Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

ĐỪNG ĐEM ĐẢNG RA ĐÂY ĐỂ DỌA DÂN NỮA.

ĐẶNG BÍCH PHƯỢNG

Bình thường, tôi không quan tâm đến chuyện có ai đó công kích mình. Nhưng khi quyết định ra ứng cử quốc hội, tôi cho rằng để cử tri tin mình cũng là một trách nhiệm. Bởi vậy, khi đọc bài: Điều gì phía sau trào lưu “Ồ ạt tự ứng cử” , đăng trên báo quân đội nhân dân điện tử, do “một nhóm phóng viên” viết, tôi nghĩ tôi cũng nên có đôi lời thưa lại như sau:


1/ Có hay không chuyện gây khó dễ cho ứng cử viên độc lập?

Ngay từ việc tự ứng cử, tức là trái luật bất thành văn “Không qua đảng cử”, đã khiến nhiều người ngạc nhiên, thậm chí khó chịu. Người thì bĩu môi “Phải biết mình là ai chứ?”, người khác lại bảo “Điên à?”

Phải để người khác giới thiệu, chứ không được tự tiện ứng cử - Điều này đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Như tôi đã chia sẻ trên mạng, tôi muốn xã hội thay đổi ngay từ nếp suy nghĩ thụ động này.

Với các ứng cử viên tự do khác tôi không rõ, nhưng với những ứng cử viên có tiếng nói phản biện, thì chuyện bị gây khó dễ là có. Tuy ban đầu nó có vẻ không nghiêm trọng, nhưng nếu các ứng cử viên này không kiên trì “đấu tranh”, thì nguy cơ bị loại ngay từ khâu nộp hồ sơ là hiển nhiên.

Đơn cử thế này. Khi tôi xác minh sơ yếu lý lịch lần đầu, UBND phường nơi tôi đăng ký hộ khẩu thường trú xác minh cho tôi ngay. Lúc đem hồ sơ đi nộp, cán bộ Ủy ban bầu cử chỉ ra một số lỗi nhỏ, ví dụ trình độ văn hóa, ghi 10/10 là không đủ, mà phải ghi là 10/10 phổ thông hay bổ túc. Rồi mặc dù chính cán bộ thừa nhận câu chữ trong mẫu không chuẩn, ví dụ lẽ ra mục 15 phải hỏi, có là đảng viên hay không, thì người khai sẽ chọn có, hoặc không. Nhưng mẫu lại mặc định sẵn, “nếu là đảng viên thì phải ghi rõ a,b,c v.v…”. Rốt cục tôi phải ghi thế này mới là “đúng”:

- Mục 15: Nếu là đảng viên thì ghi rõ: Không!

Nghe rất vô lý. Nhưng mẫu nó thế.

Và chỉ nội 2 mục đó, là bản sơ yếu lý lịch của tôi trở thành không hợp lệ. Nhưng cái này không quan trọng. Lần đầu, ứng cử viên nào cũng bỡ ngỡ cả.
Tôi khai lại, rồi trở về UBND phường nơi tôi đăng ký hộ khẩu để xác minh. Tôi bắt đầu gặp rắc rối, vì phường bảo tôi khai không trung thực, giấu nhẹm phần “kỷ luật”, nên phường không thể xác minh sơ yếu lý lịch cho tôi.

Nói thật là tôi muốn khoe cái phần đó chết đi được ấy chứ. Ai chả biết tôi bị bắt khi đi biểu tình chống Trung Quốc, chứ ăn trộm ăn cắp gì mà phải giấu giếm? Vào Hỏa Lò, tù thường phạm còn trố mắt ngạc nhiên, khi biết tôi bị bắt vì biểu tình chống Trung Quốc nữa là. Các vị có cố bóp méo, cũng không thay đổi được sự thật đó.

Nhưng vấn đề ở chỗ, nếu tôi khai theo ý phường, thì Ủy ban bầu cử lại cho là hồ sơ không hợp lệ. Không khai thì phường không xác minh. Tôi mất thời gian đi lại nhiều lần, giải thích mỏi miệng, thậm chí phải làm đơn yêu cầu “làm rõ”, phường mới chịu đọc lại hướng dẫn và xác minh sơ yếu lý lịch cho tôi. Tuy nhiên, tôi cho là UBND phường chịu sự tác động nào đó. Nếu không, tôi đã gặp rắc rối ngay từ lần đầu tiên, chứ không phải đợi đến lần thứ hai như thế.
Vậy đó không phải là gây khó dễ cho ứng cử viên, thì phải hiểu thế nào mới đúng?

2/ UBND phường lạm quyền?

Phường Thành Công, quận Ba Đình, chỉ xác minh chữ ký và hộ khẩu thường trú của tôi. Tôi cho rằng phường Thành Công, sau khi đọc hướng dẫn, đã xác minh chuẩn nhất.

