương, trong bản doanh của Bộ chỉ huy hậu cứ… Hôm nay, cùng với tuổi các ông, họ đến đây để cất tiếng hát, để tiếp tục chia sẻ với mọi người, xưa họ đã một thời là người yêu của lính, hôm nay họ đến đây cất tiếng hát chia sẻ với mọi người rằng, họ một đời yêu lính. Còn giọng ca nào ngọt ngào hơn cho lời hát: “Nếu em không là người yêu của lính, ai sẽ nhớ em chủ nhật trời xinh…”

Các linh mục phòng Công lý và Hòa bình DCCT Sài Gòn sẽ không thực hiện một cách mỹ mãn nếu không có sự cộng tác tích cực của các tình nguyện viên. Những con người tận tâm tận lực hy sinh, không chỉ giờ giấc, sức khỏe, tiền bạc nhưng còn hy sinh cả ‘sự nghiệp chính trị’ của mình nữa. Các ông TPB bị đe dọa, bị cản trở, bị ngăn cấm, bị sách nhiễu đủ điều khi tham gia chương trình Tri Ân Anh – TPB VNCH, người TNV cũng phải chịu bằng ấy điều không kém khi đến với chương trình này.

Vì tình thương mến, vì lẽ công bằng, vì quyền làm người, vì lòng biết ơn, xin cám ơn nhau và nguyện chúc một năm mới bình an hạnh phúc.

Các TNV dìu dắt các ông ra về và mong rằng trong năm nay sẽ có những cuộc họp đông hơn, vui hơn và ấm cúng hơn.

Cám ơn tất cả các TNV nhiệt thành, tận tụy và tràn đầy yêu mến

Pv.GNsP



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét