Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Người dân không quên các chiến sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma

GNsP (14.03.1988) – Trận chiến Gạc Ma là tên gọi chung cho cuộc chiến xâm lăng của quân Trung Quốc đối với các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao vào ngày 14.03.1988.

Chính vì lẽ đó, để người dân không quên sự hy sinh của các chiến sĩ đã vị quốc vong thân, nhiều nhóm Tổ chức Xã hội Dân sự, người dân VN sống ở các tỉnh Miền Bắc và Miền Nam đã tổ chức lễ tưởng nhớ và tri ân vào sáng hôm nay 14.03.2016.

Tại Hà Nội

Tuy nhiên, ngay từ ngày hôm qua 13.03.2016, nhà cầm quyền đã huy động lực lượng công an và an ninh đến “khuyên răn” và hạch sách những người có tiếng nói khác nhà cầm quyền, bà con dân oan không được đi tham dự buổi tưởng niệm này. Không những vậy, họ còn đưa lực lượng an ninh mặc thường phục và công an đến tận nhà canh gác những người này.

Gia đình bà Cấn Thị Thêu, sống ở Dương Nội-Hà Nội là một trường hợp điển hình. Bà Thêu kể lại:

“Bắt đầu từ tối hôm qua (13.03.2016), họ đến nhà tôi rất đông, ba người vô nhà tôi nói chuyện, còn lại họ đứng ở bên ngoài. Con tôi là Trịnh Bá Phương nói những việc làm sai trái của họ và yêu cầu họ hãy quay trở lại với nhân dân. Sáng nay, khoảng mấy chục an ninh, xe máy và xe ôtô tiếp tục bao vây nhà tôi và cấm cản tôi và con tôi đi tham dự buổi tưởng niệm. Họ ép tôi lên ôtô đi về phường để trình diện vì họ nói là khi tôi ra tù tôi chưa trình diện với họ. Tôi nói với họ rằng, kể cả có giấy mời của các ông thì tôi có quyền đi hay không đi cũng được. Các ông là quân cướp đất, đánh con tôi, đánh dân tôi, bỏ tù tôi, tôi là người ngay thì không thể đi trình diện người gian. Họ ép tôi lên xe nhưng tôi kiên quyết không đi. Mẹ con tôi không đi được nhưng bà con dân oan Dương Nội vẫn đi tham dự buổi tưởng niệm.”

“Họ ngăn cản tôi là một hành vi hèn với giặc ác với dân. Tôi nói thẳng với họ rằng, đáng lý ra ngày hôm nay, ĐCS VN phải tổ chức tưởng niệm những anh hùng đã ngã xuống vì tổ quốc, tại sao các anh không làm được điều này thì người dân chúng tôi phải đứng ra tổ chức, rồi bây giờ cản người dân thì các ông có phải là người dân VN hay không?”, bà Thêu nói.

Lực lượng công an đến “khuyên” và cấm cản gia đình Dân oan Dương Nội Cấn Thị Thêu không được tham dự buổi tưởng niệm các tử sĩ Gạc Ma.

Lực lượng công an bao vây bên ngoài nhà Dân oan Cấn Thị Thuê, sống ở Dương Nội-Hà Nội.

Hơn 200 người dân Hà Nội tham dự buổi tượng niệm Gạc Ma tại tượng đài Lý Thái Tổ, Nhà báo Phạm Thành từ Hà Nội cho GNsP biết:

“Hôm nay, đúng 8 giờ, nhân dân Hà Nội có rất nhiều cụ già, thanh niên, nhiều tầng lớp tập trung tại tượng đài Lý Thái Tổ- Hồ Gươm để thắp hương tưởng niệm 64 chiến sĩ Gạc Ma. Khoảng hơn 200 người tham dự. Đúng 8 giờ 30, thắp hương tưởng niệm và hô hào các khẩu hiệu “Hoàng Sa-Trường Sa của VN”, “Đả đảo quân Trung Quốc xâm lược”, “Đả đảo quân Trung Cộng xâm lược”… Cả đoàn người đi xung quanh bờ hồ, vừa đi vừa hô vang như vậy. Bên cạnh có những xe cảnh sát đi theo để giữ trật tự và không có dấu hiệu phá rối buổi tưởng niệm.Đoàn tưởng niệm đi quanh bờ hồ biểu tình và hô vang các khẩu hiệu chắc chắn sẽ được nhiều người nghe, nhiều người nhìn thấy thì sẽ đánh thức dậy lòng yêu nước của mỗi người dân, họ không thể thờ ơ những người đã đổ xương máu hy sinh. Điều này cũng cho chính quyền thấy rằng, họ không đứng ra tổ chức thì hoàn toàn có lỗi với nhân dân.”

Nhà báo Phạm Thành nói: “Thực sự, những ngày này, chính quyền phải tổ chức cho người dân tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma nhưng họ không một động thái nào. Và, các buổi tưởng niệm diễn ra tại Hà Nội và Sài Gòn hôm nay hoàn toàn là tinh thần tự giác yêu nước của người dân muốn tri ân những người đã ngã xuống bảo vệ lãnh thổ đất nước.”






Sau khi thắp hương và làm nghi thức tưởng niệm, người dân Hà Nội biểu tình xung quanh Hồ Gươm và hô to các khẩu hiệu “Hoàng Sa-Trường Sa của VN”, “Đả đảo quân Trung Quốc xâm lược”, “Đả đảo quân Trung Cộng xâm lược”…

Dù đã lớn tuổi nhưng với tấm lòng muốn tri ân các tử sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, ông Hưởng, 67 tuổi sống tại Hà Nam đã đi hơn 100 cây số để vào Hà Nội tham gia buổi tưởng niệm, ông chia sẻ: “Trong tâm niệm của tôi, tôi vô cùng biết ơn các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ biển đảo của quê hương. Tôi sợ họ ngăn cản nên tôi đã phải đi trước một ngày để có thể tham dự buổi tưởng niệm ngày hôm nay. Tôi thấy, bà con rất phấn khởi, nhiệt tình trong buổi tưởng niệm ngày hôm nay.”

Tại Vũng Tàu

Tại Vũng Tàu,người dân tham gia tổ chức buổi tưởng niệm không đông như tại Hà Nội, tuy chỉ có 7 người nhưng họ tri ân các tử sĩ Gạc Ma với tấm lòng chân thành của một người con dân nước Việt yêu nước.

Ông Hải, một người dân Vũng Tàu cho biết: “Nhóm chúng tôi gồm 7 người, thuê một cái tàu nhỏ đi về hướng Biển Đông thắp hương và dâng hoa tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc Chúng tôi thực hiện buổi tưởng niệm với mong ước chính quyền phải tôn trọng sự thật, phải cho người dân biết sự thật về cuộc chiến Gạc Ma đã bảo vệ tổ quốc như thế nào.”





Tại Nghệ An

Một nhóm bạn trẻ sống tại Nghệ An làm nghi thức tưởng niệm các tử sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma theo cách thức của họ.



Tại Sài Gòn

Có hơn 50 người dân sống tại vùng Sài Gòn quy tụ tại tượng đài Trần Hưng Đạo, Bến Bạch Đằng, Quận 1, Sài Gòn thắp hương tưởng niệm các tử sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma.

Tuy nhiên, lực lượng an ninh và công an đã giựt lẵng hoa của người dân và ném xuống đất, bà Dương Thị Tân tường thuật lại sự việc:

“Hôm nay, có khoảng hơn 50 người dân tham dự. Chúng tôi mang một vòng hoa ra tưởng niệm các chiến sĩ bị lực lượng an ninh cướp lấy và quăng xuống vỉa hè. Một tốp các bạn trẻ đi theo sau và chất vấn các an ninh này tại sao lấy và giựt hoa của chúng tôi, mọi người có đấu khẩu một tí xíu, sau đó nhặt lẵng hoa lên. Buổi tưởng niệm diễn ra tương đối suôn sẻ mặc dù thiếu những người khởi xướng trong nhóm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng như ông Kha Lương Ngãi, ông Lê Công Giàu… bởi vì các ông này được các an ninh mời xuống ngồi nói chuyện ở một địa điểm khác khá xa so với nơi diễn ra buổi tưởng niệm. Một số bạn trẻ như Hoàng Bùi, Huy Hoàng… cũng bị giữ lại khi đến gần nơi diễn ra tưởng niệm. Tuy nhiên buổi tưởng niệm diễn ra ôn hòa, chúng tôi thắp nhang, hô các khẩu hiệu “Trường Sa-Hoàng Sa là của Việt Nam”, “Gạc Ma là của Việt Nam”, “phản đối Trung Quốc xâm lấn Biển Đông”, “phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông”…

Không khí buổi tưởng niệm tại Sài Gòn khá hào hùng, Nhà báo Sương Quỳnh nói:

“Lần này, chính quyền cho người dân tổ chức một cách thoải mái hơn, không cho người vào phá rối, quấy phá, thậm chí cũng ít người quay phim chụp ảnh, họ chỉ đứng vòng ngoài đứng xem. Thế nhưng, hơn một nửa các bác trong Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng bị chặn ở nhà, chỉ có những ai như tôi, bác Kha Lương Ngãi… rời khỏi nhà trước một hai ngày thì mới tham dự được buổi tưởng niệm. Không khí buổi tưởng niệm khá hào hùng. Các buổi tưởng niệm này do chính các công dân yêu nước tổ chức tri ân những người đã nằm xuống vì Tổ quốc.”

Nhà báo Sương Quỳnh cũng cho biết rằng, năm nay, nhà cầm quyền đã chỉ đạo các báo lề đảng cho truyền thông nhiều về cuộc chiến Gạc Ma. Đây là một sự thay đổi? Nhà báo Sương Quỳnh cho nhận xét: “Năm nay, tôi thấy nhà cầm quyền đã có những bài báo về Gạc Ma, thậm chí sáng nay tivi cũng nói về cuộc chiến này, có lẽ nhà cầm quyền đã biết thay đổi, có thể do Trung Quốc áp đảo ngoài Biển Đông quá mạnh, do đó họ không thể im tiếng được nữa, vì thế họ buộc phải cho người dân tổ chức buổi tưởng niệm này.”





Hèn với giặc…

Trên một trang thông tin điện tử của nhà cầm quyền Việt Nam quản lý, có clip phỏng vấn người dân Việt Nam về “trận chiến Gạc Ma”. Hầu hết những người được hỏi- là sinh viên, thanh niên, người lớn tuổi đều trả lời “không biết”, “không nghe nói tới”. Đây là kết quả của chính sách “hèn với giặc…”. Nhà cầm quyền này đã không chỉ hạn chế thông tin, mà còn cấm cản người dân tìm hiểu, tổ chức tưởng niệm những người đã ngã xuống bảo vệ Gạc Ma vào ngày 14.03.1988, chỉ để “bảo vệ tình hữu nghị viển vông” với chính quân xâm lược Trung Quốc.

Một diễn biến khác, bản thảo sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử trong hai năm bị hơn 10 nhà xuất bản (NXB) từ chối cấp phép, mới đây, ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục xuất bản, in và phát hành – cho biết bản thảo sách vẫn còn nhiều sự kiện, chi tiết chưa được thẩm định. Các NXB muốn in cuốn này phải có hội đồng lịch sử thẩm định chuyên môn. Tuy nhiên, Thiếu Tướng Lê Mã Lương – chủ biên sách – khẳng định các nhà báo đóng góp bài viết cho Gạc Ma – Vòng tròn bất tử đã lặn lội đi gặp trực tiếp các gia đình liệt sĩ Gạc Ma và các chiến sĩ bị Trung Quốc bắt giữ thời đó để ghi lại sự việc. Ông nói: “Không ai hơn người trong cuộc có thể kể lại những gì họ đã trực tiếp trải qua, chứng kiến. Sau ngày 14/3/1988, trừ những người có mặt ở trận hải chiến, rất ít người bên ngoài biết tường tận sự việc. Không có một Hội đồng lịch sử nào có thể thay thế được nhân chứng lịch sử”. Về ý kiến của Cục xuất bản đòi lập Hội đồng lịch sử của Bộ quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân để thẩm định sách về Gạc Ma, Tướng Lương cho là một điều không tưởng, có chờ vài chục năm nữa hội đồng đó cũng chưa ra đời và cuốn sách cũng không thể xuất bản. “Tôi đã phục vụ và làm việc trong quân đội gần 50 năm và biết rất rõ ở Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân không có hội đồng thẩm định đó”, ông nói.

Như vậy, ngoài trận hải chiến Hoàng Sa giữa các chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu chống trả quân Trung Quốc xâm lược vào năm 1974; Trận chiến Biên giới phía Bắc năm 1979 và những năm sau đó; thì nay “trận chiến Gạc Ma” ngày 14/3/1988 cũng đang “bị lãng quên”, do chính nhà cầm quyền cố tình bưng bít, ngăn cản…

Huyền Trang, GNsP

Ảnh: Nguồn facebook

1 nhận xét:

  1. "Người dân không quên các chiến sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma"

    Đúng . Người dân chỉ quên tại sao (chủ trương kiên quyết không chống lại của Đảng & Chính phủ) và ý nghĩa (làm bia tập bắn miễn phí, làm tấm gương sáng của tình quốc tế vô sản) của những hy sinh đó thôi.

    Trả lờiXóa