Nhưng ở phường Lý Thái Tổ, và xã Vĩnh Quỳnh, thì ủy ban lại cho mình thêm cái quyền nhận xét về công dân ở phần xác minh lý lịch.

Ví dụ, UBND phường Lý Thái Tổ quản lý cả việc công dân đi nước ngoài làm gì, do ai tiếp đón như trường hợp ứng cử viên Nguyễn Đình Hà. Thậm chí khẳng định ứng cử viên Nguyễn Đình Hà là đảng viên đảng Dân Chủ!

Bằng xác minh này, UBND phường Lý Thái Tổ công khai thừa nhận Việt Nam hiện nay có đa đảng?

Bằng cách nào, UBND phường Lý Thái Tổ biết ông Hà tham gia đảng Dân Chủ?
Ông Hà đã có thư phản đối, chính thức gửi bà Trần Thị Tố Nga - Phó chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ. Trong thư có chỉ rõ, những nhận xét của Ủy ban phường Lý Thái Tổ là trái thẩm quyền “được quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/04/2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, hướng dẫn “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Công tác Tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã” và Chỉ thị số 1520/HTQTCT-CT ngày 20/03/2014 của Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch.” – Ông Hà đã tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội.

- Về nhận xét của bà Trần Thị Tố Nga - Phó chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ trong phần xác minh sơ yếu lý lịch, rằng ông Hà là một công dân không gương mẫu, ông Hà phản đối:

“Bà hay bất cứ quan chức địa phương nào đều không có quyền xác nhận / phán xét một công dân là “không gương mẫu”, trong khi tôi không có tiền án, tiền sự, không có điều tiếng tại địa phương và được sự yêu quý của hàng xóm và khu phố”

- Chi tiết “đã từng tụ tập đông người trái pháp luật 12 lần ở địa bàn công cộng quận Hoàn Kiếm, vi phạm NĐ08/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp đảm bảo trật tự công cộng và Luật Giao thông đường bộ”, ông Hà cho rằng hoàn toàn không có minh chứng cụ thể về thời gian, địa điểm cụ thể ; không có gì chứng minh ông vi phạm như biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, xác nhận như vậy là phạm tội vu khống theo điểm b khoản 2 Điều 122 Bộ luật Hình sự.

- Chi tiết ông Hà “năm 2008 tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam” không vi phạm pháp luật Việt Nam và bà Trần Thị Tố Nga - Phó chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ không có tài liệu, chứng cứ chứng minh được tư cách thành viên Đảng Dân chủ Việt Nam của ông.

Ông Hà cho biết, nếu bà Nga không có bất cứ sự hồi đáp nào, thì coi như bà phải chịu toàn bộ trách nhiệm về nội dung "Bổ sung phần xác nhận" đã nêu trước pháp luật, và ông sẽ tiếp tục truy cứu trách nhiệm trong vụ việc này theo quy định của pháp luật.

Thư phản đối của ông Hà đều trích dẫn các điều luật cụ thể. Tuy nhiên, nhóm phóng viên của báo QĐND điện tử lại không căn cứ vào bất cứ điều luật nào, mà chủ quan cho rằng: “Theo chính quyền địa phương, những thông tin này đều có cơ sở thực tế và được cơ quan chức năng cung cấp” Vậy thì nhận xét trên là đúng quy định, không thể coi đó là gây khó dễ hay phân biệt đối xử”
Làm báo, không chỉ phải tôn trọng sự thật, mà phải hiểu biết về pháp luật. Đưa tin phải khách quan, không thể đưa tin một chiều như “nhóm phóng viên” trong bài báo này.

3/ Các vấn đề khác

Cũng bài báo này nêu:

Điều 4 quy định rất rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam-Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Nếu họ phủ nhận Điều 4 của Hiến pháp, không chấp nhận con đường XHCN, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tức là không trung thành với Hiến pháp rồi, làm sao các vị đủ tư cách là đại biểu Quốc hội?

Nhóm phóng viên này cố tình đánh đồng cơ quan của dân với cơ quan của đảng. Chưa cần làm rõ việc đảng cộng sản có thể đưa ra bằng chứng nào cho thấy, đảng là “Đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc”? Việc các ứng cử viên đưa ra mục tiêu của họ, không có gì là phạm luật. Hiến pháp do con người lập nên, thì con người cũng có thể thay đổi nó nếu không còn phù hợp. Hiến pháp không bất di bất dịch, mà hoàn toàn có thể thay đổi theo từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Bài báo này cố tình quy chụp việc yêu cầu sửa đổi một điều luật không còn phù hợp với công cuộc phát triển của đất nước, tức là không trung thành với Hiến pháp. Không lẽ tiêu chí của tôi là yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai, cũng là không trung thành với Hiến pháp?

Các vị quên câu nói:“Đẩy thuyền đi là dân, mà lật thuyền cũng là dân” ?

Cả nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu các đại diện của dân, thì các vị hãy để cho dân tự quyết, đừng đem đảng ra đây để dọa dân nữa.

ĐBP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét